Kể từ khi trang web Vannghequandoi.com.vn ra đời, và cho tới nay là Tạp chí Văn nghệ Quân đội điện tử, BBT chúng tôi đã nhận được khá nhiều thư của bạn đọc hỏi về những sáng tác cụ thể, của một tác giả nào đó, đã từng in trên Văn nghệ Quân đội cách đây vài năm hoặc nhiều năm. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể về những diễn biến, đổi thay của văn xuôi (cụ thể là truyện ngắn) trên Văn nghệ Quân đội , qua đó phần nào có thể hình dung được diễn biến của văn xuôi cách mạng nói chung trong suốt hàng nửa thế kỉ qua, BBT tạp chí VNQĐ đã và đang phối hợp với các NXB cho ra mắt bạn đọc bộ sách: Nửa thế kỉ truyện ngắn VNQĐ. Bộ sách này sẽ lên tới hàng trăm cuốn. Và đồng thời với việc thực hiện bộ sách, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những truyện ngắn đã được in trên Văn nghệ Quân đội những số đầu tiên (từ năm 1957), trên Văn nghệ Quân đội điện tử. Bạn đọc kiên trì theo dõi sẽ thấy những đổi thay rất thú vị của nghệ thuật truyện ngắn trên Văn nghệ Quân đội . Đặc biệt, cũng ở đây bạn đọc sẽ thấy được sự thay đổi trong bút pháp, tư duy của một số tác giả, từ khi họ còn là một anh lính binh nhì mới cầm bút cho tới khi trở thành những nhà văn tên tuổi lẫy lừng.
Dưới đây là truyện ngắn Đứa con của nhà văn Nguyên Ngọc được in trên Văn nghệ Quân đội số 6, ra tháng 6/1957.
_______________________________
ĐỨA CON
Nguyên Ngọc
Chưa bao giờ Nguyên gặp một em bé như thế.
Cũng có thể có những em bé không được tốt. Có em không biết vâng lời, hỗn xược, có em ăn cắp, nói láo hoặc tệ hơn thế nữa. Nhưng dẫu các em có khuyết điểm đến thế nào, ta hãy cứ nhìn thẳng vào mắt các em. Những cặp mắt tròn trịa, trong sáng và thẳng thắn đó sẽ làm cho chúng ta thấy nguôi được tất cả lo âu, dằn vặt, và trong lòng ta sẽ nhóm lên một chút vui cũng trong sáng, tròn trịa như những con mắt ấy. Tất cả các khuyết điểm cũng không thể nào làm cho những cái đầu nhỏ bé của các em mất được cái dáng ngẩng lên tự hào rất ngây thơ và đáng yêu của tuổi trẻ, không thể nào làm cho các em phải cúi đầu xuống một cách nặng nề như chúng ta, những người lớn, chúng ta cúi xuống khi một nỗi tủi nhục, một sự đau xót của đời sống đè nặng lên cổ chúng ta. Nhìn các em chúng ta thường nghĩ bụng thế này mà yên tâm: Đầu chúng ta có phải cúi đầu xuống trước những đau xót này thì đến lượt các em, các em sẽ không phải cúi xuống nữa.
Vì thế cho nên khi thấy một em bé cúi xuống như một người lớn, nhẫn nhục, chịu thua có một vẻ đau buồn đáng ra không bao giờ nên có trên trán một em bé ở tuổi ấy, thì chúng ta thấy không thể chịu được, trong lòng nhói lên, hình như chính danh dự mình bị xúc phạm, một sự cố gắng của mình bị thất bại.
Thế mà Nguyên đã gặp một em bé như thế. Sau này anh mới biết tên em là Trân và em mới lên bẩy.
