Hoàng Vũ Thuật và những khối vuông rubic

Chủ Nhật, 17/12/2017 00:16
(Đọc Cây xanh ngoài lời của Hoàng Vũ Thuật - Nxb Hội Nhà văn, 2017)

.
YẾN THANH

Ngày nay, những diễn ngôn phê bình về thơ có xu hướng phân lập thành những trào lưu, hệ hình và thế hệ khác nhau. Ở sự phân định ấy, các nhà nghiên cứu phê bình văn học nỗ lực kiếm tìm hoặc xác lập nên một vài tiêu chí thẩm mĩ nhất định nhằm gom những nhà thơ vào chung trong một ô nào đó, nhằm phân biệt với những ô khác. Theo lối ấy, thông thường những “người trẻ” sẽ mạnh dạn cách tân hơn những “người già”, những người trong ô “hậu hiện đại” thông thường sẽ có nhiều sức sống hơn và tân kì hơn những người trong ô “tiền hiện đại”, những trào lưu mới mẻ như thơ phụ âm hay tân hình thức dĩ nhiên sẽ “hợp thời” hơn so với những người làm thơ Đường luật hay tự do, vần điệu truyền thống. Cách làm này dĩ nhiên là cần thiết trong khoa học văn học, bởi nó giúp cho nhà phê bình có một cái nhìn lịch đại biên niên về lịch sử thi ca Việt Nam, cũng như giúp họ minh họa, kiến giải sống động hơn cho những tìm tòi mới về mặt lí thuyết văn học. Tuy vậy, hình như nhiều trường hợp vẫn có khả năng vượt ra khỏi sự phân biệt thông thường, những ô đóng khung thơ ca đầy máy móc trong vài tiêu chí mĩ học. Một trong số đó, chúng ta có Hoàng Vũ Thuật.
 
Tính triết lí trong thơ Hoàng Vũ Thuật
Hoàng Vũ Thuật sinh năm 1945 tại Lệ Thủy - Quảng Bình, ông là tác gia trưởng thành trong chiến tranh chống Mĩ, thành danh về thơ ca trong thời kì Đổi mới với tập thơ đầu tay Những bông hoa trên cát (1979). Thành tựu thơ ca của Hoàng Vũ Thuật có lẽ được kết tinh trong tập Tháp nghiêng (2003) với tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và các giải thưởng Lưu Trọng Lư được trao sau đó. Năm nay, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn không an phận thủ thường, “nghỉ hưu” trong những hình thức cũ, mà vẫn miệt mài đổi mới cách tân. Với trữ lượng văn hóa và trình độ tư duy nghệ thuật cao, ông không chấp nhận đứng đằng sau trình độ đương đại của thế hệ mình, vẫn tiếp tục đổi mới bút pháp. Trong lứa tuổi già nua của bạn bè, bản thân ông sức khỏe kém sút, tiếng nói cũng không còn nhanh nhạy, nhưng tập thơ Cây xanh ngoài lời (Nxb Hội Nhà văn, 2017) là một giấy căn cước thơ để ông đối thoại với những hiện tồn, để cho thấy tuổi của nhà thơ không là tuổi trong giấy khai sinh, mà là tuổi tư tưởng trong những văn bản của mình.

