Văn học mạng là gì?

Thứ Ba, 21/11/2017 00:42
PHẠM XUÂN NGUYÊN (tổng hợp)

Internet là mạng máy tính trên toàn thế giới gắn hàng triệu những máy tính cá nhân riêng lẻ với nhau và bảo đảm sự giao tiếp giữa các doanh nghiệp, trường học, chính phủ và cá nhân. Vào những năm 1990 internet phổ biến rộng nhất. Số lượng người dùng không đếm xuể; hàng triệu người ngày đêm kết nối internet (online). Cùng với số lượng người dùng tăng lên thì số lượng các dịch vụ do internet đưa lại cũng tăng lên. Internet đã thực sự trở thành một “hiện tượng văn hóa”.

Dịch vụ mới nhất của internet là MẠNG NHỆN TOÀN CẦU (World Wide Web - WWW). Nhờ nó, những người dùng máy tính có thể được phép sử dụng và có khả năng kết nối các âm thanh, hình ảnh, văn bản và hoạt hình để giúp cho việc tiếp nhận đầy đủ thông tin. WWW là dịch vụ phát triển nhanh nhất của internet. Trong nó các website được gắn với nhau bằng những đường kết nối (link). Tất cả các trang WWW đều có địa chỉ gọi là URL (Uniform Resourse Locator). Có thể tìm thấy trên internet bất cứ cái gì mình muốn.

Văn học mạng (VHM) có hai cách hiểu chủ yếu: từ giấy đưa lên mạng và viết riêng trên mạng. Các tên gọi khác của VHM là văn học internet, văn học điện tử, văn học số.
 
1. Theo Evgeny Nikitin (Nga), “thơ mạng - đó là thơ được công bố trên mạng internet, được các người dùng mạng đọc và bình phẩm và có những phẩm chất văn học theo cách nhìn nhận của những người dùng mạng”. Thơ mạng trong định nghĩa của Evgeny Nikitin cũng có thể suy rộng ra là VHM. Định nghĩa này không tính đến các đặc điểm media và xem xét các thể loại văn học trên mạng trên nền những chuẩn mực quy phạm của “offline”.
 
2. Theo Roberto Simanowski (Đức), cần phân biệt ba dạng văn học thường gặp trên internet: văn học được số hóa, văn học số và văn học mạng. Nếu cái đầu vốn đã được viết để in sách thì cái thứ hai theo định nghĩa là không phải để in và đoạn tuyệt với một số hình thức và thông số của văn học giấy. Còn cái thứ ba (tức là những thể loại riêng cho mạng) thì phải trực tiếp cần đến internet bởi vì về mặt chức năng và thẩm mĩ nó dựa trên sự tương tác.

Văn học được số hóa sử dụng những khả năng kĩ thuật của máy tính và các công nghệ số và đa phương tiện để tái tạo văn bản, để công bố và phổ biến các văn bản với mục đích sau đó đưa in.

Văn học số sử dụng những khả năng kĩ thuật của máy tính và các công nghệ số và đa phương tiện với tư cách nguyên tắc thẩm mĩ tạo lập chính nhằm đạt được những hình thức và phương pháp mới của sự thể hiện nghệ thuật. Sự tái hiện nó một cách phù hợp trên giấy là không thể, bị loại trừ, vì theo định nghĩa nó vốn không được xác định như thế ngay từ đầu.

Văn học mạng sử dụng các công nghệ và chiến lược truyền thông chuyên biệt (sự tương tác) của internet với tư cách là nguyên tắc thẩm mĩ và thể loại cơ bản. Việc tái hiện nó trên giấy có thể phần nào, nhưng không phải là mục đích chính.
 
3. Theo Kornev (Nga), toàn bộ quang phổ ảnh hưởng của mạng toàn cầu đến văn học chỉ quy lại ở hai sự kiện mà tự thân chúng là khá hiển nhiên và không hề có chút gì dị kì.

