Công tác đấu tranh phòng diễn biến hòa bình trong văn học nghệ thuật

Thứ Ba, 06/02/2018 09:10
. ĐINH TƯỞNG
 
Trong thời gian qua, toàn bộ các lĩnh vực văn học nghệ thuật của chúng ta từ văn xuôi, thơ ca, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, văn nghệ dân tộc thiểu số đều đã có những mùa gặt mới. Mỗi mùa gặt nó có độ đậm nhạt khác nhau nhưng nhìn trên tổng thể, dòng chảy chính vẫn là chủ nghĩa yêu nước, là chủ nghĩa nhân văn, là bản sắc văn hóa dân tộc được đề cao và chính đó là cơ sở sáng tạo ra những tác phẩm vừa phản ánh hiện thực lớn lao của đất nước chúng ta, vừa có tác dụng giáo dục định hướng thẩm mỹ của công chúng. Văn học nghệ thuật của chúng ta tập trung xây đắp cái thiện, lên án cái ác, phê phán những hành vi đồi bại trong đạo đức lối sống của xã hội chúng ta, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực”. Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, về phương thức biểu hiện được tôn trọng và dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ được khẳng định, được đề cao. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách. Trong văn học nghệ thuật, sự trẻ hóa với những đội ngũ rất nhiều triển vọng cũng đang báo hiệu cho chúng ta những hứa hẹn mới.

Các thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta, của thế kỷ 20 bắt đầu được đánh giá lại với một cái nhìn biện chứng hơn và khách quan hơn. Tư duy lý luận và quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật tiếp tục được đổi mới, bổ sung và phát triển đã góp phần cổ vũ niềm tin cho các văn nghệ sỹ, yên tâm, phấn khởi sáng tạo những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Giao lưu văn học nghệ thuật ra bên ngoài, đồng thời chúng ta tiếp nhận được bên ngoài những tinh hoa, làm cho đời sống Văn học nghệ thuật chúng ta ngày càng phong phú đa dạng và tăng cường sự hội nhập.

Cùng với những cố gắng nổi bật ấy, chúng ta cần phải tăng cường cuộc đấu tranh chống các lệch lạc sai trái trong văn học nghệ thuật hiện nay.

Mặc dù không ít văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, nhất là thế lực phản động, chống đối cho rằng “văn học, nghệ thuật phải độc lập với chính trị”, nhưng trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người Việt ở hải ngoại trong nhiều năm nay đã sử dụng văn học, nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền tư tưởng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Có thể liệt kê ra hàng loạt tác phẩm đủ các thể loại như tùy bút, nhật ký, hồi  ký, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và cả thơ… Có tác phẩm bằng tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt như Việt Nam - quê mẹ oan khiên của Pierre Darcourt; hoặc viết bằng tiếng Việt như Mặt thật của Bùi Tín; Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên; Đỉnh cao chói lọi của Dương Thu Hương và gần đây là Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của Thụy Khuê… Tất cả những cuốn sách trên đều ngụy tạo sự kiện, chứng cứ, làm sai sự thật nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Nhằm lung lay từng con người, từng tầng lớp xã hội, gây mất lòng tin đối với Đảng với Chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch phản động chủ trương mở chiến dịch “Diễn biến hòa bình”. Phương thức của chúng là tạo nên sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong hàng ngũ những cán bộ, đảng viên cũng như mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trí thức và giới trẻ. Phương tiện được chúng lựa chọn như một sức mạnh mềm hữu hiệu là văn học, nghệ thuậtvà bên cạnh các đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản… chúng còn lập các diễn đàn, các câu lạc bộ, tổ chức các tọa đàm,… nhưng công cụ  được sử dụng nhiều nhất là hệ thống Internet toàn cầu.

