Đỗ Anh Vũ và “Vẻ đẹp của yêu tinh”

Thứ Bảy, 09/12/2017 00:19
(Đọc Vẻ đẹp của yêu tinh, Nxb Hội Nhà văn, Công ty Văn hoá và truyền thông Nhã Nam, 2017)

.NGUYỄN THANH TÂM
        

Tôi tin là Phạm Xuân Nguyên đã hiểu tinh thần Vẻ đẹp của yêu tinh khi ông nhận lời viết tựa khai sinh cuốn sách. Cũng vậy, tôi tin Trần Trọng Dương đã thực sự “lịch duyệt” khi xem những luận bàn của Đỗ Anh Vũ là một “lịch duyệt tự thân của những cảm thức con người” trong lời bạt đầy trân trọng. Ở đây, trong tư cách một người đọc, Vẻ đẹp của yêu tinh mang đến cho tôi cảm nhận thú vị về đời sống, văn chương, văn hoá, phong tục, ngôn ngữ. Cũng ở đây, hỗn luận của Đỗ Anh Vũ là một bày tỏ không thể rành mạch hơn về những câu chuyện có thể suy ngẫm và luận bàn, về tính xác đáng hay cần thiết của đối tượng, về sự lựa chọn hay thái độ của chủ thể trước các vấn đề văn hoá, văn học, ngôn ngữ,… Vẻ đẹp của yêu tinh, trong định danh “hỗn luận” đã khiến người ta có những cú giật mình thú vị về những gì đang hiện diện.
 
Đỗ Anh Vũ vốn là dân ngôn ngữ xịn, đã gắn bó với Ngôn ngữ học hơn 15 năm nay. Thú thực, có lúc tôi không ưa các nhà ngôn ngữ học, nhất là mấy ông nghiên cứu, phê bình cứ xoáy sâu vào ngữ âm, từ vựng, âm vị, hình vị, tiền tố, hậu tố,… Tôi thấy đem những điều đó vào văn chương để bàn luận, lắm khi cứ thấy vô nghĩa thế nào. Ấy là khi tôi đã hiểu một cách phiến diện rằng, những nghiên cứu chuyên sâu như thế dường như đang dần rời xa những bộn bề, phức tạp hay nan giải của xã hội, đời sống.
 
Quả thế thật, nếu cứ đem các vấn đề chính trị xã hội, những bận tâm của con người về sinh kế, đạo đức, luân lí, nhân phẩm, an ninh con người, thể chế chính trị, tôn giáo hay các bức thiết về quyền của con người trên thế giới ra để ứng chiếu, ta dễ thấy rằng, những phân tích chi li về âm vị, hình vị, ngữ âm, ngữ pháp,… đã không có được tiếng nói tham góp vào sự tiến bộ của xã hội loài người. Nhưng, ở một chiều kích khác, khi hiểu vấn đề một cách kĩ lưỡng, những nghiên cứu sâu về ngôn ngữ, lại chính là cơ sở để con người hiểu nhau hơn. Bởi, như M. Heidegger đã nói, ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể. Và nữa, không gì có thể tồn tại ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo nên thế giới. Thế giới của chúng ta, không gì khác là một cuốn từ điển.
 
Tôi buộc phải dài dòng đôi chút về ngôn ngữ mà rộng hơn là diễn ngôn trong ý hướng về khả năng thông hiểu - tồn tại của xã hội người khi nói về cuốn hỗn luận -Vẻ đẹp của yêu tinh mà Đỗ Anh Vũ vừa mới xuất bản. Tri thức ngôn ngữ, như thế đã tạo nên thế mạnh cho tác giả trong việc tiếp cận các hiện tượng văn hoá, văn học, đời sống. Điều đó, như đã nói, chính là một xuất phát điểm có tính bản thể trong lựa chọn con đường đến với đối tượng. Tuy nhiên, những lợi thế về tri thức, dẫu rất quan trọng, vẫn chưa phải là yếu tố đáng nói - vì thực tế có nhiều người cũng sở hữu tri thức ngôn ngữ như Vũ, thậm chí còn uyên thâm hơn.
 
