Truyện ngắn TRONG XÓM NHỎ của NGUYỄN NGỌC TẤN trên VNQĐ số 10 tháng 10-1957

Chủ Nhật, 12/02/2012 05:00
Chiều hè, gió nam lồng lộng.

Chạy đã qua chỗ bộ đội đóng đến năm sáu nhà, Na mới dừng lại, nép sau một gốc đa to, thập thò đưa cái loa lên miệng:

- A lô! A lô! Thưa toàn thể nhân dân...

Như đã biết trước, mới lao được đến đó Na đã đứng rũ ra cười. Dưới gốc phượng đằng kia có tiếng ai đáp vọng lại như trả lời tiếng loa của Na:

- Có ó...! Có chúng tôi đây!

Na định loa tiếp, lại cười sặc lên trong loa. Na bắc loa nói khẽ sang?

- Anh Thông đấy nhớ! Anh cứ trêu tôi đấy nhớ! Chốc nữa là đừng có mà chối đấy nhớ!

Như thách thức Na, bên kia tiếng sáo quen thuộc của Thông véo von đáp lại.

Chiều nào trên bờ đê cũng có hai việc. Một là Na vác loa đi phát thanh trong xóm, hai là Thông thổi sáo hóng mát dưới gốc phượng chân đê. Tiếng loa, tiếng sáo quen nhau, chỉ cách một tuần từ khi bộ đội về đóng là đã thành thân thiết. Mọi lần Na cứ vác loa réo ngay đầu nhà bộ đội. Chẳng biết Na có dụng ý gì, chứ nghe giọng nói của cô cũng khá chua, xoáy vào tận gan phổi.

Hôm nay Na không phát thanh chỗ cũ nữa.

Tối qua Na đến chơi, Thông nói đùa:

- ở đời này có nhiều người phụ nữ ghê gớm thiệt!

Na trố mắt:

- Làm sao hở anh Thông?

- Người ta chỉ cần a lô! a lô! một tiếng là trai gái trẻ già, bộ đội nhân dân phải im hết. Ghê gớm chưa? Thanh niên mấy ai mà được vậy. Tôi đi từ miền Nam, ra đây mà chưa...

Na nguýt, ngắt lời:

- Đấy, đấy, anh đôn phụ nữ lên đi, anh đôn cho người ta trèo lên tít ngọn cây cao rồi anh giựt thang cho ngã lăn xuống đi!

- Tôi nói thiệt mà! Lúc trước ở trong Nam tôi là đội viên du kích, chị xã đội trưởng sai tôi đi thư, tôi không đi, chị hét lên một tiếng là tôi phải đi liền. Lúc về tôi phải đứng nghiêm chào báo cáo công tác, chị đang mải ăn cơm quên cho tôi nghỉ, tôi cứ phải đứng nghiêm chờ chị ăn xong mới được nghỉ. Phụ nữ ghê gớm chưa?

- Điêu! Điêu! Điêu!

Hôm nay Na vác loa tít đằng xa mới dám phát thanh.

Miệng thổi sáo nhưng mắt Thông nhìn mãi về hướng Na, tai anh cố nghe tiếng loa xa dần trong xóm. Đã tới giờ phải về nhưng Thông còn thổi nán vài bài chờ Na. Một cái gì vui vui êm ấm đang náo nức như sắp đến trong tâm hồn anh. Anh không thể không chờ giây phút ấy được.

Gà mọi nhà đã lên chuồng hết, Na mới về. Cô rón rén bắc cái loa vào gần tai Thông hét thật to:

- A lô!!!

Thông hoảng hồn, giật mình chụp lấy miệng loa. Anh tưởng ai, giận lắm, nhưng thấy Na, ngực anh đập thình thịch không phải vì giận mà vì sung sướng. Na cười tít:

- Đấy nhớ! Anh Thông sợ phụ nữ thật rồi đấy nhớ! Ai bảo dám nói điêu!

Thông đỏ mặt, bí thế, giật luôn lấy cái loa:

- A cô này thù vặt. Đã vậy tôi không trả .

- Chả biết ai thù vặt lấy loa của người ta!

Na giật loa lại, Thông cứ giữ lấy, nhủng nha nhủng nhẳng. Na cười nghiêng ngửa:

- Ơ kìa, giả loa người ta nào...

- Loa gì?

- Loa chứ loa gì?

- Cái... loa của cô còn đấy chớ ai dám lấy!

Na đỏ mặt đấm vào vai Thông thùm thụp. Từ xa tiếng cô Hạt, chị ruột Na, lanh lảnh như đang nói chuyện với ai, nhưng Na và Thông nghe rất to:

- Mời anh vào chơi! Cô Na nhà tôi ấy à! Cô Na cô ấy đi phát thanh còn xơi mới về! Cô ấy còn bận cười, bận nói chuyện, bận...

Nghe thấy thế, Na bĩu môi xa sầm mặt lại. Na lẩm bẩm trong miệng:

- Đây không cần ai buộc rợ vào chân đâu, chẳng cưới thì đừng! Thôi em về anh Thông nhớ, chốc em sang.

