“La rentrée littéraire - Khai mùa văn học” - Một hiện tượng của nền văn học Pháp đương đại

Thứ Ba, 14/03/2023 00:43

. QUYÊN GAVOYE
 

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 8 đến cuối tháng 11, dù là độc giả hay là người chưa từng đọc một cuốn tiểu thuyết, không một người Pháp nào không biết đến thuật ngữ “La rentrée littéraire - Khai mùa văn học”. Khắp nơi, từ màn hình tivi, đài, báo, internet đến các áp phích đường phố, nhan nhản những quảng cáo về nó đến độ “Khai mùa văn học” trở thành thuật ngữ thân quen với người dân Pháp từ nhiều thập kỉ trở lại đây. Có thể nói đây là một hiện tượng văn hóa vô cùng đặc biệt bởi “Khai mùa văn học” chính là chiến dịch quảng bá các tác phẩm văn học rầm rộ như bất cứ một loại hàng hóa thiết yếu nào của cuộc sống thường ngày. Chính nhờ đặc tính ấy, “Khai mùa văn học” trở thành sự kiện tôn vinh các tác phẩm văn học một cách có quy mô trên toàn quốc với hàng trăm festival sách lớn nhỏ mà hiếm có một nền văn hóa nào có được ngoại trừ một phần của nước Bỉ giáp biên giới với nước Pháp nơi tập trung đông cộng đồng nói tiếng Pháp.

“Khai mùa văn học”, từ một sự kiện thành hiện tượng của đời sống văn hóa và xã hội

Cũng như rất nhiều hoạt động khác trong đời sống xã hội Pháp, điển hình như sự kiện “Khai giảng” đánh dấu thời điểm quay lại trường của giáo viên và học sinh sau hai tháng nghỉ hè, hay như hoạt động “Khai mùa chính trị” đánh dấu điểm khởi động lại các cuộc họp bộ trưởng, nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo ban ngành sau hai tháng nghỉ hè, hay sự khai mùa của không ít hoạt động văn hóa khác..., ngành “công nghiệp” văn học Pháp chọn tháng 9 là tháng khởi điểm của những hoạt động trong năm thay vì chọn tháng giêng như lịch vạn niên đã định hình. Sự lựa chọn đó không hề ngẫu nhiên mà hoàn toàn dựa vào những tính toán kinh tế và lợi ích mang lại cho ngành công nghiệp đặc biệt này.

Về mặt lịch sử, cho đến bây giờ chưa một nhà lịch sử học hay xã hội học nào có thể xác định chính xác thời điểm ra đời của hiện tượng “Khai mùa văn học”. Nhưng tất cả mọi người đều chắc chắn một điều, “Khai mùa văn học” đi đôi và trở thành bước đệm cho giải thưởng văn học Goncourt (giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp), giải thưởng có lịch sử hơn một trăm năm. Tuy nhiên một số nhà sử học cho rằng chính Mallarmé (Etienne Mallarmé hay còn gọi là Stéphane Mallarmé, 1842 - 1898, nhà thơ nổi tiếng của Pháp) là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Khai mùa văn học” vào năm 1874 để nói về hiện tượng quay trở lại của những hoạt động trong đời sống văn hóa vào tháng chín thường niên sau mỗi kì nghỉ hè. Trên thực tế, thuật ngữ “Khai mùa văn học” như chúng ta biết ngày nay trở nên thông dụng từ cuối những năm 1950, cùng với giai đoạn nở rộ của các giải thưởng văn học lớn của Pháp sau Goncourt (Renaudot, Femina, Medicis, Interralié…)

