Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu cảm hứng và thách thức

Thứ Bảy, 02/12/2017 00:29
. MAI NAM THẮNG

Niềm cảm hứng của nhiều thế hệ nghệ sĩ
Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - là niềm cảm hứng sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ nước ta và của nhiều tác giả trên thế giới. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sáng tạo và phổ biến rộng rãi, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sân khấu, đến nay đã có hàng chục vở diễn về Bác Hồ, với chủ đề và nội dung tư tưởng rõ ràng; cốt truyện kịch khúc chiết, mạch lạc; ngôn ngữ nghệ thuật có nhiều tìm tòi sáng tạo. Không chỉ trên sân khấu kịch nói là loại hình có ưu thế về đề tài lãnh tụ, mà trên các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch… cũng có nhiều vở diễn xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ, được đông đảo khán giả quân - dân chào đón và yêu mến.

Từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trên sân khấu cách mạng đã có nhiều hoạt cảnh, cảnh diễn về hình tượng Bác Hồ với nhiều cách thể hiện khác nhau. Có những vở diễn, hình tượng Bác Hồ chỉ xuất hiện trong một quãng ngắn, hoặc xuất hiện một cách gián tiếp thông qua ngôn ngữ sân khấu và các thủ pháp nghệ thuật, nhưng đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem. Đặc biệt là trong những hoạt cảnh, lớp diễn có hình tượng Bác Hồ do các nghệ sĩ thể hiện, mỗi khi xuất hiện là khán giả trào dâng những cảm xúc dạt dào, phấn khích.

Năm 1976, lần đầu tiên có một vở diễn hoàn chỉnh về hình tượng Bác Hồ, đó là vở Người công dân số một, do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng theo kịch bản của hai tác giả Hà Văn Cầu và Vũ Đình Phòng, nghệ sĩ Dương Ngọc Đức đạo diễn. Vở diễn đã đoạt giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm đó và gây tiếng vang lớn trong dư luận. Thành công của vở diễn là sự động viên, khích lệ giới sân khấu mạnh dạn và tự tin hơn trong sáng tạo hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.

Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều vở diễn khá ấn tượng về đề tài Bác Hồ, thuộc nhiều loại hình sân khấu, do các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương dàn dựng, như Đêm trắng của tác giả Lưu Quang Hà được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng; Không còn con đường nào khác của Nhà hát tuồng Trung ương (tác giả Văn Sử, đạo diễn Đoàn Anh Thắng); Sáng mãi niềm tin - Nhà hát tuồng Đào Tấn (kịch bản của Lê Duy Hạnh); Đêm trăng huyền thoại - Đoàn chèo Thái Nguyên; Bài ca Điện Biên - Nhà hát kịch Việt Nam (kịch bản Tất Đạt, đạo diễn Doãn Hoàng Giang); Lịch sử và nhân chứng - Đoàn kịch Hải Phòng (tác giả Hoài Giao, đạo diễn Vũ Minh); Hành trình người chiến sĩ của tác giả Nguyễn Đình Chính; Bầu trời và mặt đất của tác giả Lê Thành Chơn…

Đặc biệt gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ từng được công chúng hoan nghênh từ vài chục năm trước; đồng thời tiếp tục khai thác, dàn dựng những vở diễn mới về đề tài này với những thử nghiệm mới về nội dung và hình thức, bước đầu tạo hiệu quả nghệ thuật tốt, như Những vần thơ thép - Nhà hát chèo Việt Nam (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sừ); Cái chết chẳng dễ dàng gì - Nhà hát kịch Quân đội (tác giả Xuân Đức, đạo diễn Dương Ngọc Đức); Người ra đi từ câu hò ví dặm Lời Người, lời của nước non - Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm Nghệ An; kịch múa Nhật kí trong tù - Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Hồi ức màu đỏ - Nhà hát ca kịch Huế (tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Ngọc Bình); Bác không phải là vua - Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên (tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn Trần Nhượng)…

