Cuộc hành trình từ cõi người tới chốn hình nhân

Thứ Ba, 12/12/2017 21:36
. THUỶ NGUYÊN
(Đọc Hình nhân thụ huyết – Đỗ Doãn Quát, NXB Hội Nhà văn 2014)

 
hinh nhan thu huyet 2
Đi vào làng cổ Đường Lâm, ngoằn ngoèo theo những con đường vừa cổ vừa kim, vừa đá ong vừa bê tông, xuyên qua một con ngõ tuyệt đẹp thì sẽ thấy căn nhà của một ông nhà văn với một tấm biển đề “Thuốc gia truyền Đỗ Doãn Quát” treo ở cổng.  Khi nhìn tấm biển này, tôi nghĩ bụng: Khéo ở cái làng cổ này cũng chẳng mấy ai biết họ đang được một ông nhà văn bốc thuốc cũng nên.

Trong nghề bốc thuốc chữa bệnh gia truyền ông Đỗ Doãn Quát nổi tiếng đến đâu thì tôi không rõ, nhưng nhà ông thì là địa chỉ quen thuộc của cánh văn chương cả nước chứ chả riêng gì Hà Nội, và tên ông thì bạn bè, độc giả cũng đã biết tới từ những năm tám mươi của thế kỉ trước. Nhưng ông viết ít. Chắc có lẽ vì còn bận làm ông thầy lang chăng? Hình nhân thụ huyết là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi của ông mới được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Nhưng, như nhiều cuốn sách văn học khác, nó đã nằm một cách khá yên lặng trên các kệ sách. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, thật là uổng nếu như đã biết đến Đường Lâm, Sơn Tây, biết có một ông nhà văn tên Đỗ Doãn Quát khí chất ngang tàng, một pho từ điển sống về vùng đất này mà không đọc được Hình nhân thụ huyết.

Cuốn sách được viết qua lời kể của một cậu bé mang tên Phạm Kế Tự từ khi sinh ra đã mắc chứng bệnh động kinh. Cứ thỉnh thoảng cậu lại lăn đùng ra đất, chân tay co quắp, quai hàm nghiến chặt, mắt trợn ngược trắng dã, bọt mép phun phè phè. Cậu là đứa trẻ được/bị đẻ cố, đẻ rốn, vì anh trai cậu – một thanh niên thông minh đĩnh ngộ tài hoa đã yểu mệnh mất sớm, mà cả cái họ Phạm nhà cậu thì chỉ còn trông vào mỗi anh ta. Thế là cậu buộc phải ra đời. Cậu chẳng có cái tội gì, ngoài cái tội yếu ớt, bệnh tật. Nhưng chính vì cứ so bì với người anh trai đã khuất của cậu mà bố cậu, một người đàn ông vốn con nhà địa chủ, vô cùng cực đoan gia trưởng, cổ hủ máy móc, cay nghiệt luôn cảm thấy cậu thật ngứa mắt.

Phạm Kế Tự, theo như ông nội cậu khẳng định chắc như đinh đóng cột, thì cậu có “tuệ nhãn”, tức con mắt thứ ba. Và có lẽ cũng vì có con mắt thứ ba này mà cậu thường nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn được. Nhưng oái oăm thay, cái mà cậu hay nhìn thấy nhất lại chính là đám yêu ma mà người thường chỉ biết lạy lục khấn vái xin xỏ chứ chả nhìn thấy bao giờ, còn cậu thì thường xuyên. Và cứ mỗi lần nhìn thấy, hơn thế, tiếp xúc, bị dọa dẫm, bị dồn đuổi, bị cấu xé liếm láp là y rằng cậu lại lăn đùng ra, đúng những triệu chứng của bệnh động kinh.