Sự kiện thứ nhất là chấm dứt sự độc quyền của máy in. Với sự lan truyền của internet thì không cần đến vật trung gian này nữa giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng các văn bản và tư tưởng. Hoạt động phổ biến các văn bản, cũng tức là sản xuất các văn bản, định hướng cách này cách khác đến độc giả, đến người tiêu dùng, không còn gắn với ngành kinh doanh in sách và với cơ chế điều hành nó do xã hội ấn định nữa. Ít nhất, ở một phương diện tuy không phải là chủ yếu lắm, đây là sự giải phóng thế giới tư tưởng khỏi cỗ máy xã hội.

Sự kiện thứ hai là cái chết của khoảng cách. Internet biến chúng ta thành những người thường xuyên dự các cuộc hội nghị, hội thảo, khi mà mọi người sống ở bất kì đâu trên trái đất đều có khả năng tụ họp lại như đang ngồi trong một hội trường. Tất cả diễn ra ở đây và bây giờ, thế có nghĩa là không chỉ không gian biến mất, mà cả thời gian. Nếu hạn kì tiêu biểu để đăng một bài trên các tạp chí dày phải tính hàng tháng thì trên internet các tư tưởng và các văn bản xuất hiện ngay khi chúng sinh ra. Tương ứng, những cuộc tranh luận trên báo chí sách vở kéo dài nhiều năm tháng thì trên internet có thể chỉ trong một số ngày nhất định. Khả năng linh hoạt này của mạng toàn cầu về nguyên tắc đã làm tăng lên nhiều lần cường độ của đời sống trí tuệ.

Toàn bộ cái mới có tính nguyên tắc mà internet mang vào văn chương rút lại là ở hai sự kiện này. Tất cả những cái còn lại thì hoặc là hệ quả của chúng, hoặc là sự khai triển tiếp cái mầm mống đã có từ trước khi ra đời internet (văn bản phì đại, những trò chơi văn chương đủ loại, những dự án cộng tác...). Xét theo quan điểm này, internet đối với văn chương chỉ là một nơi cư trú mới. Văn chương trên internet không tạo thành một thể loại hoàn chỉnh hay là một khu vực văn hóa riêng biệt, bởi vì tất cả các thể loại và các khu vực văn hóa của văn học, không trừ ngoại lệ nào, đều trải qua sự tiếp nối trên mạng, hoặc nếu muốn nói, đều trải nghiệm sự giải phóng trên mạng.

Đối diện với những khả năng kĩ thuật mới, toàn bộ văn chương nói chung, chứ không riêng gì bộ phận nào của nó, đều bị biến đổi. Internet như một môi trường - đó là nơi cư trú tự nhiên của văn bản hơn sách in là cái bị trói buộc đến chết với hệ thống in sách xưa cũ đầy áp chế. Khi giải phóng văn chương khỏi tiếng gõ quấy nhiễu của chiếc máy in, mạng chủ yếu đã trả văn học về lại cách thức phổ biến bản thảo có từ xa xưa, trước thời hiện đại - tức là, mạng không hẳn mang đến cho văn học cái mới gì đó, mà chủ yếu làm hồi sinh cái cũ đã bị quên lãng. Các nhà nhân văn, và nói chung là “những người làm việc Văn Bản” vốn hay hoài nghi kĩ thuật, cần hiểu rằng trong trường hợp này kĩ thuật diễn ra không phải ở chỗ trống, mà là để lật đổ quyền lực của một kĩ thuật khác - xưa cũ, thô thiển và man rợ hơn - nhằm hủy diệt sự độc tài kéo dài năm trăm năm của máy in do Gutenberg lập ra.