Trong các tác phẩm sân khấu trên đây, có những tác phẩm hình tượng Bác Hồ xuyên suốt vở diễn, là nhân vật trung tâm của chuyện kịch; có những tác phẩm Bác Hồ chỉ xuất hiện ở một vài cảnh, thậm chí xuất hiện gián tiếp thông qua các thủ pháp nghệ thuật sân khấu, tuy vậy, đó lại là những cảnh diễn xúc động nhất, ấn tượng nhất, tạo nên “điểm nhấn” của vở diễn. Ngoài ra, vào các dịp kỉ niệm lớn, các liên hoan nghệ thuật, hội diễn sân khấu…, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên còn công phu dàn dựng những hoạt cảnh, trích đoạn, những chương trình “liên khúc” nghệ thuật về hình tượng Bác Hồ, như chương trình Hình tượng Bác Hồ qua các thời kì, hoạt cảnh Bác Hồ với dũng sĩ miền Nam, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Giai điệu tháng 5, Sáng mãi tên Người… Điểm nhấn của các chương trình, hoạt cảnh, trích đoạn… trên đây vẫn là hình tượng Bác Hồ xuất hiện trên sân khấu, do các nghệ sĩ dày công tập luyện, hóa trang, diễn xuất và sự thành công của vai diễn quyết định chất lượng nghệ thuật của chương trình, hoạt cảnh, trích đoạn… ấy.

 
Một thách thức nghệ thuật
Nhìn lại kịch mục về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nói trong lịch sử sân khấu nước nhà, thật hiếm có một nhân vật đương đại nào lại được khai thác xây dựng thành hình tượng nghệ thuật ở nhiều loại hình sân khấu như hình tượng Bác Hồ. Cùng với đó là một đội ngũ đông đảo tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên thuộc nhiều thế hệ hào hứng tham gia sáng tạo và nhiều người đã trở thành những tên tuổi được công chúng ngưỡng mộ từ đề tài về Bác Hồ. Chỉ nói riêng đội ngũ tác giả kịch bản, thấy đủ các thế hệ và những tên tuổi sáng giá, từ những tác giả thuộc bậc “trưởng lão” như Hà Văn Cầu, Hoài Giao… đến những nhà biên kịch nổi tiếng trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến như Tất Đạt, Lê Duy Hạnh, Xuân Đức… và cả những cây bút trẻ thuộc thế hệ “hậu chiến” như Lê Quý Hiền, Nguyễn Quang Vinh… Có những tác giả đến nay đã có tới ba - bốn vở về Bác Hồ mà vở diễn nào cũng tạo được tiếng vang trong đời sống nghệ thuật, như Trần Đình Ngôn (Những vần thơ thép, Đêm trăng huyền thoại…), Hoài Giao (Lịch sử và nhân chứng, Cố nhân, Giai điệu tháng 5)…

Trong các tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dàn dựng và biểu diễn, các êkíp sáng tạo đã cố gắng lựa chọn những câu chuyện điển hình để xây dựng nên những hình tượng điển hình, trong những hoàn cảnh điển hình. Mỗi vở diễn là một câu chuyện có ý nghĩa trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, gắn liền với những giai đoạn, những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc trong thế kỉ XX. Tất cả đều tập trung làm nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh, những phẩm chất cao đẹp và tấm gương đạo đức trong sáng của Người, đặc biệt là sự dung dị, gần gũi, thân thương của một nhân vật vĩ đại. Có được thành công ấy, bên cạnh chất lượng kịch bản và bàn tay tài năng của các đạo diễn, phải kể đến sự nỗ lực của các diễn viên được vinh dự thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Đó là một sêri diễn viên thuộc nhiều thế hệ đã để lại những vai diễn dấu ấn trong lòng công chúng, như Sĩ Hùng, Tiến Thọ, Ngọc Thủy, Tiến Hợi, Đức Trung, Võ Sĩ Thừa, Tiến Mộc, Trần Thạch, Hà Văn Trọng, Văn Tân… và gần đây là một số nghệ sĩ trẻ tuy mới xuất hiện lần đầu nhưng đã có nhiều sáng tạo thành công trong thể hiện hình tượng Bác Hồ, như Ngọc Bình (Ca kịch Huế), Ngọc Ngãi (Dân ca Nghệ An), Phú Kiên (Nhà hát chèo Việt Nam), Ngọc Cao (Nhà hát chèo Quân đội)…