Sinh thời, đại thi hào nước Đức Goethe có một câu thơ đã trở thành châm ngôn nổi tiếng: Mọi lí thuyết chỉ là màu xám – Chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi, triết lí nhân sinh ấy hẳn đã được nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ngộ ra khi du hành qua biết bao tư tưởng, các cuộc chiến tranh và cả những tập thơ đầy vinh quang và cay đắng. Thơ Hoàng Vũ Thuật luôn mạnh về triết lí, sự trừu tượng trong thơ ông không làm khô khan đi câu chữ, mà thực sự ra nó bồi đắp cho nghệ thuật thơ ca sự lấp lánh, vững chãi của tư tưởng. Ở Việt Nam, không có nhiều nhà thơ làm được như ông. Trong tập thơ Cây xanh ngoài lời, tính triết lí, suy tưởng, siêu thực này vẫn được tiếp nối, thăng hoa. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy đặc trưng nghệ thuật ấy trong mọi bài thơ của Hoàng Vũ Thuật: xin bạn đừng đọc thơ tôi dòng dòng trải ra trên mặt giấy - trơ & rỗng nhảm nhí & cáu bẩn - hệt con giun loằng ngoằng mải miết - nơi bạn đứng ngồi có một khoảng không - trong khoảng không thơ biện bày đầy đủ nhất - ngay dưới chân - những viên đá mang biểu tượng con người - sự sống chính bài ca của đá (Những câu thơ của tôi). Thơ ông không hề dễ đọc, vì nó không đi tìm sự đồng cảm một cách dễ dãi, đánh vào thị hiếu tâm lí thông thường của người đọc. Mỗi bài thơ như một suy tư tưởng về kiếp người, về tồn tại, về tình yêu, về hiện tồn và về chính bản mệnh của thi ca: tôi bọc thời gian ném đi không nuối tiếc - với tôi thời gian chỉ còn là khái niệm hư ảo - tiếng gọi trở nên bất tử - giữa đêm đen này - tôi chẳng thèm ham muốn khác (Cây tiếng gọi). Chỉ trong một đoạn thơ ngắn vừa dẫn ra ở trên, ta như bắt gặp hiện tượng luận của E. Husserl, bắt gặp Martin Heidegger trong Hữu thể và thời gian, bắt gặp người làm vườn R.Tagore với những suy tư trong đêm… Nhưng giả sử như bạn đọc không biết tất cả những triết thuyết ấy, thì cũng chẳng sao cả, thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn nhẹ nhàng và dễ hiểu như những tiếng nói thầm trong mơ. Tiếng nói ấy sâu lắng, hư ảo nhưng mãnh liệt và gửi cho chúng ta những thông điệp rõ ràng: Anh trở lại ngôi nhà không mái - phố phường chưa kịp đặt tên - bồ đề dày thêm lá mới - anh trở lại khi em đã xa - trên núi có bài thơ Tự Đức - tấm kính nát vụn sao không nhìn ra em - cánh cổng mở toang nào thấy dáng em - em là nước từ mùa đông qua mùa hạ (Nửa anh và nửa em). Vẫn là những bài thơ đầy hoài niệm, những tình cảm riêng tư thầm kín, nhưng nhà thơ không trình bày nó dưới những câu từ trập trùng, luyến láy nhấn về xúc cảm, mà ta nhận ra chiều sâu tư tưởng thầm kín trong thơ ông. Chất tình trong thơ Hoàng Vũ Thuật là cội nguồn, là khởi nguyên, nhưng nó được viết nên dưới trí tuệ của một người tích lũy đủ đầy chiều sâu của tư tưởng.