Nếu gộp lại tất cả những điều hiện nay đang được nói và viết về chuyện này thì sự giải phóng văn chương khỏi quyền lực của khoảng cách và quyền lực của máy in do internet mang lại có sáu phương diện chính.

a. Internet - xét theo quan điểm kĩ thuật - là môi trường rất thuận tiện, lí tưởng cho việc công bố, phổ biến, thảo luận, sáng tạo tập thể các văn bản - môi trường mà sớm hay muộn trung tâm của đời sống văn học sẽ chuyển về đấy.

b. Với sự xuất hiện của internet, số phận của văn bản trong xã hội thay đổi căn bản. Việc công bố và phổ biến rộng khắp văn bản mà không cần đến trung gian của máy in, không cần đến tiền bạc, quyền lực, v.v… không chỉ làm đảo lộn toàn bộ dây chuyền các quan hệ quyền lực thương mại ẩn sau văn chương, mà còn ảnh hưởng đến hình thức và nội dung của chính các văn bản.

c. Trên mạng hình tượng tác giả và các quan hệ quen thuộc giữa tác giả và độc giả được nhìn hoàn toàn theo cách khác. Tính đến những khả năng vô giới hạn của sự mê hoặc và sự nhân lên nhiều “cá nhân ảo” thì “tác giả” trên internet gần như biến thành một thể loại đặc biệt của sáng tạo văn học. Ngoài ra, trên mạng thì khoảng cách định chế giữa tác giả và độc giả được ngành in giữ gìn bị giảm thiểu, mà đôi khi nói chung là biến mất, điều này chắc chắn có tác động đến cả hai phía.

d. Internet đưa lại những điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở của những thể loại và những kiểu sáng tạo văn chương trước đây ở bên lề. Nó xoay chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang quá trình sáng tạo và triển vọng là sẽ dẫn tới sự ra đời của một hình tượng mới về nguyên tắc - “độc giả tích cực”, điều mà các trí thức thế kỉ XX đã mơ ước từ lâu.

e. Khi tước bỏ quyền lực của máy in, kể cả những mặt tích cực, xây dựng của nó, internet hiện ra như là một nguồn nguy hiểm, như một vật mang nguyên lí giải cấu trúc tiềm tàng mà sự thể hiện có thể thấy ở văn bản phì đại (hypertext) trên mạng. Trong môi trường văn bản phì đại của internet, bất kì văn bản nào cũng có phần bị tự giải cấu (autodeconstruction).

g. Internet biểu thị mình chính là sự hoàn tất của thời hậu hiện đại trong văn chương, chứ không đơn giản là sự thể hiện các dự án của nó trong môi trường kĩ thuật thích hợp. Khi xóa bỏ thời hiện đại trong văn học, tức là tẩy sạch khỏi nó những dấu vết của máy in và của thời gian lịch sử duy nhất, internet cũng đồng thời xóa bỏ cả thời hậu hiện đại như là giai đoạn cuối cùng, hoàn tất của hiện đại. Trên bình diện quan niệm, internet đưa chúng ta quay lại thời tiền hiện đại.
 
4. Theo Verner Sheltien (Bỉ), về thuật ngữ, thứ nhất, VHM như một từ chung chỉ tất cả các tác phẩm văn học trên mạng, có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ VHM chỉ mỗi tác phẩm văn học được đặt lên internet. Trong trường hợp này không thể nói về VHM như về một thể loại đặc biệt. Ngược lại, theo nghĩa hẹp, VHM được hiểu là những tác phẩm xuất hiện trên internet nhờ những khả năng đặc biệt riêng của nó. Chính vì thế những tác phẩm này không thể chuyển sang vật mang truyền thống của văn học được, tức là đem in ra giấy, bởi vì khi đó cả tính chất đặc biệt, cả hình ảnh của tác phẩm sẽ bị phá hủy mạnh và tác phẩm nói chung là bị mất giá. Mọi điều nói sau đây về VHM là theo nghĩa hẹp này. Thứ hai, VHM là phương tiện cho sự tự biểu hiện, xuất phát từ tính chất độc nhất của internet.