Thông nhìn theo Na, ruột héo lại:

Đã mấy lần rồi, câu chuyện ngoài đê của Thông và Na thường kết thúc như thế. Nếu không những lời bóng gió của Hạt thì cũng tiểu đội trưởng Ninh ra gọi Thông về. Người ta phải ngăn lại vì Na sắp có chồng. Chồng chưa cưới của Na là một cậu bé mười sáu tuổi, kém Na bốn tuổi. Ngày chồng Na mới đẻ các cụ đã nghiệm thấy cung thê hoa tốt, kết hợp với lá số của Na thì được nhiều sự vững vàng, cho nên đã có hứa với nhau. Việc đi lại của bên chồng Na mười mấy năm nay chẳng phải ngồi một chốc mà kể hết ân nghĩa. Bà cụ tuy có chiều ý Na thật, nhưng không thể đành lòng muối mặt nuốt lời với bên kia. Tuy Na rất ngúng nguẩy một mực không chịu nhưng họ hàng hai bên người lớn với nhau vẫn phải tiến hành. Vả lại, bề ngoài coi Na có đỏ đắn, đứng người hơn anh chồng trẻ con kia thật, nhưng thực ra, theo ý các cụ, na chỉ mới hơn chồng có bốn tuổi. Thời buổi này các cụ cũng vẫn cứ cho là được, chẳng lấy gì làm khó coi. Chỉ vài tháng nữa nhà giai sẽ sang tổ chức xin Na về.

Thông vừa về tới cửa, tiểu đội trưởng Ninh cau có lên tiếng trước:

- Nói hoài cũng vậy, bộ Thông muốn phá ngang người ta sao chớ!

Thông nói ngay:

- Đồng chí muốn cấm người ta nói chuyện với nhau à?

- Không ai cấm cản nhưng người ta sắp có chồng, chơi dỡn vậy không được!

Thông tức nhưng không biết nói sao, anh hậm hực:

- Người ta có cảm tình với nhau cứ việc nói chuyện với nhau. Còn tôi, nếu ai thương được cứ thương, tôi không ngăn, đồng chí cũng không nên ngăn người ta. Chừng nào có chồng hãy hay.

Rồi anh chép miệng:

- Ai cũng vậy chớ không cứ tôi, đừng nói miệng.

Từ đấy Ninh hoặc anh em có muốn khuyên giải hoặc móc ngoéo gì thì cứ nói, Thông cũng lấy im lặng để trả lời. Thông cảm thấy Ninh như có cái gì ghen tức giữa chuyện mình với Na. Bộ đội về đóng đâu mắt mẻ vui xóm vui làng đến đấy. Phụ nữ vẫn là nguồn an ủi đầu tiên. Trong lúc khô héo đi vì nhớ nhau chẳng phải chuyện lạ. Anh nào chẳng thế.

Thông nhớ rõ chính anh chàng Ninh trước đây cũng đã từng lăng nhăng với Hạt, đẹp đẽ gì mà còn nói ai? Trắng trợn như Thông người ta mới nói chức lầm ngầm như người khác hỏi ai biết đấy là đâu? từ trước tới nay Na vẫn chống lại chuyện chồng con đày đọa này rồi, chẳng phải bây giờ anh về mà chia uyên rẽ thúy của ai. Chồng đứng chưa tới nách, tội nghiệp cho Na, ép lấy như thế thà họ giết chết đời người con gái. Nghĩ thế, nên ngoài mặt anh chịu một cái lỗi là không đứng đắn với người sắp có chồng, nhưng trong bụng anh vẫn thấy một cái chua xót uất ức ấy đã mở đường cho lòng yêu Na ngày càng da diết của anh.

Ngày mới tới đây đắp đê, nắng miền Bắc như điên người, uống nước thay cơm, tóc đỏ ra, miệng se lại, mỗi giờ như mất đi một ít hơi thở. Lúc ấy tiếng cười cởi mở của Na và cái duyên của chị em trong xóm đã làm tươi hẳn cuộc đời. Anh nào chẳng khói được Na nói chuyện. Chưa biết Na sắp có chồng, Thông cảm thấy gần ngay. Hai người cũng tính gặp nhau, cái cặp ấy làm cả đê phải cười đến đau bụng và cũng không ít lời ghen tức bóng gió. Ngay ngày đầu Na đã hỏi Thông:

- Anh tên là gì?

- Tôi là lính!

- Điêu! Lính tên gì chứ?

- Lính xưa nay vẫn tên là bộ đội!

Cười và nguýt đã chán, Na đi hỏi người khác. Hôm sau Na đã hỏi:

- Chị ấy ở trong Nam à anh Thông?

- Chị nào?

- Chị... chứ chị nào?

- Tôi không có chị chỉ có em thôi!

Na lại phì cười. Nếu quen đã lâu, hoặc không có chị em, Na đã xông tới thụi cho một quả. Na nguýt:

- Nói chuyện với anh tức lắm!

Thông vạch nay áo, giơ ra một bên sườn, miệng méo sẹo, nói như năn nỉ:

- Nếu cô có tức thì cô đá vào sườn tôi một cái cho bõ tức nè nè... nè đá đi... đá!

Na vừa định giả vờ co chân lên đá thì đã ngồi xuống ôm bụng cười sặc sụa. Con người sao mà dấm da dấm dớ đến là vui, Na chẳng bao giờ quên được những chuyện ấy.

Từ đó không bao giờ trên đê thiếu tiếng hai người. Vê nhà, đêm nằm không ngủ họ nghĩ ngợi để cười thầm vì nhau. Na cũng như Thông chỉ mong cho trời mau sáng.

Hơn nửa tháng sau, trong một buổi chiều ở chân đê, Thông gặp Na dưới gốc phượng. Na hỏi, không cười nữa, giọng buồn buồn, đoi mắt chờ trên môi Thông:

- Chị ấy ở trong miền Nam thật à anh Thông?

- Không!

Mắt Na sáng hẳn lên:

- Thế ở đâu?

- ở miền Bắc!

Na trợn tròn mắt, rồi bỗng nhiên cô thở dài:

- Miền Bắc nhưng ở đâu mới được chứ?

Thông vẫn chậm chạp:

- ở trong túi cô chứ ở đâu!