Khác với những nhà thơ lí tính, vốn dĩ dùng thơ ca để minh họa cho lí thuyết, cho ý thức hệ, một văn bản có tính luận đề cho triết học, thơ Hoàng Vũ Thuật là sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc trữ tình và chiều sâu triết lí. Bất cứ bài thơ nào chúng ta vẫn đồng thời nhận ra cả hai khuôn mặt trữ tình và triết lí đó ví như giờ này em là nước con sông mặc người đời ruồng bỏ - tự do chảy ra tứ phía - những con sóng vô hình - nhấn chìm chúng ta - cùng trang sách đầy kí tự trên giá đỡ thư viện - em thường gọi một bảo tàng thế kỉ (Hẻm sống). Thế mạnh về triết lí trong thơ ông thực chất đã được khởi đi từ trái tim đa tình, đa cảm, nên nó không khô khan, thô ráp hay mang mục đích thực dụng, ngoại văn chương như những người khác: năm mươi năm tóc tôi trắng màu cát trắng - thành phố mặc áo tứ thân đi giày cao gót - đàn cá ông không về - chân trời trơ trọi nằm nghiêng (Người đàn bà xa lạ). Những diễn đạt dường như khách quan, trừu tượng đầy tính siêu thực, nhưng chất màu vẽ nên bức tranh tưởng chừng như siêu thực ấy lại là nước mắt. Tác giả không nói nhiều về xúc cảm của chính mình, chẳng hề có một tính từ nào về cảm xúc của chủ thể trữ tình, nhưng ta vẫn nhận ra sự xót xa, bất lực, bẽ bàng trước thời gian chỉ qua câu năm mươi năm tóc tôi trắng màu cát trắng – đó là sự đánh mất thời gian. Đàn cá ông không về là sự đánh mất không gian. Con người bơ vơ giữa cuộc sinh tồn. Thời cuộc thay đổi, không gian biến thiên, thời gian không còn quay trở lại, nỗi buồn tự đó dâng lên từ đáy lòng. Con người ta sống rồi sẽ chết như một quy luật, nhưng con người từ chối sự tan rã của thân xác mình một cách sinh học, bởi vì họ là sinh vật có ý thức và tư tưởng: dựng ngược thân thể anh chiếc bình đắng cay - tổ ong rừng khô cạn mật - những ống xương rỗng rễnh hai đầu - nơi bắt đầu của gió (Gió hoang). Sự chết đôi khi lại là một khởi đầu mới mẻ, theo nghĩa đó, thời gian và sinh mệnh được tuần hoàn. Tuy nhiên, cảm thức tái sinh, chữa lành cũng là sự suy tư triết lí thường trực và dễ hiểu ở vào độ tuổi của người thơ. Trong tập thơ, bên cạnh nỗi u buồn thường trực – giọng điệu vốn dĩ được xem là phù hợp nhất với thi ca, còn là khát vọng mãnh liệt của tình yêu như một sự lắng đọng chứng ngộ cuối đời: nấp sau cánh hoa áng mây nói lời em bối rối - tiếng đàn trầm nở làn hương em - anh thấy cuộc đời đang mọc... - ta sẽ xây tổ sống trên mọi hành tinh băng giá - bầu trời rạng rỡ nảy sinh nơi lồng ngực em - đàn chim dậy thì líu lo trên tóc em (Đêm huyền vi).

 
index

Cảm quan đời tư thế sự
Điều tôi chú ý nhất trong tập thơ của Hoàng Vũ Thuật đó là xu hướng đời tư thế sự trong cảm quan về cuộc đời. Đây có thể là một điểm mới lạ, cách tân chính mình của tác giả. Thông thường thơ Hoàng Vũ Thuật cố gắng đi vào chiều sâu của chiêm nghiệm và triết lí, chính vì thế vũ trụ thơ thường gắn với những phạm trù phổ quát, bao trùm. Cho đến tập thơ Cây xanh ngoài lời, có thể tác giả dưới phương châm mọi lí thuyết chỉ là màu xám nên thôi thúc ông quay về với những điều nhỏ nhặt, thường nhật của cuộc sống. Những sự kiện mà ai rồi cũng nếm trải trong cuộc đời, nó làm nên những giá trị vô hình cho hiện hữu. Đó có thể là một cuộc hội ngộ văn chương với một người bạn văn trẻ tuổi và nói về những điều bình dị nhất: hôm qua Lãm nói với ông bao chuyện nhảm vỉa hè - Lãm bảo cái gì đáng nhớ ông ấy nhớ - cái gì ông quên nhớ để làm gì - nhớ kẻ đứng đái bên đường hơn người ngồi trong lâu đài mờ ảo - nước từ nơi đó có mùi thơm - nhớ bà cụ nằm đối diện liệt nửa người và cô con gái út tên Uyên - tóc bà sáng đêm mất điện (Chuyện của ngàn năm trước). Đó cũng có thể là sự lo âu về thực tại phi nhân của thế giới, nơi những cuộc xung đột đẫm máu vẫn xảy ra hàng ngày khiến nhiều người dân vô tội thiệt mạng: bập bênh trên mặt Địa Trung Hải - trò chơi bầy đàn - đánh số từ một - những xác chết nổi loạn - trong tấm áo tơi tả nàng là mặt trời - đen và đặc (Sự nổi loạn của xác chết). Sự can dự của nhà thơ lúc này không chỉ là trên địa hạt ngôn ngữ và mĩ học, mà còn là những quan tâm quan thiết của người trí thức, người công dân đến vận mệnh sống còn của môi trường, của đất nước, của nhân vị con người trước những cuộc đại suy thoái và hủy diệt tương tàn đầy phi lí đẫm máu.