 
DEM TRANG 003
Cảnh trong vở diễn Đêm trắng của Nhà hát kịch Việt Nam - Ảnh: ST

Tuy nhiên, với lòng quý trọng và kính yêu đặc biệt đối với Bác Hồ, công chúng vẫn cảm thấy chưa có một tác phẩm sân khấu nào thực sự xây dựng trọn vẹn, đầy đặn, tạo được tầm vóc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hình tượng nhân vật đã có trên sân khấu dường như vẫn chưa tương thích với đời thực của con người Bác Hồ; có cái gì đó vẫn cao vời, xa cách, thiếu sự nhuần nhuyễn giữa nhân vật sân khấu với hình ảnh ngoài đời của Bác Hồ trong cảm thức của nhân dân. Ngay cả các tác giả và nghệ sĩ của những vở diễn được coi là thành công về đề tài Hồ Chí Minh cũng thừa nhận mặc dù tác phẩm của họ đã cố gắng tạo được “xương thịt, hồn cốt” nhân vật nhưng chỉ đủ cho khán giả ngước nhìn, ngưỡng mộ, chưa đủ để khán giả “thổn thức, đắm đuối” với nhân vật. Nhìn chung, trong các vở diễn, hình tượng Bác Hồ chỉ mới được phản ánh ở dáng vẻ bên ngoài, thông qua điệu bộ, dáng đi, giọng nói, phong cách giản dị, thái độ gần gũi yêu thương nhân dân… chứ chưa lột tả được tầm vóc tuyệt vời của Bác trên mọi lĩnh vực, qua mọi thử thách mà nhân dân ta đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Người. Nói như nhà nghiên cứu Chu Huy Sơn, công chúng nhiệt tình cổ vũ, trân trọng các vở diễn về Bác Hồ có nguyên nhân sâu xa từ lòng kính yêu Bác Hồ. Tuy nhiên không khó để nhận ra rằng, thành công của các vở diễn còn ở mức “khiêm tốn”, đa phần các kịch bản đi vào mô phỏng, kể những chuyện đời thường, sa vào các chi tiết tản mạn; mâu thuẫn trong kịch còn gượng gạo; thắt nút, mở nút còn vụng về…

Những hạn chế trên đây, trước hết thuộc về khả năng chủ quan của các tác giả và nghệ sĩ, nhưng một phần quan trọng thuộc về đặc điểm riêng của đề tài. Bác Hồ là một nguyên mẫu đặc biệt và hình tượng Bác Hồ là một đề tài đặc biệt của văn học nghệ thuật nói chung. Với nghệ thuật sân khấu thì hình tượng Bác Hồ càng đặc biệt vì nó đòi hỏi vừa phải giống như nguyên mẫu, giống như tâm tưởng của các thế hệ công chúng hình dung về Người lâu nay, lại vừa phải đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật, như tính cách điệu, tính ước lệ, điển hình hóa, hình tượng hóa, hư cấu, ẩn dụ…

Chẳng hạn ở khâu sáng tác kịch bản, đòi hỏi người viết phải đặt nhân vật vào các xung đột kịch để qua đó mà phát triển tâm lí, tính cách, hành động của nhân vật. Nếu xây dựng hình tượng Bác Hồ trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước, hoặc trong những cuộc tiếp xúc, đấu tranh với các thế lực thù địch thì tạo dựng các mối xung đột không khó, nhưng tài liệu về những giai đoạn, hoàn cảnh này hiện tại rất ít. Còn như xây dựng hình tượng Bác Hồ trong những ngày Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân kháng chiến giải phóng dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thì việc lựa chọn các “mâu thuẫn nội bộ” để đặt nhân vật vào các mối xung đột là vô cùng “nhạy cảm”, khó được chấp nhận. Lại nữa, liệu tác giả có được hư cấu những chi tiết, những cảnh huống liên quan đến Bác Hồ không? Nếu hư cấu được chấp nhận theo lí thuyết sáng tạo văn học nghệ thuật thì liệu có được công chúng nhân dân chấp nhận? Chính vì vậy mà lâu nay phần lớn các tác giả sân khấu khi viết về Bác Hồ đành chọn cách kể chuyện theo lối sử thi, thông sử, chấp nhận thiếu vắng những cao trào xung đột, những mâu thuẫn quyết liệt làm nên sức hấp dẫn đặc trưng của nghệ thuật sân khấu.