Tưởng Thông lại đùa, Na ấm ức, miệng mếu nhiều hơn cười. Nhưng bỗng mặt Thông đỏ bừng, anh nói khe khẽ tay chân cứng lại như khúc gỗ:

- Cô về nhà, ra chỗ thật kín, móc cái gương của cô ra soi, cô sẽ thấy... vợ tôi trong đó...

Người Na như bị lơ lửng trên không, cây cối trước mặt cứ lóa cả đi. Na không dám nhìn Thông nữa, hai má nóng ghê lắm. Khó thở quá, Na dụi mắt để cố giấu những giọt nước mắt sung sướng vì tình yêu đầu tiên. Na không ngờ cái ý nghĩ ấp ủ của mình lại đến thỏa mãn, mau mắn như thế. Dưới màu hoa phượng, mặt Na hồng hồng, cái cổ trắng muốt mắt rượi, mái tóc gội quấn trần ươn ướt thoảng mùi hương nhu, đôi mắt long lanh nhìn xuống mấy ngón chân. Trong sự im lặng hiếm có của đời người ấy, trông Na đẹp hẳn ra. Từ khi đến tuổi nghĩ ngợi đến giờ người ta chưa bao giờ thấy Na khóc, dù mẹ chửi hoặc chị đay nghiến. Lâu nay buồn việc chồng con, tủi lắm Na cũng chỉ sụt sịt ban đêm. Không phải vì lăng loàn cứng cổ như chị Na thường nói, nhưng vì Na không chịu cho ai buộc rợ vào chân. na cứ vui, cứ cười, cứ cãi chẳng hư hỏng gì mình mà cũng chẳng chết ai mà ai sợ. Nhưng hôm nay Na khóc, khóc giữa ban ngày lại trước mặt một người thanh niên, Na chẳng hiểu được vì sao nữa. Sự đời, bước chân vào tình yêu là đã thành nước mắt, dù là sự sung sướng rất đẹp đẽ ban đầu.

Thông và Na cứ đứng ngây ra một lúc lâu. Thường ngày cả hai cùng xông xáo, người ta tưởng như đã dạn dày coi thường cuộc đời lắm, nhưng bây giờ họ đang bỡ ngỡ như lần đầu bước xuống chiếc xuồng nhỏ qua sông bị sóng.

Một lát sau bỗng Thông hỏi:

- Nghe nói nhà chồng Na sắp xin cưới phải không?

Như bị ngã xuống nước Na vội vàng:

- Chưa!...

Thông nửa đùa nửa thật:

- Lộ bí mật rồi, vậy mà từ trước tới nay Na cứ nói dối tôi là chưa có người nào...

Na định nói gì lại thôi. Cô vừa bắt gặp Thông hình như có tiếng thở dài.

Mặc dầu việc Na sắp bị lấy chồng mói người đã cho Thông biết từ lâu, nhưng hôm nay nghe từ miệng Na thốt ra anh vẫn thấy như nửa buồn nửa tiếc. Anh lại muốn Na cứ nói dối với mình như mọi khi.

Dù sao sự thực vẫn phải đến, trước mắt Thông đang đặt ra một con đường. Thông hỏi:

- Na có sợ chúng mình không lấy được nhau không?

Na hỏi lại:

- Thế anh có sợ không?

- Không!

Đằng xa giọng cô Hạt lại bắt đầu lên tiếng bóng gió. Na nhìn về phía Hạt và trả lời Thông:

- Em cũng không!

Nhìn trong đôi mắt tha thiết của Na có những nét cứng cỏi lạ thường.

*

* *

Hạt hơn Na ba tuổi.

Tuy đẹp không bằng nhưng Hạt ăn đứt hẳn Na về mặt đẫy đà. Mí mắt cô nếu cố gắng thêm chút nữa thì sẽ che hết lòng đen. Thân người cô chắc chắn, sự đi lại vững vàng như cái thế của những cây cột giữa. Người ta phục cô ở chỗ chịu khó lam làm xốc vác như đàn ông, nhưng ngại nhứt miệng cô ít lâu nay sinh ra lắm điều, cảu nhảu càu nhàu, mặc dầu cô đã đổ tội rất nhiều cho Na là cứng cổ đanh đá. Tuy nhiên, trước đây đối với bên ngoài, nhất là bộ đội, bất kể tuổi hơn kém cô, cô đều một điều em xin thưa, hai điều em xin thưa, tất cả.

Hạt và mẹ ngồi quạt ở hè nhà. Ngoài sân mâm cơm ăn xong chưa dọn, còn để phần Na, úp kín trên cái chõng tre. Đàn ruồi thi nhau bám trên hai đầu đũa cả. Cả hai người như đang chờ Na, lâu lắm họ không nói gì với nhau.

Biết na đã về tới cửa nhưng hạt vẫn vờ như không biết, cô nói với cái cột:

- Con thì giống mẹ giống cha, có đâu lại giống lâu la ngoài đường.

Na không ngờ hôm nay chị mình lịa dám nói mình như thế. Câu ấy đáng lẽ ở miệng mẹ mình mới phải. No móc thật mạnh cái loa lên cột nói ngay:

- Giống ai thì giống, chẳng phải tôi làm xấu làm hổ cho ai mà ai sợ!

- Cô nói ai thế cô Na?

- Thế chị nói ai?

Hạt bực lắm, nhỏm dậy ra ngồi phịch trên chõng, bốn chân chõng kêu răng rắc, đàn ruồi hoảng hốt bay vù lên. Hạt bắt đầu kể:

- Được, cô muốn chửi tôi thế nào thì tôi cũng xin chịu! Nhà này cô là nhất đẳng. Cô đẹp lắm rồi. Đẹp quá cho nên cái nhà này có ngày đến phải che cửa lại!