Nguyên gặp em Trân trong lúc chính anh cũng đang buồn. Nguyên là đại đội trưởng ở một đơn vị miền Nam. Khuôn mặt chữ điền đen ngăm ngăm ấy chỉ có vài ba nếp nhăn thôi, nhưng đều là những nếp nhăn sâu và đậm của một người tập trung suy nghĩ lâu về một vấn đề. Giữa trán có một cái sẹo dài nằm ngang, nhẵn như một miếng giấy bóng. Vết thương đó không làm xấu khuôn mặt, nhưng có phần làm cho anh trở thành đăm chiêu hơn. Hình như hai con mắt hơi xếch lên của anh chưa đủ để suy nghĩ, phải thêm một con mắt thứ ba ở giữa trán nữa, một con mắt luôn luôn mở thao láo, trầm ngâm. Năm nay Nguyên 30 tuổi, đã có vợ và một con gái lên ba. Lẽ ra đối với một anh bộ đội như thế, một dịp được nghỉ phép 10 ngày như dịp này thật là thích thú hết sức. Anh sẽ về thăm nhà, hai chân anh sẽ quýnh lên khi bước gần đến cái cổng tre đã xa cách 5, 6 năm trời. Anh sẽ gặp vợ, sẽ ẵm đứa con nhỏ lên, để cho nó đưa bàn tay nhỏ xíu mân mê ngôi sao trên mũ, để cho nó thọc cả cái chân tròn và mát vào trong túi áo bộ đội của anh. Nó sẽ lấy một ngón tay bụ sữa chọc chọc vào chỗ vết thương trên trán của anh... Chỉ nghĩ đến chừng đó Nguyên cũng đủ thấy trong ngực rộn lên, xao xuyến cả lòng. Nhưng, tất nhiên là anh không về thăm nhà được, vì anh là bộ đội miền Nam tập kết, gia đình ở lại trong Nam. Ở miền Bắc, Nguyên không có bà con thân thuộc nào cả. Hơn hai năm anh là đại đội trưởng xuất sắc. Nghe phong phanh anh được đề nghị huân chương. Anh coi đơn vị như gia đình, thương yêu chiến sĩ thực sự như anh em ruột thịt. Anh rất ít nói đến chuyện vợ con ở lại trong Nam. Hễ thấy anh em thảo luận đến chuyện đó, Nguyên lảng đi chỗ khác. Anh chúi đầu công tác, nổi tiếng là tích cực, nhưng hơi khô khan. Anh tự nhủ: “Có thể quên được, có thể quên được...”.
Thực ra, tự anh, anh biết là anh chưa quên, không quên được. Năm kia vừa ra bắc năm tháng, một bữa đi công tác, Nguyên gặp một cán bộ xã tập kết công tác ở công trường đá. Thoáng thấy Nguyên, anh để rơi cả cái búa đang cầm trên tay, đứng sững nhìn Nguyên từ đầu đến chân, từ từ đặt một tay lên vai Nguyên, và Nguyên kinh ngạc thấy mặt anh tái dần đi. Anh kể cho Nguyên biết tin: Vợ Nguyên bị địch bắt và mất tích. Không biết rõ đứa con ra sao...
Về đơn vị, Nguyên không nói cho ai biết tin đó. Vết thương sâu và bén quá nên máu không chảy ra nữa. Anh tự bịt lấy vết thương, xông vào công tác, có lúc như điên cuồng. Người gầy hẳn đi. Nắng thao trường thui đen cả người, cả mặt, làm cho vết thương trên trán càng trắng, càng bóng ra, càng thao láo hơn. Một điều lạ, là anh ít hình dung ra được vợ và con. Chỉ có những lúc bất giác anh nhớ lại khuôn mặt tái nhợt của anh cán bộ gặp ở công trường đá. Những hôm đó, chính trị viên Nhân cứ tưởng là anh ốm. Nhân khuyên anh đi nằm. Chính Nguyên cũng tưởng mình ốm thật. Ngày trước ở rừng núi Nguyên có kinh nghiệm cứ mỗi lần chuyển sốt, tốt nhất là xông ra làm việc. Hễ đi nằm là ngã xuống luôn ngay. bây giờ cũng thế, anh xông vào làm việc. Và rồi cũng qua thật...
