Đôi nét về dòng văn học Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam

Thứ Bảy, 23/12/2017 00:21
. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY

Trước chiến tranh Việt Nam, nước Mĩ đã có một nền văn học chiến tranh với bề dày đáng kể, trong đó nổi tiếng nhất là Ernest Hemingway, người được hội đồng trao giải Nobel vinh danh năm 1954. Chiến tranh Việt Nam xảy ra, nước Mĩ lại có một dòng văn học chiến tranh với những dấu ấn riêng.

1. Trước hết xin bàn về thơ chiến tranh. Địa hạt trữ tình này là nơi người cầm bút dễ trải lòng hơn cả. Tuy nhiên, trong hàng trăm nhà thơ cựu chiến binh, chỉ có một vài người thật sự nổi bật. Năm 1994, nhà thơ cựu chiến binh Ysef Komunyyakka được trao giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm Tiếng bản xứ: thơ mới và thơ tuyển chọn (1993). Nhiều bài thơ trong tập này được chọn từ tập thơ trước kia của ông, tập Dien Cai Dau (1988), viết về chiến tranh Việt Nam đầy tính ẩn dụ. Một nhà thơ khác cũng được vinh danh là Marine W. D. Ehrhart. Trong tuyển thơ Một thế hệ hòa bình (1977), bài thơ của ông, Điều can hệ, đã khắc họa chi tiết cảm giác của những người trở về từ chiến trường, nhắc nhở nước Mĩ rằng Chúng tôi là con trai của người, và Khi người thức tỉnh, chúng tôi vẫn ở nơi đây.

Nhà thơ lão thành Walter McDonald từng được điều động sang Việt Nam tham chiến khi đang là một chuyên viên giảng dạy tại Học viện Hàng không. Là một biên tập viên và một nhà văn, McDonald nổi tiếng với tập thơ Sau những huyên náo Sài Gòn (1988), trong đó chủ đề chiến tranh được đan xen hài hòa với những bài thơ gợi hứng từ việc bay lượn trên bầu trời cùng những khung cảnh của miền Tây Texas. Một giáo sư đại học khác là Bruce Weigl cũng từng phục vụ trong quân đội ở Việt Nam từ 1967 đến 1968. Hai năm ngắn ngủi ấy trong cuộc đời ông đã khơi mạch cho nhiều tập thơ, trong đó có Bài ca Napalm (1988). Tên của bài thơ là lời thú nhận đầy ám ảnh rằng ông không thể nào quên được chiến tranh. John Balaban, một đồng nghiệp của Weigl, đã có ba năm ở Việt Nam, trong đó hai năm đầu tiên với tư cách là người hoạt động phản chiến. Ông xuất bản tiểu thuyết và một số bản dịch thơ ca Việt Nam. Ông có tập thơ Sau cuộc chiến của chúng mình (1974) được đề cử giải thưởng sách quốc gia, và tập Núi lam (1982) gồm những bài thơ hay Người gác cầu Bình Thủy hay 30 tháng Tư năm 1975.

Ngoài ra có thể kể đến một số nhà thơ khác và những tác phẩm chính của họ như Michael Casey với Tục tĩu (1972), David Huddle với Ghé qua nhà (1988), Kevin Bowen với Chơi bóng rổ với Việt cộng (1994), D. F. Brown với Bắn trả (1984), Gerald McCarthy với Câu chuyện chiến tranh (1977), Bill Shields với Nam: tuyển thơ (1987), Steve Mason với Chiến sĩ vì hòa bình (1988) do đạo diễn Oliver Stone viết lời giới thiệu, Bryan Alec Floyd với Cuộc chiến trường kì đã chết (1976), Perry Oldham với Vĩnh Long (1976) và D. C. Berry với Nghĩa trang Sài Gòn (1972).

Những bài thơ lẻ của hầu hết những nhà thơ nói trên và các nhà thơ khác có thể tìm thấy trong những tuyển tập như: Chiến thắng trái tim và khối óc do Larry Rottman, Jan Barry và Basil T. Paquet biên tập (1972), Hãy lắng nghe: chiến tranh do Fred Kiley và Tony Dater biên tập (1973), Vùng phi quân sự do Jan Barry và W. D. Ehrhart biên tập (1976), Mang theo bóng tối do W. D. Ehrhart biên tập (1985, 1989), Huyệt cạn, Hai người phụ nữ và Việt Nam do Wendy Wilder Larsen và Tran Thi Nga biên tập (1986), Lòng nhân ái bất thường do W. D. Ehrhart biên tập và John Clark Pratt giới thiệu, lập thư mục (1989).