Internet như một xung động mới cho văn học: những khả năng mới với sự năng động chưa từng thấy. Internet tạo ra hàng loạt khả năng mới cho việc làm thơ, viết truyện. Tất cả những dạng hoạt động văn học mới này, hoặc được làm mới lại, đều dựa trên những nguyên nhân hàng đầu phân biệt giữa một bên là sách như một công cụ văn học và một bên là internet.

 
van học mạng

- Sự cáo chung của máy in. Yếu tố đầu tiên của ảnh hưởng của WWW đến văn hóa văn học là chấm dứt sự độc quyền của máy in. Điều này có nghĩa là cùng với sự phát triển của internet thì sự phổ biến các văn bản không còn gắn với các ấn phẩm và với sự lựa chọn chúng theo các yếu tố kinh tế và chính trị. Điều này cũng có nghĩa là internet đem lại khả năng công bố cái gì và khi nào cũng được, không phải tính đến các phương diện vật chất của lối công bố “truyền thống”.

- Cái chết của khoảng cách và thời gian. Yếu tố quyết định thứ hai với những hệ quả lan xa - đó là cái chết của khoảng cách và thời gian. Sự kiện này kéo theo hàng loạt hệ quả còn quan trọng hơn sự cáo chung của máy in.

Những hệ quả này mở ra một lối đi năng động, tích cực cho văn học. Trước hết, internet bao giờ và ở đâu cũng vào được, vì thế khái niệm “khoảng cách” trên mạng là mất ý nghĩa, còn khái niệm “thời gian” bị rút xuống mức giây để xử lí những thông tin tiếp nhận được qua mạng. Cụ thể hơn, điều này nghĩa là khi một người đưa lên internet một bài thơ, truyện ngắn, thì lập tức ai cũng có thể đọc được và bình luận. Tác giả nhờ internet nên nhanh chóng nhận được các phản hồi của người đọc về tác phẩm của mình. Hơn thế, nhờ khả năng feedback và tính toàn cầu của internet nên tác giả dễ dàng nhận được những đánh giá về tác phẩm của mình từ bất kì đâu trên trái đất. Tính toàn cầu này, nó là hệ quả của “cái chết của khoảng cách và thời gian”, sẽ có nhiều triển vọng lớn và sẽ còn quan trọng hơn nhiều trong tương lai.

Điều này thậm chí còn cho phép nói về ý nghĩa mới của khái niệm “văn học thế giới”. Thứ nhất, vì sự tiếp xúc trực tiếp và nhanh chóng giữa những người vào internet ở bất cứ điểm nào trên hành tinh. Thứ hai, do một số bộ môn của VHM là hình thức năng động của sự tương tác và sáng tạo nhiều tác giả với hệ thống quy tắc riêng và với sự phát sinh tự do của các khuynh hướng mới.

Tất cả những điều nói trên có thể cho phép nói về internet như là một sa lông văn học toàn cầu hoạt động suốt ngày đêm.

Tính chất trong suốt của tác giả viết ra tác phẩm. Trên internet, tác giả có thể giữ mình ẩn danh hoàn toàn và để đạt mục đích đó anh ta có thể sử dụng các cách thức đánh lừa khác nhau. Đây là đang nói đến một sự ẩn danh khác biệt cơ bản hơn việc dùng bút danh.
“Tác giả như một cá nhân” dường như tạo cho mình một hình ảnh chỉ tồn tại trên internet với cuộc sống và những đặc điểm tính cách có thể hoàn toàn không trùng với cá nhân thực của tác giả.

Tính chất của “tác giả thứ hai, chỉ sống trên mạng” này tất yếu ảnh hưởng đến tác phẩm. Theo nghĩa này, Kornev đã nói về sự ảo hóa vấn đề tác giả. Một số tác phẩm được viết ra bởi những tác giả không tồn tại thực mà chỉ tồn tại ảo.

Ở đây chúng ta vấp phải một trong những vấn đề cơ bản của VHM: Liệu có thể đánh giá một tác phẩm ảo và do đó, một con người không tồn tại không? Liệu có thể đánh giá một văn bản khi không biết tác giả của nó? Hay chính trong trường hợp này việc đánh giá một “văn bản thuần túy” không cần biết đến tên tuổi, phái tính, nguồn gốc tác giả lại là được? Rõ ràng ở đây các ranh giới của thế giới văn học bị phá vỡ và chúng ta rơi vào một cuộc tranh luận triết học rộng lớn dựa trên chủ nghĩa hậu hiện đại (ý là không còn văn bản mới, chỉ có những văn bản cắt dán).