Phạm Kế Tự, từ khi sinh ra tới khi dậy thì mới được về quê nội lần đầu tiên. Và cũng chính trong lần về quê này, cậu biết đến câu chuyện hình nhân thụ huyết. Tức là, theo dân gian, những hình nhân bằng cốt tre phết giấy bản vốn chỉ là đồ mã nhưng nếu được thụ huyết người thì chúng sẽ có cơ may biến thành người và trà trộn  vào cõi nhân gian. Tất nhiên, cái đám nửa người nửa ma ấy sẽ chẳng lấy đâu mà sống cho tử tế, chỉ lợi dụng lòng thật thà của con người mà làm những điều khuất tất thôi. Cho nên, những người làm nghề này thường phải rất cẩn thận , đặc biệt trong lúc vót những nan tre để đan thành hình người, tuyệt đối không để đứt tay, dây máu ra nan, ra giấy, dù chỉ một giọt cũng sẽ có thể tạo ra một con người như thật nhưng thực tế lại là yêu ma.

Cậu bé này suýt chết trong  chính cái lần về quê chơi ấy, vì bị hai con hình nhân đêm đến đùa cợt, đuổi bắt, làm cậu ngã sấp mặt xuống mương nước, tí nữa thì chết sặc. May mà cậu được một cô gái cứu thoát, đưa cậu về nhà. Cô gái ấy chính là Hậu - cô em họ xa, sau này trở thành người yêu của cậu.

Cuộc đời cậu bé động kinh này càng về sau càng có nhiều diễn biến phức tạp. Tự và Hậu yêu nhau nhưng không thể lấy được nhau do mối thâm thù từ đời cụ, đời ông, đời bố hai bên gia đình để lại. Hậu đi lấy chồng, cậu cũng lấy vợ . Vợ cậu là một cô gái vốn được mẹ cậu đưa về để giúp bà bấm huyệt trị bệnh. Hậu lấy chồng nhưng không có con. Hậu yểu mệnh, chết sớm. Tình yêu của cậu với Hậu đáng nói ở chỗ nó nhiều lần bị đứt đoạn, rồi được nối lại, là nhờ vào sự mạnh mẽ, quyết đoán của Hậu. Còn cậu, từ đầu đến cuối vẫn giữ nguyên tính cách là một cậu bé yếu đuối cả thể chất lẫn tinh thần, bạc nhược, buông xuôi. Cái đáng kể nhất ở cậu chỉ là lòng vị tha, thì có lẽ nó cũng do bản chất yếu đuối ấy mang lại.

Và Tự, với con mắt thứ ba nằm ở đâu đó, thường nhìn thấy những thứ mà người trần mắt thịt không thấy được. Ví như, đâu là người thật đâu là hình nhân được thụ huyết, ví như cậu luôn bị một con yêu ma vì xin xỏ cậu tí huyết nhưng không được chấp thuận đã cả đời đeo bám phá phách… Cậu cứ thế mà đi đi về về giữa thế giới con người với thế giới hình nhân, sự kết nối thường gặp nhất chính là những cơn động kinh không thể cưỡng lại.

Với Hình nhân thụ huyết, cả một thế giới lẫn lộn chính tà, sự ganh đua giữa ánh sáng và bóng tối, lối tư duy cũ mèm cực đoan quẩn quanh làng xã cứ từ từ mà được bóc ra từng lớp. Giọng điệu ở nhiều đoạn có cái khôi hài tưng tửng, nhưng buồn cười mà không thể cười, buồn cười mà lọng dạ bồn chồn bất an, buồn cười mà muốn rưng rưng khóe mắt.

Những Bến Lú, làng Lò Nồi, ngõ Tiểu Quách… hiện lên một cách vô cùng sinh động. Ngõ Tiểu Quách có nghề làm tiểu sành, được phát triển từ nghề làm lu sành. Lu sành thì thời văn minh này chẳng ai dùng nữa nhưng tiểu sành thì thời nào cũng dùng, thậm chí người sống càng giàu có thì người chết cũng càng… sướng. Và thế là để kịp phục vụ cho nhu cầu của người chết, làng Lò Nồi trở thành ngõ Tiểu Quách. Nghề làm lu sành mất hẳn, thế chỗ là nghề làm tiểu sành. Tiểu sành và quách xi măng. Thậm chí, để tiện cho việc tiêu thụ tiểu sành, một nhà văn địa phương đã viết đoạn quảng cáo như sau: “Hãy dùng tiểu sành của ngõ Tiểu Quách thị trấn Minh Tân! Món quà đặc biệt quý giá dành cho các bạn có nhu cầu giữ gìn xương cốt của mình cho muôn đời con cháu mai sau”.

