VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Nhà văn Trung Trung Đỉnh “mần thơ”

Thứ Ba, 03/12/2024 06:26

. ĐẶNG HUY GIANG

Trong làng văn, có khá nhiều “nhà tiểu thuyết”, “nhà truyện ngắn”, “nhà tùy bút”… làm thơ. Đó là Hoàng Đình Quang, Khuất Quang Thụy, Đỗ Chu, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Trong số này, Trung Trung Đỉnh nổi lên như một hiện tượng. Đặc biệt, sau cơn bạo bệnh và “thoát hiểm” sau Noel 2015, Trung Trung Đỉnh cho xuất bản 2 trường ca: “Đá và em”, “Chàng trai bằng đá”…

Trường ca “Chàng trai bằng đá” có tên ban đầu là Rơlan K’lớ - tên một nhân vật là “Dũng sĩ diệt Mĩ” ở Tây Nguyên một thời. Cái tên Rơlan K’lớ làm tôi nhớ dai nhớ dẳng, đến nỗi cứ mỗi lần gặp Trung Trung Đỉnh là tôi nhắc liền.

Tôi nói: “Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, em đã đọc trích đoạn của nó kỹ càng trên Văn nghệ Quân đội. Phải nói là rất ấn tượng. Những câu “Gió băng lên rừng già gặp hòn núi lớn/ Gió xé mình thành trăm mảnh/ đánh thức lá non/ gió phóng lên trời/ như ngàn vạn mũi tên/ cắm vào vách đá…”, cho đến giờ, em vẫn còn nhớ”.

Tiếp lời, Trung Trung Đỉnh kể: “Hồi ấy, tôi đang ở Đà Nẵng (Trại viết Khu V). Sau khi báo đăng, nhà văn Ngô Thảo mang nhuận bút vào cho tôi. Lập tức, tôi sử dụng số tiền ấy mua vé máy bay (2 chiều) bay ra Hà Nội và trở về Đà Nẵng với một can bia hơi 20 lít trong tay để chiêu đãi bạn bè.

Thời điểm ấy, mua bia hơi cũng không dễ. Tôi phải “đặt hàng” nhà văn Nguyễn Đình Chính từ trước lo giúp. Ông bảo tôi là “dân chơi” ư? Không đâu. Chẳng qua là muốn nêu một thông tin: Ngày ấy, tiền nhuận bút 10 trang in của Văn nghệ Quân đội cũng đáng kể và đáng nể đấy chứ. Có đâu “thấp bé nhẹ cân” như bây giờ”.

Trung Trung Đỉnh bảo: “Tính đến nay, tôi đã xuất bản hàng chục tác phẩm. Trong đó có 5 tập truyện ngắn, 8 tiểu thuyết, còn viết kịch bản phim, viết báo thì không tính. Nhưng rốt cục thì mới có mỗi một tập thơ thôi. Không biết nó có quý không, nhưng rõ ràng là hiếm, ít ra đối với tôi”.

Là người làm thơ, tôi đã đón nhận 2 trường ca này như đón nhận thơ của một người từ thế giới bên kia trở về. Say mê và trân trọng - đó là thái độ của tôi. Những câu: “Ở đây núi cao chất ngất/ đá nhỏ nhoi cô độc giữa trời/ đá tựa vào vách đá/ lạnh lùng thay/ đá ngồi quanh với đá/ có bao giờ đá mỉm cười chưa“; “Đá lặng thinh như đá ngàn đời“; “Nhưng đá và ta là cả cuộc đời“; “Lời em lẫn vào tiếng rên của đá“; “Đá ngàn năm như đá nhọc nhằn“; “Đá là tim ta khi ta biết khóc/ đá là hồn ta khi đá hú trong đêm“; “Đá làm ta tan nát lòng ta“; “Anh ơi anh đá cũng biết buồn/ khi ta chết đá thành bia mộ/ thành những bông hoa tinh khiết của đất trời“; “Ta hóa đá cùng em giữa chợ/ con ngựa gầy tiếng hí cũng gầy theo“; “Đêm Mèo Vạc anh làm thơ tặng đá/ bỗng thấy mình tan nát giữa sương giăng”; “Anh đau đáu nhìn lên trời Mèo Vạc/ tưởng như trời đang chuyển/ đá tìm nhau”; “Em ơi em đá mềm như lửa/ đá ngẩn ngơ bốc khói giữa lòng thung”; “Em và đá trong ta thành xứ sở/ đá và em nuôi nấng trái tim này” trong “Đá và em”, cho thấy đá thật đa dạng, sinh động, mang màu sắc của tâm trạng. Chưa kể, thế giới đá ấy cũng thật gần gũi, uyến chuyển, quyền biến và có độ hóa thân trong con mắt của một thi nhân. Tôi cũng dám chắc: Người viết về đá, gắn mình với đá để gửi gắm, chia sẻ mà có nhiều câu thơ được như thế, hẳn không phải nhiều.