Bà cụ tuy nể Hạt nhưng vẫn có ý thương Na. Mấy đứa con đầu lòng đã bạc với cụ rủ nhau bỏ cả. Chỉ còn hai mụn gái. hạt thì đã yên thân chỉ mình Na là còn vất vả. Lắm lúc gai mắt cụ cũng muốn chửi Na, nhưng lại nghĩ tội nghiệp. Nó sắp đi lấy chồng, có nghĩa là sắp phải khổ vì mẹ chồng, em chồng, phải hầu hạ làm con nhà người ta, bây giờ nó còn ở nhà cũng không nên làm cái gì cho nó khổ. Nghĩ thế nên lòng cụ như chia cho mỗi con một nửa. Có khi cụ đứng về phía Hạt, ngoài miệng chửi mắng nhưng trong bụng lại có phần thương Na. Có khi cụ an ủi Na nhưng trong bụng lại vẫn cho Hạt là phải.

Từ nẫy cụ im lặng như để lựa lời, bây giờ mới lên tiếng:

- Chị mày nó nói phải, gái sắp có chồng mà đong đưa là chỉ mang mặt mẹ cho người ta chửi thôi con ạ. Tao thì sống ngày nào biết ngày ấy, đã chắc gì... gần mãi được... chúng mày...

Rồi cụ thở dài như muốn khóc:

- Sống nay chết mai mà còn vất vả, chả nhẽ bây giờ cứ chiều con... sấp mặt với người ta...

Sấp mặt ở đây cụ muốn nói tới tiền sêu tết mười mấy năm nay. Trót đi lại với người ta chẳng phải mấy chốc nuốt lời, ăn ngập mặt rồi giở quẻ chê gà lắm xương. Mà nếu muối mặt thật thì cũng phải trả lại tiền người ta, điều ấy sẽ chẳng bao giờ trả nổi.

Ngồi ăn cơm như nghẹn lấy cổ, nghe mẹ nói Na im lặng. Xưa tới nay cứ động nói là bà cụ lại nhắc đến tiền sêu - tết. Thì ra cái thân Na đem gả bán là để trừ nợ cái mồm? Miếng ăn là miếng nhục. Mỗi lần Na làm già cắt đứt thì bà cụ lại khóc lóc kể lể nợ nần ân nghĩa. Ra đường bạn bè bàn tán, thanh niên bóng gió, về nhà thị chị em tiếng bấc tiếng chì, nước mắt mẹ như đè nặng hai vai. Na muốn bỏ nhà đi cho rảnh mắt nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình đi yên phận mình, mẹ ở nhà chẳng lẽ để người ta chửi? Bằng ấy tuổi đầu Na chẳng chịu cho ai làm xấu làm hổ mẹ mình cả. Na đã nhứt định không thèm chơi với anh chồng trẻ c on kia rồi muốn ra sao thì ra. Mấy tháng nay hình như họ làm già. Bà mẹ chồng sang nhà Na chơi luôn. Họ toan tính ngày cưới. Đêm đêm nằm nghĩ, Na không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra nghẹn ngang cuống họng. Na nghĩ đến một cái gì, phải nhất định phải tìm một cái gì để tính cho xong số phận mình.

Giữa lúc ấy thì Thông về đây. Anh về trao cho Na tất cả lòng yêu đương trong trắng nhất. Na mừng chảy ra nước mắt. Na yêu tha thiết, sung sướng tìm thấy ở anh một sức nương tựa, một nơi gởi gắm đời mình.

Nghe mẹ nói đến chuyện sêu tết, Na lại đắng cả miệng không nuốt nổi miếng cơm đang nhai. Hạt thấy Na im lặng, tưởng Na không thèm nói như mọi khi, nên cô làm già mãi:

- Tôi biết lắm, bụt nhà không thiêng đâu! Nói mỏi lưỡi mòn răng cũng thế thôi. Cứ để thiên hạ người ta chửi cho kia, lúc bấy giờ mới chịu.

Na đặt bát cơm xuống:

- Chẳng ai chửi được cả!

- Không chửi nhưng người ta cũng đào lên! Chứ mà lại chẳng đỏng đa đỏng đảnh toe toe toét toét mãi đâu!

Na đứng dậy bê cơm vào một góc tối ngồi ăn. Đã mấy lần nhịn nhục rồi, hàm dưới đập lên hàm trên phải đập xuống. Tiếng Na hắt ra:

- Chửi cho chán đi! Tôi đỏng đảnh! Tôi toe toét! Tôi thế này, tôi thế nọ! Còn ai kia thì đẹp! Có đi mà hỏi cái gốc cây họa chăng...

Hạt tức lồng lên, cổ như nghẹn lại. Na vừa vạch cái tội lăng nhăng của cô với tiểu đội trưởng Ninh hôm trước. Hạt lấy chồng từ năm mười lăm tuổi. Cô đang tuổi mười chín thì chồng lăn đùng ra chết. Trọn nghĩa với nhà chồng được hơn năm cô lại trở về nhà mẹ để... đợi chờ. Cô mới lấy người sau này được tám tháng nay. Chồng cô là một anh làm việc mãi trên huyện, người lạ xứ, kháng chiến rồi lưu lạc đến đây. Cha mẹ chồng không còn nên cô vẫn được ở nhà với mẹ. Mỗi chiều thứ bảy anh chồng lại đạp cái xe khổ qua mười mấy cây số về thăm. Biết mình già, hơn vợ những mười lăm tuổi, mặt lại xấu không được sáng sủa cho lắm nên đối với vợ, chồng cô lành như cục đất, chiều chuộng đủ điều.

