Trông cây thấy quả

Chủ Nhật, 31/12/2017 00:25
. LÊ HOÀI NAM 

Mĩ nhân nơi đồng cỏ (Nxb Hội Nhà văn, 2017) là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về các nhân vật hầu hết có thật, sống cách nay ngót sáu trăm năm. Trong Đại Việt sử kí toàn thư chỉ ghi về họ kèm theo những sự kiện với những dòng ngắn gọn, khái quát, chính yếu nhất. Với Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, nhân vật chính của tiểu thuyết, thì chính sử cũng như dã sử ghi chép về bà càng cô đọng. Đại khái, Nguyễn Thị Anh là một trong bốn người vợ của vua Lê Thái Tông. Vốn là một cô gái sinh ra, lớn lên ở vùng thôn quê xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, nhờ sắc đẹp trời cho, Nguyễn Thị Anh vừa tiến vào cung đã được vua sủng ái. Rồi bà sinh con trai là Lê Bang Cơ. Bang Cơ được phong hoàng tử. Khi vua Lê Thái Tông mất, hoàng tử Lê Bang Cơ mới hai tuổi đã được nối ngôi, trở thành vua Lê Nhân Tông. Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh buông rèm nhiếp chính. Một số quan trong triều biết rõ Bang Cơ không phải là dòng dõi tiên đế Thái Tông. Nguyễn Thị Anh mang thai Bang Cơ với người tình trước khi tiến vào cung. Khi được làm vợ vua rồi, Nguyễn Thị Anh rất lo sợ chuyện động trời này bị bại lộ. Càng lo sợ bà càng không từ một thủ đoạn nào để bảo vệ mạng sống cũng như ngai vàng của con trai. Trong một chuyến đi tuần miền Côn Sơn, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà. Không thể nói cái chết này không có bàn tay của hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nhưng tội lỗi lại được trút lên đầu danh thần Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ, khiến họ bị tru di tam tộc. Một loạt nội quan và cung nữ theo hầu cũng phải chết theo. Những đại thần có công trong kháng chiến chống giặc Minh mà manh nha biết bí mật đời tư của Nguyễn Thị Anh cũng đều bị bà trừng phạt không nương tay. Cả gia đình Đinh Liệt bị bà tống giam nhiều năm trong ngục tối. Nguyễn Xí bị bà buộc thôi việc. Cha con Trịnh Khắc Phục và cha con Trịnh Khả bị bà xử chém. Sau cuối mẹ con bà cũng bị chết dưới lưỡi gươm của Lê Nghi Dân, con trai trưởng của tiên đế Lê Thái Tông, kẻ đã từng bị Nguyễn Thị Anh đuổi khỏi hoàng thành ngay từ nhỏ.

Cuộc đời và các sự kiện gắn với vua Lê Nhân Tông cũng rất ngắn gọn. Vậy làm thế nào để tôi xây dựng nên một nhân vật Tuyên Từ Nguyễn Thị Anh và một nhân vật vua Lê Nhân Tông xuất hiện trong suốt hai mươi tư chương của cuốn tiểu thuyết ba trăm năm mươi trang, trở thành hai nhân vật văn học được bạn đọc chấp nhận?

Xin thưa rằng, tôi đã dùng phương pháp sáng tạo nghệ thuật “nhìn một cốc nước mà hình dung ra cả một ao hồ”, “nhìn một cái cây khi còn nhỏ vẫn có thể hình dung ra khi nó lớn lên, đơm hoa, kết trái”. Tôi tôn trọng nguyên tắc, dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu cũng không được phép nhìn cây cam lại viết thành cây chuối. Hư cấu lịch sử khác với bịa tạc lịch sử. 

