Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hóa như một cơ hội của hi vọng

Thứ Sáu, 26/01/2018 08:18
logochuan - Năm 2017, TS. Thái Phan Vàng Anh (Giảng viên Đại học Sư phạm Huế) xuất bản chuyên luận: Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hóa một cuộc chơi. Đây là một công trình nghiên cứu công phu trên tinh thần nhận diện tính chất cốt lõi của hậu hiện đại biểu hiện trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Tạp chí Văn nghệ quân đội đã có cuộc trò chuyện về văn chương hậu hiện đại, tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI với TS.Thái Phan Vàng Anh nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc.

P.V: Chào chị Thái Phan Vàng Anh, được biết chị vừa công bố chuyên luận “Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hóa một cuộc chơi”. Tên sách nghe khá “lạ”, xin chị cho độc giả của tạp chí Văn nghệ quân đội hiểu rõ hơn về cái tên ấy?

Thái Phan Vàng Anh: Thật may mắn vì một nhà văn đã đặt giúp tôi tên tiêu đề cuốn chuyên luận khi tôi chia sẻ với anh ấy cách tôi dùng lí thuyết và một cái nhìn hơi “hàn lâm” để nhận diện tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI, để “đọc” các nhà tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Với tôi, tiểu thuyết đầu thế kỉ XXI là một cuộc chơi (của nhà văn, của người đọc, của bản thân tác phẩm) đã được làm lạ rất nhiều so với truyền thống. Nhưng, cũng có bạn đọc bảo rằng, ở tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI, thủ pháp lạ hóa chính là một trò chơi chủ đạo, đấy mới là ý nghĩa của nhan đề chuyên luận. Tôi bất ngờ với những cách đọc khác nhau và lại một lần nữa thán phục “chữ nghĩa” của nhà văn.


P.V: Theo chị, ở Việt Nam có tâm thức hậu hiện đại, hoàn cảnh hậu hiện đại không? Nó được biểu hiện như thế nào trong đời sống xã hội?

Thái Phan Vàng Anh: Không rõ rệt như ở phương Tây, và cũng xuất hiện muộn hơn so với phương Tây, song Việt Nam vẫn ít nhiều có tâm thức hậu hiện đại, và một hoàn cảnh hậu hiện đại đặc thù khi con người hôm nay đã có những thay đổi nhất định trong nhận thức về hiện thực, về cái đẹp và đã mang một tư duy mới, gắn với sự khủng hoảng niềm tin, sự hoài nghi chân lý… Sự phát triển về kinh tế đã ít nhiều tạo nên sự “phì đại vật chất”. Sự “phì đại tinh thần” với nhiều hệ giá trị, với sự loạn chuẩn khiến tâm thức giải thiêng, giễu nhại cái chính thống… vốn có của người Việt càng dễ bắt rễ với tinh thần hậu hiện đại phương Tây đang xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức. Toàn cầu hóa với sự bùng phát thông tin khiến văn hóa, văn học mạng trở thành một bộ phận ảnh hưởng lớn đến văn hóa, văn học đương đại… Có rất rất nhiều những thay đổi của xã hội đương đại đã khiến văn học trở thành “trò chơi”, hơn là một diễn ngôn lí giải, nhận thức hiện thực… Văn học lúc này không chỉ nhằm trình bày hiện thực, mà quan trọng hơn nhằm đặt những câu hỏi phản tư, lí giải cội nguồn, bản chất của nghệ thuật thông qua những thể nghiệm sáng tạo mới.

 
Thai Phan Vàng Anh
Anh Sach
Ts Thái Phan Vàng Anh và cuốn sách vừa ra mắt 
 
P.VLí thuyết hậu hiện đại được hình thành trên nền tảng của hoàn cảnh hậu hiện đại. Theo chị, các nhà văn Việt Nam sáng tác hậu hiện đại là do vận dụng lí thuyết hay xuất phát từ hoàn cảnh hậu hiện đại mà họ đang trải nghiệm?

