. CAO XUÂN KHẢI
Là một chính khách lớn, tất yếu Bác Hồ phải có những đối thoại mang tầm cỡ tương ứng. Một trong những chủ đề đối thoại của Người được quốc tế (những năm cuối thế kỷ XX) quan tâm là về đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Xin phép được giới thiệu một vài nét về nghệ thuật đối thoại mang chức năng “lột mặt nạ” (cách dùng chữ của Bác Hồ) đối phương thể hiện rất rõ phong cách báo chí ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, “nói có sách mách có chứng”, bình luận sắc sảo, trúng “huyệt” đối tượng. Ví dụ dưới đây là đoạn trả lời phỏng vấn:
“Câu hỏi 3: Chủ tịch có cho rằng Giônxơn có thể lừa bịp được ai với những lời tuyên bố về “hoà bình thương lượng”, trong khi đó ông ta lại “leo thang” trong cuộc chiến tranh xâm lược chống lại toàn thể nhân dân Việt Nam? Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về sự đoàn kết quốc tế với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Trả lời: Những luận điệu “hoà bình thương lượng” của Tổng thống Giônxơn không lừa bịp được ai vì lời nói và việc làm của ông ta trái ngược nhau. Trong khi Giônxơn làm rùm beng về “thương lượng hoà bình” thì ông ta lại ra sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và tăng cường việc ném bom phá hoại miền Bắc. Thế là ông ta đã tự lột mặt nạ trước thế giới.
Chúng tôi cho rằng sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế càng làm cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam thêm sức mạnh và thêm chắc chắn thắng lợi.
Câu hỏi 4: Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về việc Mácxoen Taylo “từ chức” đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam và việc Tổng thống Mỹ đã cử Cabốt Lốt sang thay ông ta?
Trả lời: Taylo thay Lốt vì Lốt đã thất bại. Nay Lốt lại thay Taylo vì Taylo cũng đã thất bại. Đó là cái vòng luẩn quẩn đang tròng vào cổ đế quốc Mỹ làm cho họ cuối cùng sẽ thất bại hoàn toàn ở Việt Nam”[1].
Phần trả lời câu hỏi 3 cho thấy một nguyên tắc: hỏi gì nói nấy, nói ngắn gọn thẳng vào nội dung hỏi. Trả lời mang rõ dấu ấn chủ quan của người nói: Thế là ông ta đã tự lột mặt nạ trước thế giới. Phần trả lời câu hỏi 4 cho thấy sắc thái mỉa mai, coi thường, giễu cợt những kẻ cầm đầu gây ra cuộc chiến tranh. Quan trọng hơn là qua đó khái quát tình hình bằng một hình tượng văn học dí dỏm mà lột tả chính xác bản chất của hình tượng: cái vòng luẩn quẩn đang tròng vào cổ đế quốc Mỹ.
Một phương thức “lột mặt nạ” nữa rất thành công là hình thức thư từ. Ngày 8-2-1967, Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn có thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, y đã đưa ra những điều kiện vô lý cho việc chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chấm dứt việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam. Nhưng ngay ngày 14-2-1967, y lại ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Thể hiện nguyện vọng hoà bình, thiện chí của Việt Nam, Bác Hồ vẫn có thư này cho Giônxơn, gửi ngày 15-2-1967. Xin trích phần đầu: “Gửi Ngài L. B.Giônxơn, Tổng thống nước Mỹ,
Thưa Ngài,
Ngày 10 tháng 2 năm 1967, tôi đã nhận được thư của Ngài. Đây là thư trả lời của tôi.
Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng, trái với lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Từ hơn hai năm nay, Chính phủ Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nước độc lập, có chủ quyền.
Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hoà bình và chống lại loài người. Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hoá học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay…”[2].
