Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Định vị mình trước khi chạm tới người khác

Thứ Sáu, 12/01/2018 08:44
Ảnh Văn Thành Lêlogo - Văn Thành Lê tên thật là Lê Văn Thành, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa. Hiện sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã xuất bản hơn 10 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn viết cho thiếu nhi. Nhân dịp 2 cuốn sách của anh vừa mới ra mắt độc giả, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với anh.

PV: Khoảng cuối năm 2017, độc giả được sống trong một thế giới tuổi thơ thực sự với Trên đồi, mở mắt, và mơ. Và khi những hồn nhiên, trong trẻo vẫn còn nguyên vẹn thì anh đã kịp xa xăm, gan ruột với cuốn chân dung văn học Như cánh chim trong mắt của chân trời - một thể loại không dễ chịu chút nào. Phải hình dung về anh như thế nào cho chính xác?

Văn Thành Lê: Về kiểu hình thì tôi đã “tự thú” trên trang cá nhân, là “Mặt mụn, mũi to và chân vòng kiềng. Trông cũ như người tiền sử”. (Cười). Còn với văn chương, tôi ý thức rằng, cố gắng bước từng bước nhẹ nhàng. Tất nhiên, để bước được nhẹ nhàng, bước mà như không, như bay, thì trước hết làm gì cũng cần có kế hoạch, rồi hết mình với kế hoạch. Nhưng kết quả đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng của bản thân và cái duyên với con chữ. Vui là tôi vẫn hay đặt ra kế hoạch và thường… vỡ kế hoạch. Dự định là Như cánh chim trong mắt của chân trời sẽ ra trước Trên đồi, mở mắt, và mơ, nhưng thực tế ngược lại, cuốn chân dung văn học đã đi trước và về sau.
 
PV: Nói về cuốn chân dung văn học trước nhé. Có người đã nói anh liều lĩnh. Nhưng tôi thì nghĩ, là anh đã khám phá, khai quật chính mình trước khi chạm tới người khác, những người mà anh, vì yêu mến, vì trọng tài, hay vì đồng cảm mà đã viết về họ.

Văn Thành Lê: Lúc đầu tôi cũng nghĩ là mình liều. Nhưng rồi càng viết về các nhà văn/nhà thơ đi trước, tôi càng nhận ra không phải vậy. Nói “liều” là tôi đang tự nghiêm trọng và tự “nâng” mình lên rồi. Mọi chuyện giản dị hơn rất nhiều. Bởi tôi xin thưa, rằng tôi không phải người làm phê bình chuyên nghiệp. Như cánh chim trong mắt của chân trời, được tôi viết với tâm thế, trước hết là của một người đọc, sau nữa là của một người có tham gia vào đời sống văn chương, ít nhiều có tương tác với các nhà văn/nhà thơ, trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi tôi viết về các nhà văn/nhà thơ là tôi đang nhìn lại chính mình, tôi soi vào thế hệ đi trước để hiểu mình, nhìn lại đường văn của mình, nhìn lại quá trình tự học khi tay ngang đến với văn chương, đồng thời có những chiêm nghiệm, nghĩ suy về nghề thấp thoáng trong đó. Vì vậy, đúng như chị nói, tôi đã làm cái việc khai quật, trở về định vị mình trước khi chạm tới người khác.
 
PV: Không dễ để đi hết một tên tuổi. Có cách nào để anh tiếp cận họ, không chỉ đơn thuần là qua những tác phẩm?

Văn Thành Lê: Ngay từ những chân dung đầu tiên tôi đã xác định, tôi không tham vọng dựng những chân dung tròn và đầy. Vì tôi hiểu, để khắc họa đầy đặn chân dung một con người là điều bất khả. Chân dung nhà văn/nhà thơ, người làm công việc sáng tạo, lại càng khó nắm bắt hơn. May mắn thì tôi chạm được vào một phần bóng của họ đổ xuống trang viết. Còn không, mỗi chân dung như một đường link/liên kết dẫn tới bóng của nhân vật, đã là mừng.

Tôi tự nhận mình dựng các chân dung văn học bằng… vốn tự có. Nói tưởng đùa, nhưng thật, vốn tự có ở đây là quá trình tôi dõi theo đường văn của các nhân vật, dõi theo xúc cảm của mình với các nhân vật. Kết quả là các nhân vật sẽ hiện lên sau lớp - giấy - than - cảm - quan của riêng tôi. Nó đi ra từ trái tim, và tôi hi vọng sẽ dễ chạm đến trái tim của người khác. Chí ít là với các nhân vật, tôi đã nhận được những cái gật đầu, “Họ (đồng ý) trở thành nhân vật của tôi”, vậy cũng là mừng.

 
Bìa Nhu canh chim trong mat cua chan troi Bia Tren doi mo mat va mo
 
 Hai tác phẩm mới của Văn Thành Lê
 
PV: Anh có thể nói thêm về những nhân vật anh đã lựa chọn viết trong cuốn chân dung văn học? Có điều gì đặc biệt đã thôi thúc anh cầm bút viết về họ?