Thái Phan Vàng Anh: Khó có thể nói Việt Nam đã có hoàn cảnh hậu hiện đại như ở thế giới, song những đặc điểm đời sống, xã hội những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI vẫn ít nhiều làm nên những “điều kiện hậu hiện đại” và hình thành tâm thức hậu hiện đại. Theo tôi, bất cứ nhà văn nào cũng cần đến những trải nghiệm để sáng tác. Việc học tập lí thuyết và đề cao kinh nghiệm cũng không mâu thuẫn gì. Nhiều nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ rất có ý thức học tập lí thuyết, tiếp thu tư tưởng “bên ngoài” để làm giàu cho bản thân. Và cảm quan hậu hiện đại trong văn học Việt Nam là kết quả của cả hai phương diện ấy.


P.V: Từ nghiên cứu của mình, chị có thể phác thảo vài nét cơ bản về Văn học hậu hiện đại ở Việt Nam?

Thái Phan Vàng Anh: Việt Nam không hẳn đã có một dòng văn học hậu hiện đại chủ nghĩa. Tâm thức hậu hiện đại nhiều khi hòa lẫn trong nhiều bộ phận văn học khác nhau. Tuy vậy, theo tôi, có 4 khuynh hướng văn học bộc lộ rõ hơn cả cảm quan hậu hiện đại  (Tôi chỉ dẫn cụ thể từ tiểu thuyết thôi nhé). Đó là tiểu thuyết tân lịch sử, tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết nữ quyềntiểu thuyết tính dục. Cách phân chia này cũng mang tính tương đối bởi luôn có sự giao thoa, xâm lấn giữa các khuynh hướng văn học. Dù theo một khuynh hướng nào, nhìn chung, các tác phẩm văn học hậu hiện đại đều chú ý nhiều đến tính chất trò chơi với những biểu hiện đặc thù trong lối viết, chẳng hạn như chú ý đến việc trần thuật từ nhiều điểm nhìn, nhiều người kể chuyện hay phân rã cấu trúc tác phẩm; gia tăng tính đối thoại khi “bất kì văn bản nào cũng là liên văn bản” cũng như dân chủ hóa mối quan hệ giữa tác giả và độc giả khi tác giả chỉ là “tác giả hiển thị” và mang “mặt nạ tác giả”…


P.V: “Lạ hóa” có phải chỉ để “lạ” không? Thưa chị!

Thái Phan Vàng Anh: Chắc chắn là không. Lạ chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để làm nên một tác phẩm hay và có giá trị. Song tôi ủng hộ những mạnh dạn đổi mới, làm lạ, bởi nó khiến chúng ta có cái để chờ đợi và hi vọng. Sẽ có những tác phẩm chẳng có gì ngoài chuyện “lạ”. Nhưng số ít những tác phẩm mượn những hình thức “lạ” để nói khác đi những chân lí đời sống, những giá trị nhân văn vĩnh hằng… xứng đáng để nhà văn tìm tòi, thể nghiệm; để người đọc dấn thân vào trò chơi chữ nghĩa mà nhà văn đã cố công bày biện nên.


P.V: Giữa “lạ hóa” và tính phổ quát của các hệ giá trị mang tính toàn cầu có gì mâu thuẫn hoặc đã đối thoại với nhau như thế nào?

Thái Phan Vàng Anh: Thoạt nhìn thì “lạ hóa” và các giá trị phổ quát có vẻ mâu thuẫn với nhau, bởi một bên là tìm cách làm mới, làm khác sao cho không giống ai, không giống cái cũ, cái đi trước khiến người ta dè chừng, hoài nghi; còn một bên lại hướng đến cái “quen thuộc”, ổn định và đã được chấp nhận rộng rãi. Tuy vậy, lạ hóa như một ý thức của tư duy, một định hướng cho thủ pháp kì thực không mâu thuẫn gì với các giá trị phổ quát. Với văn chương hậu hiện đại, giá trị phổ quát vẫn là “đích đến”; chỉ có điều các nhà văn thay vì đi những con đường cũ lại chọn những con đường mới, những phương tiện mới để đến đích (dù đây là một thách thức lớn mà không phải ai cũng thành công). Nhưng biết làm sao đây, ưa thử thách, thích thể nghiệm không chỉ tạo nên khoái cảm nghệ thuật cho nhà văn mà còn cho cả độc giả đương đại (cười).


