Nghệ thuật của nhân loại

Thứ Sáu, 24/11/2017 00:57
. THANH THẢO

Thời nào viết chả có áp lực! Không có áp lực, làm sao viết! Tôi đang cùng với mùa thu của tôi thanh thản vô cùng, bất chấp tất cả những áp lực nếu có. Buổi sáng, nhìn những cây xanh mình trồng trên sân thượng tươi tốt, tự nhiên thấy lòng xao xuyến.

Cây cối là thước đo con người. Mình sống như thế nào, cây cối mình trồng sẽ như vậy. Tôi đã nhiều lần quan sát những cây ăn quả trong vườn nhà anh Nguyễn Khoa Điềm ở Vĩ Dạ - Huế, do anh tự trồng và chăm sóc. Cây thật sự xanh tốt, nhiều cây đã ra hoa và cho quả. Đó là hạnh phúc. Không ai vĩnh cửu ở cõi đời này, nhưng cây cối sống lâu hơn chúng ta, bất chấp cả biến đổi khí hậu. Mà cây cối là sinh thể, nó có tâm hồn, điều này khoa học đã chứng minh.

Rất nhiều lão nông ngày trước đã hàng ngày tâm sự với cây cối. Và cây hiểu, có khi còn sâu sắc hơn cả người hiểu nữa. Cây ùa đến đón ta như đứa trẻ hân hoan, trong một bài thơ Cây Matxcơva năm 1985, tôi đã thể hiện được sự hứng khởi cao độ của mình khi đi dưới những đường cây thành phố Matxcơva vào mùa xuân:

cây ùa đến đón ta như đứa trẻ hân hoan
cây tha thướt bên đường như thiếu nữ
cây trầm mặc trang nghiêm như nhà thờ cổ
cây ngời sáng long lanh như hồi chuông


Chỉ một cái cây thôi, nhiều khi nó còn thuyết phục ta hơn một bài diễn văn hùng biện. Thiên nhiên luôn là một dàn hợp xướng đa giọng, nó yêu cầu nhà thơ phải là một nhạc trưởng, để có thể nghe được từng giọng, và điều chỉnh nó trong những bè trầm bè cao. Dĩ nhiên, nhà thơ chỉ có thể điều chỉnh dàn hợp xướng ấy trong… thơ, chứ không phải “hô phong hoán vũ” trong đời thực.

Sự “vàng vọt” mà ta nhìn thấy hôm nay, cũng ứng ngay vào cây cối. Nhất là cây cối ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Ngẫm cho cùng, mọi biến đổi khí hậu bất lợi của thiên nhiên đều do lòng tham vô tận và sự ngu dốt của con người gây ra cả. Cây cối, cùng với con người, đã trở thành nạn nhân.

Bây giờ đọc lại, mới khâm phục Vũ Bằng là nhà văn lớn. Hồi xưa Nam Cao viết truyện ngắn Đôi mắt mà nhân vật Hoàng được coi là lấy nguyên mẫu từ Vũ Bằng. Ngày ấy, Đôi mắt được ca ngợi là tác phẩm xuất sắc mở đầu cho văn học kháng chiến chống Pháp, nhưng bây giờ đọc lại, mới thấy truyện ngắn này rất bình thường. Nó là một truyện ngắn tuyên truyền, nhiều hơn là một tác phẩm văn học. Có thể Vũ Bằng đúng như Nam Cao tả, nhưng như thế cũng chả chết ai! Vũ Bằng là người có cá tính mạnh, lại hay ngang ngang, nên những phát ngôn của nhân vật Hoàng mà người ta nghĩ là của Vũ Bằng nó ngang phè nhưng lại thú vị, chẳng sao cả.

Bây giờ khối ông nhà văn còn ngang hơn Vũ Bằng nhiều, dù tài năng kém Vũ Bằng xa. Đọc lại Vũ Bằng, một người viết đa năng, lại thấy những tác phẩm văn học của ông có sức sống lâu bền, vì nó đi thẳng vào tâm hồn Việt, không gian Việt, phong cách Việt ở mức sang trọng chứ không lèm nhèm.

