Có gì lạ giữa “Già Khương” và thơ?

Thứ Ba, 28/11/2017 15:12
HỒNG DIỆU
 
khdung
Chắc là tôi không lầm khi nói rằng, cho đến nay, nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907 -2005) có được tuổi thọ cao nhất trong các nhà thơ Việt Nam cổ kim. Tính theo tuổi ta thì ông mất năm 99 tuổi, chỉ một thời gian ngắn nữa là sẽ tròn một trăm! Và năm 2007 này là năm thứ 110 sinh nhật nhà thơ Khương Hữu Dụng.

Khương Hữu Dụng (ảnh) thường được bạn văn và người thân gọi một cách kính cẩn và yêu mến là “Già Khương”, gọi từ khi ông còn chưa... già!

Tôi không biết chính ông hay ai là người đầu tiên nghĩ ra cách gọi ấy. Chỉ biết, Khương Hữu Dụng rất thích thú với cách gọi này. Năm 1968, mới 61 tuổi, ở bài “Thơ gửi con trong nớ”, viết vào lúc cuộc tổng tấn công Mậu Thân chuẩn bị nổ súng, nhà thơ dặn người con lúc ấy đang chiến đấu ở miền Nam, sắp có dịp tiến về quê hương:
Qua cây đa đầu thôn
Con nhớ thét to lên
Cho cha ông nghe tiếng
Rằng thằng Hưng
Con Già Khương
Đã về!
(Những chữ in đứng ở ba dòng cuối do chính nhà thơ nhấn mạnh. Còn “thằng Hưng” ở đây là anh Khương Thế Hưng, thứ nam của nhà thơ, nhiều năm đi bộ đội. Anh sinh năm 1934, mất năm1999 vì thương tật và di chứng chiến tranh).

Trước kia, đọc thơ Khương Hữu Dụng, tôi có ấn tượng nhất với bài thơ dài “Từ đêm mười chín”, viết hồi 1947-1948, Chi hội Văn nghệ Liên khu năm in lần đầu năm 1951. Một bài thơ nói trực tiếp, trực diện về chiến trận như thế là rất hiếm - nếu không muốn nói là không có trong văn học Việt Nam hiện đại. Mang hơi hướng của văn biền ngẫu với một tốc độ nhanh và mạnh, bài thơ vừa thể hiện sinh động khí thế chiến đấu, vừa có tác dụng kêu gọi, thúc giục đánh giặc...

Hãy đọc ngẫu nhiên một ít câu trong gần 700 dòng thơ của “Từ đêm mười chín”; đây là đoạn tả một trận đánh ban đêm:
Xung pho-o-ong!...
Một tiếng xé sương mờ!
Rồi
Tiếng reo chuyển bụi
Tiếng ó vang bờ
Mấy đoàn dũng sĩ sao trên trán
Sáng rực đêm sâu làng quyết chiến
Nòng súng sôi gan bật lửa hồng
Xanh hờn dao mác thép ngời vung
Một thằng chống cự: một đầu rụng
Một đứa quy hàng: một, được dung
Lưỡi lê vừa thấm máu
Chính nghĩa đã thu lòng
Súng, tước một số lớn
Người, theo một số đông
Hung tàn quân nghịch xác chồng xác
Máu đọng còn tanh mùi tội ác!
Về sau này, tôi mới biết, trước “Từ đêm mười chín”, năm 1946, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã viết “Kính nhật tụng của người chiến sĩ” (có hai bạn thơ là Nguyễn Đình Thư và Nguyễn Đình cộng tác) - một tác phẩm mang hơi thơ dân gian, đã được nhiều đơn vị bộ đội và các cơ quan ở Cực Nam Trung bộ, ở Nam bộ học thuộc lòng và truyền miệng qua nhiều người trong lao tù đế quốc, được các chiến sĩ cách mạng coi là “vũ khí sắc bén”, là “cẩm nang ứng xử trong tù”. Điều lạ là một bài thơ cực kỳ giản dị, nôm na như thế mà được coi như là kinh, như là lời tâm niệm cần phải đọc hàng ngày của nhiều chiến sĩ cách mạng một thời kỳ lịch sử.

Trong quyển “Khương Hữu Dụng - một đời thơ”, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006, nhiều chiến sĩ cách mạng bị tù đày (về sau có những người được đảm nhận những cương vị trọng trách của đất nước) đã nói điều này. Chẳng hạn, bà Trương Mỹ Hoa viết: “Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày tôi bị bắt giam và bị đày qua các nhà lao khét tiếng... mà đến nay tôi vẫn nhớ và thuộc lòng bài thơ “Kinh nhật tụng của người chiến sĩ”, bởi tôi đặc biệt tâm đắc với bài thơ này... Bài thơ này có người bảo là bài thơ của Bác Hồ, người ở tù trước dạy cho người ở tù sau, người đã biết dạy cho người chưa biết... Những khi bị những trận đòn roi tối tăm mặt mũi, bị những đòn tra tấn dã man chết đi sống lại của kẻ thù, thì chúng tôi lại nhẩm đọc trong óc những lời thơ chí lý để tự động viên, tự nâng cao tinh thần kiên định của mình trong đấu tranh đối mặt với kẻ thù” (trang 265-266).

Còn bà Võ Thị Thắng thì viết: “Bài Kinh nhật tụng rất phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng trong tù, đặc biệt ở “chuồng cọp”. Lời thơ mộc mạc, bình dị, đi vào chiều sâu, mang tính giáo dục cao... Nếu nói là sách gối đầu giường thì Kinh nhật tụng là bài thơ nằm lòng... Kinh đã trở thành tiềm thức từ lâu, nói lên suy nghĩ của mình, vừa nhắc nhở, vừa khuyên nhủ, vừa xác định ý chí chiến đấu” (trang 269).