Điều đáng nói nhất của cuốn sách này chính là sự lựa chọn - đối tượng và phương thức luận bàn của tác giả. Đọc Vẻ đẹp của yêu tinh, người đọc sẽ bắt gặp trong ấy những câu chuyện, những đối tượng lâu nay vẫn bị xem là tục, thô, bậy, cấm kị. Nào là chim, bướm, bưởi, chuối, ngực, hôn, ghen, sex cho đến rượu, thuốc lào, thuốc lá, đao kiếm. Nào là cõi tạm cho đến thiên đường, địa ngục, thuỷ phủ. Nào là việc soi gương đến mái tóc, đến mùi của người tình, đến tiếng ru hay sự vô ngôn,… Đỉnh điểm choáng váng chính là “cứt” và “sinh thực khí” được luận giải một cách kĩ lưỡng, tường tận.
 
Cùng với đó, những bàn luận về thơ ca kim cổ từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Hoàng Nhuận Cầm,… đã làm cho hỗn luận của Vũ thực sự là một “bách hoá tổng hợp”, “thượng vàng hạ cám” nhưng hết sức nghiêm túc và đáng để suy ngẫm. Đáng nói hơn, cái cách mà Vũ tiếp cận đối tượng. Đừng tưởng hỗn luận là hỗn độn của những luận bàn.
 
Phạm Xuân Nguyên đã làm rõ ý này trong lời tựa. Ở đây, Vũ đã chọn cách tiếp cận dường như khác, ngược, nghịch (hỗn) với nhiều người. Như thế, trên tinh thần về tính chất nghịch dị mà S. T. Kunh đã nêu lên, Vũ tỏ ra là một tay khôn ngoan, lọc lõi. Đi con đường ít người đi, thậm chí chưa có ai đi, chính là đóng góp, là dấu ấn của kẻ mở đường. Lẽ nào Vũ không nghĩ đến điều đó? Hẳn nhiên, hỗn luận đã trả lời một cách tinh quái cho câu chuyện về những giá trị khác biệt kiến tạo nên con người trong xã hội ngày càng đồng hoá như hiện nay.
 
Một điểm rất đáng nói nữa trong cuốn sách của Đỗ Anh Vũ chính là các thao tác luận. Không khó để nhận ra khuôn mặt, trạng thái, cung cách làm việc của một nhà ngôn ngữ học. Việc điều tra, sưu tầm, phân tích, phân loại, đánh giá các khu vực tư liệu đã khiến cho hỗn luận thực sự là một tập tiểu luận - phê bình văn học từ góc độ ngôn ngữ học. Khi bàn luận về vấn đề gì, Vũ luôn xác lập được khu vực tư liệu, trong thành ngữ, tục ngữ, trong văn học, âm nhạc - ca từ,… Điều đó đem lại sự tin cậy cho những luận giải, đánh giá hay kết luận của Vũ.
 
Thì đấy thôi, Vũ luận về cứt trên căn cứ của thống kê từ thành ngữ, tục ngữ. Hẳn là chưa đầy đủ, nhưng 77 câu thành ngữ tục ngữ trực tiếp nhắc đến “cứt” - chưa kể các các gọi khác, cho thấy lí do tồn tại của cứt trong đời sống cộng đồng người Việt. Kết luận về mối liên hệ của cư dân nông nghiệp với sự hiện diện của cứt trong đời sống không hẳn là mới mẻ, nhưng rõ ràng là rất xác đáng trên vùng cứ liệu dân gian Việt Nam (Vũ còn so sánh với thành ngữ, tục ngữ tiếng nước ngoài, để thấy rằng, trong hàng ngàn câu thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh, cứt chỉ xuất hiện một lần.
 
Hiện trạng đó nói lên điều gì? Vũ cũng tìm được câu trả lời cho trong những bàn luận của mình). Tương tự, luận về sinh thực khí, Vũ sưu tầm được 227 dẫn chứng, luận về tiền có 61 dẫn chứng thành ngữ, tục ngữ liên quan trực tiếp. Đó là căn cứ để luận bàn về thái độ, tâm tính hay những hiện diện văn hoá giao tiếp, ứng xử trong đời sống con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ văn học dân gian đến văn học bác học.
 