Dù ăn một miếng ngon hay thưởng thức một chút ý vị mùa thu từ buổi sáng tình cờ nào đó, qua văn Vũ Bằng, người đọc cảm nhận được thấu suốt cái hồn cái vía của quê hương Việt Nam mình, nhất là quê hương miền Bắc, quê hương Hà Nội. Bây giờ, càng chán Hà Nội đương đại bao nhiêu thì càng nên đọc Vũ Bằng viết về Hà Nội xưa bấy nhiêu. Hay lắm. Mà hồn nhiên sâu sắc lắm. Tôi đọc 40 năm nói láo của ông mà cười mãi, đúng là Vũ Bằng rất hóm. Làm báo như ông là thuộc hạng siêu, rất hiếm có nhà báo nào được như vậy. Chả thế độc giả Hàn Quốc mê mệt Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng qua bản dịch ra tiếng Hàn của một nhà văn Hàn Quốc mà tôi có dịp tiếp xúc. Anh nhà văn người Hàn này vì mê văn Vũ Bằng mà quyết học tiếng Việt để dịch văn của nhà văn Việt Nam mà mình yêu mến trong khi đang mang mầm bệnh ung thư trong người. Điều này khiến tôi trân trọng văn Vũ Bằng hơn. Nhiều khi chúng ta có những của quý mà không biết, lại rẻ rúng nó, trong khi nâng niu những của trời ơi, những đồ giả, những tác phẩm ba rọi. Từ một khoảng cách nhớ thương nhiều khi đến tuyệt vọng, Vũ Bằng đã viết được Thương nhớ mười hai. Đó cũng là tác phẩm của số phận, không chỉ số phận cá nhân, mà số phận của đất nước. May mà Việt Nam thống nhất được, chứ nếu như Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc bây giờ, thì… còn biết bao tác phẩm đau đớn viết về sự cắt chia thảm khốc này. Chính sự đồng cảm về nỗi cắt chia đất nước đã khiến nhà văn Hàn Quốc yêu thấm thía tác phẩm Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Văn học kì lạ thế, nó mang những phận người rất xa nhau lại gần nhau, nó kết nối những nỗi đau tưởng không thể chia sẻ. Nó hàn gắn vết thương của người khác để làm dịu nỗi đau của chính mình.

 
Violin sheet violin sheet music 1680x1260


Những bất an, những “dao động sóng” trong tâm hồn một người sáng tác là chuyện hết sức bình thường. Vậy mà có một thời, người ta rất cảnh giác với những trạng thái như thế nơi văn nghệ sĩ. Nhưng tôi không hiểu, với một người luôn “thẳng băng” và “cứng ngắt” trong tâm hồn, chẳng có một chút xao xuyến nào cả, thì người ấy sẽ sáng tác như thế nào? Tôi chợt nhớ chữ “xao xuyến” mà một người bạn của tôi đã nhận xét về cách chơi guitar của một guitarist thiên tài là Andres Segovia. Bạn tôi nói: “Nhìn Segovia chơi guitar, cứ như ông đang vuốt ve những dây đàn, và những âm thanh từ cây đàn của ông luôn gây một “trường” xao xuyến”. Tôi công nhận, bạn tôi đã rất tinh tế khi nhận xét như vậy.

Không chỉ Segovia, nhiều nghệ sĩ kì tài đều bộc lộ sự xao xuyến khi sáng tác hay trình diễn. Anh nghe các concerto của Rachmaninoff mà không cảm thấy xao xuyến sao? Đó là sự xao xuyến tận bản thể, sự xao xuyến của số phận con người nói chung mà ai cũng có thể cảm nhận. Với nhà thơ, một chữ được dùng chính xác cũng mang một sức thu hút mạnh mẽ không giới hạn. Và thơ gây xao xuyến nhiều khi bằng nhạc điệu của nó, chứ không chỉ bằng những câu thơ có nghĩa.