Hình ảnh tại “Khai mùa văn học” ở Pháp năm 2022. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở Pháp, mùa dành cho các giải thưởng văn học tập trung vào tháng 11 (bắt đầu bằng giải Goncourt và Renaudot rồi lần lượt các giải khác). Để bắt kịp các giải thưởng, các nhà xuất bản thường bắt đầu tổ chức xuất bản ấn phẩm vào đầu kì nghỉ hè và tung ra thị trường vào dịp đầu tháng 9 chuẩn bị cho việc xét giải. Ngay cả khi theo quy lệ, các giải thưởng văn học được trao cho tất cả những ấn phẩm xuất bản trong năm thì sự chú ý quá mức của giới truyền thông vào hiện tượng “Khai mùa văn học” cũng đủ khiến các thành viên của ban giám khảo “quên” đi những tác phẩm xuất bản trước đó mà dường như chỉ tập trung vào những ấn phẩm được trình làng trong dịp này. Con người vốn có một trí nhớ ngắn, ngay cả trong một ngành công nghiệp tinh hoa như ngành công nghiệp sách. Đó là lí do “Khai mùa văn học” trở thành giai đoạn thương mại náo nhiệt không khác gì giải thưởng Cành cọ vàng của giới điện ảnh với sự ra đời của hàng trăm đầu sách tiểu thuyết. Đây là một sự thật khó chối cãi, một sự thật được hiển hiện qua những con số đầu sách được xuất bản chính thức: 567 tiểu thuyết vào năm 2018; 524 tiểu thuyết vào năm 2019 - năm trước Covid; 511 tiểu thuyết vào năm 2020 - năm Covid; 521 tiểu thuyết năm 2021 - năm sau Covid; chưa có con số chính thức của năm 2022. Có thể nói đây là số lượng xuất bản khá lớn cho một thời gian ngắn chưa đầy bốn tháng của năm. Cần phải nhắc lại, “Khai mùa văn học” chỉ dùng cho các tác phẩm văn học bao gồm tiểu thuyết và các tự truyện, không tính đến sách khoa học thường thức và các loại sách giải trí khác.

Văn học không thể tách rời lợi ích kinh tế

Ngày nay thuật ngữ “Khai mùa văn học” được dùng để chỉ thời kì thương mại cao điểm của ngành “công nghiệp” văn học; các tác phẩm được tung ra thị trường trong thời gian này được quảng bá rầm rộ bất chấp đó là của nhà văn có tên tuổi hay là của tác giả lần đầu ra sách. Nếu lựa chọn đúng thời điểm tạo được sự chú ý của độc giả, một tác giả vô danh có thể trở thành tác giả nổi tiếng với chỉ một tác phẩm, điều đó đồng nghĩa với việc con số thương mại sẽ tăng lên một cách chóng mặt. Đó là trường hợp của rất nhiều tác giả trẻ về tuổi nghề, chẳng hạn như Catherine Poulain - một nữ nhà văn Pháp sinh năm 1960.

Catherine Poulain rời Pháp ở tuổi 20 để bắt đầu một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Bà đến Quebec vào năm 1987, sau đó định cư ở Alaska với công việc của một ngư dân trong hơn 10 năm trước khi bị cơ quan nhập cư Mĩ trục xuất vào năm 2003 vì làm việc bất hợp pháp. Từ kinh nghiệm này, vài năm sau khi trở về Pháp làm công việc của một người chăn cừu, bà đã viết cuốn tiểu thuyết tự truyện đầu tay Người ngư dân vĩ đại. Cuốn sách được trình làng vào thời điểm của “Khai mùa văn học” năm 2016 và ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của mùa văn học với 70.000 bản vài tháng sau khi xuất bản. Thành công của cuốn sách và sự đón nhận của độc giả đã giúp C.Poulain ẵm rất nhiều giải thưởng văn học năm đó, bao gồm giải Joseph-Kessel, giải Ouest France - giải thưởng của lễ hội du lịch, và hơn hết Người ngư dân vĩ đại đã lọt vào vòng chung kết giải Goncourt trước khi bị đánh bại bởi cuốn tiểu thuyết Trong số những người anh em bị thương của chúng tôi của tác giả Joseph Andras.

Nhận xét về hiện tượng C.Poulain, Emmanuelle Boizet - người sáng lập nhà xuất bản Finitude - nói: “Một sự thành công như thế thực sự rất hiếm… Người ngư dân vĩ đại đã tiếp nối con đường của những tiểu thuyết gia vĩ đại của mảng văn học phiêu lưu như Jack London.” Tuy nhiên để đạt được đến thành công đó là điều không hề dễ dàng. C.Poulain từng tâm sự: “Tôi đã gửi bản thảo cho Gallimard, cho Le Seuil và cho nhà xuất bản Des femmes, chỉ có Le Seuil trả lời: Bà viết rất hay, nhưng bà lại muốn kể quá nhiều. Văn học là một sự lựa chọn.” Câu trả lời của Le Seuil chính là bài học vỡ lòng về kĩ thuật viết dành cho C.Poulain. Những năm sau đó, bà vẫn tiếp tục viết và sửa lại bản thảo của mình để cuối cùng nó trở thành một trong những cuốn best-seller của mùa văn học năm 2016.