 Hoặc chỉ riêng khâu hóa trang và diễn xuất của diễn viên thể hiện hình tượng Bác Hồ, từ trước đến nay đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện Bác “giống như thật” đến nỗi không ít khán giả đã bật khóc hoặc reo mừng khi thấy nhân vật Bác Hồ bước ra sân khấu. Có trường hợp diễn viên đóng vai Bác Hồ trong vở Đêm trắng của Nhà hát chèo Quân đội còn rất trẻ. Ngọc Cao sinh năm 1982, quê Nghệ An, vào vai Bác Hồ trong Đêm trắng khi mới 26 tuổi. Lòng yêu Bác đã cộng hưởng vào tâm huyết, tài năng dẫn đến thành công của các nghệ sĩ. Vở diễn đã được tặng Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật toàn quân năm 2008. Diễn viên trẻ Ngọc Cao đóng vai Bác Hồ đã được tặng hai Huy chương vàng cùng với ba Huy chương vàng của các diễn viên đóng các vai khác trong vở diễn. Từ đó đến nay, vở chèo Đêm trắng đã có hàng trăm buổi diễn phục vụ khán giả quân - dân khắp mọi miền đất nước. Lại có trường hợp như Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ thể hiện giọng nói Bác Hồ giống đến nỗi đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó góp ý là “không nên dùng băng ghi âm giọng của Bác Hồ thay cho giọng của diễn viên”(!). Tuy nhiên, xung quanh việc hóa trang và diễn xuất hình tượng Bác Hồ vẫn có nhiều ý kiến tranh luận học thuật chưa thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, riêng với hình tượng Bác Hồ thì ngoại hình phải “chuẩn”, càng giống càng tốt, vì hình ảnh Bác đã in đậm trong tâm trí bao thế hệ khán giả lâu nay; nếu chỉ “hơi giống” thì hiệu quả nghệ thuật sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng nghệ thuật mà hóa trang và diễn xuất “y như thật” thì còn gì là sáng tạo; điều quan trọng là phải diễn xuất thế nào để lột tả được “thần thái”, phong cách, chiều sâu nội tâm của Bác Hồ, thông qua đó mà làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp của Người, thể hiện được tầm vóc vĩ đại nhưng bình dị của Người.
*
*   *
Xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm văn học nghệ thuật là mơ ước và cảm hứng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Nhưng đó lại là một thử thách nghệ thuật to lớn đối với người nghệ sĩ; bởi vì dù phản ánh, xây dựng hình tượng Bác Hồ ở góc độ nào, giai đoạn nào, hình thức nghệ thuật nào thì vẫn phải đạt được hình tượng nhân vật vừa vĩ đại vừa bình dị, vừa cao cả vừa gần gũi, vừa minh triết vừa đời thường và đặc biệt là một tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến…

Hơn một phần tư thế kỉ trước, nhân dịp đến xem một chương trình nghệ thuật kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu: “Phải làm sao để tác phẩm về Bác Hồ hay hơn nữa, nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu rất cảm động và cần phải thông qua những cảm xúc ấy để mỗi người chúng ta sống và làm việc theo gương Bác ngày càng tốt hơn. Công việc này không dễ dàng, song tôi tin nhất định anh chị em sẽ làm được và sẽ thành công. Nhân dân, trong đó có tôi, trông đợi ở lao động sáng tạo của anh chị em”.

Đó cũng là tâm nguyện của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và đội ngũ các thế hệ những người làm sân khấu nói riêng.

M.N.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)