Tôi còn nợ chính tôi lời sám hối

Thứ Bảy, 24/08/2024 00:26

(Đọc Đêm hoa vàng của Bình NguyênTrang, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

Khổng Tử từng viết: “tứ thập nhi bất hoặc”. Đây có lẽ là độ tuổi thú vị nhất của đời người. Tuổi đôi mươi, con người mơ màng tương lai; tuổi thất, bát thập, hoài niệm về quá khứ xa xăm. Chỉ ở độ tuổi bốn mươi, khi đã “bất hoặc”, hiểu một cách tường tận bản thân, con người như được sinh ra một lần nữa, trở thành một phiên bản khác của chính mình. Và Bình Nguyên Trang cũng vậy. Sau những Lối về, Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, Những bông hoa đang thiền đến Đêm hoa vàng, chúng ta bắt gặp một “nàng thơ” Bình Nguyên Trang khác. Ở độ tuổi này, chị nhận chân mọi thứ. Hạnh phúc không nằm ở quá khứ hay tương lai mà ở hiện tại, ở ngay những gì thân thuộc, bình dị nhất với mình như ngồi với mẹ cha trong mái hiên nhà. Và cuộc đời chỉ là một vở kịch mình và mọi người cùng diễn cho nhau xem: Ta diễn người xem người xem ta diễn/ bao nhân vật chết dần trong chật chội/ trong áo khăn bi hài kịch cuộc đời (Chợt nghĩ). Vạn vật trên đời chỉ như giấc mộng Trang Chu không rõ là thực hay là hư: rằng hư ảo, mất còn và sự thật/ cũng chập chờn như cánh bướm đêm thu (Nguyện cầu tháng tám).

Khi đã tường minh mọi thứ như vậy, không ngạc nhiên khi Bình Nguyên Trang lựa chọn lối sống thu mình lại, lặng lẽ và trầm ổn: Tôi bỗng thấy đời không cần lao xao nhiều quá (Một mình thu) và tìm đến với tôn giáo, cụ thể là đạo Phật như một phương tiện “chữa lành” đem lại sự an yên cho tâm hồn. Hình ảnh “chùa”, “bến giác”, “bến mê”, “Phật” cùng với những triết luận kiểu họ đi tìm đạo nhiều năm/ mà đâu biết đạo là con đường không lối/ con đường sâu mãi vào bên trong/ con đường không nhìn để thấy (Đoản khúc dâng mẹ) xuất hiện trong thi tập như một dấu son bảo chứng cho độ chín về nhận thức của tác giả. Những tưởng tác giả sẽ mãi an yên với cảm ngộ về cuộc đời như thế. Nhưng không, bất hạnh (hay hạnh phúc) của Bình Nguyên Trang nằm ở chỗ trái tim luôn dẫn dắt bản thể theo một lối đi riêng, khác biệt thậm chí mâu thuẫn với lí trí. Nơi sâu thẳm của lòng mình, Bình Nguyên Trang cảm nhận rõ tình yêu vẫn cựa quậy cất lên những đòi hỏi yêu thương. Mặc cho lí trí đã nhận thức rõ ràng mọi thứ sau cùng đều hóa thành cát bụi hư vô: nhưng cái chết mỗi phút giây đều tới/ không trừ ai ngay cả con đường/ ôi cái chết bây giờ em mới hiểu/ trong cao sâu lí lẽ vô thường (Con đường) nhưng chỉ một cái cây, một vầng trăng, một mùi hương, một chiếc lá hay mỗi thời khắc rung rinh của thời tiết lúc giao mùa cũng đủ thổi bùng lên niềm khát khao được sống và được yêu của chị. Mặc dù đã nhận thức rõ ràng Tình chỉ là mơ, huyễn mộng cõi đời (Tan), rằng Tình yêu rồi sẽ mất (Nguyện cầu tháng tám), mặc dù đã nhận lấy bao nhiêu cay đắng về mình khi yêu: hay ta vì yêu người mà buộc vào gánh nặng/…/ lòng ta chết dần theo cánh vàng rơi/ sao người điềm nhiên trên mặt bàn đợi cơn gió tới/ người không băn khoăn cuộc đi này sao ta cứ gọi/ sao ta không đủ từ tâm để người chết một mình (Đêm hoa vàng) nhưng Bình Nguyên Trang không thể không yêu. Những câu thơ viết về tình yêu trong Đêm hoa vàng vừa có cái nhẹ nhàng, đằm thắm của người phụ nữ từng trải, lịch lãm vừa có cái khát khao, dạt dào, mãnh liệt như cuồng phong, bão tố của người con gái tuổi đôi mươi: yêu anh ngày nắng hạn/ yêu anh ngày dâng mưa/ yêu anh sớm sương mù/ yêu anh chiều giá lạnh/ yêu như sông như biển/ yêu như trăng như sao/ yêu như môi kề cận/ yêu như ngực sóng trào (Trong mênh mông thiên hà). Tất cả hòa quyện vào nhau rất “ngọt” làm nên một li cocktail tình yêu muôn vị.

