Phê bình văn học “cũng lắm công phu”...

Thứ Tư, 13/12/2017 00:44
.HỒNG DIỆU
 
1. Nếu chỉ với một “nghề chơi” thôi, mà cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều: Nghề chơi cũng lắm công phu thì dễ ngẫm ra rằng nghề nào cũng cần “lắm công phu” cả, huống chi là chuyện phê bình văn học của nghề văn. Đã phê bình văn học, nhất thiết phải bỏ “lắm công phu” vào đấy.

Vấn đề là, có một số cây bút không chuyên về phê bình trong làng văn của ta, kể cả những vị được coi như “cây đa cây đề”, đôi khi vì những lý do khác nhau, đã quên mất điều này, nghĩa là họ chả cần công phu, hay để rất ít công phu vào chuyện phê bình của mình mà vẫn cứ tưởng rằng mình đúng, mình hay! Vì vậy, mới... có chuyện!

2. Ta biết, niêm luật của thơ lục bát thể hiện sự phối thanh của thể thơ này, đã được giới nghiên cứu xác nhận bằng công thức dưới đây:
Câu lục: O B O T O B
Câu bát: O B O T O B O B

Trong đó B là thanh bằng, T là thanh trắc, O có thể thanh bằng, có thể thanh trắc. Xét theo chiều ngang (của từng câu) thì bằng hay trắc thể hiện luật thơ. Xét theo chiều dọc, thì các tiếng ở vị trí 2, 4, 6 của câu lục phải lần lượt “niêm” (dính) với các tiếng ở vị trí 2, 4, 6 của câu bát (bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc).

Các câu lục bát không giữ niêm và luật đã nói thì gọi là lục bát biến thể, hay câu thơ thất niêm, phá niêm.

Đọc hai câu thơ này của Xuân Diệu, có thể thấy cụ thể một phần công thức trên:
“Tôi cầm mùi dạ lan hương
Trong tay, đi đến người thương cách trùng”
(Tuy nhiên, muốn thấy hết công thức ấy, còn phải so hai câu này với các câu lục bát khác nữa).

Kể ra, chuyện niêm luật của thơ lục bát còn những chỗ tỉ mẩn, lôi thôi, rắc rối. Nhưng hãy dừng lại ở đây, vì vấn đề mà ta sẽ bàn không nằm ngoài mấy điều vừa nói.

Tôi đọc thấy mấy lần nhà thơ Xuân Diệu nói về niêm luật trong thơ lục bát (khi phê phán thơ của mấy nhà thơ trẻ) mà lúc thì bất nhất, khi thì không chính xác. Trong quyển Các nhà thơ cổ điển Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Văn học, 1981, Xuân Diệu viết về câu “Trên án sẵn có con dao” - “Đó là câu phá niêm duy nhất trong Truyện Kiều”.

Đến quyển Công việc làm thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1984, nhà thơ lại quên điều mình đã viết ấy mà lại viết:
“Trong hơn ba ngàn câu thơ Kiều, Nguyễn Du không lần nào dùng điệu lục bát biến thể”!
Không! Truyện Kiều đã có những lần “dùng điệu lúc bát biến thể” và cũng không chỉ có câu “phá niêm duy nhất” như nhà thơ Xuân Diệu nói. Tôi còn thấy ít nhất là ba câu nữa:
- “Sao chẳng biết ý tứ gì?”
- “Đau đớn thay phận đàn bà!”
- “Tưởng bây giờ là bao giờ”
(Xin đối chiếu với công thức đã dẫn).

Thiết tưởng, chỉ cần dụng công một chút thôi, chắc chắn nhà thơ đã không truyền đi cái sai về niêm luật ở trên, mà nhìn ra, đâu có khó!

3. Ít người biết rằng nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) còn làm thơ. Có điều, thơ ông chỉ làm để tặng bạn bè. Nó cũng mang đặc điểm phong cách ở văn xuôi của ông: hóm hỉnh, dí dỏm, và... hay. Đại loại như những câu này, trong bài Năm Dần mừng Tú Mỡ, viết ngày 15-2-1974:
Năm nọ, anh đi ra nước ngoài,
Về nhà, anh đi ngoài ra nước.
Chẳng hay xúp xiệc xơi thế nào,
Anh phải chữa mãi mới khỏi được.
 
... Thế rồi Quảng Bá lại Quảng Bá
Thì thọt vào, ra, vào, ra, vào
Tôi đi nghỉ rét lo cho anh.
Chẳng biết ra vào vì thế nào.
 
Thế nào? Thể lực thoái hay tiến?
Không khéo Bành Tổ phát đơn kiện
Truất chức Thường vụ Hội Nhà văn
Bắt đưa ra Hội Nhà văn ... Điển...
Nhà văn Nguyễn Công Hoan lại có những lúc bình luận, tranh luận về thơ nữa. Có điều, ở lĩnh vực này cũng thấy ông đôi ba lúc... sơ hở, như trường hợp này. Bài thơ “Năm mới chúc nhau” (hay là “Chúc Tết”) của Tú Xương có năm khổ thơ, mỗi khổ bốn câu. Bốn khổ trên, các câu đầu thứ tự như sau:
- Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
- Nó lại mừng nhau cái sự giàu
- Nó lại mừng nhau cái sự sang
- Nó lại mừng nhau đẻ lắm con
 
Và khổ cuối của bài thơ là:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời
Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người!
 
