Truyện ngắn MỘT BUỔI TIỄN ĐƯA của TỪ BÍCH HOÀNG trên VNQĐ số 10 - tháng 10 năm 1957

Thứ Tư, 21/09/2011 09:26

Thế là sớm mai Sâm sẽ lên đường đi đại đội mới. Suốt ngày hôm nay và cả mấy ngày trước, Sâm bận tíu tít; hết lên trung đoàn nghe đả thông nhiệm vụ, lại trở về đơn vị giải quyết những việc còn lại, tối đến dự buổi liên hoan đơn vị tổ chức tiễn đưa Sâm. Cho mãi đến lúc này, đơn vị đã ngủ yên và mọi cái đã xong xuôi, Sâm nằm nhìn lên những bóng trăng tròn lọt qua liếp cửa, lốm đốm trên đỉnh màn, Sâm mới thấy thảnh thơi một chút. Những ý nghĩ gần xa kéo đến, nhưng bây giờ mình với mình, Sâm thấy chúng không ồn ào, thúc giục mà nhẹ nhàng, êm ả như những bóng mây. Sâm đi bộ đội đã bảy, tám năm, làm chính trị viên đã gần ba năm, vì nhu cầu công tác phải thuyên chuyển đơn vị đã khá nhiều lần, nhưng sao Sâm vẫn thấy thế nào trong người, khi phải xa một đơn vị cũ để đi một đơn vị mới. Hình như con người Sâm không hợp, không quen với những cuộc đổi thay như thế. Trong chiến tranh, cái đó đã đành một lẽ, nhưng trong hòa bình Sâm thấy thấm thía hơn cái nặng nề về tình cảm của một cuộc lên đường, dù vì nhiệm vụ. Nhất là lần này Sâm sắp phải xa một đơn vị mà lần đầu tiên Sâm làm nhiệm vụ chính trị viên kiêm bí thư chi bộ Đảng. Ở đó, Sâm hầu như thuộc được hoàn cảnh, tính tình từng người cán bộ và chiến sĩ một, để đi phụ trách một đơn vị hoàn toàn mới đối với Sâm, Sâm càng thấy băn khoăn luyến tiếc trong lòng. Có một cái gì buồn buồn tự dưng cứ đến với Sâm, Sâm muốn xua đi cũng không được, khi nghĩ rằng từ đêm mai Sâm không còn được ngủ dưới cái mái nhà nửa mà đơn vị cùng Sâm đã dựng lên, và trên cái giường gỗ mỏng của Sâm, đặc biệt có con mọt ở giữa lưng này. Sâm chợt nhớ ra mọi đêm vào giờ đây, con mọt ấy - không biết nó ở một mình hay có đôi - đã bắt đầu nghiến gỗ ken két, làm cho Sâm phải tỉnh giấc, đập tay đôm đốp xuống giường để dọa nó mà nó cũng vẫn chẳng thôi cho. Thường Sâm chỉ còn có một cách là quên nó đi cho khỏi tức và tự rèn cho mình cái thói quen biết ngủ ngon lành ngay trên tiếng kêu khó chịu và dai dẳng ấy. Nhưng đêm nay không hiểu sao, Sâm vẫn chưa thấy nó nghiến gỗ dưới lưng. Chẳng lẽ nó cũng biết thông cảm với Sâm và muốn dành cho Sâm một đêm ngủ yên trước khi từ giã nó? Ý nghĩ ấy làm cho Sâm bật cười khe khẽ. Từ những màn bên, tiếng ngáy đều đều vẫn vang lên. Sâm thấy rõ với tâm trạng này, còn lâu Sâm mới ngủ được. Sâm bước ra khỏi màn, lần ra hiên. Sâm muốn được nhìn lần cuối cùng, cái doanh trại thân mến mà Sâm đã sống khá lâu cùng đơn vị. Ánh trăng mờ mờ hơi sương, lặng lẽ tỏa trên những mái nhà đã cũ, những bụi cây, mảnh sân rải cát, những chiếc xà đơn xà kép, những tấm bia quét vôi trắng toát, những mô hình xe tăng đen sì, những giàn mướp nở hoa vàng, con đường đá xanh đi ra bờ giếng... Tất cả những cái đó sao quen thuộc quá đối với Sâm! Trong gió đêm, Sâm có cảm giác như chúng đang thì thầm nói với Sâm những lời từ biệt. Sâm đứng tựa lưng vào cột, lim dim mắt lại, những kỷ niệm lần