Chẳng hạn trong Đại Việt sử kí toàn thư chỉ ghi một câu vắn tắt “Ngày... tháng... năm..., nhờ Trịnh Khắc Phục và vợ là công chúa Ngọc Lan xin cho, Đinh Liệt được ân xá, ra khỏi nhà ngục” thì bằng trí tưởng tượng, tôi hình dung ra Trịnh Khắc Phục đã khải tấu lên hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh về tình hình sức khỏe của Đinh Liệt trong nhà ngục như thế nào, hoàng thái hậu thăm dò ý của vua Lê Nhân Tông ra sao, rồi bà xa giá đến nhà ngục nói với tội thần Đinh Liệt bằng cái giọng vừa hù dọa vừa kẻ cả ban ơn như thế nào… Nhiều năm trong nhà lao, thân thể bị tàn tạ nhưng Đinh Liệt vẫn giữ được cốt cách kiêu hãnh, nói lời chính trực, ngay thẳng, mặc dù ông biết có thể chết không toàn thây dưới lưỡi gươm mà Nguyễn Thị Anh ra lệnh... Nghĩa là tôi đã hình dung ra bao nhiêu tình tiết, chi tiết chỉ qua một câu sử. Có khi chỉ qua một câu sử mà tôi đã viết ra tới hàng chục trang tiểu thuyết.

Cũng nhờ một tác phẩm của người khác viết về hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh đã gợi hứng, khích lệ tôi hăng hái cầm bút. Cách đây chưa lâu, vô tình có trong tay cuốn tiểu thuyết của một nhà văn nọ mô tả Nguyễn Thị Anh chỉ về phương diện mưu mô, xảo quyệt, độc ác, bạo chúa, tội đồ..., tôi nghĩ con người thật của bà chắc chắn không sơ lược, đơn giản, một chiều như thế. Ý nghĩ này thôi thúc tôi quyết tâm viết tiểu thuyết Mĩ nhân nơi đồng cỏ. Bằng những câu ghi chép rất kiệm lời trong chính sử và dã sử, tôi hình dung ra Nguyễn Thị Anh không chỉ có tội mà còn có công. Khi hoàng tử Lê Bang Cơ mới hai tuổi lên ngôi hoàng đế, hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh ngồi sau rèm nhiếp chính (thực chất là quyền hành ở trong tay bà) giữa thời buổi khá rối ren. Cuộc chiến tranh vừa mới đi qua, con người khát thèm hưởng thụ. Trong triều diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực rất quyết liệt giữa các phe phái. Biên cương phía Nam quân Chiêm Thành nhòm ngó, rình rập. Nguyễn Thị Anh tỏ ra là một con người thao lược, bản lĩnh. Hai lần bà điều binh khiển tướng đi đánh quân Chiêm Thành xâm lấn đều thắng lợi. Dưới quyền bà khi ấy còn rất đông những công thần từng cùng Lê Lợi vào sinh ra tử kháng chiến chống quân Minh như Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, Ngô Sĩ Liên... Họ đều là bậc cha chú của Nguyễn Thị Anh. Nếu bà không phải là con người thao lược, bản lĩnh và nếu vua Lê Nhân Tông con trai bà không phải là một cậu bé đáng để họ tin cậy, hi vọng thì bà đã rất khó thu phục, sai khiến được họ. Nếu bà chỉ là một bạo chúa tầm thường, chắc chắn triều đại do mẹ con bà trị vì đã không thể kéo dài được tới mười bảy năm.

 
my nhan noi dong co le hoai nam1 ymqf

Khi được cấp địa phương khải tấu lên rằng, con sông Bình Lỗ bị bồi lấp, tưới tiêu không thuận, khi những cánh đồng hạn hán thì sông không đủ nước tưới, khi úng lụt thì sông tiêu nước chậm, Nguyễn Thị Anh ngồi xe song mã lên tận nơi thị sát rồi cho khai lại sông. Khi trong triều có nhiều viên quan đã cao tuổi nhưng cậy công thần cố bám lấy ghế tọa hưởng kì thành, Nguyễn Thị Anh cương quyết cho về hưu. Viên đại thần Lê Thụ từng vào sống ra chết trận mạc với Lê Lợi nhưng mượn đám cưới con trai để bắt các quan từ kinh đô xuống phủ huyện cống nạp, Nguyễn Thị Anh đã đưa ra tòa xử bỏ tù. Một số ngôn quan vì động cơ cá nhân đã cáo giác không đúng sự thật cũng bị Nguyễn Thị Anh trừng phạt, cách chức…

Trong ngôi vị hoàng thái hậu thì Nguyễn Thị Anh thao lược quyền biến thế, nhưng khi ở vị trí người đàn bà, người mẹ thì bà cũng nặng tình mẫu tử, tình chị em như bao người phụ nữ khác. Chính cái vòng xoáy quyền lực đã cuốn bà vào, kích thích tham vọng trong con người bà khiến bà hành động mù quáng. Có những tội ác ghê gớm bà phạm phải cứ như là bản năng sinh tồn chứ không phải bản chất.