Trong Bách khoa toàn thư về chiến tranh Việt Nam: lịch sử chính trị, xã hội và quân sự do Spencer C. Tucker chủ biên, đồng tác giả John Clark Pratt đã phân chia thơ ca Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam thành ba loại: thơ chính trị phản chiến, thường gắn với những nhà thơ đã thành danh và chưa từng đến Việt Nam; tiểu thuyết văn vần, trong đó những bài thơ nhỏ được sắp xếp theo trình tự thời gian để miêu tả những trải nghiệm chiến tranh của một người; phần còn lại là hàng trăm bài thơ ngắn, rời rạc diễn tả cảm xúc cá nhân, phác họa sơ lược những chân dung, tính cách và sự kiện.

Dòng thơ chính trị phản chiến có những đại diện tiêu biểu như tập Đọc thơ chống chiến tranh Việt Nam (1966) do Robert Bly và David Ray biên tập. Một năm sau đó, Walter Lowenfels cho ra đời tuyển thơ Việt Nam nơi đâu? gồm sáng tác của 87 nhà thơ, trong đó có James Dickey, Lawrence Ferlinghetti, và Denise Levertov. Tiếp đó, hai tập thơ là Thoát khỏi bóng tối chiến tranh và Thơ phản chiến lần lượt được xuất bản vào các năm 1968, 1972. Ngoài vài bài thơ lấy bối cảnh ở Đông Nam Á, số còn lại tái hiện thái độ của tác giả đối với sự can thiệp của Mĩ vào Việt Nam thông qua việc đề cập đến bối cảnh chính trị cùng những gì họ thấy trên truyền hình hoặc đọc được trên báo chí. Những tuyển tập thơ này và nhiều bài thơ nhỏ lẻ khác ra đời nhằm ủng hộ cho những phong trào đấu tranh phản chiến.

 
mua thu bac my 1

Đối với thể loại tiểu thuyết văn vần, có ba tác phẩm nổi bật: Đơn giản chỉ là Việt Nam (1967) của Dick Shea, Audie Murphy chết ở Việt Nam ra sao? (1972) của McAvoy Layne, và Những cuộc thẩm tra (1990) của Leroy Quintana. Với lối viết tản mạn đầy chất mỉa mai, Shea miêu tả một trung úy hải quân chuẩn bị bước vào chiến tranh cùng những hình ảnh và sự kiện khác ở Việt Nam năm 1965. Bằng những vần thơ ngắn và trúc trắc, tác phẩm miêu tả một cuộc tuyển quân của hải quân với những hoạt động huấn luyện chuẩn bị cho chiến trường, làm nổi bật lên một hoàn cảnh tưởng tượng: Audie bị quân Việt cộng bắt, và được cho phép điện thoại đường dài từ Hà Nội đến tổng thống Mĩ, nhưng anh chỉ ngâm nga giai điệu Khung cảnh vùng quê Marlboro. Quintana, cựu chiến binh gốc Tây Ban Nha duy nhất từng xuất bản một tập thơ lớn, đã tái hiện những gì mà một người lính trẻ phải trải qua từ lúc huấn luyện, rồi bị ném ra chiến trường, rồi trở thành cựu chiến binh, khi mà anh ta đi giữa phố đông hay nhà hàng nhộn nhịp mà vẫn ngỡ như mình đi giữa rừng già trong lớp ngụy trang trong Những cuộc thẩm tra. Tất cả những tác phẩm kể trên đều miêu tả những thay đổi của người lính từ sự chấp nhận ngây thơ đến những ảo ảnh từng trải về sự can thiệp của Mĩ vào Việt Nam.

Chuyển hóa từ ngây thơ sang từng trải có lẽ là chủ đề phổ quát nhất trong tác phẩm của những nhà thơ Mĩ từng ở Việt Nam, dù là trong quân đội hay với tư cách những người phản chiến. Đa phần quân nhân Mĩ rời bỏ trường học để đi vào cuộc chiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người sinh trưởng ở những miền quê yên ả của nước Mĩ, bị ném vào chiến tranh và vỡ mộng trước những gì mình chứng kiến. Niềm ngây thơ đã vỡ vụn, trải nghiệm đau thương ngày một chất chồng. Họ đã tin họ chiến đấu để bảo vệ nước Mĩ, bảo vệ thế giới tự do, giúp dân chúng Việt Nam chống lại cộng sản. Đến Việt Nam họ ngộ ra một thực tế mà W. D. Ehrhart tả trong bài thơ Chiến tranh du kích: Hầu như không thể nào/ phân biệt thường dân/ với Việt cộng/ Không ai mặc quân phục/ Tất cả bọn họ nói/ cùng một ngôn ngữ/ (mà nếu họ không chung tiếng nói/ Mày cũng chẳng hiểu gì sất)/ Họ nhét lựu đạn/ bên trong áo quần/ mang theo chất nổ/ trong giỏ đi chợ/ Đến cả đàn bà cũng đánh/ cả những thằng oắt con/ cả những bé gái/ Thực tế là không thể/ phân biệt thường dân/ với Việt cộng/ thành ra sau một hồi/ mày khỏi mất công phân biệt. (Lý Lan dịch)