Khác với nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Công Hoan cho khổ thơ cuối của bài thơ không phải của Tú Xương, mà viết: “Đọc bốn câu này, ta phải tự hỏi: Tú Xương làm bài thơ chúc Tết này sau ai, mà lại nói là bắt chước”? (Xem: Trần Tế Xương - Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, 2001, trang 511).
 
Thật ra, cũng không khó gì mà thấy ở bốn khổ trên, Tú Xương “mời” mọi người “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau”... Đến khổ cuối, Tú Xương “bắt chước ai”, nghĩa là bắt chước “nó”, những người vừa chúc ở bốn khổ trên, để chúc (theo cách của mình), chả có gì vô lý để phải “tự hỏi” như trên! Nhà văn mới đọc lướt qua, không để thêm công phu mà đọc và nghĩ nữa, mới hỏi một câu... không cần hỏi, như thế!
 
4. Trường hợp sau đây thì thuộc về một nhà thơ cũng rất quen biết, đang đồng hành với giới văn chương của ta, cho tôi được không nói tên.
 
Có một cuộc tranh luận nho nhỏ mà khá sôi nổi và bất phân thắng bại về thơ chưa lâu lắm. Do khuôn khổ các tờ báo, thời gian tranh luận không được dài, một số vấn đề khơi ra hồi ấy chưa được bàn, có cả vấn đề rất sơ đẳng.
 
Tôi lưu ý đến chuyện này: Khi một nhà phê bình... phê một nhà thơ là đã “sai từ một vấn đề có tính chất phương pháp luận nghiên cứu”, thì một nhà thơ khác, chắc là để bênh vực bạn mình, lập tức có một kết luận tưởng chắc như đinh đóng cột rằng, nhà phê bình “đã nhầm giữa phương pháp nghiên cứu văn học với phương pháp luận, là công việc của triết học” (Báo Văn nghệ, số 42, 16-10-1999). Cũng có nghĩa nhà thơ ta muốn nói: phương pháp luận không phải “công việc” của văn chương, không phải “công việc” của thơ, mà là công việc của triết học (!)
 
Vậy, ta thử xem, trước hết, các nhà triết học nói gì về vấn đề này.
 
Trong quyển “Từ điển triết học” do Nhà xuất bản Sự Thật (Hà Nội) in lần đầu năm 1958, về sau tái bản nhiều lần, trong bản in lần thứ ba (1976) ở trang 753, các nhà triết học giải thích:
“Phương pháp luận:
a) Khoa học về phương pháp, về những phương pháp nghiên cứu; b) Tổng hợp những cách, những phương pháp tìm tòi trong một ngành khoa học nào đó”.
 
Thế là rõ. Phương pháp luận đụng đến “một ngành khoa học nào đó” nghĩa là không chỉ đụng đến riêng một ngành triết học.
 
Để thấy rõ hơn nữa, có thể xem quyển “Thuật ngữ nghiên cứu văn học” của Khoa Văn, Trường đại học Sư phạm Vinh, in năm 1974. Các tác giả định nghĩa: “Phương pháp luận nghiên cứu văn học” là:
“Bộ môn nghiên cứu những phương pháp và những nguyên tắc chỉ đạo sự nghiên cứu văn học. Do sự phát triển của nghiên cứu văn học càng ngày càng tự giác về mặt phương pháp, phương pháp luận nghiên cứu văn học cần được xác lập - và thực tế đã xác lập - thành một bộ môn riêng.
 
“Phương pháp luận nghiên cứu văn học có quan hệ mật thiết với lý luận văn học. Mỗi quan niệm về lý thuyết văn học đều có tiềm lực phương pháp luận. Mỗi quan niệm lý thuyết được vận dụng vào sự phân tích văn học đều có giá trị phương pháp luận...
 
“Thuật ngữ này còn được dùng để chỉ toàn bộ những phương pháp cần thiết cho nghiên cứu văn học...” (trang 188)
 
Lại thấy, sau cuộc tranh luận không lâu, gần như đồng thời xuất hiện hai quyển sách mang cùng một tên: “Phương pháp luận nghiên cứu văn học”; một của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân (2004), một của Giáo sư - Tiến sĩ Phương Lựu (2005).
 
Ta thử đọc vài dòng ở quyển sách của Nguyễn Văn Dân, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (2004):
“Bất cứ một ngành hay một bộ môn khoa học nào cũng đều không thể không có phương pháp luận của riêng mình. Và mọi người đều biết rằng, sự phát triển của một ngành khoa học phụ thuộc một phần quan trọng vào sự đóng góp của phương pháp luận nghiên cứu khoa học nói chung và của phương pháp luận nghiên cứu của ngành khoa học đó nói riêng” (trang 9).
 
“Phương pháp luận nghiên cứu văn học là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu một cách hệ thống các nguyên tắc chỉ đạo việc thực hành nghiên cứu văn học cũng như nghiên cứu các phương pháp nghiên cứu văn học, phục vụ cho lý luận, lịch sử và phê bình văn học” (trang 42).
 
Thế đấy! Đụng đến lý luận là mệt lắm! Trích nữa thì còn dài, nhưng cũng không cần thiết, vì tưởng đã quá đủ! Nói phương pháp luận chỉ là “công việc của triết học”, ít nhất cũng chứng tỏ người nói vừa lơ mơ về triết học, vừa lơ mơ về nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, lại còn khá... liều nữa!
 
H.D
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)