Chính vì tôi xây dựng nhân vật Nguyễn Thị Anh với những giằng xé trong tâm trạng, đối nghịch trong tính cách như thế nên nhân vật này sống động hơn, thật hơn, người hơn, chiếm được niềm tin của độc giả.

Xoay quanh cái trục hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh là một loạt các nhân vật Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, Phùng Hoa Mai, Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Ngọc Dao, Lê Tư Thành, Lê Khắc Xương, Lê Nghi Dân... cũng đều được tôi xây dựng theo phương pháp “nhìn cây thấy quả”, “nhìn bát nước thấy ao hồ” như thế.

Có những nhân vật khác được tôi xây dựng mang hàm ý chiêu tuyết cho họ, đưa họ trở về đúng bản chất của mình. Chẳng hạn gần đây có một số tiểu thuyết lịch sử xây dựng nhân vật Lê Lợi (Lê Thái Tổ) là một ông vua ít học, thô thiển, cuồng sát. Sở dĩ một số tác giả viết như thế có lẽ là bởi họ đã đọc được một mẩu giai thoại trong cuốn Tang thương ngẫu lục kể chuyện Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn với nguyện ước tụ nghĩa dưới ngọn cờ Lê Lợi để kháng chiến chống giặc Minh. Khi đứng ngoài sân nhìn vào nhà thấy Lê Lợi đang vừa chặt thịt bỏ vào đĩa vừa bốc thịt bỏ vào mồm nhai thì hai ông cảm thấy băn khoăn, không muốn cộng sự… Đại để thế. Đấy chỉ là một giai thoại được viết sau thời Lê Lợi ba trăm năm, vậy thì biết đâu nó chỉ là giai thoại được... sáng tác mà thôi.

Nhưng giả sử chuyện ấy là thật thì cũng chẳng sao. Lê Lợi sinh ra nơi đồng quê thuần phác, ông ăn uống, sinh hoạt mộc mạc, dân dã cũng là dễ hiểu. Nhưng nói ông ít học là hoàn toàn hồ đồ. Ông là con nhà đại điền chủ, tức là nhà giàu, mà nhà giàu ngày xưa thường có học. Thực tế thì Lê Lợi rất giỏi chữ nho, chẳng qua là ông không ra kinh đô ứng thí mà thôi. Có rất nhiều làng quê ở Thanh Hóa, Nghệ An được Lê Lợi đặt tên bằng chữ nho ngay trong lúc đội quân của ông trên đường truy kích quân Minh, lại có một bài thơ chữ Hán của ông rất hay được quân lính khắc trên núi Lĩnh còn lưu giữ đến ngày nay. Vả lại, nhiều trận Lê Lợi chỉ huy chiến đấu cho thấy ông rất giỏi binh pháp. Phải giỏi chữ nho thì ông mới có thể đọc và nghiên cứu được sách binh pháp kĩ đến thế. Rõ ràng, phải là một bậc hiền tài, một đại anh hùng thì ông mới thu phục được nhiều bậc hiền tài từ khắp nơi trong nước tụ về Lam Sơn tôn phò, giúp rập, suốt mười năm nếm mật nằm gai chiến đấu cùng ông, giải phóng nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, lấy lại được giang sơn bờ cõi như thế. Còn chuyện giết công thần, trong thể chế phong kiến không tránh được, kể cả triều Lý, triều Trần cũng vậy. Chuyện Lê Lợi giết công thần ra sao, tôi cũng viết trong tiểu thuyết Mĩ nhân nơi đồng cỏ, nếu đồng cảm với tôi, hẳn bạn đọc sẽ thể tất cho ông. Trong tác phẩm, tôi không mô tả trực diện người anh hùng dân tộc Lê Lợi mà để cho Lê Tư Thành hỏi mẹ là Ngô Thị Ngọc Dao. Hình tượng Lê Lợi được phác họa qua lời kể của Ngô Thị Ngọc Dao, con dâu của ông. Người thiếu phụ có cái tâm trong sáng này đã trả lời con trai một cách khách quan, thấu tình đạt lí. Tôi nghĩ vận dụng phương pháp gián tiếp ở trường đoạn này là hợp lí, nhân vật trở nên giàu sức thuyết phục hơn.