Bộ đội về đây đắp đê, chính anh chàng Thông trẻ tuổi có duyên đã làm Hạt để ý. Nhưng cũng chóng qua đi, vì Thông đối với cô có vẻ hững hờ không mặn mà như Ninh. Thật tình, vì thích cô nên Ninh hay nói chuyện nhưng vài ngày say biết cô đã có chồng nên anh cũng thôi. Riêng cô, cô vẫn còn nhiều sự tơ tưởng. Vừa rồi chiều thứ bảy, chồng cô vừa vã mồ hôi đạp xe về tới nhà, cô liền vội vàng đi gác, tối đó cô không thèm ngủ nhà, cả ngày chủ nhật cũng chẳng buồn về. Giá như người ta, chồng về thì miếng nước, nồi canh, ngồi quạt cho chồng, hay có tệ thì cũng thưa anh lấy một tiếng rồi muốn đi đâu thì đi, nhưng đằng này tuyệt nhiên không. Anh chồng nể vợ, sáng thứ hai lại lầm lũi đạp xe đi thẳng. Cho tới một buổi sáng Ninh bỗng gọi thẳng cô ra nói chuyện, người ta không rõ việc gì, nhưng từ đó thấy cô không thèm sang chơi bên Ninh nữa. Nhiều lúc cô cứ uất lên rồi trốn vào buồng khóc. Cô đem dạ oán ghét Ninh từ đấy.

Giữa lúc cô buồn bực thì việc của Thông và Na cứ như gai đâm vào mắt. Ngay những chuyện vặt vãnh như trước đây, trong vườn có quả đu đủ chín, cô định mang sang cho tiểu đội Ninh thì ngoảnh đi ngoảnh lại, Na bẻ sang cho trước từ lúc nào. Chiều chiều cô muốn sang bên đó chơi, nhứt là để gặp Ninh, nhưng mới mò sang đã thấy Na ngồi đánh tú lơ khơ với Ninh, Thông, cười nghiêng ngửa ở giữa chiếu. Những cái ấy cũng đủ bực. Đến nay bị Ninh “hắt hủi”, cái hờn cái giận tự nhiên cổ đổ trút vào tất cả những gì là vui vẻ, là sung sướng của mọi người. Cô kết tội Na sắp có chồng mà õng ẹo bờm sơm, ăn nói như thế là không đứng đắn với chồng. Cô chê Thông - Thông cũng như Ninh - là đồ ỡm ờ, quyến rũ bùa mê thuốc ngải. Cô có nhiều lý rất đúng, lại có quyền một người chị để mặc sức làm cho hả cái ghen tức của mình.

Nghe Na vạch ra cô ức như bị chẹn họng. Cô đứng lên phân bua với cái cột:

- Mồm miệng người ta thế đấy. Anh Khánh ơi anh không về mà nghe người ta nói. Thôi từ nay tôi cũng xin thôi, cứ câm đi là xong, công đâu vơ lấy sự đời. Cái mặt ấy cứ để cưới xong người ta tống cổ về rồi mới trắng mắt ra.

Nói xong cô bỏ vào nhà, ra ý không thèm sự đời nữa. Nhưng Na chẳng lép:

- Người khôn không ai đâm choàng vào bụi đâu! Tôi cũng chẳng cần, miến là nói cho phải thì thôi! Chẳng qua cũng chỉ còn vướng chút mẹ già.

Nghe Na nhắc đến mình, bà cụ lại sụt sịt khóc. Đôi khi bà vẫn cảm thấy Na lăng loàn nhưng lại biết điều như thế. Nhưng Hạt lại nghĩ khác, như lửa thêm dầu, cô chạy ra:

- Mẹ nghe nó nói đấy! Thôi mai tôi cũng xin với mẹ tôi xéo để người ta khỏi vướng. Phải! Chồng tôi là đồ vô gia cư, vô gia đình, thất cha thất mẹ nên tôi mới phải ở nhà đây để làm vướng cô. Anh Khánh ơi anh làm khổ thân tôi...

Na vốn không hay khóc nên nước mắt của Hạt chẳng làm Na cảm động hay sợ hãi chút nào. na bỏ ra ngõ. Thấy cái khóc của mình “vô duyên”, Hạt lại lồng lên?

- Cả họ nhà này thất đức, cái nhà này thất đức! Tôi với mẹ cũng gặp phải cái đồ thất đức! Để anh Khánh về bảo anh ấy lên thẳng ngay ông đại đội tiểu đoàn nhà nó nói chuyện, xem chúng nó còn cái thói bờm xơm với nhau nữa không nào!

Rồi cô nói to như để Na phải nghe:

- Cái ngữ ấy sau này có mà đứng chợ, đứng chợ!

*

* *

Đã mấy ngày nay không thấy Thông ra ven đê thổi sáo. Na đi phát thanh về chỉ còn thấy gốc phượng trống trơn, hoa đỏ chói.

Hạt đã dẫn bà mẹ chồng sắp cưới của Na lên thưa với đại đội. Người ta nghe thấy tiếng khóc lóc kể lể của hai người tại văn phòng. Anh chồng bé nhỏ cua Na cũng giận dỗi bỏ về quê ngoại. Mẹ chồng Na lu loa một điều oán, hai điều trách bộ đội nỡ cướp công mình.

Chiều nay Na đi phát thanh về gặp ninh, Ninh đưa cho Na một bức thư, nói:

- Anh Thông nhờ tôi đưa cho chị bức thư, chị coi xong rồi xé đi.

Biết trước có việc không hay, Na run run nhét vội lá thư vào túi. Ninh nói:

- Thôi cắt đứt đi sau này khỏi khổ chị Na à! Bên gia đình có nhiều thắc mắc, ngoài xóm cũng có tiếng không hay. ủy ban xã cũng đã tới đại đội nói chuyện. Nếu cứ để Thông lấy chị thì có khác nào... Tình hình này chị thì sắp phải có gia đình, còn Thông thì, chúng tôi nay đây mai đó.

