. NGUYỄN CHÍ HOAN
Thế giới tưởng tượng của Ishiguro có ưu điểm và giá trị lớn là đồng thời vừa có tính cá biệt cao vừa có cảm giác quen thuộc sâu xa - một thế giới bần thần, cô độc, thao thức, đe dọa và băn khoăn.
(Andrew Motion, nhà thơ công huân Anh quốc)
Từng được nhiều giải thưởng văn chương danh giá, trong đó có giải Man Booker, tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro đã bước lên đỉnh cao danh vọng với giải Nobel Văn học năm 2017 này. Ông sinh năm 1954 ở Nagasaki, năm tuổi theo cha mẹ chuyển đến Anh quốc. Cha Ishiguro là một nhà hải dương học, còn mẹ ông là một trong những cư dân Nagasaki đã sống sót qua thảm họa bom hạt nhân Mĩ ném xuống thành phố này năm 1945. Ishiguro theo học viết văn tại Đại học Eats Anglia, ban đầu ông hoạt động trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, rồi chuyển sang viết văn, xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1982 và kể từ đó chuyên tâm theo con đường viết văn chuyên nghiệp.
|
Nhà văn Kazuo Ishiguro |
Robert McCrum, một biên tập viên chuyên tìm kiếm tài năng mới ở nhà xuất bản Faber&Faber nhớ lại ấn tượng kì lạ ám ảnh về gương mặt trẻ Ishiguro mà ông gặp lúc đó, một cây bút mới, có phẩm chất văn chương độc đáo hòa trộn một cách khác thường chất cổ điển Anh với những câu văn toát ra chất Nhật Bản căng thẳng. Nhưng người ta không thể nhầm lẫn về giọng nói mới mẻ này. Tiểu thuyết đầu tay của Ishiguro, cuốn A Pale View of Hills (tạm dịch: Những mỏm đồi nhợt nhạt) lập tức được đánh giá cao và các nhà phê bình bắt đầu xếp tác giả này vào lớp, khi ấy còn chưa mấy ai quan tâm, những nhà tiểu thuyết Anh đến từ xứ lạ - sau này gồm những tác giả như Salman Rushdie và Timothy Mo.
Ishiguro luôn luôn tề chỉnh và lịch thiệp, và theo McCrum, nhà văn trẻ này như thể một nghệ sĩ không mang cái tôi, dẫu hướng nội sâu sắc hiến mình cho những niềm tin và quan niệm riêng có của bản thân. Đặc tính thường trực ở con người và sự nghiệp văn chương của Ishguro là tính nhân văn, cái nhìn hài hước và thể hiện một cách tự nhiên những giá trị của văn minh.
Năm 1983, Ishiguro được trao tặng danh hiệu Nhà tiểu thuyết Anh quốc trẻ xuất sắc nhất, điều hẳn đã khiến ông nỗ lực để trở thành một công dân Anh sau đó. Tuy nhiên ngày nay ở Nhật Bản công chúng vẫn coi ông là một nhà văn Nhật.
Tiểu thuyết thứ hai của Ishiguro ra mắt năm 1986, cuốn An artist of the Floating World (tạm dịch: Một nghệ sĩ của thế giới xoay vần) đã bảo đảm vững vàng cho tên tuổi của ông. Tác phẩm này, trên bối cảnh thời hậu chiến ở Nhật Bản, kể câu chuyện cuộc đời cay đắng của một họa sĩ thường xuyên phải đương đầu với nỗi hổ thẹn giấu kín về bí mật quá khứ tội lỗi của ông ta. Ishguro được trao giải thưởng Whitebread với tiểu thuyết này.
Năm 1989, Ishiguro tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết The Remains of the Day (tạm dịch: Những tàn dư của một thời) là tác phẩm đem lại cho ông giải thưởng Man Booker lừng lẫy ngay năm đó. Khi trao giải Nobel cho Ishiguro, Ủy ban Nobel đánh giá rất cao tác phẩm này, nhận xét rằng nó đan bện tuyệt vời các chủ đề “kí ức, thời gian và sự tự lừa dối”.