Chỉ mất vài năm nhưng chiến trường đã mang đến cho những chàng thanh niên ấy những nỗi kinh hoàng đủ cho cả một đời. Rời cuộc chiến, họ quay trở lại tiếp tục học những khóa viết văn hoặc giảng dạy ở các trường đại học. Trước ngày Sài Gòn thất thủ, nhiều nhà thơ cựu quân nhân đã gia nhập các tổ chức phản chiến, sử dụng thơ ca của mình không chỉ để phản đối chiến tranh nói chung, mà cụ thể là phản đối chiến tranh Việt Nam.

Điều làm nên đặc trưng của từng bài thơ chính là tính cụ thể của nó. Tái hiện chi tiết sự vụn vỡ hơn cả những nhà thơ thời thế chiến thứ nhất như Rupert Brooke, Siegfried Sassoon, hay Wildred Owen, những nhà thơ từng tham chiến ở Việt Nam viết về những kinh nghiệm chiến trường còn hết sức tươi mới của họ: những vụ hỏa trận, cái chết của đồng đội, mùi thăm thẳm của rừng già, những cuộc tấn công tên lửa, những vụ chấn thương, cảnh phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị thảm sát, những xác chết trong túi nhựa, cưỡng hiếp, khoảnh khắc xuất hiện và rời khỏi Việt Nam, những cảnh tượng trên đường phố, vẻ đẹp của làng quê, kí ức chiến tranh giữa những năm tháng hòa bình, nhiệm vụ rải bom, những lá thư quê nhà... Hầu hết ngôn ngữ trong những bài thơ nói trên đều trung thực đến mức thẳng trụi, thô nhám, đầy rẫy những tiếng lóng của giới quân nhân.

Chủ đề của những bài thơ này vừa phổ quát, lại vừa có tính hiện đại cá biệt. Nhiều bài lột tả sự khủng khiếp của chiến tranh, cái chết của những thường dân vô tội, kết thúc bi thảm của những cuộc đời son trẻ, và sự phá hủy những chuẩn mực đạo đức. Nhiều bài thơ cho thấy cảm giác của tất cả quân nhân khi cuộc chiến dài hơi nhất của nước Mĩ ngày càng trở nên bất khả chiến thắng: cảm giác mất mát, tội lỗi, bế tắc và cô độc đến độ không thể sẻ chia, sự vỡ lẽ bị nhà cầm quyền phản bội, và trên hết là những cuồng nộ pha lẫn đắng cay như những gì nhà văn Larry Heinemann đã tả: “...không phải một con ốc trong cỗ máy, mà đơn giản chỉ là một lát thịt trên bàn ăn”. Rất nhiều bài thơ mang nội dung xung đột sắc tộc, viết về những cuộc xung đột giữa quân nhân da trắng và da đen, da đen và da vàng trong quân đội Mĩ.

Tình cờ trùng với thời điểm bức tường tưởng niệm được dựng lên ở quảng trường Thời Đại tại Thủ đô Washington, một cuộc họp mặt của những nhà văn từng tham chiến ở Việt Nam đã được tổ chức ở New York vào ngày 23/3/1984. Trong buổi gặp gỡ, W. D. Ehrhart đã chỉ ra một điểm chung trong hầu hết những bài thơ chiến tranh Việt Nam đã xuất bản, đó là mặc dù những nhà thơ cựu chiến binh viết về nhiều đề tài, nhưng chính chiến tranh đã ngấm vào trong con người họ, khơi nguồn cho những bài thơ hay nhất trong gia tài thơ ca của họ. Ehrhart giải thích rằng, đó là bởi những trải nghiệm chiến trường là “trải nghiệm quan trọng nhất trong cuộc đời một con người”.