Nguyên làm việc say mê, hơi quay cuồng. Đến khi được nghỉ mười ngày, anh như người đang chạy thình lình dừng lại. Hơi thở như bị đứt, và gió đập vào người lạnh toát. Anh không biết nên đi nghỉ ở đâu, nên đi tìm ai? Làm gì cho hết mười ngày? Mà không nghỉ thì cũng không được. Anh biết anh đã chịu đựng quá sức rồi, chịu đựng về sức khỏe cũng như về tình cảm. Anh cần nghỉ.
Sau cùng anh cứ liều lên xe về Hà Nội. Đến Hà Nội, bơ vơ quá, anh lại đi Hải Phòng. Anh vừa nhớ ra là ở Hải Phòng anh có một người em họ rất xa dạy ở một trường học sinh miền Nam.
Chiều hôm đó Hải Phòng nắng dịu và có gió bể. Thành phố yên tĩnh, thoải mái. Nguyên mang ba lô đến phòng thường trực trường học sinh miền Nam ở số X. Anh hơi hồi hộp nên không chú ý đến những người ngồi chung quanh, chỉ thấy thoang thoáng có mấy em bé và mấy chị có lẽ là giáo viên. Anh đưa chứng minh thư cho cụ già thường trực:
- Bác cho tôi hỏi thăm chị Liên, giáo viên ở đây.
Trong một thoáng, Nguyên nhớ lại Liên, cô em gái họ đã lâu lắm không gặp. Anh hình dung lúc Liên chạy ra tìm anh. Liên sẽ dừng lại, ngạc nhiên, mở tròng mắt nhìn anh, rồi chạy ùa tới nắm lấy tay anh: “Trời ơi! Anh Nguyên, anh Nguyên!...”. Nguyên tự nhủ lần này anh sẽ kể cho Liên nghe chuyện vợ con. Hai năm qua, anh chôn chặt nó xuống đáy lòng. Bây giờ không biết vì sao anh lại thấy muốn nói ra, muốn kể cho Liên nghe quá. Có lẽ như thế lòng anh sẽ nhẹ bớt đi, sẽ dễ chịu hơn. Anh sẽ ngồi với Liên trong bóng tối khi kể chuyện đó, để cho Liên khỏi thấy nước mắt anh lăn trên gò má. Vì anh thấy anh cần phải khóc, anh biết anh sẽ khóc khi kể chuyện đó. Mà thấy một người đàn ông khóc, nhất là một người lính, thì thật là khó chịu.
Cụ già thường trực đặt một ngón tay lên tờ chứng minh thư của Nguyên, hạ kính xuống trên xống mũi, hơi nghiêng đầu nhìn Nguyên từ đầu đến chân.
- Đồng chí hỏi chị Liên nào đây hè. ở đây có hai, ba Liên...
Nguyên như sực tỉnh:
- Chị Liên... Liên Bình Định.
Ông cụ xem lại chứng minh thư lần nữa, cầm ngược tờ giấy lên để nhìn cho ra mấy chữ số trong con dấu. Rồi lại hỏi:
- Đồng chí với chị Liên đây... có họ thế nào?
Nguyên đã hơi bực. Anh trả lời gọn:
- Liên là em tôi.
Lần này ông cụ trật hẳn kính ra, nhìn Nguyên, hơi gật gù, rồi nói chậm rãi:
- Đồng chí ở xa mới về đây à? ở Thanh Hóa ra phải không...? Có nhà quen ở đây không?... Không có ai quen à... Chà... Thôi được, đồng chí nghỉ tạm đây vài bữa cũng được... Chị Liên Bình Định, chị Nguyễn Thị Liên chứ gì... đúng rồi, chị Liên đi học ở Trung Quốc từ năm ngoái rồi... Đồng chí... Đồng chí không nhận được tin à?...
Bây giờ Nguyên mới nghĩ ra: tại sao mình không hề tính trước được đến nước này? Anh nghe có mồ hôi trên trán, và khi anh quay lại thì thấy có hai chị giáo viên ngồi ở ghế sau đang nhìn anh, ái ngại. Tự nhiên Nguyên thấy tự ái, anh muốn nói một câu xẵng rồi quay đi. Nhưng rốt cuộc anh vẫn đứng đó.