Nhưng theo nhà biên tập McCrum và một số nhà phê bình danh tiếng trong văn học Anh ngữ, tiểu thuyết The Unconsoled (tạm dịch: Bứt rứt) xuất bản năm 1995 mới là kiệt tác của Ishiguro. Tác phẩm này được trao giải Cheltenham Prize 1995, là giải thưởng của Liên hoan Văn học cùng tên, dành tặng cho tác phẩm văn học nào vừa xuất bản mà bị đánh giá thấp hơn mức nó xứng đáng được nhận.
The Unconsoled kể chuyện một nghệ sĩ piano nổi tiếng đến một thành phố ở vùng Trung Âu để biểu diễn. Ở đó, anh ta mắc vào lùng nhùng nhiều mối liên can và nhiều lời hứa hẹn, đến mức anh ta dường như không sao nhớ ra được cái gì với cái gì; và loay hoay tuyệt vọng cố hoàn thành những cam kết này nọ cho kịp trước đêm trình tấu; hầu như kiệt sức, anh ta để mọi thứ tuột khỏi tay… Cuốn tiểu thuyết có sức thôi miên độc giả, được mô tả như “năm trăm trang ngổn ngang, không thể giải mã”. Nhà phê bình Jame Wood bình luận rằng tác phẩm này “đã phát kiến một phạm trù mới mẻ riêng có về sự tồi tệ”.
Một tiểu thuyết lớn của Ishiguro đã được xuất bản ở Việt Nam hầu như ngay sau khi ra đời và nổi tiếng là cuốn Mãi đừng xa tôi (nguyên tác: Never let me go, năm 2005). Tác phẩm này chút nữa thì đem lại cho tác giả của nó giải Man Booker lần thứ hai. Đây thường được xem là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, xoay quanh mối quan hệ của ba người bạn Kathy H., Ruth và Tommy. Never let me go là một câu trong bài hát Songs After Dark của ca sĩ (giả tưởng) Judy Bridgewater, bài hát yêu thích của Kathy H., nhân vật chính và là người kể chuyện của tác phẩm. Kathy hiểu lời ca “never let me go” như lời một bà mẹ ru con. Cô bé Kathy vừa nghe hát vừa ôm một chiếc gối, hình dung đó là đứa trẻ của riêng mình. Tiểu thuyết được chia làm ba phần. Phần đầu tiên kể thời kì Kathy, Ruth và Tommy học tại trường nội trú Hailsham. Đây là một trường nội trú đặc biệt: những đứa trẻ trong trường này là những “bản sao” từ sinh sản vô tính nhằm để trở thành những người hiến tạng khỏe mạnh. Họ sẽ đạt đến “sự hoàn thành”, nghĩa là chết, ở khoảng 20 – 30 tuổi, sau khi ba đến bốn cơ quan trong người họ lần lượt bị đem hiến. Một số người được giữ lại làm công việc chăm sóc người hiến tạng một vài năm trước khi chính mình trở thành người hiến tạng. Kathy là một người như thế và cô đã ở bên Tommy và Ruth cho đến khi các bạn mình “hoàn thành”. Bài học quan trọng mà các giám thị đưa vào tiềm thức của học sinh trường Halisham là: “Chúng ta phải thật khoẻ mạnh! Chúng ta phải giữ gìn thể tạng của mình cẩn thận hơn những người khác rất nhiều”.