P.V: Hệ thống từ khóa: hoài nghi, phi lí, bất định, bất tín tri thức, giễu nhại, lạ hóa, trò chơi, liên văn bản, vi văn bản, lối viết, giải cấu trúc, phì đại, nghịch dị,… tạo nên khí quyển của chuyên luận - đậm đặc tinh thần hậu hiện đại. Có thể tôi hơi lo xa, hoặc đã không hình dung được quỹ đạo của hậu hiện đại, nhưng, văn chương hậu hiện đại rồi sẽ đi đến đâu? Nói cách khác, chị có thể tiên lượng được tương lai của văn chương hậu hiện đại?

Thái Phan Vàng Anh: Nếu phải chọn lại một từ khóa tiêu biểu và liên đới nhiều nhất với những từ ở trên tôi sẽ chọn từ “trò chơi”. Quan niệm trò chơi khiến văn chương hậu hiện đại không quan tâm bản thân nó sẽ đi về đâu. Các nhà văn và độc giả có lẽ cũng chỉ quan tâm đến việc thực hành hay tiếp cận một kiểu trò chơi của ngôn ngữ hơn là quan tâm đến số phận của chúng - mối bận tâm đặc thù của giới nghiên cứu, phê bình (cười). Cá nhân tôi thì cho rằng, trong tiến trình vận động của văn học, không một trào lưu văn học nào không bị thay thế bởi những trào lưu khác mới hơn, “hợp thời” hơn. Với tư cách là một trào lưu, văn học hậu hiện đại đã, đang và sẽ tiếp tục bị sàng lọc, thay thế. Tuy vậy, tư duy hậu hiện đại, tinh thần hậu hiện đại thì vẫn có thể còn tiếp tục tồn tại lâu dài trong những bộ phận văn học đa dạng khác, trong những khuynh hướng văn học tương lai, nhất là khi chúng ta còn quan tâm đến văn học như một trò chơi sáng tạo đầy thú vị của ngôn từ. Hơi lan man một chút, câu hỏi của anh khiến tôi nghĩ ngay đến Chủ nghĩa (văn chương) Đa Đa. Cho dù nhóm đa đa tự tuyên bố rút lui chứ không đợi thời gian “sàng lọc”, tinh thần tiền phong, hiện đại của Đa Đa vẫn tiếp tục được đón nhận, và thậm chí, góp phần làm nên tinh thần của văn học hiện đại, hậu hiện đại trong gần một thế kỉ qua.


P.V: Phần còn lại của văn chương không phải hậu hiện đại là gì?Theo chị, tương lai của bộ phận này như thế nào?

Thái Phan Vàng Anh: Phần còn lại của văn chương không phải hậu hiện đại là… phần lớn văn chương, song do điều kiện có hạn tôi chưa thể khảo sát và bao quát, bao gồm cả những di sản văn học quá khứ và những kiệt tác văn chương chưa xuất hiện. Theo tôi, những tác phẩm hậu hiện đại tiêu biểu rồi cũng trở thành văn chương nói chung, bởi văn chương đích thực trong mối quan tâm của người đọc thường không cần phân định theo trào lưu, trường phái. Tương lai của bất kì một bộ phận văn học nào có lẽ cũng chỉ có thể căn cứ vào những thế hệ người đọc tương lai. Bởi, nói như I.Wallerstein: “Ngày nay, không còn lí do để lạc quan hay bi quan. Tất cả đều có thể, nhưng tất cả đều không hề chắc chắn”.


P.V: Cảm ơn TS.Thái Phan Vàng Anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc chị tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về văn học Viêt Nam đương đại và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Thái Phan Vàng Anh: Cũng xin cảm ơn những câu hỏi rất “tinh” của anh, những câu hỏi mà tôi đã ít nhiều đặt ra cho chuyên luận của mình, để “gợi” một cách nghĩ, một cách đọc khác, để “buộc” người đọc trả lời, chứ không phải để “bị” trả lời “rốt ráo” như anh cố tình “dồn ép” tôi trong cuộc trò chuyện hôm nay (cười).


NGUYỄN THANH TÂM (thực hiện)
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)