Lời thư nhẹ nhàng điềm đạm, không nặng nề “đao to búa lớn” mà đầy thuyết phục. Mở đầu là một sự thật hiển nhiên và cũng lấy luôn sự thật hiển nhiên này làm điểm tựa lập luận: “Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ”. Đây có thể coi là một bằng chứng về mặt lịch sử, của không gian, thời gian vật lý. Bằng chứng thứ hai không thể chối cãi là bằng chứng về mặt pháp lý: “lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954”. Và sự thật thì đi ngược lại với những bằng chứng trên: “Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam”. Từ những bằng chứng và sự thật này Bác Hồ đanh thép kết tội: “Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hoà bình và chống lại loài người”. Dĩ nhiên Người đã “lột mặt nạ” nhân từ, “nước mắt cá sấu” của Tổng thống Mỹ: “Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ”. Hai chữ “tỏ ra” ở câu văn đầu đã hàm một ý mỉa mai kín đáo, nhưng đến câu thứ hai là một câu hỏi thì là một sự mỉa mai rõ ràng, quyết liệt. Là câu hỏi nhưng thực chất là một lời đả kích, lên án. Câu hỏi xoáy vào sự thật tàn bạo của đế quốc Mỹ, xoáy vào bản chất giả nhân giả nghĩa của Tổng Giôn.
Một nghệ thuật khác Bác rất hay dùng là hình thức đối thoại ngụ ngôn.
Với đặc trưng là lời nói, mẩu chuyện trong đó gửi gắm một ý tứ xa xôi, bóng gió có tính giáo dục một bài học nhân sinh được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian nên được các nhà chính trị, tư tưởng cả phương Đông và phương Tây lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Với tư cách là một nhà chính trị Bác Hồ cũng mượn ngụ ngôn để sử dụng vào mục đích chính trị, có thể gọi đó là ngụ ngôn chính trị, mà nếu tìm hiểu sâu sẽ phần nào hình dung được quá trình, phương pháp cách mạng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc một cách rất có chủ ý của Người.
Nửa đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một ngụ ngôn mà có lẽ không một lý luận nào hay hơn có thể thay thế: “Hiện nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già mà đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khoẻ ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già”[3]. Như là một thứ vũ khí cách mạng, Bác Hồ dùng ngụ ngôn để phê phán, tố cáo, lên án kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình…
Trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.
“Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?
Trả lời: Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu”[4].
Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh lại còn vu cho người Việt “gây ra cuộc xung đột”. Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Cũng thật thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.
Câu chuyện ngụ ngôn Kẻ cướp nói chuyện hòa bình đã lột tả rõ nhất hoàn cảnh nước ta bị giặc Mỹ xâm lược mà chúng lại vừa “ăn cướp vừa la làng”: “Câu chuyện rằng: Làng Xuân gồm có hai xóm, xóm Trong và xóm Ngoài.
Cả làng làm ăn rất vui vẻ. Bỗng một lũ kẻ cướp từ phương xa đến đánh chiếm xóm Trong. Chúng cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá nhà cửa, hủy hoại ruộng vườn… Chúng mua chuộc mấy đứa bất lương trong xóm làm tay sai cho chúng. Vốn có truyền thống anh hùng, dân làng xóm Trong đã nổi dậy nện cho lũ cướp giập đầu chảy máu.
Thấy không khuất phục được làng Xuân, lũ cướp một mặt thì kêu gào dân làng “bàn bạc cách giải quyết hòa bình”. Mặt khác lại ồ ạt đưa thêm bọn lâu la vào xóm Trong. Không mắc lừa mưu mô xỏ lá của lũ cướp, dân làng Xuân kiên quyết bảo chúng: “Làng này là làng của chúng tao. Chúng mày là kẻ xâm lược. Trước hết, chúng mày phải cút khỏi làng này. Nếu chúng mày chần chừ, thì chúng tao sẽ đẩy chúng mày xuống biển ”… Lũ cướp bèn kêu lên: “Xin thiên hạ làm chứng cho, chúng tôi muốn giảng hoà, nhưng làng Xuân không muốn!”[5].
Câu chuyện hết sức giản dị, chỉ trên dưới một trăm chữ về việc dân làng Xuân đánh cướp bảo vệ làng nhưng đọc lên ai cũng hiểu được lẽ phải chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, ý chí đánh giặc của nhân dân Việt Nam; bản chất ăn cướp, luận điệu trắng trợn, xảo trá mà vô lối của đế quốc Mỹ. Không có tài năng, không có một khả năng khái quát, một tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén… không thể viết được ngắn gọn, sâu sắc như thế!
C.X.K
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 590.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 301.
[3] Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu – Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tr 60.
[4] Trả lời vào tháng 5-1947. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 160.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 690.
VNQD