2. Văn xuôi về chiến tranh Việt Nam ở Mĩ nhìn chung dày dặn hơn thơ ca. Có một điều thú vị là dòng văn học Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam lại được khởi xướng bởi một nhà văn người Anh: Graham Green với tiểu thuyết Người Mĩ trầm lặng (1955). Sau đó, hàng ngàn tác phẩm văn xuôi ở tất cả các thể loại đã ra đời, viết về sự can thiệp của Mĩ ở Việt Nam và những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong các tác phẩm văn xuôi chiến tranh lại là những tác phẩm phi hư cấu (non-fiction). Tiểu thuyết, thể loại trung tâm của văn học theo quan điểm hiện đại, lại chiếm một số lượng không nhiều. Theo Donald Ringnalda trong bài viết Fighting and Writing: America’s Vietnam War Literature có khoảng 200 tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam của các nhà văn cựu chiến binh Mĩ từng ra mắt công chúng. Công trình thư mục của John Newman, Vietnam War Literature: Annotated Bibliography, thống kê được 666 tiểu thuyết tiếng Anh về chiến tranh Việt Nam từng được xuất bản. Như vậy, tác phẩm của các nhà văn cựu chiến binh Mĩ đã chiếm khoảng một phần ba trong tổng số những tiểu thuyết nguyên bản bằng tiếng Anh về chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới, đủ để thấy người trong cuộc vẫn có nhu cầu chia sẻ rất cao, và người đọc vẫn chờ đợi được đọc thấy phần sự thật quá khứ trong những trang viết của họ. Những tác giả tiểu thuyết nổi danh của dòng văn học này như Tim O’Brien, Larry Heinemann, Karl Marlantes… đã lấy chính chất liệu cuộc đời của mình viết nên tiểu thuyết. Tính chất tự truyện trong những tiểu thuyết loại này rất cao. Người đọc Mĩ bị hút vào những chiến dịch, những đơn vị, những địa danh xa lạ, nhưng lại cực kỳ chi tiết như thể họ đang đọc những tài liệu trong lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh. Yếu tố hư cấu và phi hư cấu hòa quyện vào nhau, cùng với những thủ pháp tiểu thuyết hiện đại khiến người đọc có cảm giác như được đưa đến tận cùng sự thật ở Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn vượt lên khỏi những vụn vặt, những mảnh bom của cuộc chiến để thấy được giá trị mang tầm phổ quát của nó.

Những tác giả và tiểu thuyết đáng chú ý có thể kể đến Khoảng thời gian (1966) của Smith Hempstone, Dư âm chiến tranh (1977) của Phillip Caputo, Biệt phái (1977) của Michael Herr, Cánh đồng lửa (1978) của James Webb, Thiên thần sa ngã (1983) của Walter Dean Myers, Không sám hối (1993) của Tom Clany, Trầm tư giữa rừng (1996) của Stephen Wright, Cột khói (2007) của Denis Johnson, Người đến từ Sài Gòn (2008) của Marti Leimbach… Trong đó có ba tác giả đáng chú ý là Tim O’Brien, Larry Heinemann và Karl Marlantes với các tác phẩm quan trọng, có tiếng vang lớn.

3. Bên cạnh tác phẩm của những nhà văn cựu chiến binh Mĩ, độc giả Mĩ còn có cơ hội biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn khác: góc nhìn của những nhà văn người Việt lưu vong sáng tác bằng tiếng Anh. Tuy không nhiều nhưng số lượng những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh của người Việt lưu vong cũng góp thêm một thanh sắc khác cho thị trường văn học này. Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã ra mắt tiểu thuyết Ý trời (1982) kể về hành trình lưu vong của một gia đình Nam Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Tự truyện Khi đất trời đảo lộn (1989) của nhà văn nữ gốc Quảng Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) kể về cuộc đời bà qua hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Thời báo New York bình chọn là sách bán chạy nhất trong năm và được dịch ra 17 thứ tiếng. Đạo diễn hai lần đoạt giải Oscar Oliver Stones đã chuyển thể tác phẩm này thành phim Trời và đất gây được tiếng vang rộng khắp. Phùng Thị Lệ Lý còn một tiểu thuyết khác là Đứa trẻ thời chiến, phụ nữ thời bình (1993) cũng gây được sự chú ý. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho xuất bản tập thơ tiếng Anh Tiếng khóc Việt Nam (1968) gồm 15 bài thơ về sự tàn phá của chiến tranh và những nỗi kinh hoàng mà các bên tham chiến đã gây ra và chịu đựng. Nhà thơ Ngô Thế Vinh cho ra đời tập thơ song ngữ Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng (2001). Ngoài ra còn một số tác phẩm khác như hai tiểu thuyết Không khách sang sông (1965), Thanh long, bạch hổ (1983) của Trần Văn Dĩnh, tiểu thuyết Bên ni bên tê (1980) của Minh Đức Hoài Trinh, hồi kí Miền cát bụi: câu chuyện Odyssey của một gia đình Việt (1994) của Nguyễn Quý Đức…

Có thể thấy, chiến tranh Việt Nam đã để lại trong lòng nước Mĩ một vết thương nhức nhối ngay từ khi cuộc chiến đang diễn ra và cho đến tận bây giờ. Phản ánh chân thực nỗi đau tinh thần ấy, văn học Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và ngày  càng được nhiều người đón nhận, không chỉ từ hai bên chiến tuyến mà còn trên phạm vi toàn thế giới.
 
N.T.P.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)