Na muốn hỏi gì nhưng không nói được. Mặt Na nhợt nhạt như người chết đuối, trời đất chung quanh tối xầm lại. Ngay những phút đầu gặp gỡ Na cũng ngờ ngợ thấy thế. Hôm nay sự việc xảy đến, Na tê tái như da thịt bị một vết thương khá nặng, không còn biết đau ở chỗ nào.

Ninh nói tiếp:

- Sau này nước nhà thống nhứt, chúng tôi lại về Nam. Còn cha mẹ họ hàng, còn anh chị em, còn...

Na không nghe thấy gì nữa, choáng váng mày mặt, chỉ còn đủ sức để tựa lưng vào gốc phượng. Một lần nữa Na kìm nước mắt. Ninh tiếp:

- Thông bây giờ đang kiểm thảo với anh em. Thông nhắn tôi nói chị đừng buồn, sự việc đã vậy rồi, sau này Thông sẽ nói rõ với chị. Nếu chị có thương bộ đội, có thương anh em miền Nam, có mến Thông thì nên vui vẻ để... Chúng tôi cũng có lời...

Vui vẻ để làm gì? Lấy anh chồng kia à? óc Na đau nhoi nhói. Na không tin Thông lại nhắn ra những lời ấy. Na bỗng vụt nhớ tới anh chồng chưa cưới của mình, người Na phát gai lên, tay chân như bị đeo vào trăm ngàn cục đá. Na lại nghĩ đến Thông, nơi hy vọng, nơi bấu víu cuối cùng của mình, thôi cũng xong! Anh Thông của Na cũng bỏ Na rồi. Đời Na bây giờ lại chới với, phận Na lại long đong. Xấu như cánh bèo ngoài sông còn có người thương người vớt, ngẫm lại cái thân mình thì trăm sự nhỡ nhàng. Na ngồi khụy xuống như bị ngã. Hoa phượng rơi lả tả xuống mặt sông, nước sông cũng đỏ ối như màu hoa, xoáy tít.

Những đám bèo Nhật Bản bơi nhanh, từng mảng bọt trắng ngầu ngầu vừa trôi vừa tan dần. Na nhìn theo chúng nhún nhẩy trên mặt sông đuổi nhau như một cuộc nô đùa, tự nhiên Na thấy như thương chúng, Na bỗng ao ước được như chúng để tha hồ mà bay nhẩy, trôi đi, trôi đi mãi, chẳng ai dám lội ra giữa dòng mà ngăn chúng lại được.

Na tính đầu ngón tay từ ngày ngỏ nhờ với nhau, hôm nay là hai mươi mốt ngày đúng. Thời gian ngắn ngủi nhưng nặng tình nặng nghĩa. Na đã gửi Thông chiếc khăn tay trắng, không quen thêu thùa, Na lấy chỉ đỏ âu yếm đột vào góc một chữ T thật to. Thông trao lại cho Na cái khăn bông hường, cái khăn ngày tập kết của em gái Thông gói bánh đưa vội cho anh lúc tàu sắp chạy. Khăn không còn mới nhưng nó là hình ảnh độc nhất của quê hương. Nhớ mẹ, nhớ em gái, Thông trao khăn lại cho Na như gửi ở Na tất cả lòng thương nhớ của mình. Những lúc ngồi bên nhau, Thông đã nói chuyện miền Nam cho Na nghe. Anh nói sau này Na về trong ấy phải chào má thế nào... Nhà nghèo nhưng má rất thương anh và tất nhiên cũng thương Na lắm. Na cứ ở nhà với má, một năm mười ngày phép, anh sẽ về thăm. Nước nhà thống nhứt, xe lửa chạy suốt, lâu lâu Thông sẽ dắt Na về ngoài này thăm mẹ, hai vợ chồng cùng đi, có con thì bế cả nó đi cho nó về thăm bà ngoại. Nghe Thông nói, người Na nôn nao, mặt nóng bừng bừng, tưởng như hai người đã thành vợ thành chồng từ lâu lắm.

Tất cả những việc ấy sẽ không bao giờ thấy nữa. Mắt Na bây giờ chỉ còn lại những đám bèo xoáy tít giữa dòng, nước phù sa trôi đi cuồn cuộn.

Na cố sức hỏi:

- Em có thể gặp anh Thông một chốc được không anh?

- Thông đã về căn cứ trước từ sáng nay vì ban chỉ huy tiểu đoàn gọi. Nghe đâu bên nhà chồng chị cũng lên thưa tận trên đó. Chúng tôi đã hết hạn đắp đê, sáng mai cũng phải về. Chị có nhắn gì tôi nói giùm cho?

- Thôi... Em cám... ơn anh.

Na định nói thêm nhưng đằng xa cô hạt đã gióng giả lên tiếng. Lần này Hạt gay gắt hơn, vừa nói vừa đi thẳng tới gốc phượng quyết bắt quả tang mới nghe. Tới nơi không phải Thông mà là Ninh, Ninh đang đứng khoanh tay rất đứng đắn trước mặt Na. Cô nói như để che sự tẽn tò:

- Giời với đất mới chiều mà tối mù mù như thầy bói, chẳng nom rõ ai vào với ai.

- Chào chị Hạt, tôi là Ninh đây, chúng tôi đang nói chuyện với chị Na để...

- Thế mà tôi cứ ngỡ... Các anh hồi này rỗi rãi nhỉ! Chẳng qua nhà tôi nó gặp hồi vô phúc nên bận lắm, chẳng có thì giờ ăn chơi mà sang...

Ninh chặng ngang, giọng nghiêm nghị:

- Việc đâu có đó, chúng tôi sẽ giải quyết. Bộ đội dù sao cũng là con em của nhân dân chúng tôi không để gì phiền lòng tới gia đình đâu. Người lớn với nhau chị không nên ăn nói như vậy!