Chị giáo viên nói, giọng Bình Định:
- Anh bỏ ba lô ra ngồi nghỉ một chút đã.
Giọng nói thân mật, mát mẻ. Ngoan ngoãn, Nguyên bỏ ba lô ra, ngồi xuống ghế.
Mười phút sau, chị giáo viên đưa anh vào phòng nghỉ của khách, ân cần chỉ cho anh giường nằm, chỗ để ba lô, chỗ mắc màn. Anh đã nói cho chị biết anh có họ với Liên như thế nào và chị cũng nói cho anh biết tên chị là Lan.
Giường bên cạnh Nguyên có một anh cán bộ công trường đến thăm cháu. Anh ta niềm nở ngồi dậy, bắt tay Nguyên, hỏi thăm vồn vã:
- Đồng chí đến thăm cháu ở đây à?
Nguyên cười gượng, trả lời:
- Tôi đến thăm thằng con.
Chính anh cũng không hiểu vì sao anh lại nói ngay ra câu đó
*
* *
Nguyên ở lại trường đã hai ngày. Anh biết là không có Liên mà mình cứ dần dà ở đây mãi thế này thì vô lý thật. Thế nhưng anh vẫn không đi được. Các chị phụ trách ở trường ái ngại vì biết anh bộ đội đó không còn chỗ nào để đi nghỉ nữa, nên cứ nằng nặc giữ anh lại. Còn anh thì anh ở lại vì một lẽ khác: vì các em. Nguyên không phải là người yêu trẻ con. Mấy lần về thăm nhà trước khi đi tập kết, anh cứ bị vợ than phiền vì chuyện không bế được con. Vợ anh trách nửa đùa, nửa thật:
- Anh ẵm con cứ như mèo tha dưa cải!
Chỉ bế được con chừng 5 phút là Nguyên đã thấy khó chịu vì nó ngọ nguậy quá, nó trườn trong hai tay vụng về của anh, suýt rơi cả xuống đất, nó đái cả lên mặt anh. ở đơn vị anh cũng ít đùa với con đồng bào. Lũ trẻ cũng ít gần anh. Anh tự thấy mình vụng về với trẻ con, không hấp dẫn được chúng, không được chúng yêu như anh em trong đơn vị. Đôi lúc anh cũng khó chịu về chuyện đó. Đến đây cũng thế. Mấy lần anh định đến làm quen với một vài em bé. Chúng nó dừng lại, quay nhìn anh. Tự nhiên anh đâm ra ngượng ngập không biết nên bắt đầu như thế nào. Anh đặt tay lên vai một em gái.
Em bé lách tới, tránh bàn tay của anh. Bàn tay bị trượt, buông thõng xuống, càng lúng túng. Anh gượng cười. Lũ trẻ chả đứa nào cười lại cả. Và dần dần chúng nó lảng đi hết. Nguyên trở về phòng, thấy hình như mình bực bội, khó chịu. Nhưng thực ra, từ trong lòng anh, anh thấy nhóm dạy một tình thương vừa êm dịu vừa hơi chua chát. Hôm anh đến Hà Nội, vừa chủ nhật, đi ngang Bờ Hồ, thấy đồng bào, cán bộ miền Nam đông quá, Nguyên đã nhoi nhói trong lòng thế nào, không được yên tĩnh. Nhưng đến hôm nay, thấy các em, hàng vạn các em miền Nam tập trung ở miền Bắc, hàng vạn các em bé loắt choắt xa cha mẹ, xa gia đình, quê hương, Nguyên mới thấy hết cái xót xa của vết thương chia cắt trên thân thể đất nước. Nhìn các em, nhìn những cặp mắt nhỏ hơi ngơ ngác như tìm một cái gì ở chung quanh, tự nhiên những câu hỏi về Thống nhất, về quê hương tưởng đã nguôi được, loại xoắn lên trong lòng. Ngày thứ ba ở trường, Nguyên làm quen được với em bé 8 tuổi. Em ngồi mân mê cái đồng hồ của Nguyên. Đột nhiên em quay lại hỏi Nguyên:
- Nè, chú nè, khi mô mới thống nhất chứ?