lượt lướt qua đầu Sâm. Sâm ngạc nhiên thấy những ngày vất vả nhất mà Sâm đã trải qua trong công tác của mình, những chuyện va chạm, đấu tranh đôi khi gay gắt giữa Sâm và chiến sĩ, lúc này trở lại trong trí nhớ Sâm, cũng êm đềm như những kỷ niệm êm đềm khác. Thời gian như có sức mạnh gọt tròn những cạnh sắc của sự việc, và lúc sắp xa nhau, người ta cũng dễ dàng tha thứ cho nhau. Ở cái giảng đường kia, Sâm đã lên lớp bao lần cho đại đội? Sâm đã “gặp riêng” dưới mái hiên này bao nhiêu chiến sĩ có thắc mắc với lãnh đạo hay Sâm thấy cần phải giúp đỡ thêm? Ở đây, Sâm đã lớn dần lên trong công tác lãnh đạo và học tập quần chúng, Sâm đã nếm đủ mọi nỗi khổ cực cũng như vui sướng của một người chính trị viên đơn vị trong hoàn cảnh hòa bình. Bất giác, Sâm nhớ lại những ngày đầu làm giáo án, Sâm lo đến mất ăn mất ngủ. Một bản giáo án, dài chỉ có hai trang, Sâm đã phải thức nhiều đêm và viết đi viết lại nhiều lần. Sâm chỉ được nói những điều đã viết ra giấy và đã được ban chỉ huy tiểu đoàn thông qua trước. Buổi lên lớp đầu tiên, cầm bản giáo án lèo tèo mấy dòng chữ trong tay, nhìn chiếc kim đồng hồ đứng im phăng phắc trước mặt, Sâm lúng túng không biết nói sao cho hết hai giờ quy định. Nỗi khổ tâm của Sâm là thế! Thế mà Lộc, một học sinh mới nhập ngũ sau hòa bình, còn tinh nghịch đứng lên vặn vẹo Sâm, làm Sâm càng lúng túng. Sâm không dám nói gì Lộc, cũng không dám nhìn thẳng anh em. Sâm đưa mắt liếc nhanh về phía người chính trị viên tiểu đoàn ngồi đằng cuối lớp, để cầu cứu. Anh chống tay lên cằm, đang lơ đãng nhìn ra sân như không có gì quan trọng xảy ra bên cạnh. Sâm đỏ bừng mặt, đành cho đại đội giải tán. Nhìn đồng hồ, mới hết hơn nửa tiếng! Anh em chiến sĩ ồn ào vác súng đứng dậy; Sâm còn nghe rõ tiếng Lộc cười nói bô bô trong đám đông: “Chính trị viên mới về mà đã thông cảm ngay với anh em! - Chính trị viên tương đối ưu điểm! - Chính trị viên hoan hô!”. Một chiến sĩ khác, láu lỉnh không kém, the thé cãi lại: “Sao lại chính trị viên hoan hô? - Hoan hô chính trị viên hoan hô chứ!”. Những chuỗi cười bật lên như những mũi kim đâm vào người Sâm. Sâm ù tai lên rồi. Sâm cúi gầm mặt, bước vội qua sân rộng, trở về buồng riêng, nằm vật xuống giường, úp mặt trên tờ giáo án. Sâm thấy chán nản quá. Sâm thấy giận mình lại giận cả Lộc. Người chính trị viên tiểu đoàn đã lại bên, an ủi, khuyến khích chính trị viên. Nhưng rồi chính trị viên vẫn ốm mất ba ngày sau buổi lên lớp ghê gớm ấy... Nhưng đến bây giờ, chính trị viên đã thấy mình vững vàng hơn. chính trị viên đã biết tự nghiên cứu tài liệu, thích đọc thêm sách báo, cả những cuốn truyện dài mà trước kia chính trị viên rất ngại, với sự gợi ý của tiểu đoàn, chính trị viên đã chuẩn bị được bài giảng tương đối tốt; khi Sâm lên lớp, đại đội đã chăm chú nghe Sâm, ngay cả Lộc cũng không còn đùa nghịch mấy như trước nữa. Sâm có cảm giác đơn vị đã giúp Sâm rất nhiều. Sâm đang có nhiều điều kiện để tiến bộ và làm cho đơn vị tiến bộ hơn thì Sâm lại sắp phải rời đi nơi khác mất rồi!