Rồi sau nữa, đọc các tập thơ khác của Khương Hữu Dụng, tôi có một ấn tượng mạnh rằng cả đời ông, ông đã dành hết tâm huyết cho thơ - thơ sáng tác và thơ dịch.

Tôi được gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng lần đầu vào năm 1972, tại nhà riêng của nhà thơ Xuân Diệu, và ngay từ lần gặp ấy đã có một kỷ niệm với ông. Bấy giờ, đất nước ta đang kháng chiến chống Mỹ, những tác phẩm văn học “tiền chiến” chỉ có trong một ít thư viện lớn, mà cũng chỉ những nhà nghiên cứu mới được đọc. Bấy giờ lại chưa có máy sao chép. Tôi đành phải ngồi chép tay hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” của nhà thơ Xuân Diệu tại phòng anh. Tối ấy, tôi đang chép những dòng cuối cùng thì nhà thơ Khương Hữu Dụng đến chơi. Ông và nhà thơ Xuân Diệu ngồi nói chuyện, tôi thì làm việc của mình. Đến lúc nhà thơ Khương Hữu Dụng và tôi ra về, nhà thơ Xuân Diệu khóa cổng xong và trở vào, Già Khương mới ghé vào tai tôi nói: “Chép cho bác tập Thơ thơ nhé”! Tất nhiên, tôi không thể từ chối, về chép và mấy hôm sau đem tập thơ đến tặng, theo đúng yêu cầu của ông. Từ đấy, thỉnh thoảng ông lại ghé qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội trò chuyện với tôi, và thỉnh thoảng tôi lại đến thăm ông ở phố Phan Bội Châu. (Thật lý thú, nhà thơ Khương Hữu Dụng có một thời gian khá dài được ở đúng cái phố mang tên nhà chí sĩ nổi tiếng, vốn là bạn vong niên và người thầy của ông thuở xưa, người đã đặt cho ông bút danh Thế Nhu mà ông thường ký dưới nhiều bài thơ tranh đấu trước cách mạng).

Đến thăm nhà thơ Khương Hữu Dụng, nhiều khi khách thường gặp một điều khá... phiền hà. Điều phiền hà này xuất phát từ chính nhiệt tình của ông đối với văn chương, đối với khách. Ông nói về nhà thơ này và nhà thơ khác, về bài thơ này và bài thơ khác. Khách có khi rất muốn ra về (vì còn phải làm công kia việc nọ) mà không nỡ dứt cho ra, cứ ngồi yên mà... chịu trận. Nhưng lại cũng vì vậy mà biết được nhiều chuyện. Ông đưa những bài thơ của ông và của những nhà thơ khác cắt từ báo chí trước Cách mạng cho xem. Ông đọc thuộc vanh vách nguyên văn một bài thơ Pháp, một bài thơ Đường, một bài thơ Tống... Không ai không nhận ra ông thích thú, hay là trăn trở, suy tư từng câu, từng chữ. Hồi trước, ông vừa tặng tôi tập “Thơ Lục Du” (có nhiều bài ông dịch), thì mấy hôm sau ông đã ghi cho tôi mấy bản dịch khác, sửa những chữ mà ông mới nghĩ ra. Tôi tuyển chọn tập “Thơ tình thế giới” (một trăm lẻ một bài) có chọn bài “Văn dạ châm” (Nghe tiếng chày đêm) của nhà thơ Bạch Cư Dị, do ông dịch, lấy từ bản in trong tập “Thơ Đường” (1962) của Nhà xuất bản Văn hóa (Viện Văn học). Câu thứ hai của bản dịch là “Gió trăng não lắm đá chày ơi!”. Tôi đem sách tặng ông, vừa giở bài thơ mình dịch, Già Khương đã kêu lên:
- Hỏng! “Thơ Đường” in sai đấy! Phải là “Gió trăng não lắm đá chày ôi!” mới đúng!

Rồi nhà thơ chậm rãi mà bảo:
- Không mất nhiều thì giờ đâu! Chịu khó lấy bút sửa giúp bác tất cả những chữ ơi!

Nhưng 1000 quyển sách đã in ra, đã phát hành, làm sao mà sửa cho được!

Lại nhớ bài thơ tứ tuyệt “Côn Sơn” nhà thơ viết năm 1980. Bài thơ khá hay, được in đi in lại nhiều lần, nhưng làm cho ông mấy lần phát bực, vì ở câu thứ tư, nhiều sách báo in sai - dù chỉ một cái dấu! Lẽ ra, câu thơ là “Mà dấy quanh mình nỗi bão dông” lại in ra là “Mà dấy quanh mình nổi bão dông”! Khi in bài thơ này vào “Tuyển tập Khương Hữu Dụng” (tập I) ông cẩn thận, kỳ khu đánh số 1 vào chữ “nỗi” và ghi chú ở cuối trang: “Nỗi” (dấu ngã)! Đến lúc cần in bút tích của mình ở mấy quyển sách, Già Khương lại chọn bài “Côn Sơn” và đánh một dấu ngã rõ to ở chữ “nỗi” để không ai có thể đọc lầm được nữa! Thật là một bài học về sự cẩn trọng cho những ai làm thơ, kể cả những nhà thơ mà coi nhẹ một câu, một chữ, thậm chí chỉ một cái dấu!

H.D
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)