Quan tâm con người những điều nhỏ nhất – Một biểu hiện sự vĩ đại của Bác Hồ

Thứ Hai, 27/03/2023 10:57

. VŨ VĂN HẢI
 

Hồ Chí Minh luôn vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy. Tháng 12-1940 Nguyễn Ái Quốc trong vai một nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch, cùng một số đồng chí từ Nam Ninh đi thuyền về Điền Đông. Người nói tiếng Pháp và tiếng Trung để Phạm Văn Đồng dịch. Bỗng có một đồng chí để rơi tàn thuốc cháy áo, Người buột miệng: “Cháy! Cháy!”[1]. Là một bậc thầy trong việc hóa trang, nhưng chính lúc “để lộ” ấy lại nói đúng nhất về nhân cách này: tình thương yêu con người đến quên mình luôn thường trực trong trái tim vĩ đại. Sau này ở Việt Bắc gian khổ Người luôn chia sẻ cái ấm áp của mình cho bạn bè đồng chí. Ngày 15-1-1948, gửi thư cho cụ Đinh Công Phủ “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”[2].

Tình yêu con người sâu nặng là cơ sở cho những quan niệm thực sự nhân văn, đậm một tình người. Một lần Bác thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn. Bằng mọi cách Người cố gắng tránh cuộc chiến tranh với Pháp, trước hết là vì máu Việt hay máu Pháp cũng đều là máu. Xét đến cùng, cả cuộc đời Bác Hồ là đi tìm hạnh phúc cho con người nên coi con người là trên tất cả.

Là tấm gương sáng nhất về bài học trách nhiệm và sự sẻ chia khi cả nước gặp buổi hoạn nạn, dân đói, dân rét thì Bác góp một vốc gạo, nhịn một bữa ăn, tặng một tấm áo,... Thậm chí giữa trời giá rét Người cởi tấm áo bông đang mặc khoác cho tù binh hay nhắc bộ đội phải cho tù binh đi giày vì họ không quen đi chân không... Đấy là biểu hiện của tình thương lớn chỉ có được từ tâm hồn vĩ đại bao la, sâu sắc một tình yêu con người, không chỉ thu phục nhân tâm mà còn thu phục cả lương tâm thời đại. Có được một người lãnh đạo như thế là hạnh phúc cho cả một dân tộc!

Trái tim Bác nặng ân tình. Ngày 19-5-1947, các đồng chí phục vụ tặng bó hoa rừng nhân ngày sinh nhật, Người cảm động, nói dành bó hoa này đi viếng mộ đồng chí Lộc, cùng cơ quan, vừa mất vì bệnh sốt rét[3].

Ngày 31-3-1959 thăm trận địa pháo Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng (Bãi Cháy - Quảng Ninh), nhận trứng và bí của đơn vị tặng, Bác nói: “Bác rất quý quà này, vì các chú tự làm ra”[4]. Một câu nói nhưng toát lên sự trân trọng những tấm lòng thành thực, trân trọng thành quả lao động của con người.

Yêu thương con người làm cơ sở cho những ứng xử thật tinh tế. Ngày 25-6-1946, Chủ tịch mời các phóng viên dự tiệc trà tại Khách sạn Roay Môngxơ. Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất[5]. Ngày 22-10-1946 Người tặng đại úy Pháp l. Valoa của chiến hạm Đuymông Đuyếcvin bức tranh và mỗi thủy thủ một chiếc huy hiệu[6]. Ông Ô-brắc kể lại trong thiên hồi ký của mình: “Khi dạo chơi, Chủ tịch thường tiếp xúc với một ông lão làm vườn, chuyên trồng hoa trong làng. Theo ông lão, Chủ tịch rất thích hoa thược dược đỏ và vàng, vì, như Người nói, đó là “màu cờ của nước tôi”... Từ đó, hàng ngày, trong phòng tiếp khách của Chủ tịch luôn có những bông hoa thược dược vàng và đỏ... Người cũng tiếp các nhà văn nhà báo bạn bè. Để tránh vất vả cho gia đình tôi, Chủ tịch mời một người nấu bếp đạt tới nghệ thuật điêu luyện tới nhà tôi. Ông tên là Tỵ. Chính nhờ vậy, chúng tôi lại trở thành khách mời của Chủ tịch, được thưởng thức các món ăn Việt Nam rất đặc sắc... Vào hôm kỷ niệm sinh nhật của Ray-mông Ô-brắc, Người tặng ông bức họa Tình mẫu tử của họa sỹ Vũ Cao Đàm (ngày 31-7-1946)”[7].

Sinh thời, hầu như chiều nào có chút thì giờ rảnh rỗi là Bác không quên ra vườn ngắm nghía những mầm lá cam đang nhú và tìm bắt sâu cho cam. Vào dịp cam chín, hôm đoàn khách Liên Xô có anh hùng phi công vũ trụ Ti-tốp vào thăm Bác, Bác tự tay hái cam và tặng khách. Vừa trao trặng, Bác vừa nói vui: “Của ít lòng nhiều, xin quý khách nhận cho”. Nhân cuộc họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Bác bảo đồng chí giúp việc hái tặng mỗi vị một quả cam “cây nhà lá vườn”. Người tự tay lấy tặng mỗi vị một quả và nói rất chân tình: “Cam của vườn Bác chắc không ngon ngọt bằng cam của bà con nông dân ta trồng, chú nào cần ăn thêm đường thì lấy...”[8]. Đây không phải là hành vi và lời nói của một vị Chủ tịch Nước, mà là lời của người Cha nói với những đứa con yêu, như nhắc nhở về đạo lý: ăn quả nhớ người trồng cây, mà người trồng cây vĩ đại nhất là Nhân Dân (mà như Bác nói là “bà con nông dân ta”).