Còn Mendelssohn với Violin Concerto E Minor Opus 64 thì sao? Nó là lời kêu gọi tha thiết tới cuộc sống mà không ai có thể bỏ qua được. Tha thiết tới mức không chịu nổi. Và tôi còn nghe ra trong đó năng lượng xúc cảm (emotions energy) cộng với năng lượng vượt khó (aversity energy). Đó là hai dạng năng lượng cần thiết nhất cho con người, nhất là con người thời hiện đại. Và tôi không hiểu vì sao âm nhạc lại có thể kì diệu đến thế khi nó nói lên những điều hoàn toàn siêu hình? Nghe những bản nhạc ấy, người ta có thấy nản lòng nếu còn lao vào những tham sân si tầm thường, những “thiên đường thuế” vớ vẩn, những khát khao chức quyền vô hạn, và những trống rỗng tới lạnh lẽo trong tâm hồn?

Nghệ thuật hướng thiện là như vậy. Nó không ép buộc, chỉ hướng tới, chỉ kêu gọi một cách “xao xuyến”. Đó là nghệ thuật của cây xanh.

Vì trong thế kỉ bạo tàn ta đã ca ngợi Tự do
Và kêu gọi từ tâm tới những kẻ
                                                 sa cơ.

                                                 Pushkin
Có quá nhiều “thế kỉ bạo tàn” trong lịch sử nhân loại. Nhưng cũng có không ít văn nghệ sĩ sáng tác như Puskin đã kêu gọi, dù họ biết tiếng nói của tác phẩm mình nhiều khi bị chìm lấp giữa những “âm thanh và cuồng nộ” khác, nhưng họ đã không nản lòng. Không hùa theo những tạp âm của xã hội, nhưng biết lọc tinh chất từ những tạp âm ấy, đó là nghệ thuật.

Mỗi thế kỉ, mỗi trường phái nghệ thuật đều có cách riêng để lọc tạp âm, thậm chí để thể hiện tạp âm một cách nghệ thuật, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ tâm hồn và đều phải vì cuộc sống nội tâm của con người.

Cuộc sống nội tâm đó là điều ngỡ như xa xỉ trong thời đại này. Nhưng nó buộc phải có, vì không có nó, cuộc sống nhân loại sẽ trở nên buồn thảm và khô cằn vô cùng. Nghệ thuật cổ điển hay hiện đại đều phải gặp nhau chỗ này, nếu nó muốn tồn tại. Giải trí là nhu cầu cần thiết, nhưng không phải là nhu cầu thiết yếu nhất của nghệ thuật.

Hồi xưa, khi tôi học đại học, thì nhu cầu giải trí chưa được đưa vào chức năng nghệ thuật. Sau này, khi xã hội yêu cầu, chức năng này được công nhận. Và bây giờ lại… quá đà, khiến người ta nghĩ nghệ thuật chỉ còn là giải trí. Sai lầm này có khi còn tệ hại hơn cả sai lầm coi giải trí không phải là chức năng của nghệ thuật.

Tôi xem và nghe trên mạng youtube buổi hòa tấu bản violin concerto số 3 của Mozart do nữ danh cầm Hilary Hahn cùng dàn nhạc Berlin biểu diễn, năm 2006. Ngồi trên ghế khán giả danh dự chính là… Đức Giáo Hoàng. Tôi đoán là Giáo Hoàng Benedict XVI - ngài chính thức lên ngôi vị cao nhất của Giáo hội Thiên chúa vào năm 2005. Ngài là người Đức, và dàn nhạc giao hưởng biểu diễn cùng Hilary Hahn là dàn nhạc giao hưởng Berlin.

Âm nhạc của Mozart đúng là “Thánh ca”, là âm nhạc tôn giáo theo đúng nghĩa tinh khiết nhất của từ này. Vậy Giáo Hoàng có nghe nhạc rap đương đại không? Tôi nghĩ có thể là có. Nhạc rap bụi bặm hơn, mạnh mẽ hơn, thậm chí trắng trợn hơn, nhưng đó vẫn là âm nhạc của một thời đại mới. Có điều, không ai so sánh nó với âm nhạc của Mozart cả.