Nguyên hơi giật mình. Anh cười nói nửa đùa, nửa thật:
- Năm nay cháu đang học lớp 3 phải không? Khi nào cháu học hết cấp 2, hết cấp 3 nữa thì thống nhất....
Em bé đứng dậy, quay lại nhìn Nguyên. Tự nhiên Nguyên quay đi, tránh cái nhìn đó. Anh có cảm giác như mình có một cái gì không được tốt, không xứng đáng đối với em...
Hàng ngày, giờ học Nguyên thường lảng vảng qua các lớp, đứng nép sau cửa sổ, nhìn các em học. Thích nhất là thấy các em bị gọi lên bảng đọc bài. Trong cái vẻ lúng túng lo lắng khi em bé đưa ngón tay mâm mê xóa xóa trên bảng đen, có một cái gì đáng yêu quá. Tiếng miền Nam từ miệng các em nói ra dội lên trong lòng, ấm áp như tiếng một người quen. Nguyên nghĩ mãi không ra: tiếng ai nhỉ? nghe quen lắm mà?... Phải rồi, tiếng con Ngọc, con gái của anh. Nguyên vội vã đi về phòng, nằm xuống giường. Anh nhớ ra khuôn mặt của Ngọc, hai cái môi nhỏ xíu của nó mấp máy gọi anh: “Ba, ba”. Anh nhớ có lần hai vợ chồng anh cãi nhau một ngày. Vợ anh thì cứ muốn dậy con gọi anh bằng “cha”, anh thì lại muốn nó gọi bằng “ba”...
Anh gục mặt xuống ba lô, nước mắt chảy ra giàn giụa. ở phòng bên cạnh, tiếng một em bé đọc bài vẫn thánh thót: “Con chuột a... Con chuột a... đi chợ đằng xa...a...”.
Chính vì câu chuyện đó mà Nguyên dần dà đã 2 ngày, nhiều lần định mang ba lô đi mà vẫn không đi khỏi được chỗ này. Gần các em, vừa xót xa, vừa êm dịu trong lòng.
Chiều thứ bảy, Nguyên ra chơi ở phòng thường trực. Các em ở đó rất đông. Nguyên ngồi vào một góc, nhìn cảnh những cha mẹ, anh chị đến nhận con em ở nhà trường, dẫn đi chơi. Nguyên thích nhất là khi thấy một chị cán bộ vừa hiện ra ở khung cửa, một em bé trong đám đông đứng vụt dậy, hai chân em run lên vì mừng rỡ. Em chạy ùa ra, ngã vào lòng mẹ. bà mẹ vuốt tóc con, sửa lại cái khăn quàng trên cổ con, mắt nhay nháy lia lịa để giữ lại một giọt nước mắt mừng vui. Nguyên cũng thấy lo lắng, phấp phỏng, chờ đợi như các em chờ đợi cha mẹ, bà con. Hễ thấy một người đến nhận một em bé và dẫn đi là Nguyên yên tâm được một chút. Anh có một mối lo. Lo sẽ có những em bé không ai đến nhận cả.
Chính giữa lúc đó, Nguyên thấy em Trân. Trân đứng dựa vào cửa phòng, nhìn ra đường. Chỉ cái dáng đứng cũng đủ làm cho Nguyên chú ý rồi. Một cái thân thể loắt choắt của em bé bẩy tuổi sao lại có được cái dáng đứng ấy, dáng đứng của người lớn, mệt mỏi, thất vọng. Thoáng nhìn cũng biết em không chờ ai cả. Em đứng đó, không nghe, không biết gì đến tất cả những chuyện chung quanh. Một nỗi buồn, không phải là nỗi buồn của trẻ con, làm vẩn đục vầng trán và hai con mắt nhỏ xíu. Phía dưới mắt có một vòng quầng thâm nặng trĩu. Đầu em hơi cúi xuống: một cái gì quá sức đè lên cái cổ nhỏ, trắng, hơi gầy, làm cho em không ngửng đầu lên được.