Đối với văn nghệ sỹ Bác dành một tình yêu thương riêng của mình, cách của một trái tim nghệ sỹ đến với tấm lòng nghệ sỹ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhớ lại năm 1946 được gặp Bác để báo cáo về tình hình báo chí. Theo tình cảm thông thường nhà văn nói suy nghĩ của mình là “tờ báo viết kém sẽ đình bản ngay”. Thật không ngờ Bác nói: “Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!”[9]. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng cho thấy một tâm hồn yêu thương vĩ đại biết bao!

Nghệ sỹ Hoàng Châu Ký kể, cuối 1955 một số nghệ sỹ được mời lên biểu diễn phục vụ khách nước ngoài. Sau khi khách về hết, các diễn viên mới thu dọn hậu trường. Bỗng Bác xuất hiện, nói: “Lúc nãy Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại, sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”[10]. Đấy là điều “áy náy” chỉ có ở những bậc đại nhân!

Các anh chị em nghệ sĩ xiếc còn nhớ mãi kỷ niệm một lần biểu diễn ở Hội trường Ba Đình, Bác vào tận hậu đài sân khấu, thăm hỏi, động viên mọi người. Đột nhiên, Bác quay sang hỏi đồng chí phụ trách tổ chức đêm diễn hôm đó: “Chú đã chuẩn bị bồi dưỡng cho các cháu sau buổi diễn chưa?”. “Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị ạ!”. “Thế chú định bồi dưỡng cho các cháu món gì?”. “Dạ thưa Bác, bánh mì patê và nước chanh ạ!”. Nghe vậy, Bác tỏ vẻ không vui, Bác nói: “Xiếc là môn lao động nghệ thuật rất nặng nhọc, nếu là chú sau khi làm việc mệt nhọc, chú có muốn ăn bánh mì không? Bác đề nghị chú cho các cháu ăn món ăn có nước...”[11]. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ nhớ một lần kể cho Bác nghe những buổi diễn dưới tầm pháo địch hoặc dưới những trận mưa rào, nhưng khán giả vẫn ngồi xem rất đông. Tưởng được khen, nhưng Bác nghiêm giọng nói: “Làm như vậy không tốt, không đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho nhân dân cũng như cho diễn viên...”[12].

Nghệ sỹ Tuyết Nhung, diễn viên cải lương khắc sâu kỷ niệm một lần được Bác đỡ dậy khi ngã trong lúc biểu diễn thời trẻ. Đó là khóa cải lương đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu biểu diễn màn cải lương “Trần Quốc Toản ra quân”. Diễn viên Tuyết Nhung đóng vai Quốc Toản chẳng may trượt chân bị ngã, “bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng nói đầm ấm của Bác, giản dị, yêu thương, trìu mến làm sao: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”. Tôi bàng hoàng mở mắt ra, mà ngỡ mình đang trong giấc chiêm bao: Bác đã đến bên tôi lúc nào không biết. Nhanh như tia sáng, nhẹ như làn gió ấm, Bác đỡ tôi lên, độ lượng, hiền từ. Vừa nói, vừa cười, vòng tay Người dang rộng: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”[13].

Nay-hơ-vin, dân tộc Giơ-rai, diễn viên hát, tự hào về món quà mỗi người của đoàn văn công Tây Nguyên một chiếc áo dạ rất đẹp. Nhưng nhớ nhất là lời dặn của Người: “Các cháu mặc ngay áo bông vào không thì bị sưng phổi đấy!”. Khi đoàn mới trình diễn được nửa chương trình thì Bác lại bảo nghỉ. Bác nói: “Diễn như vậy là đủ, các cháu mới ra tập kết chưa quen chịu lạnh, nếu làm nữa sẽ ốm đấy!”[14].

Bác chăm sóc các nghệ sĩ thể hiện ở cả những hành vi nhỏ nhất. Phạm Văn Khoa, đạo diễn điện ảnh nhớ về “Hôm đến làm việc với Bác, một cử chỉ rất thân mật của Bác làm tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra. Bác để tay lên vai tôi, và một tay Bác cài chiếc khuy cổ áo sơ-mi cho tôi”[15]. Từ những chi tiết này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Bác hay tặng quà, dù nhỏ cho mọi người. Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”[16]

Với các vĩ nhân, không chỉ tài năng ở những điều to tát mà có khi thể hiện ở những điều bình dị, nhỏ nhặt nhất. Bác Hồ của chúng ta là một vĩ nhân như vậy!

V.V.H


[1]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr 118.

[2]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 149.

[3]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 83.

[4]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 7. Sđd, tr 265.

[5]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 258.

[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 350.

[7]. Trần Đương - Ấnh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999. tr 18.

[8]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.Tr 99.

[9]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Nxb Văn học 2000. tr 34.

[10]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 50.

[11]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 312, 313.

[12]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113.

[13]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd, tr 294.

[14]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd,.tr 265, 266.

[15]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd, tr 8.

[16]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr 375.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)