Phần thứ hai kể cuộc sống của ba người bạn tại điền trang Cottages, nơi họ bắt đầu có khái niệm về nhiệm vụ duy nhất trong cuộc đời của mình: hiến nội tạng hoặc trở thành người chăm sóc cho các bệnh nhân hiến nội tạng. Trong một dịp ngẫu nhiên được ở riêng với các học sinh, giám thị Lucy đã cho các em biết mục đích thật sự của trường Halisham, bởi cô nghe các em trò chuyện và không thể nén lòng khi thấy bọn trẻ không hiểu được rằng chúng là những sản phẩm “cloning” – nhân bản vô tính. Điều đáng kinh hãi là bọn trẻ có tò mò nhưng căn bản chấp nhận cái số phận đã dành sẵn cho chúng. Phần thứ ba là những diễn biến sau khi ba người bạn rời khỏi Cottages, trở nên không còn là bạn bè thân thiết, và suy nghĩ khám phá về vị trí thực sự của họ, những học sinh Hailsham, trong xã hội loài người. Kathy thành “người chăm sóc” cho Tommy. Để rồi khi tiểu thuyết kết thúc, tương lai hiến tạng là kết cục duy nhất đang chờ đợi nhân vật Kathy.
Các nhà phê bình đưa ra nhiều tranh luận về thể loại của tác phẩm này. Trên tờ New Yorker, Louis Menand gọi đây là cuốn tiểu thuyết cận - giả tưởng, bởi vấn đề về công nghệ sinh học gene không phải điều mà tiểu thuyết này nhắm tới. Trên tạp chí nổi tiếng The Atlantic, Joseph O’Neill viết: “Thế giới tưởng tượng nơi những cuộc đời trẻ em bị bóp méo của Ishiguro mang một suy tư sâu sắc, và quá trình bọn trẻ ấy ngập ngừng tiến tới nhận biết cái cảnh ngộ của chúng là một phiên bản cực đoan và nghẹt thở của cuộc xuất hành (ý so sánh với cuộc xuất hành về Đất Hứa của dân Do Thái được kể trong kinh Cựu Ước) của tất cả trẻ em từ chốn ngây thơ nơi mà thế giới người lớn nhân từ những tráo trở mưu đặt chúng vào”. Tờ The Telegraph thấy tiểu thuyết này hé lộ một ngụ ngôn về cái chết - “cái sự thật ghê rợn của tương lai” mà chúng ta được dạy bảo nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu được.
Hầu như mỗi câu chuyện trong các tiểu thuyết của Ishguro đều dẫn đến một kết thúc hẫng hụt, ngay cả khi chúng có thể là cái kết trọn vẹn khá cổ điển. Đó là sự mở ra của những câu hỏi tiềm ẩn từ toàn bộ cuốn tiểu thuyết, sự mở ra những hẫng hụt làm phát lộ cái khoảng trống. Dẫu vậy, ở đây hoàn toàn không phải những thứ theo kiểu “vấn đề” hay “rút ra” một “thông điệp” một “giải mã” gì đấy.
Nghệ thuật của văn chương Kazuo Ishiguro tựa như nghệ thuật của âm nhạc. Không lời. Nó chỉ mỉm cười kiểu La Gioconda. Lời khen tặng của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho các tiểu thuyết của Ishiguro, xem đó là những cuốn sách đã “phát lộ cái vực sâu bên dưới những ảo tưởng của chúng ta về mối gắn kết với thế giới này”. Điều đó được trình hiện rất độc đáo ngoạn mục trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của Ishiguro được xuất bản ở Việt Nam đầu năm nay, cuốn Người khổng lồ say ngủ (nguyên tác The Buried Giant, năm 2015). Trong đó, câu chuyện đưa ta về thời cổ đại ở nước Anh, với những cảnh sắc hết sức sinh động, kì lạ và bí ẩn, với những con người vừa xa lạ vừa gần gũi, mà những cuộc đời và hành trạng của bọn họ khiến ta phải suy nghĩ lại về lịch sử của chính mình. Và, nói như Alice O’Keeffe trên tờ The Gardian, nó khiến ta chợt nhận thấy cái suy tư về tầm quan trọng của lịch sử đối với một thực trạng hoang mang và xung đột.