Nguyên đứng dậy, anh thấy nghẹn ở cổ. anh thấy hoặc là anh phải đi đến bên em bé, đặt một bàn tay lên vai em, hoặc là anh phải đi chỗ khác, không nhìn thấy em nữa. Anh quay đi vào phòng. Anh biết rằng em bé đứng đó không chờ ai cả. Và đã nhiều lần, có lẽ đã ròng rã hai năm nay, chiều thứ bẩy nào em cũng ra đứng ở đấy, nhìn ra đường...
Sau bữa cơm chiều, Nguyên đi tìm chị Lan. Tối thứ bẩy trường rất vắng, Lan kể cho anh nghe câu chuyện nhỏ này:
Hòa bình lập lại, Trân mới bốn tuổi. Mẹ em chết bom trong chiến dịch At-lăng lúc giặc đổ bộ lên Quy Nhơn. Khi bộ đội trở về giải phóng quê hương, cha em cõng em đến gặp đồng chí tiểu đoàn trưởng, khẩn khoản:
- Tôi ở lại trong này chịu cực, chịu khổ cũng được. Còn có nó, tôi muốn nó ra ở với Cụ Hồ...
Thế là Trân đi tập kết với bộ đội. Ra Bắc, bộ đội gửi em vào trường học sinh miền Nam. Từ đó cứ chiều thứ bẩy, Trân ra đứng ở cửa phòng thường trực chờ cha tới đón. Mỗi lần chờ đến tối, không thấy cha, Trân lại khóc. Chị Lan phải dỗ suốt đêm. Có một lần Trân khóc quá, chị Lan buột miệng nói:
- Em nín đi... cha em ở bộ đội ít bữa nữa về thăm... Chị Lan không ngờ lời nói đó của mình lại tác hại như thế. Sau này chị vẫn cứ hối hận mãi. Vì từ hôm đó Trân không khóc nữa. em cứ chờ cha, và từ khi không khóc nữa, em bắt đầu trở thành trầm ngâm, già cỗi đi. Chị Lan thấy như chính mình gây ra chuyện đó, tìm hết cách làm cho Trân khuây. Nhưng đáng sợ nhất, là làm thế nào Trân cũng nhất định không hề khóc. Dần dần, em mất cả cái nét chờ đợi trong hai con mắt. Em đứng ở ngưỡng cửa, và không chờ ai cả...
Chị Lan đi rồi, đã khuya lắm, Nguyên vẫn không ngủ được. Nửa đêm, anh trở dậy, ngồi trong màn, đầu óc nóng bừng. Giường bên cạnh, anh cán bộ trở mình, thở dài, hỏi sang:
- Đồng chí chưa ngủ à? Trời bức quá!
Nguyên cũng nói:
- Trời bức quá!
Trước cửa phòng, một ngọn điện sáng màu vàng, uể oải. Gần sáng Nguyên mới thiếp đi. Anh mơ thấy đơn vị, thấy mình đang dẫn anh em đi tập, trời nắng chang chang. giấc mơ vất vả nhưng mà yên tĩnh.
Sáng hôm sau Nguyên gặp chị Lan ở phòng của chị. Chị Lan ái ngại vì thấy hai mắt Nguyên sâu hẳn xuống, hai đuôi mắt dài thêm ra. Lan thoáng một ý nghĩ: “Hay là từ nay mình đề nghị với anh Nguyên nên viết thư với chị em ở trường, trao đổi cho vui. Anh ta không còn ai ở ngoài này cả”. Lan hỏi:
- Đêm hôm qua anh có ngủ được không?
Nguyên không trả lời. Anh nói:
- Chị Lan ạ...
Nguyên có cảm giác như anh phải đưa chân thật cao để bước qua một trở ngại rất lớn. Anh ráng hết sức:
- Chị Lan ạ... hay là,... Thế này chị coi có được không?... Tôi muốn... hay là... tôi nhận em Trân làm... con tôi, có được không?