Hạt bỗng nhớ tới việc lăng nhăng của mình và thái độ đứng đắn của Ninh hôm trước, cô hơi ngán. Tuy vậy cô cũng không chịu im:

- Phải, tôi biết các anh là bộ đội mà, các anh không lo hạnh phúc cho dân thì thôi chớ ai lại tranh chồng cướp vợ của dân. Thì ra chỉ tại cái người nhà tôi nó thất đức!

Ninh chặn lại:

- Chị nên bắt chước chị Na ăn nói đứng đắn lại một chút!

Na không chịu được nữa. Từ nãy Na đang khổ vì chuyện Thông nên không thèm ngó tới chị. Tới nước này Na phải nói. Bao nhiêu tủi hờn uất ức như trút vào đầu Hạt:

- Chị đừng có cái thói hàm hồ! Cứ quen sỗ sàng như ở nhà ấy mà anh em người ta chửi cho!... Thôi chào anh Ninh em về.

Như bị ba bốn cái tát một lúc, Hạt bỏ đi ôm miệng kêu hưng hức:

- ới mẹ ơi, ới anh Khánh ơi... người ta với bộ đội đang về hùa với nhau mà... sỉ vả tôi! ới giời...

*

* *
Thông còn gặp Na lần cuối cùng nữa ở tại căn cứ đóng quân, cách chỗ đắp đê mười lăm cây số.

Đơn vị đã về được một tuần. Hôm ấy Thông đang vác đồng gánh đi mua đồ ăn, giữa đường bỗng tiếng Na kêu giật lại, anh sững sờ như gặp trong cơn mê. Mặt Na xanh hẳn đi, quần áo xốc xếch dính bùn bê bết, đôi mắt phờ phạc hơi có quầng xám, tóc lòa xòa xuống mặt. Na nhìn xuống chân nói khẽ:

- Em trốn dưới xã lên thăm anh. Em chờ đã hai ngày nay... không dám hỏi thăm ai cả.

Thông lặng người, anh lắp bắp mà không hiểu mình nói gì:

- Na mới lên... Na lên... việc gì.

Na quay mặt đi. Lát sau trấn tĩnh được Na nói một hơi:

- Em lên gặp anh để anh xin phép về nói với mẹ, xin em đi theo anh. Mẹ em chửi em, chị Hạt cũng đánh em. Nghe lời chị em bạn, em đã sang thẳng nhà chồng em, em nói thật lòng dạ em với anh cũng đã phải với nhau như thế, bên ấy họ cũng nhổ bọt đuổi em, họ nói họ không thèm nữa, bộ đội có giỏi thì họ... nhường cho bộ đội. Mẹ em nói đã đến nước ấy thì mẹ cũng cho anh, rồi dắt nhau đi đâu thì đi cho khuất mắt, anh đem em về Nam cũng được.

Na hỉ mũi rồi nhìn vào mắt Thông. Đầu óc Thông quay cuồng, chỉ còn nghe được hai mạch máu giựt mạnh trên thái dương. Anh ngồi phịch xuống, hai hàm răng tê cứng vào nhau. Lần đầu tiên anh nghe thấy tiếng thổn thức của một người con gái. Na lại nói:

- Em có bỏ nhà trốn đi đâu chăng nữa cũng chẳng vẹn nghĩa cùng anh. Thôi thì anh đã thương em thì thương cho trót, anh cứ về cùng em, nói khó với mẹ rồi may ra... Khổ thân em, anh cứ để em một mình rồi em chẳng còn biết nghĩ thế nào ra thế nào nữa.

Na lại nhìn Thông, im lặng, Na nói tiếp:

- Cái phận em nó long đong... thật thương nhau chẳng nghĩ chữ ngờ. Không làm bạn được với anh thì em còn lòng nào mà về nhà ai nữa.

Thông thở dài. Chính anh cũng không ngờ sự đời lại xảy ra như thế. Bây giờ anh mới hiểu rõ Na. Đồng chí chính trị viên đích thân đi giải quyết. Để đảm bảo danh dự quân đội, người ta có thể dàn xếp mọi việc bên ngoài tưởng như đã êm đẹp, nhưng người ta không thể dàn xếp được lòng Na, nhưng không phải đã nguôi được mối tình đầu của Na, càng gặp khó khăn càng âm ỉ bốc cháy.

Na chờ Thông trả lời, ngồi ủ rũ như con chim bị mưa chờ nắng. Ngoài trời, gió nam cuốn từng cơn bụi cát thổi vào sân đình hoang chỗ Thông và Na ngồi. Chiều màu hè mà cuống nhanh như sang thu. Trên nét mặt xanh xao của Na, một vệt nắng chiều đỏ sậm còn đọng lại trên gò má.

Thông đặt tay lên vai Na định nói gì lại thôi. Vai Na nóng hổi, anh tê tái như bị truyền tất cả sự đau đớn vào cơ thể.

- Anh Ninh hôm trước có nói chuyện với em chưa?

- Em không tin. Em biết là anh chả bao giờ quên em đâu. Anh nói dối để khỏi bị kiểm thảo chứ gì?