Ngay ở Mĩ, là nơi khởi phát nhạc rap, thì chức năng phản biện xã hội của thể loại âm nhạc này vẫn vượt trội so với chức năng giải trí. Nhiều khi người ta nghe nhạc rap không để vui hay để thư giãn, mà để suy nghĩ, bộc lộ hay hành động. Kể cả phản kháng. Thế kỉ XX và thế kỉ XXI là hai thế kỉ không còn có sự hài hòa, điều đã tạo nên nhạc giao hưởng cổ điển ở thế kỉ XVIII và XIX. Tính giai điệu của thế giới đã bị xâm phạm, bị hủy hoại, và đó là một thực tế cho sự ra đời của âm nhạc đương đại.

Chính cuộc sống đã quyết định cho cấu trúc âm nhạc, cấu trúc thơ ca, và cả cấu trúc của... kiến trúc. Nhưng con người vẫn khao khát khôn nguôi về sự bình yên, sự hòa điệu, sự dịu dàng, vì thế, nhạc cổ điển ngay bây giờ vẫn được nghe với số lượng người nghe khá lớn trên thế giới. Nhưng với Việt Nam thì khác. Chúng ta không có nền tảng của nhạc cổ điển, chúng ta lại không có sự hài hòa. Chúng ta còn quá nghèo, và không thể đòi hỏi người nghèo ở Việt Nam suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm sống lại phải biết tới nhạc cổ điển, và thưởng thức được thế giới âm nhạc này. Đó thực ra là điều rất đau đớn cho đất nước và nhân dân mình. Ngày tôi còn nhỏ ở miền Bắc, không có ti-vi, chỉ có đài phát thanh, nhưng hàng tuần vào chiều chủ nhật đều có chương trình giới thiệu và bình giải nhạc cổ điển trên sóng phát thanh. Người miền Bắc hồi ấy vẫn nghe được nhạc cổ điển qua đài phát thanh, và ở thành phố thì có thể may mắn được nghe qua các máy quay đĩa (đĩa than). Những máy quay đĩa rất cũ kĩ và âm thanh “mono” cũng không thể “nổi” như máy bây giờ, nhưng rất nhiều người đã nghe được nhạc cổ điển từ đó. Nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là người đã nghe khá nhiều nhạc cổ điển ở ngôi nhà mình tại Hà Nội trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam. Tôi nghĩ, chính nhạc cổ điển đã giúp nhiều cho chị khi chị viết cuốn nhật kí sau này nổi tiếng thế giới. Còn tôi, nếu không có nhạc cổ điển trợ giúp, tôi đã không thể viết được 13 trường ca với cấu trúc hoàn toàn khác nhau như vậy.

Âm nhạc cổ điển trao cho ta một chìa khóa tư duy về cấu trúc. Sẽ dễ tiếp thu “cấu trúc cứng” của một bản giao hưởng hay sonata, nhưng để tiếp thu “cấu trúc mềm” của từng tác phẩm thì phức tạp hơn nhiều. Chính sự linh hoạt trong sáng tạo của từng nhạc sĩ làm nên sự đa dạng phong phú của “cấu trúc bên trong” mỗi tác phẩm nhạc cổ điển.

Tôi mới được đọc một câu chuyện do nhà văn Cao Duy Thảo kể về nghệ sĩ múa - liệt sĩ Phương Thảo. Khi chị Phương Thảo từ Hà Nội xung phong vào chiến trường khu Năm và hi sinh trên đất Quảng Nam, chết rồi mà chị còn đẹp đến nỗi những người nông dân ở Xuyên Thanh đến khâm liệm cho chị đã không nỡ rời tay. Họ bảo chị là con Tiên con Phật. Và một gia đình nông dân đã nhận mai táng chị Phương Thảo ngay trong khu vườn nhà mình, che giấu, bảo vệ ngôi mộ bình an suốt cuộc chiến tranh.

Cái đẹp là như vậy. Gần như nó không thể bị hủy hoại. Gần như nó bất tử. Và nó vẫn đẹp ngay khi bị lãng quên.

T.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)