Sâm nhắc lại kỷ niệm ấy và nói thực ý nghĩ của mình với đại đội, giữa buổi tiệc trà liên hoan hồi chập tối. Cuối cùng Sâm gọi Lộc lại gần, nắm tay Lộc bảo: “Tôi nhắc lại chuyện cũ, không có ý trách gì đồng chí; mục đích là để nói rằng trong thời gian qua, đơn vị ta trong đó có bản thân tôi, đã phải trải qua những ngày gian khổ sóng gió, nhưng chúng ta đã biết thương yêu nhau và giúp nhau cùng tiến bộ. Có những chuyện như thế, chúng ta mới thông cảm và mới nhớ nhau lâu, phải không đồng chí?”. Lộc ngượng nghịu đứng im bên Sâm không nói. Lộc đã quên từ lâu câu chuyện ấy rồi. Lộc còn trẻ, đang hăng, chỉ biết nhìn về phía trước. Rất có thể Lộc đã nói những câu tinh nghịch như thế, không sai. Ồ! Những câu như thế, trước kia Lộc nói hàng ngày, bây giờ thỉnh thoảng quen miệng Lộc vẫn còn nói, nhớ làm sao cho hết được! Lộc không ngờ một câu nói làm phiền lòng người chính trị viên đáng mến kia đến thế! Sâm như nhìn thấy những điều Lộc đang suy nghĩ, nắm chặt hơn bàn tay của Lộc, rồi Sâm quay lại nói với đại đội: “Mai tôi đi chắc ngày một ngày hai trên sẽ điều một đồng chí chính trị viên khác về thay. Lúc đầu trong công tác không khỏi có nhiều bỡ ngỡ như tôi trước đây. Nhưng tôi chắc các đồng chí sẽ tích cực giúp đồng chí đó làm việc cũng như đã tích cực giúp tôi, phải không các đồng chí?”. Anh em đang im lặng, đã lại nhao nhao lên: “Đồng ý! Đồng ý với chính trị viên quá đi chứ lại!”, rồi phá lên cười như lúc trước. Trong đời sống bộ đội, có cái này là đặc biệt: cảm động thì thật cảm động đấy, nhưng không bao giờ có thể “lâm li” được lâu, người ta dễ cười, dễ vui hơn. Kể cả những lúc người ta chia tay nhau như lúc này, nội dung là buồn buồn đấy, nhưng người ta vẫn cười lên như sấm. Sâm giơ tay ra hiệu bảo im rồi kéo Lộc ra phía trước, Sâm nói: “Bây giờ đề nghị đồng chí Lộc hát một bài thật vui cho anh em nghe nào, các đồng chí có đồng ý thế không?” - “Đồng ý! Đồng ý cả chính trị viên sẽ hát nữa đấy!”. Một chiến sĩ đang cầm chiếc đàn băng-giô chạy đến ấn vào tay Lộc: “Lộc hát ngay đi! Hát lên để tiễn chính trị viên đi cho vui vẻ!”. Con chim sơn ca của đại đội bỗng tươi tỉnh hẳn lên, bật mấy tiếng đàn lấy giọng rồi cất tiếng hát, nhưng Lộc không hát một bài vui mà hát một bài trầm trầm, lời ca buồn man mác. Lộc cố làm ra một vẻ mặt u buồn cho hợp với điệu bài hát nhưng trông Lộc vẫn láu lỉnh tinh nghịch thế nào! Lộc chưa hát xong thì đã có tiếng kêu xì xào ở bên: “Tối nay nó hát thế nào ấy, chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui!”. Sâm mỉm cười, vội đưa mắt về phía đó. Sâm hiểu Lộc đang cảm động thực, nhưng các biểu hiện tình cảm buồn của Lộc chỉ được đến thế, không phải vì trình độ nghệ thuật của Lộc kém mà chính vì bản chất Lộc chỉ quen vui.