Các đồng nghiệp danh tiếng của Ishiguro nhận thấy ở tiểu thuyết của ông những câu hỏi rất sâu xa trên chủ đề bản sắc. Nhà văn Mĩ Joyce Carol Oates nói rằng Ishiguro “thám hiểm những câu hỏi về bản sắc tương ứng một cách cụ thể với cái thời đại rạn vỡ của chúng ta. Cái bản ngã của ta nằm ở đâu? Liệu có hay chăng một “bản ngã”?” Nữ tiểu thuyết gia người Canada Madeleine Thien thấy ở các cặp nhân vật trong những tiểu thuyết của Ishiguro dường như một sự nhân đôi của những “sự nhận lầm bản sắc”. Và qua đó là cái hiện thực mà “Chúng ta gần như không tự biết được chính mình. Thời gian và tính vị kỉ trộn lẫn cùng với những sự thật nửa vời và cái nhìn thiên lệch”. Câu hỏi về bản sắc, với nhiều biến thể đến như thế, thực ra sẽ như một biến thể của câu hỏi về hiện hữu và tồn tại người – tức là về các ý nghĩa có thể có của tồn tại ấy. Đấy là điều mà nhà phê bình người Mĩ James Wood nói đến trong bình luận trên The NewYorker về tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi, mà ông ta nhìn nhận là “một trong những cuốn tiểu thuyết ở trung tâm của thời đại chúng ta”.
Giọng điệu kể lành lạnh là một thành công của tác phẩm này - James Wood nhận định - và cùng với đó là sự nghiêm nhặt trong phong cách tác phẩm, đi ngược lại tính phóng túng về tưởng tượng của câu chuyện những đứa trẻ bị nhân bản để nuôi nhằm thu hoạch nội tạng, và các yếu tố hình thức văn chương đó có tác dụng hóa giải cái hào quang khoa học của câu chuyện về công nghệ di truyền trong tiểu thuyết này. Đó là một lời phê phán đối với sự thắng thế của các công nghệ chữa bệnh, trong chừng mực nhất định. Nhưng trên hết, James Wood bảo, đó là một phúng dụ đầy tính gợi ý về việc chúng ta đang sống ra sao. Xét theo góc nhìn đó, chúng ta đúng hơn là giống chứ không phải khác với những đứa trẻ nhân bản của trường Halisham, những đứa trẻ phải chịu một kết cục gây sốc: “Chúng cũng cãi cọ và đánh nhau, mơ mộng và sáng tạo, yêu đương và làm tình, như thanh niên ở mọi ngôi trường trên thế gian. Nhưng bởi chúng ta biết chúng sẽ sớm phải chết, thế nên đối với chúng ta, cuộc sống của chúng dường giống như một trò nhại bạo tàn cái cuộc sống bình thường, lành mạnh, tự do”.
Chúng ta được hứa hẹn sẽ sống đến tám mươi tuổi hay hơn nữa, nhà phê bình nêu câu hỏi, chứ không chỉ hai mươi tuổi rồi “hoàn thành”, vậy thì vì cái tầm quan trọng siêu hình nào mà chúng ta được nghiễm nhiên chối từ sự tồn tại bị rút gọn như những đứa trẻ nhân bản vô tính kia? Thực tế là cuộc sống của chúng ta, đến một ngày kia, cũng sẽ “hoàn tất.” Dường như những đứa trẻ - tiểu thuyết chỉ là bị chịu một án tử hình đến sớm; và chúng ta, thì với cái án ấy đến muộn hơn, kéo dài thời gian hơn mà thôi.
James Wood dùng một lập luận đầy cảm xúc như thế để khám phá một tầng ý nghĩa của tiểu thuyết này. Thật thích hợp, bởi vì văn chương của Kazuo Ishiguro đầy chất xúc cảm. Nhưng đấy là cái cảm xúc dẫn vào suy tư và là một suy tư rung động, làm mới lại những câu hỏi lớn từ lâu đời thông qua việc sáng tạo những trải nghiệm cá nhân cho người đọc, mà chỉ văn chương mới có thể.
N.C.H