Người xưa quan niệm: Kẻ trí thích núi (gắn với sự cao vút, đọc theo âm Hán là “Trí giả nhạo sơn”). Khi liên hệ với Trung Trung Đỉnh, tôi hỏi: “Vậy anh có coi mình là “kẻ trí” không? thì Trung Trung Đỉnh cười: “Cũng không hẳn như thế. Có thể tôi gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, với núi, với đá lâu năm nên mới say mê núi, say mê đá chăng? Cũng có thể đó là một phần ký ức, làm nên những ám ảnh về núi, về đá trong tôi chăng?”.

Trung Trung Đỉnh là lính Tây Nguyên từ tháng 12 năm 1968 - thời kỳ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mĩ. Trên đường đến địa điểm tập kết, anh bị “dính” sốt rét ác tính và phải nằm lại đường dây 559 để điều trị. Sau, được phiên chế vào bộ đội Gia Lai và gắn bó lâu dài với chiến trường Tây Nguyên. Anh gắn bó với Tây Nguyên đến mức biết và sử dụng thành thạo tiếng Bana và tiếng Gia Rai. Nhiều người cho rằng: Gắn bó sâu nặng với Tây Nguyên, sau nhà văn Nguyên Ngọc là nhà văn Trung Trung Đỉnh. Gần đây, người Tây Nguyên đã quý Trung Trung Đỉnh đến mức chuyển ngữ tiểu thuyết “Lạc rừng” của anh sang tiếng Bana.

Cho dù đã có truyện ngắn đầu tiên đăng trên Văn nghệ Quân giải phóng từ năm 1972, nhưng Trung Trung Đỉnh tự nhận mình là nhà văn chính thức xuất hiện sau 1975.

Với tôi, tiểu thuyết Lính trận và tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng của anh thật đáng nhớ. Tôi nhận xét: “Đọc Lính trận của anh, thấy mọi thứ đều tan nát ra. Còn đọc Ngõ lỗ thủng của anh, thấy cái chất liệu gai góc, xù xì, khó xơi được tải vào văn chương cứ êm như ru”. Anh bảo: “Văn chương chính là cái bóng của đời sống, không phải đời sống. Còn mình là nhà văn thì cứ viết, trời cho thế nào thì viết như thế. Không có gì để nói trước được đâu. Cái quan trọng là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng…”.

Sau 1975, Trung Trung Đỉnh có 20 năm công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 4 năm công tác ở Báo Văn nghệ và một số năm ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Thời còn ở Báo Văn nghệ với cương vị Phó Tổng biên tập, ít ra anh đã góp phần giới thiệu được hai tác giả là Nguyễn Ngọc Tư và Ngô Khắc Tài. Chính nhờ Trung Trung Đỉnh và Lương Ngọc An mà Cánh đồng bất tận được đăng tải đến 3 kỳ liền trên Báo Văn nghệ. Đây cũng là chuyện hi hữu trên một tờ báo văn.

Sau đó, Cánh đồng bất tận được giới thiệu 7 kỳ trên Báo Tuổi trẻ và trở nên nổi đình đám. Còn truyện ngắn Cái chuông gió của Ngô Khắc Tài, không hiểu vì sao bị “kẹt” ở Báo Văn nghệ. Trước tình thế ấy, Trung Trung Đỉnh đã gửi sang Tạp chí Nhà văn, hồi nhà văn Hà Đình Cẩn đang làm Tổng biên tập, nhờ đăng tải giúp. Sau này, Cái chuông gió được đánh giá là một trong số truyện ngắn hay của Ngô Khắc Tài.