Lộc hát xong, tiếng vỗ tay vừa dứt thì hai anh nuôi khệ nệ bưng vào hai thúng to, phủ kín lá chuối, miệng kêu rối rít: “Xê ra! Xê ra chứ! Mở đường cho chất tươi vào nào!”. Anh em cứ xô lại định lật lá chuối, xem cái gì mà bí mật thế. Tiếng anh nuôi kêu cứu: “Báo cáo ban chỉ huy cho giữ trật tự!”. Một tiếng khác cãi lại luôn: “Cái ông già Tôn ấy đến là lẩm cẩm! Trật tự mà lại vui được thì lạ quá! Xin hỏi: Có ai cười được trật tự không hả?”. Già Tôn ức quá đứng dừng ngay lại, tay vẫn ôm chặt chiếc thúng vào người, quắc mắt nói: “Á, à! Lại tiếng thằng Lộc phải không? Hì, hì, tí nữa đừng có mà ăn nhé!”. Anh em lại phá lên cười như nắc nẻ. Thì ra Lộc đã vứt đàn bên Sâm, nhẩy vào đám đông đang vây quanh anh nuôi lúc nào không biết. Sâm cố tìm Lộc trong đám đông mà không thấy. Lộc đã lẩn đi chỗ nào rồi, nhanh thế! Sâm chợt nghĩ giá trong đơn vị không có những chiến sĩ tinh nghịch như Lộc thì cuộc sống cũng giảm mất một phần tươi vui không ít. Người cán bộ có khó khăn hơn trong lãnh đạo thật, nhưng không thể vì thế mà làm mất cái hồn nhiên trong đời sống tình cảm của chiến sĩ. Nhưng rồi già Tôn cũng bê được cái thúng của mình nguyên vẹn đến chỗ Sâm đứng. Già Tôn đặt thúng lên bàn, mở những tàu lá chuối xanh đậy trên, từ từ, từng cái một. Mấy người đã đứng lên ghế, ghếch cổ ngó xem: “Cái gì thế? Mở mau lên, sốt ruột quá!”. Rồi một tiếng hét to: “Chè con ong! Á à! Chè con ong chúng mày ạ! Biết ngay mà!”. Già Tôn cầm hai gói tướng, giơ lên ngang đầu, cười hì hì, nói: “ờ, ờ, chè con ong đây! Hoan hô đi!”. Có tiếng hỏi lại: “Hoan hô cái gì, nói cụ thể đi! Con ong hay anh nuôi?”. Già Tôn vẫn bình tĩnh: “Hoan hô cả hai mới được ăn!”. Lập tức, những tiếng: “Hoan hô cả hai! Hoan hô cả hai!!” rầm rầm vang lên, xen lẫn những tiếng cười ròn rã. Già Tôn mặc kệ cái bọn tinh quái ấy “cứ giỏi thì kêu mãi đi”, quay lại trịnh trọng nói với Sâm: “Ngày mai chính trị viên lên đường. Anh nuôi chúng tôi biết tính đồng chí thích ăn chè con ong nên đã đề nghị đại đội trích một số tiền tăng gia để nấu một bữa chè con ong tiến đưa đồng chí...”.

- “Anh em im lặng! Im! Để nghe già Tôn diễn văn gì cái nào!”

Già Tôn thấy đỡ ồn ào, liền quay mặt lại phía anh em, nói to hơn: “Bữa nay liên hoan tiễn chính trị viên, anh nuôi nấu một bữa chè thật đặc biệt, xin báo cáo với toàn thể các đồng chí trong đại đội. Đặc điểm thứ nhất thuộc về chất lượng: Ngọt sắc. Đặc điểm thứ hai, quan trọng không kém, thuộc về số lượng: Rất nhiều; đại đội có thể “hưởng tùy theo nhu cầu”. Khoan! Khoan đã, để tôi giới thiệu nốt, hãy vỗ tay một thể... Đặc điểm thứ ba thuộc về chi tiết: chè tối nay ăn sẽ dính răng khó cười và... sẽ dính tay ngày mai khó bắn bia đấy!... Khoan, khoan còn nữa! Chè này còn có ý nghĩa tình cảm đối với người đi và cả đối với người ở nữa. Con ong bay đi kiếm mật lại nhớ tổ bay về. Chính trị viên ăn chè này thì dù có đi xa đến đâu, dù có đi lâu đến bao giờ, chắc cũng không thể quên đại đội chúng ta, chắc cũng sẽ có ngày quay về tổ ấm, phải không các đồng chí?”.

- “Ối giời ơi! Già Tôn tối nay văn nghệ quá! Hoan hô già Tôn! Thảo nào còn có người chết vì già Tôn chúng mày ạ!”.

Già Tôn hất hất tay mấy cái, lẩm bẩm: “Được! Được! Cứ việc hét đi, cứ việc nói láo đi!”, rồi bước lại gần Sâm đưa hai gói chè cho Sâm: “Đồng chí ăn ngay cho hết gói bé này đi, chè đang mềm, ngon lắm! Còn gói to này, giữ lấy để mai mang theo đi đường mà ăn, cho được mạnh chân khỏe tay!”.