Các hình thức văn học trên mạng. Trên internet có các hình thức văn học khác nhau nằm trong phạm vi của VHM theo nghĩa hẹp của từ này. Một số hình thức như là trò chơi; số khác thì nghiêm túc hơn, và phần nhiều chúng có tính chất kĩ thuật hơn. Thực tế chúng được xác định theo ba hình thức cơ bản của VHM: văn bản phì đại (hypertext), sáng tác tập thể hay đa tác giả, và xử lí tự động văn bản.

- Văn bản phì đại. Hypertext là khả năng nối kết các văn bản điện tử bằng những đường dẫn. Cụ thể là trong văn bản có thể “đánh dấu” một từ hay một câu nào đó. Nếu ai nhích chuột theo sự đánh dấu đó thì sẽ thấy hiện ra văn bản, hình ảnh hoặc đoạn âm thanh được nối với văn bản chính qua đường dẫn. Như vậy văn bản chính có cấu trúc phi trực tuyến.

Nhiều người cứ nghĩ khái niệm “hypertext” mới xuất hiện gần đây, gắn với sự phát triển bùng nổ của các máy tính cá nhân và mạng thông tin toàn cầu internet. Thực ra đặc điểm cơ bản của nó đã được nêu ra lần đầu ngay vào những năm 1960, trước rất lâu khi xuất hiện các quá trình xử lí văn bản và internet. Nó do nhà lập trình và nhà triết học Theodor Nelson đưa ra: “Đặc điểm nổi bật chính của hypertext là sự không liên tục (discontinuity) - đó là bước nhảy: sự chuyển chỗ bất ngờ của người dùng trong văn bản”. Đến năm 1981, trong sách Chiếc máy văn học (Literary machine), ông nói rõ hơn: “Tôi hiểu hypertext là cái viết không liên tục (non-sequential writing) - đó là văn bản được phân nhánh và để cho người đọc lựa chọn. Nói đơn giản, đó là một loạt các mẩu văn bản (a series of text chunks) được hợp lại với nhau bằng các đường dẫn (link) đưa ra cho người đọc những con đường (đọc) khác nhau”.

Có hai dạng hypertext cơ bản. Thứ nhất, “cây thông đồ chơi”: Về nguyên tắc giống như những lời ghi chú trong văn bản “truyền thống” nhưng được đưa lên internet. Thứ hai, “khu vườn có nhiều lối đi”: Hyperbook đưa ra cho độc giả một sự lựa chọn các chương. Độc giả có thể xem các chương này theo những cách khác nhau và có ấn tượng như đang đọc những tác phẩm riêng lẻ. Phương pháp này đã có trước internet. Những thí dụ nổi tiếng về “hypertext fiction” có thể tìm thấy trong sáng tác của những nhà văn như Borges, Cortasar, Nabokov và Pavich. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi người trong số họ ít nhiều đều có gắn với chủ nghĩa hậu hiện đại.

Hypertext như một thể loại đặc biệt trên mạng xét về mặt kĩ thuật là khá khó nên cho đến nay chỉ mới có những thử nghiệm. Tuy nhiên, hypertext mở ra những khả năng rộng lớn cho văn học, bởi vì các đường dẫn không phải bao giờ cũng gắn với văn bản, mà còn có thể nối chúng với hình ảnh, âm thanh và phim.
 
5. Các công trình nghiên cứu về văn học mạng:

- Internet Literature in China. Michel Hockx, New York: Columbia University Press (2015). Gồm bốn chương. Chương một tổng quan tình hình phát triển của văn học internet ở Trung Quốc. Chương hai phân tích sáng tác của ba tác giả internet tích cực. Chương ba tập trung vào văn xuôi online và sự kiểm duyệt nhằm vào những người tấn công đạo đức và chính trị. Chương bốn nghiên cứu thơ internet từ các góc độ khác nhau: sự phát triển thẩm mĩ, sự xâm lấn đạo đức và việc nhìn nhận lại chức năng xã hội của thơ.

Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả đã cho biết lí do thúc đẩy ông nghiên cứu hiện tượng này và viết sách. Thứ nhất là cuộc tranh luận vào năm 2000 của giới nghiên cứu Trung Quốc về những cái được và chưa được của văn học internet. Thứ hai là cùng khoảng thời gian đó ông nhận thấy những sáng tác trên internet được in ra sách, trong các cửa hàng sách có quầy đề là “Văn học internet”.

Trong quá trình viết sách có nhiều điều làm ông ngạc nhiên. Điều ngạc nhiên thích thú là ông khám phá ra những hiện tượng đáng chú ý mà trước nay chưa ai nghiên cứu, như một trang web truyện rất hay mang tên “Đen và Xanh”, như tác phẩm của một nhà thơ kì bí trên mạng tên là Datui. Rồi ông còn ngạc nhiên là ngày càng có nhiều người Trung Quốc vào mạng đọc văn học internet với thể loại truyện bình dân. “Thể loại truyện bình dân online có những truyện thành công lớn và đã thực sự thách thức hệ thống xuất bản do nhà nước điều hành”.

- LITERARY ART IN DIGITAL PERFORMANCE: Case Studies in New Media Art and Criticism/ Ed. FJ. Ricardo. - N.Y.; L.: Continuum, 2009. - VI, 194p. Như tên gọi cuốn sách, chủ biên FJ. Ricardo đã coi tính trình diễn là một trong những thuộc tính chủ chốt của văn học số. Ông thấy đặc trưng của loại văn học này là ở chỗ trong nó các cơ chế sản xuất ra những cái biểu đạt làm việc “ở chế độ thời gian hiện thực” ngay trước mắt độc giả, do đó độc giả được biến thành người chơi hoặc người xem; bản thân tác phẩm cũng trở thành môi trường thực hoặc thành cỗ máy.

- Hayles N. Katherine. ELECTRONIC LITERATURE. NEW HORIZONS FOR THE LITERARY. - Notre Dame: Uni­versity of  Notre Dame Press, 2008. - 226 p. + CD. Theo Hayles N. Katherine, văn học điện tử (eL) đã trải qua hai thời kì. Thời kì đầu là thời kì “cổ điển” (hiểu theo đúng nghĩa như “văn học cổ điển”) là từ giữa thập niên 1980, khi xuất hiện máy tính cá nhân cho phép nhà văn có thể mang nó vào phòng làm việc cho đến giữa thập niên 1990. Đó là thời kì của những tác phẩm hầu như hoàn toàn bằng văn bản, khép kín trong một khung chương trình trên một máy tính đứng riêng lẻ. Có ý nghĩa chủ chốt ở đây là khung chương trình “Storyspace” do hãng Eastgate Systems (Mĩ) lập ra, cho phép tạo nên những tác phẩm gồm những phân mảnh văn bản ghép lại với nhau theo ý tác giả. Tác giả chủ chốt của thời kì cổ điển này có thể coi là Michael Joyce, người làm ra tác phẩm mang tên “afternoon, astory” xuất hiện trên màn hình máy tính năm 1990.

- REGARDS CROISES: Perspectives on Digital Literature/ Eds. P. Bootz, S. Baldwin. - Morgantown: West Virginia University Press, 2010. - XX, 128p. Khi thảo luận hiện tượng văn học điện tử, P. Bootz đã viện dẫn các luận điểm lí thuyết của Walter Benzamin và Mario Costa. Đặc biệt ông tán thành ý kiến của Costa cho rằng các công nghệ truyền thông đã làm thay đổi một cách căn bản các định hướng thẩm mĩ: cái đẹp nhường chỗ cho sự hoàn thiện về mặt công nghệ. Công nghệ với tham vọng trở thành tri thức độc lập đã tác động đến văn bản, làm thay đổi các thông số của việc tiếp nhận và tìm hiểu nó.

P.X.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)