Nguyên bước qua rồi. Anh thở hổn hển, mặt tái đi. Chị Lan không ngờ đến chuyện đó. Chị đứng sững trước mặt Nguyên hồi lâu mới hiểu là anh nói gì.
Nhà trường đồng ý đề nghị của anh.
*
* *
Nguyên không nhớ hết được phút lạ lùng đó trong đời anh.
Anh ngồi một mình trong phòng chờ. Không lâu, nhưng rất khó chịu. Anh thấp thỏm, cố giữ nhưng vẫn cứ hồi hộp. Sau cùng, chị Lan nắm tay Trân, bước vào. Trân đứng lại ở ngưỡng cửa phòng, nhìn Nguyên, hơi sợ sệt. Nguyên run cả người lên. Anh không nhớ ra gì nữa. Chỉ nghe tiếng Lan nói:
- Trân, vào cô bảo... Cha em ở bộ đội đến thăm em đây... lại với cha đi.
Chị cố cười, Nguyên nghe trống ngực anh đập rất mạnh. Điều anh lo sợ nhất là câu nói của Lan sẽ không làm lay chuyển được tấm lòng bé nhỏ nhưng đã có dấu vết già cỗi của Trân. Anh sợ Trân không còn tin nữa, Trân sẽ không khóc, không cười, sẽ thản nhiên. Điều anh mong nhất là anh sẽ phá được sự thản nhiên đó. Anh nhìn thẳng chăm chắm vào mắt Trân. Anh gọi nhỏ:
- Con... tới đây!
Trân đứng yên một lát. Rồi hai con mắt mở rộng ra, như kinh ngạc. Trân hơi ngập ngừng. Nhưng rồi em bước tới, Nguyên chờ đợi em ngả vào lòng mình. Nhưng Trân chỉ đến sát bên Nguyên, khép nép đứng bên cạnh anh. Một lát, Trân để bàn tay rất nhỏ lên bắp vế anh, bàn tay tin tưởng và ngửng lên nhìn chị Lan. Nguyên nghe một dòng lạnh từ bàn tay nhỏ của Trân chạy lan khắp trong người anh. Anh biết Trân đã đứng về phía anh, đã dựa vào anh, đã tin anh. Anh vuốt nhẹ trên tóc em bé. Trong 3 người, chỉ có một người khóc. Người đó là Lan. Chị vội vã đứng dậy, đi ra khỏi phòng, không để cho Trân thấy.
*
* *
Nguyên ở lại trường thêm 3 ngày nữa. Anh thường dắt con đi chơi phố. Anh mua cho Trân một quyển sách hình, một cái bút chì. Anh định về đơn vị sẽ để giành hai phần ba tiền phụ cấp hàng tháng gửi cho con. mỗi ngày anh thấy rõ thêm rằng Trân đã tin anh là cha em thật. Còn anh, anh vẫn còn ngập ngượng. Có một bữa, anh để Trân ngồi trên đầu gối anh. Em bé đưa một ngón tay lên, chỉ vào chỗ cái sẹo trên trán anh, cười, hỏi:
- Cái chi ri cha?
Nguyên vội vã cắn răng. Vì nếu không thì nước mắt của anh, hai giọt nước mắt lớn đã chảy xuống trên gò má rồi: Con Ngọc ngày trước cũng thường đưa một ngón tay bụ sữa chỉ vào chỗ vết thương của anh. Trân bây giờ cũng chạm vào đúng giữa vết thương đó. Anh đau nhói lên. Không, anh chưa yên tĩnh được đâu. Càng có Trân, càng thêm đau xót khi nghĩ đến Ngọc, đến vợ.
Nhưng có một điều chủ yếu: là bây giờ Trân không còn cúi đầu xuống nữa.
Đừng bao giờ để cho một cái đầu bé nhỏ của một em bé bảy tuổi phải sớm cúi xuống nặng nề và nhẫn nhục.
N.N
(Văn nghệ Quân đội số 6 - tháng 6/1957)