Phần 1 - Rong chơi rừng văn biển chữ và những khảo sát về Tục trong đời, đời trong tục (Phần 3) có lẽ là phần thú vị nhất của hỗn luận. Cùng với đó Phần 2 - Nhớ người xưa, ngắm người nay cũng mang lại đượccảm xúc cho người đọc. Từ việc gợi nhắc lại nhân vật “Khách viễn phương” bị lãng quên trong Truyện Kiều mang dáng dấp Nguyễn Du với lòng trắc ẩn trước thân phận con người và sự đồng cảm của số kiếp tài hoa bạc mệnh đến nỗi “Sầu xuân” trong thơ Hàn Mặc Tử, yếu tố sex trong Tỳ bà truyện của Nguyễn Bính, ngôn ngữ và đặc điểm thơ Bùi Giáng, thơ Nguyễn Bính, sự phát triển của dung lượng câu thơ Việt,… đã làm dày dặn thêm câu chuyện - sự luận bàn của Đỗ Anh Vũ.
 
Tuy nhiên, nếu phần 1, phần 3 thực sự thú vị với những luận bàn trên cơ sở cứ liệu thành ngữ, tục ngữ, văn học, ca từ âm nhạc thì phần 2 lại bộc lộ những điểm yếu của Đỗ Anh Vũ. Có thể nhận thấy một cách rõ rệt, Vũ chỉ xác đáng, thực sự thuyết phục trên cứ liệu có thể thống kê, mô tả, phân tích. Với những thẩm định trên vùng cứ liệu trừu tượng - thế giới tinh thần của nhà văn, Vũ tỏ ra chưa thực sự thấu đáo. Vì thế, hẳn phải luận lại với Vũ về những luận bàn trong phần 2, dẫu ít nhiều, phần này cũng đáng để đọc như một tham khảo.
 
Trong cảm nhận và hình dung của tôi, vẻ đẹp của yêu tinh thường hiện ra với sự ma mị, quyến rũ. Cứ xem lại các dẫn chứng trong văn học kì ảo, truyền kì, thần thoại, trong cả điện ảnh,… yêu tinh muốn quyến rũ con người thường hiện ra với vẻ đẹp khó cưỡng lại. Vì thế, con người mới đắm đuối, mê mẩn và sa bẫy. Nhưng, vì những trải nghiệm có phần hoang đường hay truyền tụng dân gian, yêu tinh thường bị xem là thế lực xấu xa.
 
Sự đối lập của vẻ đẹp và sự xấu xa trên thực tế từ góc độ ngôn ngữ (diễn ngôn) chỉ là ý thức hệ, tinh thần hay tư tưởng, định kiến của con người. Nó nằm trong quan niệm hay sự quy ước. Do vậy, Đỗ Anh Vũ sử dụng Vẻ đẹp của yêu tinh đặt tên cho những luận bàn của mình, gọi đó là hỗn luận thể hiện nhận thức và thái độ nghiêm túc, đúng mực, “lịch duyệt” về các trải nghiệm đời sống và học thuật.
 
Vũ thường ngồi với tôi, nói chuyện về thơ, nhạc và những hiện diện ngôn ngữ đời sống từ dân gian đến văn chương. Một lần, Vũ bảo tôi rằng, Vũ không muốn, không bao giờ muốn văn chương đem đến cho con người sự mỏi mệt. Thế nên, phê bình hay luận giải, Vũ đều nỗ lực mang đến những trải nghiệm hài hước, thú vị, bất ngờ cho người đọc. Thì đây, hỗn luận -Vẻ đẹp của yêu tinh là một sự bày tỏ như thế. Đó là vẻ đẹp của những gì bị khuất lấp, bị kiêng dè, cấm kị, bị xem là thô tục hay bỉ lậu.
 
Trước ánh sáng khoa học, chúng ta cần hiểu rằng, mọi đối tượng là bình đẳng. Vũ đã chú ý đến cái mà người khác không chú ý, đã chỉ ra những hiện diện mang ý nghĩa, dù rất khác biệt, đến dị biệt, trong đời sống. Người đọc, khi chiêm ngưỡng Vẻ đẹp của yêu tinh hẳn sẽ phải ngỡ ngàng, thậm chí vỡ oà những xúc cảm về cuộc sống, mà đôi khi, vì định kiến chúng ta đã cố tình né tránh, phủ định. Sự thực, định kiến ấy đã tước đi của chúng ta cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn, đầy đủ hơn đời sống của chính mình. Vì những niềm háo hức đang ùa đến, xin trân trọng giới thiệu Vẻ đẹp của yêu tinh cùng bạn đọc.
 
Núi Na, 11/2017
N.T.T
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)