Những thi phẩm trong Đêm hoa vàng đã cho thấy những phức tạp, đa đoan, khó hiểu nhưng lôi cuốn, đầy quyến rũ của một người thơ luôn nợ mình một lời sám hối trong cuộc đời và tình yêu.

ĐOÀN MINH TÂM giới thiệu và chọn


Những chiếc lá

Những chiếc lá đi ngang qua chiều
chầm chậm mùi hương dẫn lối

Mùa hạ lưu lạc trên mặt hồ
mặt trời gọi tên người nơi đáy nước

Mùa thu soi gương mặt thời gian
những đóa hoa đi đâu hay vẫn nơi đây
khi ta nhìn sâu trong úa tàn

Những chiếc lá giấu tâm tư vào đêm
chờ trăng lên và gió

Người hái sen mơ con thuyền đẫm sương
bàn tay thơm nồng hương cốm mới
vài đốm sao ngủ dưới bùn nâu

Những đóa hoa đi đâu
hay đã hóa thành bài hát trong trái tim người ngồi lặng im bóng tối.

 

Trong mênh mông thiên hà

Anh như miền quê cũ
từ ngàn xưa của em
những chiều vương nắng lóa
nghiêng bờ cỏ em nằm

Sông chảy hoài không mỏi
giữa đôi bờ trăm năm
anh là trăng xưa ấy
soi em những đêm rằm

Ta gặp nhau dù muộn
cũng đâu cần sớm hơn
bể dâu dòng nước cuộn
ai biết đâu ngọn nguồn

Một sớm mai chợt buồn
vai anh em tìm, tựa
hiên nhà vàng những hoa
thềm êm êm tiếng lá

Anh từ trong nỗi nhớ
anh từ muôn trùng xa
ôm em ngày tháng lạ
cho em một quê nhà

Cho em một quê nhà
vơi nỗi đời lận đận
vơi mộng mị phù hoa
vơi lao đao tình tận

Yêu anh ngày nắng hạn
yêu anh ngày dâng mưa
yêu anh sớm sương mù
yêu anh chiều giá lạnh

Yêu như sông như biển
yêu như trăng như sao
yêu như môi kề cận
yêu như ngực sóng trào

Yêu như từ kiếp nào
nợ ân tình trao nhận
em - thiên đường lãng quên
sao anh còn vướng bận?

Đời buồn như khăn áo
thêu hội hè qua loa
ơn anh ngày tháng đó
cho em một quê nhà

Cho em một quê nhà
một bờ vai nương tựa
dù ngàn năm trôi qua
rồi một ngàn năm nữa

Tình ta còn thức ngủ
trong mênh mông thiên hà….


Tự sự

Từng vốc buồn
ném vào sẫm tối
tàn tro bay màu cánh hoa hồng
trong ánh sáng cuộc đời hư ảo
còn bóng người như một chấm sao

Không mặt nạ
không bụi mù xiêm áo
chợ phù du lời mua bán ồn ào
yên lặng quá
yên lặng là ngôi đền an trú
ta soi vào thăm thẳm đời nhau

Đêm tro tàn của ngày
đêm còn lại gì đâu
khi tiếng yêu trên môi người bỏng cháy
hoa đã hóa kiếp sống này vào mùi hương - giây phút ấy
không vấn vương đời cánh mỏng phù dung

Lột xác những cũ mèm
lột xác với bóng đêm
sự thật ngồi im cuối đường hầm
sự thật mỉm cười trong bóng tối
trái tim bởi yêu người
trái tim buồn quá đỗi
đêm rồi đêm run rẩy cánh hoa tàn.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)