Sau này Thông cũng không hiểu mình đã gật đầu hay lắc đầu lúc ấy. Với cái tuổi chim non ra ràng của anh, anh đã dành cho Na tất cả mối tình đầu nguyên vẹn. Không bao giờ anh có thể quên được Na thật, nhưng sự đời đang bắt anh phải làm ngược lại. Đôi khi người như điên dại, anh ước ao có một nơi nào thật xa, thật vắng, rừng sâu nước độc hay tít ngoài hải đảo, ở đấy loài người không có để một mình anh sống với Na. Phút điên dại đã qua, sự thực vẫn đâu vào đấy. Như một thứ lớp định sẵn, như một sợi dây đã có sẵn ở trên đời, nó buộc anh phải quên Na. Xa con đường ấy anh sẽ lăn ùm đi đâu không biết. Ngày xưa sống với mẹ, mẹ chỉ cưng cho anh chơi đùa nhưng mẹ chẳng tha khi anh nghịch phá. Anh vào bộ đội người ta khen anh gan mà không liều. Bây giờ yêu Na, lần đầu tiên lòng anh bị thua, thua gì không hiểu, nhưng anh cảm thấy mình bị thua nặng lắm.

Không còn lòng nào lẩn tránh mãi đôi mắt Na. Thông cầm chặt tay Na, dặn Na đừng khóc để nghe anh nói hết. Anh đã xin na đừng giận mà nên hiểu anh. Anh kể những lúc Hạt và bên chồng Na lên, gần như làm nhục anh và bộ đội ở văn phòng. Những việc ấy đơn vị đã giúp anh một đường suy nghĩ. Anh còn mang trong mình một người bộ đội, đầu đội sao tay cầm súng. Anh lại là chiến sĩ miền Nam... Anh yêu Na, đơn vị cũng thương Na, nhưng gia đình và bên chồng Na như thể chưa cho phép ai có thể làm gì hơn được. Nếu bên chồng Na có thật lòng nhường đi nữa, thì việc xây dựng của anh và Na cũng chẳng dẹp gì cho quân đội.

Người ta chưa hề gặp anh buồn, nhưng anh đã phải chùi nước mắt vì chuyện ấy. Anh xin lỗi Na về những lời dự tính trước đây. Anh khuyên Na nên về nhà, không bằng lòng lấy họ thì nhờ chị em đoàn thể can thiệp cho. Nếu cùng quá, Na đi làm công trường thật xa, sau này gặp ai vừa ý thì xây dựng.

Thông vừa nói vừa nhìn Na. Mặt Na chỉ tái dần không khóc, anh yên trí. Nhưng anh hiểu sao được trong sự im lặng ấy đang đến với na những ý nghĩ ghê sợ gì. Thông nói:

- Như vậy cũng là anh giữ trọn lời với Na, giữ trọn lời với đơn vị... Không sống với nhau nhưng không bao giờ anh quên Na được.

Một lúc lâu lắm, Na hỏi, giọng như ngây dại:

- Đằng nào cũng đã xảy ra. Anh cứ về xin em rồi anh đóng ở đâu em xin đi theo đấy. Anh ở trong trại, em ở ngoài mặc em, anh không phải lo gì cả.

Không phải Na nói đùa, Thông nhìn trong mắt Na, đôi mắt ươn ướt ấy đang đợi chờ anh tha thiết lắm. Anh chưa kịp suy nghĩ, Na lại hỏi, vẫn giọng như ngây dại nhưng cứng cỏi nhanh hơn:

- Nếu không, anh cứ... xin được em rồi anh... muốn đi đâu thì đi, em cũng đi thật xa không... ở nhà nữa. Chừng nào anh về Nam cho em về...

Thông tưởng như không bao giờ có thể trả lời được câu hỏi ấy. Anh bối rối. Nhưng anh không biết được rằng mỗi giây chờ đợi bây giờ là mỗi giây rạn nứt mạch máu trong người Na, Na lại hỏi, giọng run run gay gắt hơn trước:

- Hay anh không cần phải về xin em nữa, em cứ... ở đây với anh. Em sẽ trốn ở ngoài xóm này chẳng... ai biết được... anh đừng sợ...

Bây giờ Thông mới hiểu tại sao mặt Na xám hẳn lại. Anh cắn nát quai mũ không biết nói sao. Na có thể liều lĩnh vì Na có một mình, còn anh, một sợi dây đang liên hệ anh vào cả khối người to lớn, làm liều như thế chỉ thêm khổ cho nhau. Nhưng không lẽ từ chối lời Na? Không bao giờ anh làm điều tàn nhẫn ấy. Phút im lặng qua, Na đứng dậy loạng choạng muốn ngã.

- Thôi anh ở lại em về!

- ... Na về, nhưng về đâu?

- Về nhà chứ về đâu!

Thông nắm chặt tay Na, bàn tay lạnh ngắt đến nỗi hơi nóng của tay anh không truyền qua được. Anh ái ngại, ý nghĩ đi tìm một nơi nào thật xa không có người để hai đứa chung sống với nhau lại vụt đến, nhưng anh cố trấn tĩnh được:

- Na về cố gắng vui vẻ rồi...

Thông không thể nói được hơn nữa, tim anh đang bị ai ép mạnh. Na rút tay ra, quay đi bước nhanh. Thông nói với theo:

- Trời tối rồi Na về có kịp không?

Na không trả lời. Hình như Na khóc, lần thứ hai Na khóc trước mặt người thanh niên.

Trời trở gió. Những cơn gió cuối mùa lùa vội trên mặt đường một cách hốt hoảng rồi biến mất.

Thông giật mình như qua cơn mê ngủ, tay anh vẫn nắm chạt tưởng như còn bàn tay Na ở trong. Một lúc sau, anh bỗng vụt chạy theo Na nhưng không kịp nữa.

Thông được tin Na vào một buổi chiều mùa hạ, anh bàng hoàng nhớ lại cái xóm nhỏ có màu hoa phượng đỏ chói dưới đê. Trước lúc đoàn thể ở xã bằng lòng cho cắt đứt anh chồng bé nhỏ, Na đã bỏ nhà đi. Na đi đâu? Ngay từ buổi chiều sau khi gặp anh, người ta không thấy Na trở về xã nữa.

Tháng 6-1957

Ảnh: Tuổi trẻ
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)