Một C.Poulain hoàn toàn mới được sinh ra, một C.Poulain nhà văn có thể sống bằng ngòi bút của mình. Bà hồi tưởng: “Vào mùa thu, tôi trở thành người chăn cừu và trở về sống ở vùng Tây Nam để vừa làm việc vừa sửa sang lại ngôi nhà của gia đình cùng với công việc chăm sóc vườn nho. Tôi không thể tìm được việc làm. Tôi chỉ kiếm được hơn 3.000 euro nhờ vào công việc chăm sóc bầy cừu trong suốt mùa hè; với số tiền đó, tôi chỉ có thể chi tiêu trong một thời gian rất ngắn, tôi thật sự mất tinh thần. Thật may, vào tháng 12, Anne (một nhà báo thường xuyên liên lạc với C.Poulain) gọi cho tôi để nói với tôi rằng Olivier Cohen (Giám đốc Nhà xuất bản Olivier) muốn gặp tôi. Tôi đã cùng chú chó của mình đi lên Paris. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều, và ông ấy đã ôm tôi nói cảm ơn tôi. Tôi rất xúc động nghĩ: Tôi đã trở thành một ai đó. Tôi đã luôn luôn chỉ là một công nhân.”

Câu chuyện của C.Poulain không phải là trường hợp ngoại lệ của các nhà văn chưa có tên tuổi. Phần rất lớn trong số họ đã phải chật vật tìm kế sinh nhai trước khi có thể sống bằng ngòi bút. Vì thế “Khai mùa văn học” chính là cơ hội để tác phẩm của họ tìm được công chúng và giúp họ trở thành một tác giả thành công. Thêm vào đó, nếu các nhà xuất bản lớn dám mạo hiểm đặt cược vào tác phẩm để giành giải thưởng vào mỗi cuối mùa thu, thì đó là một vận may hiếm có cho các tác giả. Đó là lí do giải thưởng Goncourt lại trở thành giải thưởng đáng khao khát của tất cả các tác giả và nhà xuất bản dù giá trị giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng với tấm séc có trị giá 10 euros, một số tiền quá nhỏ. Đơn giản vì giải thưởng Goncourt là bảo chứng cho chất lượng của tác phẩm và từ đó đảm bảo cho sự thành công thương mại. Mỗi tác phẩm chiến thắng sẽ bán được trung bình hơn 400.000 bản mỗi năm (một con số không nhỏ cho tác phẩm văn học hiện thời). Vì vậy, mục đích sâu xa của hiện tượng “Khai mùa văn học” là kích thích doanh số bán sách. Và hơn nữa, nhờ vào các phương tiện truyền thông (báo chí, internet, mạng xã hội), những tác phẩm nhận được những đánh giá tốt và thêm vào một chút may mắn sẽ ẵm được giải thưởng trước kì mua sắm lớn nhất của năm, mùa Giáng sinh, đảm bảo mang lại một số tiền không nhỏ cho các nhà văn và nhà xuất bản.

Khi nhà văn cùng tác phẩm văn học trở thành “star”

“Khai mùa văn học” không đơn thuần là một lễ hội có tính chất thương mại mà nó đã trở thành truyền thống văn hóa của Pháp nhằm tôn vinh những người cầm bút và các tác phẩm của họ. Bất kể ai khi cầm bút cũng mơ được độc giả thừa nhận tư cách tác giả. Nhưng để được thừa nhận, chặng đường của người viết đôi khi khá dài nếu như không có các hoạt động văn hóa và thương mại để quảng bá cho các tác phẩm của họ. Sébastien Rouault, Trưởng phòng Quản lí sách của Nhà xuất bản GFK, từng chia sẻ: “Hàng năm có khoảng hơn 700.000 đầu sách được tung ra thị trường và trong số đó chỉ có khoảng 500 đến 600 tiểu thuyết đầu tay của các tác giả tìm được chỗ đứng ở hiệu sách. Trong số ít ỏi đầu sách đó, chỉ 2 hoặc 3 cuốn có cơ hội trở thành best-seller.”