Nhân hai chuyện này, Trung Trung Đỉnh bảo: “Trong văn chương, đố kỵ nhất là “dìm hàng”. Mà anh có “dìm hàng”, cũng không “dìm hàng” nổi. Trên thực tế, gỗ thì nổi, đá thì chìm. Muốn làm cho gỗ chìm, đá nổi… đâu có dễ! Vả lại, là người thẩm định tác phẩm, anh phải có khả năng thừa nhận tài năng của người khác và cái gu biên tập của anh phải rộng, phải kham được nhiều gu”.

Bên cạnh đó, Trung Trung Đỉnh còn viết báo rất “mả”, trong đó có mảng chân dung văn học về các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Thái Bá Lợi, Bảo Ninh… Anh bảo: “Viết cho đúng người, đúng việc một cách chân thực và xác đáng, kiểu “gọi tên sự vật với đúng tên gọi của nó”, cũng vất vả và kỳ khu lắm. Có mỗi chân dung nhà thơ Hữu Thỉnh mà tôi định giật tít là “Hữu Thình, Hữu Thỉnh…” mà viết mãi vẫn chưa xong. Hiện tôi đã có gần 300 trang ở mảng này, đủ in thành một cuốn sách đấy. Có lần, sau khi viết chân dung một nhà thơ, với cách nói nước đôi, nhưng trung thực và có ẩn ý, nhằm phản ánh một thực tế, mà tôi bị kiện tới số đó”.

Có một thời gian dài, Trung Trung Đỉnh rất chăm viết kịch bản phim và chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh, trong đó có phim nhiều tập Cảnh sát hình sự. Anh bảo: “Nghề này kiếm tiền dễ hơn nghề viết văn. Rồi cũng nhờ khoản tiền thu nhập từ đây mà tôi tích cóp đủ để chữa chạy thận đấy. Giờ, có khi tôi phải bán nhà để lo cho cậu con trai đi du học ngành âm nhạc ở Anh quốc trong năm tới. Con mình nó thích, lại có khả năng, thì mình cũng phải “chiều” thôi!”.

Trung Trung Đỉnh là người thích đùa và đùa lúc nào cũng khéo và cứ y như thật. Cách nay không lâu, khi ghé thăm lò gốm của Thi Nguyên ở Chí Linh (Hải Dương), anh có tặng nữ nhà thơ trẻ này tập thơ mới xuất bản. Anh nói đùa: “Em đọc đi. Đọc cho kĩ vào. Tập thơ này là tập thơ mẫu được Hội Nhà văn đặt hàng đấy”. Vậy mà Thi Nguyên cũng ngơ ngác và tin là thật.

Anh cũng là người rất hay dùng hai từ “sâu sắc” thật dí dỏm. Cô gái này xấu một cách “sâu sắc”. Ngôi nhà này xấu một cách “sâu sắc”. Bãi biển này đục một cách “sâu sắc”. Tập truyện ngắn này dở một cách “sâu sắc”. Khi tôi hỏi: “Thế tập trường ca này của anh có… “sâu sắc” không?”, thì anh “nương” theo: “Cũng… “sâu sắc” chớ!”.

Trước 1975, cùng với văn xuôi, Trung Trung Đỉnh viết cả trăm bài thơ ngắn, dài. Đến quý 2 năm 2016, Trung Trung Đỉnh mới cho ra mắt bạn đọc một tập thơ. Như vậy, anh là người rất cẩn trọng về thơ. Và tôi tin, sau 2 trường ca: “Đá và em”, “Chàng trai bằng đá”, anh sẽ còn làm thơ và xuất bản thơ nữa.

Học sự đùa rất có duyên của anh, tôi đặt tên bài viết này là “Nhà văn Trung Trung Đỉnh “mần” thơ, thay cho “Nhà văn Trung Trung Đỉnh làm thi sĩ” như dự định ban đầu.

ĐHG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)