Lộ trình được chúng lựa chọn trước hết là “xóa bỏ thần tượng Hồ Chí Minh”, con người được cho là huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Với chiến dịch “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”, chúng ra sức công bố nhiều sách báo, phim ảnh với nội dung xuyên tạc sự thật,  bôi nhọ thanh danh Bác. Điển hình nhất trong mấy năm gần đây là tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi của Dương Thu Hương và hai bộ phim do Linh mục Nguyễn Hữu Lễ xây dựng là Sự thật về Hồ Chí Minh,Hồ Chí Minh - Con người và huyền thoại nhằm tác động vào người nước ngoài, cũng như lớp người mang dòng máu Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài không biết tiếng Việt – cũng là những người ít hiểu biết về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên hàng loạt trang mạng cũng xuất hiện những tác phẩm dưới dạng khảo cứu, truyện thơ xuyên tạc sự thật trắng trợn, nói xấu chế độ cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hồ Chí Minh - Nhận định tổng hợp của Minh Võ, Sau bức màn đỏ của Hoàng Dung, Ngày long trời, đêm lở đất của bút danh là Trần Thế Nhân, truyện thơ mang tên Gia đình cụ Bá của bút danh Phạm Hồng Đức… tất cả đều trực tiếp nói xấu hoặc quy tội cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế trên càng khẳng định rằng văn nghệ không nằm ngoài chính trị; văn nghệ không tách rời những mục tiêu chính trị. Rõ ràng kẻ địch đã sử dụng văn chương phục vụ đắc lực cho mục tiêu chính trị là lật đổ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có những tác phẩm văn học, nghệ thuật không phải do các thế lực thù địch, phản động sáng tác, mà là của một số văn nghệ sĩ có cái nhìn phản biện đối với xã hội, được phép phát hành trong không khí xã hội cởi mở; bên cạnh đó cũng có những tác phẩm thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch của một số cá nhân văn nghệ sĩ bất mãn trước những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước chưa phù hợp cuộc sống hiện tại. Một số ít văn nghệ sĩ về cuối đời đã có những hồi ký nội dung “sám hối” với sự nghiệp văn chương mà mình đã suốt đời gắn bó, làm cho không ít độc giả bất bình nhưng được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng và tìm cách thổi phồng, tạo nên một “trường” thông tin nhiễu loạn, nhằm làm cho công chúng nhận thức không đúng về chế độ, về Bác Hồ. Hệ quả của ba dạng thức nói trên là, tạo ra sự cộng hưởng để chiến dịch “diễn biến hòa bình” đạt kết quả. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là mục tiêu mà kẻ thù hướng tới trong cách mạng nhung. Tính chất tinh vi, nguy hiểm của chiến dịch “diễn biến hòa bình” là ở chỗ: trong cách mạng nhung, kẻ thù không lộ diện, còn “vũ khí” của chúng được bọc kín trong món ăn tinh thần êm ả là “văn học, nghệ thuật”.

Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, khó khăn. Để đấu tranh có hiệu quả việc trước tiên cần nhận rõ là những thủ đoạn, thủ thuật của kẻ địch trong chiến dịch “Diễn biến hòa bình”.

Về thủ đoạn, chúng dựa vào một số sự kiện trước đây như vụ án Nhân văn giai phẩm, một số sai lầm của ta trong chỉ đạo công cuộc Cải cách ruộng đất, hoặc những vụ việc gần đây như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang (Hưng Yên)… Lợi dung tâm lý ghét Tàu của nhân dân ta vốn có từ ngàn năm Bắc thuộc, được cộng hưởng bởi những lấn át của nhà cầm quyền Trung Quốc lâu nay trên biển Đông, kích động lòng yêu nước của nhân dân, tạo sức ép lên Đảng và Nhà nước. Tác động vào tâm trạng bức xúc của nhân dân trước vấn nạn tham nhũng trong xã hội.

Về thủ thuật, trên cơ sở một số chứng cứ có thật, kết hợp với nhiều chứng cứ ngụy tạo, thổi phồng, lắp ghép, biện luận một cách khôn khéo để gây lòng tin đối với công chúng.Lợi dụng phát biểu của một số người vốn từ hàng ngũ của ta, bất mãn, thoái hóa, biến chất khiến những người ít thông tin, ít hiểu biết, bị kích động, dễ tin tưởng và “tự chuyển hóa”. Nói đi, nói lại nhiều lần trên hàng loạt trang mạng.

Để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần nhận thức rõ ràng, về lâu dài, kẻ địch không từ bỏ mưu đồ sử dụng văn học, nghệ thuật trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhất là trong tình hình lạm phát tăng cao, thiên tai, dịch bệnh bùng phát… tác động tiêu cực đến đời sống cán bộ, nhân dân. Bởi vậy, cần quán triệt sâu rộng trong cán bộ, nhân dân – trước hết là những người hoạt động trên lĩnh vực Văn học, nghệ thuật - Nghị quyết 23 Bộ chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đồng thời phải xác định rõ: Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ không tách rời trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa , là nhiệm vụ quan trọng cần được chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong khối văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản. Như vậy, để đạt được mục tiêu này cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và chính quyền các cấp để triển khai cuộc đấu tranh. Phải phát hiện kịp thời những tài liệu, tác phẩm văn học, nghệ thuật có quan điểm sai trái và có biện pháp xử lý thấu lý, đạt tình với những lầm lỗi của đồng chí, đồng nghiệp; nhưng mặt khác không khoan nhượng với thế lực thù địch, phản động. Khai thác triệt để những bài viết tiến bộ của một số bộ phận người Việt hải ngoại hoặc bạn bè quốc tế.

Để cuộc đấu tranh đạt hiệu quả cao, cần tập hợp, tổ chức lực lượng, thống nhất cao về quan điểm và hành động, tạo sức mạnh tác động cộng hưởng vào công chúng, kịp thời ngăn ngừa những thông tin một chiều của các thế lực cơ hội, thù địch. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức cùng tham gia đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái, những điều bịa đặt được đặt trong vỏ bọc văn học, nghệ thuật, không chỉ để họ không “tự diễn biến” mà còn tạo được tiếng nói rộng rãi, góp phần tạo sức đề kháng tránh được sự “diễn biến” trong công chúng. Nói cách khác, cần tạo lập được trong công chúng sức tự đề kháng trước những thủ đoạn chống phá cách mạng được cài đặt trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Gắn cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đ.T 
 



 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)