Câu chuyện của Hình nhân thụ huyết không phải là câu chuyện của hôm qua mà vẫn đang hiện hữu. Nó vừa quen thuộc tới nỗi ai cũng cảm thấy có bóng dáng của mình, của người quen, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng trong đó; Nó cũng cá biệt ở chỗ toàn bộ cái chân dung xã hội ấy lại được kể qua miệng một cậu bé mắc chứng động kinh có con mắt thứ ba, biết giao tiếp với thế giới ma quỷ. Nó vừa khôi hài giễu nhại, vừa cay đắng chua chát. Và bản chất của sự nhốn nháo lộn nhào của nền nếp gia phong, của tầng tầng vỉa vỉa văn hoá; sự gian manh bát nháo, lừa lọc, chiếm đoạt để tích trữ làm giàu... cứ tự nhiên mà hiển lộ, như không hề cố ý. Làng lên phố, người làng ra phố, người phố sợ sự lạc hậu của làng nhưng vẫn nối với làng bằng một sợi dây vô hình nào đó, dù mịt mờ mỏng manh nhưng vẫn chằng níu đâu đó.

Đọc Hình nhân thụ huyết vừa có cái cảm giác bất an, bấn loạn về sự chông chênh của kiếp người khi bị cuốn đi trong những vòng xoáy bạo liệt khó cưỡng, lại cũng vừa cảm thấy rất nhiều thứ trên đời này mà số đông đều lao đi kiếm tìm, rồi cũng có lúc nó chẳng có giá trị gì cả. Vậy cái còn lại sau những kiếm tìm ấy là gì? Phải chăng là những giá trị bất biến tồn tại giữa người với người: tình yêu thương, sự tôn trọng, lòng nhân ái, sự kết nối với cội nguồn?

Có một điều thú vị là có thể tìm thấy ở Hình nhân thụ huyết hẳn một kho những câu tục ngữ nằm la liệt trong suốt cuốn sách. Chúng được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, nhuần nhuyễn, khi hài hước khi cay đắng. Tuy rằng, ở phần đầu cuốn sách, một cậu bé mới hơn mười tuổi, sinh ra lớn lên ở thành phố, chưa một lần về thăm quê mà thuộc làu làu cả bao nhiêu câu tục ngữ, biết nói bóng nói gió như một bậc trưởng lão thì cũng có vẻ gì đó hơi… sai sai. Tuy nhiên, có thể lý giải được điều đó phần nào nhờ vào việc cậu ta không phải người bình thường. Thật, đâu có bình thường.

Hình nhân thụ huyết có một cái kết đầy ẩn ý, và có lẽ cũng chính là điều mà tác giả định nói xuyên suốt hơn 250 trang sách: “Có thật tôi từ sông Vong trở về không nhỉ? Sao lũ hình nhân cứ ngày một nhiều, ai thụ huyết cho chúng? Ngẫm kỹ chúng sống có tình hơn lũ người thật  chúng ta”. Thế gian thật giả khó lường. Ai ai cũng nghĩ bọn hình nhân đã được thụ huyết đều sẽ chỉ biết len vào giữa con người mà sống một đời sống bất lương lừa phỉnh, thế mà đôi khi, chính chúng lại mang tới một vài điều tốt đẹp. Một vài điều tốt đẹp thật giản dị, thật con người, mà có thể kiếm tìm chẳng dễ dàng gì.

T.N
 

 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)