Văn Thành Lê: 25 nhà văn/nhà thơ trong Như cánh chim trong mắt của chân trời là 25 cuộc đời, 25 đường văn mà tôi nể trọng. Trực tiếp hoặc gián tiếp, ít nhiều họ đều ảnh hưởng đến con - đường - chữ của tôi. Vậy nên tôi viết về họ rất tự nhiên, không phải bày binh bố trận hay “tính toán” gì. Cuốn sách ra đời, giống như tôi “điểm danh” lại các cuộc tôi đối thoại với… chính tôi, về các nhà văn/nhà thơ đi trước mình mà thôi.
 
PV: Khi một nhà văn viết về một nhà văn. Đó là khi...?

Văn Thành Lê: Là khi tôi tự nội soi mình, để nhìn các nhà văn từ bên trong, chứ không đơn thuần chỉ qua xác chữ. Đấy còn là chỗ để tiếng nói tri âm được cất lên, để người viết giúp người đọc đến gần hơn tâm hồn và thân phận văn chương của nhà văn.
 
PV: Được biết anh đang làm việc tại NXB Kim Đồng. Nhưng anh đã viết cho thiếu nhi từ trước đó khá lâu. Vì tình yêu con trẻ, vì nuối tiếc tuổi thơ, hay vì điều gì nữa mà anh đã chọn công việc này?

Văn Thành Lê: 
Heraclitus có câu nói kinh điển: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Người khác thế nào tôi không rõ, riêng tôi, mỗi lần viết cho thiếu nhi là như được trở về tắm trên dòng - sông - tuổi - thơ, dù tôi không máy móc bê nguyên khối tuổi thơ của mình đặt lên trang giấy. Khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà có lẽ bất cứ ai cũng mơ màng muốn có.

Tôi nhớ và thích một câu trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi ông cho nhân vật nói: “Sống dễ lắm ! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống.” Viết cho thiếu nhi cũng là cách để tôi nhìn vào mắt trẻ con để sống đấy. Vì vậy, sáng tác cho các em, trước hết là tôi đang vì tôi đấy chứ.
 
PV: Cách để trở về tuổi thơ trong tác phẩm của anh là cách mà anh đã sống thực sự trong thế giới đó. Tôi cảm nhận vậy. Ngây thơ không thể giả vờ. Những nhà văn người lớn viết cho thiếu nhi vẫn luôn khiến cho độc giả tò mò. Anh lí giải điều này như thế nào?

Văn Thành Lê: Thực ra viết cho thiếu nhi vẫn là công việc của người lớn. Có lẽ từ trước đến nay, duy nhất thời kì những cô bé, cậu bé Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Nguyễn Hồng Kiên, sau này có Khánh Chi, Hoàng Dạ Thi là trẻ con viết cho trẻ con mà thôi. Nhiều người lớn hăm hở “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nhưng lại về nhầm ga, lạc lối, vì không bắt được “sóng” của các em. Xét đến cùng, tuổi thơ tôi, tuổi thơ trong trí tưởng, tuổi thơ các em bây giờ, phần đa đều gặp nhau ở sự hồn nhiên, tinh khôi đến tinh khiết và tinh nghịch đến tinh quái. Vì vậy, viết cho các em, trước hết hãy để các em cứ là chính các em, các em được nói đúng tiếng nói của mình, được hồn nhiên, nghĩ suy đúng với tuổi của mình, không lên gân, là được. Đừng bắt các em phải diễn, cũng như đừng diễn trước các em.
 
PV: Tôi từng biết đến anh là người làm thơ qua một số giải thưởng, trước khi biết anh viết văn. Anh với thơ bây giờ thế nào?

Văn Thành Lê: Quả là tôi đã từng làm thơ, và may mắn có được một số giải thưởng thời chập chững bập vào với chữ. Thơ như mối tình đầu, ngây ngô vụng dại, nhiều dự vị. Nhưng tôi tự thấy tạng của mình là văn xuôi, không phải thơ. Nhưng, lại nhưng, tình đầu nên khó quên. Ông bà còn nói tình cũ không rủ cũng đến. Tôi không tin lắm, nhưng với thơ thì hình như đúng, vì thơ vẫn thấp thoáng ở đâu đó. Chỉ là tôi đang sống yên lành với vợ - văn - xuôi, nên không muốn tình đầu can dự vào. Có khi một lúc nào đó, thêm tuổi, vợ - văn - xuôi không còn đủ sức “ghen” sẽ cùng ôn lại chuyện cũ thì công khai tiếp về tình đầu, cũng chưa muộn.  
 
PV: Là người viết đa năng ở nhiều thể loại, và anh còn rất trẻ. Anh có ý định sẽ xác lập tên tuổi của mình vững chắc ở riêng một vị trí nào đó, hay anh chọn đi theo cảm hứng?

Văn Thành Lê: Nói “tên tuổi” nghe sợ quá. Tôi cứ nghĩ văn chương là thứ… không biết đâu mà lần, nhiều bất trắc lắm rủi ro, rất khó để quy hoạch hay định hướng đường đi. Nhiều người đinh ninh “trúng quả” lớn rồi vẫn lấm lưng trắng bụng như không, có người cứ hồn nhiên lại chạm đích. Nên ý định của tôi là không… ý định tên tuổi gì cả. Cứ bước tới thôi. Bước hết mình. Còn đến được đâu lại do yếu tố ngoài mình quyết định, đấy là cái duyên và… ông Trời. (Cười).
 
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

 
Kim Nhung (thực hiện)
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)