Sâm đỡ lấy hai gói chè trên tay già Tôn và cầm luôn lấy hai bàn tay nổi gân nhưng còn chắc ấy. Sâm muốn nói nhiều với già Tôn nhưng cảm động chưa biết nói sao. Sâm đã sống cùng đơn vị với già Tôn từ lâu lắm. Hồi đó còn đang kháng chiến, hồi đó Sâm còn là một cán bộ tiểu đội. Già Tôn vẫn chuyên làm cấp dưỡng từ đó đến nay, nuôi đơn vị lớn lên, nuôi Sâm lớn lên. Già Tôn chỉ còn trọi một mình trên đời, vợ con Tây đã giết hết. Già Tôn sống nương vào gia đình bộ đội, bỗng dưng lại có con đàn con đúm, tuổi già lại vất vả hơn. Món chè con ong của già Tôn nổi tiếng trong nhiều trận thắng Tây ở địch hậu đồng bằng, Sâm đã được ăn bao nhiêu lần món chè con ong ấy... Bỗng Sâm kéo già Tôn lại sát người Sâm, ghé đầu xuống nói thật sẽ, thật nhanh vào tai già Tôn: “Con xin nhớ lời bố dặn. Bố cứ yên tâm. Con sẽ viết thư về cho bố luôn!”. Già Tôn níu lấy vai áo Sâm, run run nói: “Nay mai thi hành nghĩa vụ quân sự, chắc bố không còn ở đây nữa đâu. Bố phải nhường cho bọn trẻ chứ. Nhưng con đừng lo, bố bao giờ cũng là bộ đội. Bố về đâu, bố cũng có thể làm ăn được. Chừng nào thành cơ sở tương đối, bố thư cho, nhớ về, bố kiếm vợ cho con”. Sâm gật gật đầu như một đứa con ngoan. Trong khi đó, anh nuôi đang tíu tít chia chè cho đại đội. Không ai biết câu chuyện nhận bố con giữa già Tôn và Sâm vừa xẩy ra bất ngờ giữa buổi liên hoan ồn ào ấy. Ngay cả đến Sâm và già Tôn cũng thế, không ai nghĩ đến chuyện ấy trước đây mấy phút. Cái ân sâu nghĩa cũ của hai người bạn chiến đấu, một già một trẻ, sống chết bên nhau gần chục năm trời, bỗng chốc đã trở thành tình bố con, rất tự nhiên thấm thía. Già Tôn bỏ tay Sâm ra, đi vội vào một góc tối. Nhưng Sâm đã nhìn thấy hai dòng nước mắt long lanh dưới ánh đèn, trên khuôn mặt đã răn và ám khói. Sâm thấy nghẹn ở cổ nhưng Sâm đã trấn tĩnh ngay lại được. Anh em đã có mỗi người một gói chè cầm tay. Sâm cũng giơ cao gói chè của mình lên ngang mặt, bóc lá chuối rồi cười to, nói: “Nào chúng ta cùng nâng... chè chúc đại đội ta mỗi ngày một thêm tiến bộ!”. Sâm nói xong, cầm một miếng chè ăn. Có lẽ chè ngọt lắm nhưng lúc đó riêng Sâm không thấy nó ngọt bao nhiêu. Anh em vừa ăn vừa hô: “Chúc thủ trưởng lên đường mạnh khỏe! - Chúc thủ trưởng lãnh đạo đơn vị mới thành công!”. Rồi bỗng có một giọng khàn khàn và kéo dài từ đằng cuối vang lên: “Đồng chí mai đi rồi, chúng tôi nhớ đồng chí lắm. Nhưng cũng là đi trong đại gia đình bộ đội ta cả mà thôi! Chắc đêm mai đơn vị bạn lại có một cuộc liên hoan đón tiếp đồng chí vui vẻ như thế này. Chỉ mong đồng chí gửi thư luôn về cho chúng tôi!” - “Hoan hô cóc mở miệng, Trương khàn hôm nay nói được đấy!” - “À, còn thằng Lộc đâu, từ nãy không thấy nó lên tiếng?”.