Chính cảm hứng đời tư thế sự này đã góp phần “giải mĩ học” cái đẹp, cái lãng mạn, cái siêu tuyệt trong truyền thống thơ Hoàng Vũ Thuật. Trong thi phẩm, ta có thể thấy ông mạnh dạn sử dụng chất liệu ngôn ngữ, hình tượng phi chuẩn mực, phi lãng mạn như một dụng ý đầy toan tính: sự hoàn thiện của bông hoa chế tác - cánh lả lướt chào mời - không thể tô thêm làn hương giả tưởng - tôi muốn cắm vào chiếc bình gốm cổ - đóa cứt lợn thanh sạch góc vườn - nở bên gốc ổi chiều qua (Có những điều tưởng như là thói quen). Nhờ những đặc trưng này mà chúng ta có thể nhận định Hoàng Vũ Thuật đã vắt chân để bước từ tiền hiện đại sang hiện đại và hậu hiện đại trong tư duy và ngôn ngữ thơ.

Thái độ công dân của nhà thơ trước thời cuộc, vận mệnh của đất nước có thể xem là cảnh giới thử thách nhà thơ Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Mỗi trí thức có lương tri trong thời điểm này không thể đứng ngoài những mối quan tâm liên quan đến biển đảo, môi trường biển và thân phận dân tộc trước các dã tâm ngoại bang. Những sự kiện ấy động vọng trực tiếp vào thơ Hoàng Vũ Thuật một cách tự nhiên, tất yếu, nhưng không hề lên gân, không phát ngôn sống sượng hoặc nặng về tính thời sự. Những bài thơ đầy trách nhiệm công dân, nỗi đau đáu thời đại của Hoàng Vũ Thuật vẫn đầy ẩn ý, hình tượng suy tưởng: bạch tuộc phun vòi xác chết - những chú chim non vỗ cánh đầu tiên - những đôi mắt lũ còng ngơ ngác - số phận ngọn đèn lịm tắt - không còn súng thì ném cát vào mặt - ngôi mộ gió khuyết dần - không còn ngôi mộ gió - tổ quốc trong muối biển vẫn còn (Đảo). Nhà thơ kêu gọi những thi nhân dùng ngòi bút của mình để thể hiện thái độ trước thời cuộc, khêu dậy tình yêu nước, lòng tự cường dân tộc: những chữ cái thiết lập trang sử khôi nguyên - những chữ cái làm chân đế đồng bào - những chữ cái rịt lại vết thương nhức nhối - những chữ cái thức dậy linh hồn đã khuất - những chữ cái tô đậm đất liền biển đảo - những chữ cái cắm cột mốc chủ quyền - hãy viết cho chính bạn (Viết).