Trước thực trạng cạnh tranh khốc liệt như thế, làm thế nào để giúp các nhà văn có được đủ tinh thần mà tiếp tục sáng tác? Trả lời cho câu hỏi này, một nhân viên của một hiệu sách lâu năm đã phát biểu trên đài Europe1 (kênh radio số một tại Pháp) vào ngày 16/9/2022: “Tháng 9 chính là tháng quyết định. Khai mùa văn học là một thời điểm rất quan trọng trong các nhà sách. Một thời điểm truyền thông sôi động. Tháng 9 thực sự là khoảng thời gian chúng tôi hỗ trợ các tác giả và nhà xuất bản hết sức có thể để thực hiện giá trị thương mại.” Cách hỗ trợ ấy chính là giúp các tác giả lại gần với độc giả hơn giống như việc tổ chức giao lưu giữa các diễn viên star với fan club để tăng sự tương tác. Vì thế vào mỗi dịp “Khai mùa văn học”, trên toàn lãnh thổ nước Pháp diễn ra hàng trăm festival văn học lớn nhỏ để giúp tác giả giao lưu với độc giả. Có thể kể một vài festival (không kể những festival diễn ra ở thủ đô Paris) thu hút hàng trăm nghìn khách tham gia như: Festival Frontignan (10 - 12/9), Festival Nancy (10 - 12/9), Festival Marseille (10/9 - 9/10), Festival Besançon (17 - 19/9), Festival Manosque (22 - 26/9)… Mỗi tỉnh/ thành một festival. Thậm chí, ngoài những festival mang tính đánh dấu (thông thường thời gian của mỗi festival chỉ kéo dài vài ba ngày nên dù bố trí dày đặc các cuộc tọa đàm thì cũng không đủ thời gian để có thể giới thiệu hết các tác giả, nhất là những tác giả địa phương), mỗi tỉnh/ thành hay vùng đều có những hoạt động quảng bá thêm. Chẳng hạn, vùng Bourgogne - Franche - Comté nằm phía đông nước Pháp với tổng số gần 3.000.000 dân, ngoài Festival Besançon (Besançon là tên gọi của một trong hai thành phố lớn nhất của vùng) với tên gọi “Sách ở trong Vòng Tròn” (Vòng Tròn là tên gọi thân thuộc của thành phố Besançon), còn có một festival thường niên khác kéo dài 2 tuần vào trung tuần tháng 11 mang tên “Les petits Fugues - Những kẻ trốn chạy”. Đây là một festival lưu động với mục đích giới thiệu các tác giả người Pháp của nền văn học đương đại tại các vùng nông thôn và những khu vực dân cư thưa thớt của vùng.

Được thành lập trên ý tưởng của Ban Văn hóa khu vực vào năm 2001, “Những kẻ trốn chạy” liên kết các tác giả với địa phương để tổ chức các buổi nói chuyện tại các trung tâm văn hóa cộng đồng (quán cà phê, thư viện làng, nhà trường, bệnh viện…) với mục đích duy nhất: dù là địa phương nhỏ hay lớn thì cũng phải được hưởng lợi ích văn hóa, và độc giả dù sống ở đâu cũng được phép tiếp cận nhà văn. Do đó trong vòng 2 tuần diễn ra lễ hội, hàng trăm tác giả khác nhau (có những tác giả nổi tiếng và cũng có cả tác giả địa phương) được mời diễn thuyết tại hàng trăm địa điểm khác nhau. Năm này qua năm khác, “Những kẻ trốn chạy” trở thành một hoạt động văn hóa có thương hiệu, tạo cầu nối độc giả - nhà văn - tác phẩm. Nhà văn Pierre Ducrozet nói: “Những kẻ trốn chạy” mang sách (và tác giả của sách) đến nơi mà không ai ngờ tới, một điều thật tuyệt vời. Chúng tôi lái xe hàng trăm cây số để đi từ thư viện đến trường học, từ hiệu sách đến thư viện, với cuốn sách trong tay; ở bất cứ nơi đâu chúng tôi đến, sách của chúng tôi đều được đọc, nghiên cứu, bình luận. Bên ngoài trời lạnh căm, nhưng chúng tôi lại thấy rất ấm áp... Trái với suy nghĩ của nhiều người, cuộc gặp gỡ chủ yếu để các nhà văn tâm sự với độc giả (tại sao họ viết và tại sao lại viết về chủ đề này). Vậy đấy, chúng ta nên mang sách đến nơi không ai ngờ. Mọi thứ có thể xảy ra, ai mà biết được.” Cũng trong khuôn khổ hoạt động của “Những kẻ trốn chạy” 2021, nhà văn Nathalie Kuperman đã nói về sự bất ngờ khi được gặp gỡ những độc giả đặc biệt: “Một cuộc gặp gỡ ở một nơi rất đẹp, một tu viện, một nơi mà những người sống không thể sống độc lập trong xã hội vì họ mắc phải một căn bệnh kì lạ. Đó không phải là nơi để tĩnh dưỡng, mà là nơi hàn gắn cuộc sống. Tôi đã đến gặp những-vị-khách đặc biệt để nói về cuốn sách của mình.”

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để các tác giả chuyên và không chuyên tiếp tục sáng tác, bởi họ biết ở bất cứ nơi đâu họ cũng được đón tiếp nồng nhiệt với tư cách tác giả văn học.

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)