Về nhân vật Nguyễn Trãi, cũng có cuốn sách xây dựng như là một bậc thánh nhân mà không thấy con người đời thường của ông đâu cả. Với tôi, Nguyễn Trãi là một bậc hiền tài, học cao hiểu rộng. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc. Nếu ghi công lao trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, ông chỉ đứng sau Lê Lợi. Trong cương vị một người chồng, người cha, người bạn, ông rành rẽ, phân minh, ấm áp, đời thường, không có chút thánh tướng gì cả. Lí trí của ông khẳng khái, trái tim ông thành thật, vị tha, đôi khi đến độ mềm yếu. Đặc điểm ấy giúp ông trở thành một cây bút lớn, nhưng trong vị trí một viên quan đại thần thì có lúc nó lại gây hại cho ông. Nếu cứ lạnh lùng, dửng dưng với mọi sự trên đời, chắc ông đã không chết oan khiên như thế. Ông chết chính vì cái lí trí khẳng khái và con tim thật thà, ấm nóng, vị tha ấy.

Về nhân vật Lê Nhân Tông (Bang Cơ), như đã nói, trong Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép rất kiệm lời. Dường như cũng chưa có tác phẩm văn học nào viết về ông vua thiếu niên này. Nhưng cũng bằng phương pháp “trông cây mà thấy quả”, tôi đã viết về vua Lê Nhân Tông theo cách riêng của tôi. Không thuộc dòng dõi tiên đế nhưng Lê Nhân Tông bản tính thông minh. Suốt thời niên thiếu Lê Nhân Tông - Bang Cơ được hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh rất mực yêu thương, dạy bảo cách thức làm vua. Bước ra khỏi cung Diên Khánh của mẹ thì Lê Nhân Tông đã có những đại thần giỏi giang như Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục kèm cặp, dạy binh pháp, võ nghệ, chữ thánh hiền. Càng lớn Lê Nhân Tông càng chứng tỏ là một ông vua hiền minh. Rất có hiếu với mẹ, nghe theo điều hay lẽ phải mẹ dạy dỗ, nhưng nếu nhận thấy những gì mẹ dạy là áp đặt, trái với luân thường đạo lí, bất lợi cho nước cho dân thì vua cương quyết chống lại, thậm chí có lúc phản đối mẹ quyết liệt đến độ toan trả mũ áo cho mẹ, không làm vua nữa. Việc vua Lê Nhân Tông phải chết theo mẹ đã gây ra sự nuối tiếc khôn nguôi cho những con người chân chính.
*
*    *
Khi hoàn thành bản thảo Mĩ nhân nơi đồng cỏ, tôi mang đến ba nhà xuất bản, câu đầu tiên các biên tập viên nói với tôi là “Tiểu thuyết lịch sử bây giờ khó bán lắm đấy. Chúng tôi xem nội dung rồi nếu được thì cấp giấy phép để anh tự in, tự phát hành”. Cuối cùng thì Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ủng hộ, in cho tôi. Sách phát hành được ít ngày thì đã có những bài viết về nó đăng trên các báo. Tác giả các bài viết hào phóng buông lời khen như “đọc rất hấp dẫn”, “bị cuốn hút từ đầu đến cuối, không dứt ra được”. Rồi qua facebook, khá nhiều bạn đọc nhắn tin phản hồi. Tôi ghi nhớ nhất câu của một bạn trẻ: “Sở dĩ sách của anh cuốn hút là bởi anh đã tránh được những đặc điểm thường gặp trong tiểu thuyết lịch sử ở xứ ta khiến bạn đọc không thích, đó là khô khan, sao chép lịch sử hoặc bịa đặt lịch sử một cách tùy tiện”.

Phải chăng với Mĩ nhân nơi đồng cỏ, tôi đã bước đầu ít nhiều thành công với phương pháp “trông cây thấy quả”? Rất may là tôi đã không trông cây cam mà thấy quả... chuối.
 
L.H.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)