Sự quy hồi về cội nguồn văn hóa dân gian
Điểm đáng chú ý khác, cần tỏ bày với bạn đọc trong tập thơ mới của Hoàng Vũ Thuật, đó là sự quy hồi về nền tảng văn hóa dân gian, chất liệu sử thi truyền thống trong thơ ông. Tôi nghĩ, đây có thể là một cách tân có tính chất “cũ người mới ta” đáng chú ý nhất, mang đóng góp đáng kể nhất trong tập thơ này. Theo nghĩa đó, bài thơ hay nhất cho toàn tập thơ đó chính là bài mở đầu, mang tên Tôi muốn nói bằng tiếng tổ quốc tôi. Ở bài thơ này, bạn đọc dường như phát hiện ra một Hoàng Vũ Thuật khác, không tân kì, không suy tưởng triết lí dạng Âu châu, mà rất gần gũi, sâu lắng trong từng câu chữ, hình tượng. Hoàng Vũ Thuật vào giai đoạn chiêm nghiệm cuối đời, khi gần như đã lãng du qua gần hết những cái gì có thể gọi là tân kì, hiện đại và thậm chí là hậu hiện đại của trời Tây, sẽ quay về lại cố hương, tìm trong nguồn cội dân gian chỗ náu mình, kết tủa: mẹ ra chợ - gánh theo mưa nắng - mồ hôi đẫm - mồ hôi -muối mặn - lá trầu tươi hình trái tim - trái cau hình giọt máu - lặn sâu trong lồng ngực lép nhọc nhằn - những âm thanh Tổ quốc kẽo kẹt - những âm thanh bền lâu - tôi hằng ôm ấp - tôi lớn khôn khi hiểu chiếc lưỡi cày - cày vào đất những dòng bí ẩn (Tôi muốn nói bằng tiếng tổ quốc tôi). Qua những câu thơ này, tôi mới hình dung về thơ Hoàng Vũ Thuật như khối rubic xoay đầy sắc màu sáu mặt. Sự đa diện về tư tưởng, linh động chuyển đổi giữa các hệ hình thơ như một mê cung của văn hóa và tư tưởng, tạo ra một giá trị nghệ thuật chỉnh thể không rốt ráo đứng về một phía nào trước những đường biên văn học. Những hình tượng như sau thật quen thuộc, thật truyền thống, nhưng lẽ nào chúng lại cũ kĩ nhàm chán trong thơ? tôi nhìn Tổ quốc qua nét phấn người thầy - lối tắt chim bay - vòng quay tịnh tiến - nghe chuyện thần kì voi chín ngà gà chín cựa - ngựa phi về trời - đôi hài tôi - mỗi bước đi vạn dặm - chiến tranh liên miên giặc dã liên miên - ông cha viết - Hịch Tướng Sĩ Văn - lại viết thêm - Bình Ngô Đại Cáo - còn viết nữa - chưa thôi - những âm thanh thao thức lòng người. Những nốt nhạc quen thuộc ấy, lẽ nào đặt trong bối cảnh đương đại ngày nay không gợi lên cho bạn bất cứ xúc cảm hay thông điệp đương đại gì? Tôi tin rằng bạn đọc sẽ anh minh và tinh tế hơn tôi nhiều trong việc này.

Theo dõi hành trình sáng tạo thi ca của thi giới, tôi nhận ra thông thường người mới làm thơ thường xoáy mình vào trong chất sử thi, dân gian theo lối đại tự sự, khi trái tim cuồng nhiệt, tình yêu lớn lao bùng cháy trong trái tim. Sau đấy, trước những va chạm, đổ vỡ và sự chà xát của nỗi cô đơn, mỗi thi nhân sẽ quay về lại với cái tôi bản thể, nỗi đau cá nhân thông qua cảm hứng đời tư thế sự. Nhưng khi đạt đến một ngưỡng chín nhất định của sự nghiệp, sự thăng hoa trong ngòi bút ngoài dòng máu nóng của con tim còn là sự lấp lánh của trí tuệ, nhà thơ một lần giữa “lại giống” và “tái sinh” trong cội nguồn dân tộc, trong những điều lớn lao nhưng không là đại tự sự nữa. Cuối cùng, đôi khi chỉ trong một tập thơ, chúng ta có thể thấy cả hành trình thơ ca và hành trình tư tưởng của tác giả. Đó là trường hợp của Hoàng Vũ Thuật với Cây xanh ngoài lời.

Dĩ nhiên, một tập thơ không bao giờ thoát khỏi những giới hạn tất yếu của mỗi đời người, đời thơ. Đôi chỗ chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh lạc ra khỏi chỉnh thể, hoặc đôi từ hình như chưa được tác giả trau chuốt lựa chọn. Việc tặng thơ quá nhiều trong tập thơ này cũng có thể làm cảm giác và trải nghiệm đọc của bạn đọc bị giới hạn đi, bài thơ trở nên riêng tư hóa chứ không dành cho tất cả mọi người. Nhưng hình như Hoàng Vũ Thuật hiểu tất cả những điều đó, và ông vẫn cố tình làm như vậy. Khối rubic xoay sáu mặt, đôi khi để muốn đạt đến cái chung cục cuối cùng, tìm ra chỉnh thể hòa đồng, thống nhất, nó buộc ta phải đi qua nhiều bước đệm trung gian, gồ ghề, trả giá. Tôi tin bạn đọc, theo cách xoay của riêng mình, sẽ còn tìm thấy những điều khác, giá trị khác trong tập thơ này.
 
Y.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)