Sâm đã lách vào giữa đám đông. Sâm cười luôn miệng, nhìn mọi người ngồi xung quanh như muốn không bao giờ quên những nét mặt thân yêu ấy. Không khí thật là chân thành và cởi mở. Sâm đề nghị anh em cho Sâm được nói mấy lời cuối cùng trước khi giải tán. Sâm muốn nói lên những tình cảm đang sôi nổi chưa chan trong lòng mình. Tất cả yên lặng chờ đợi. Đến lúc ấy, Sâm lại bối rối không biết nên bắt đầu thế nào, y như buổi lên lớp đầu tiên của Sâm ở cái giảng đường này. Mãi sau Sâm mới nói được: “Tôi rất cảm động và tôi rất cảm ơn tất cả các đồng chí. Tôi xin hứa với các đồng chí sang đơn vị mới, tôi sẽ hết sức cố gắng làm việc tốt và... tôi xin chúc ban chỉ huy và tất cả các đồng chí ở lại được luôn mạnh khỏe, học tập đạt được nhiều kết quả... à quên, tôi xin hứa thêm sẽ gửi thư luôn về cho các đồng chí như các đồng chí đã dặn. Xin hết!”.

Có mấy câu thông thường ấy, Sâm cảm động nói mãi mới xong và cứ tưởng mình đã nói những gì đặc biệt lắm. Nhưng những chiến sĩ rất thông cảm với người chính trị viên của mình, đã chạy lại xúm quanh Sâm. Sâm vui vẻ bắt tay từng người. Tiếng hát “Đoàn kết” quen thuộc đã vang lên, đợt này qua đợt khác, như không bao giờ tắt...

Trăng đã úa sau rặng tre thưa. Bóng nhà đã đổ dài trên sân rộng và mỗi lúc một dài thêm. Gió khuya, từng cơn nhẹ và mau hơn. Sâm đã bắt đầu thấy người mệt mỏi, hai mắt cay cay. Đêm chắc đã khá khuya. Tiếng gà gáy trong xóm vừa vẳng lại. Sâm bước vào màn. Những đốm trắng đã mất trên đỉnh màn như con mọt dưới lưng đã nghiến gỗ ken két từ lúc nào. Sâm đang thiu thiu ngủ, bỗng thấy một bàn tay đặt nhẹ lên người. Trong bóng tối, Sâm nghe rõ tiếng thở hổn hển của người ấy. Nhưng Sâm vẫn nằm im xem sao. Bàn tay đó lần dần đến cánh tay rồi đến bàn tay Sâm, và nắm chặt lấy. Bỗng Sâm thấy bàn tay mình nóng lên những giọt nước mắt to và nặng. Những giọt nước mắt vừa nóng lên, đã mát lạnh đi nhiều quá Sâm không nén nổi nữa, nắm lấy những ngón tay run run ấy. Sâm giật mình, thấy những ngón tay đầy đặn và mịn màng quá! “À ra cậu ấy!”. Sâm nghĩ thầm thế; Sâm cũng không ngờ, Sâm sung sướng quá, Sâm càng nắm chặt lấy những ngón tay. Rồi Sâm mỉm cười khẽ bảo: “Lộc! Tối thế, Lộc! Bộ đội đâu lại khóc, phụ nữ nó cười cho đấy!” Sâm định ngồi dậy, nhưng bàn tay kia đã vội rút ra, giữ người Sâm lại: “Đâu? Lộc có khóc gì đâu? Lộc đi tuần, rẽ vào xem đồng chí ngủ chưa, thế thôi, Lộc lại đi đây!” Sâm đưa bàn tay lên định sờ vào cái đầu đen đen đang lấp lo trong màn Sâm. Bàn tay Sâm quờ vào đầu khẩu súng trường và chiếc mũ lưỡi của Lộc. Sâm chỉ kịp nói: “Lộc cố gắng nhé!” thì Lộc đã đứng vùng dậy, chạy vụt ra sân. Sâm cất đầu nhìn theo và lắng tai theo dõi tiếng giầy Lộc đi cho đến lúc mất hẳn trong đêm khuya, Sâm mới nằm xuống. Sâm áp má vào chiếc ba lô đã xếp căng quần áo. Bỗng từ từ những giọt nước mắt lăn trên gò má Sâm. Sâm cắn môi lại, cố mở to mắt nhìn vào khoảng tối. Không được rồi, những giọt nước mắt vẫn cứ lăn ra nhiều hơn, mau hơn. Sâm nhắm mắt lại, mặt cho nước mắt giàn giụa trên má, trên ba lô Sâm. Cứ thế Sâm mệt thiếp đi và mơ thấy con đường ngày mai Sâm sẽ đi, con đường dài và quanh co, vắt qua những đồi sim tím ngát để đổ xuống một bến sông đỏ nắng phù sa...


TỪ BÍCH HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)