Trường ca Ba mươi tháng Tư những hành trình bi tráng

Chủ Nhật, 07/01/2018 00:44
. CHU THIÊN HÀ

Nguyễn Minh Khiêm viết văn từ cuối những năm 80 thế kỉ XX. Bước vào làng văn bằng một tập truyện (Sư tử làm chúa - 1989), nhưng có lẽ, tên tuổi của anh lại được biết đến nhiều hơn trong vai trò một nhà thơ. Với Biển khát (1994), Dòng sông không ngủ (1994), Đằng sau mặt trời (1996), Chim yến làm tổ (1998), Làng tôi không có tượng (2000), Một góc phù sa (2007), Vết thương đá (2009), Giải mã (2011), Cánh đồng nhiều hướng gió (2013) cùng chùm thơ đoạt giải Nhất cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015 - 2016…, có thể nói Nguyễn Minh Khiêm sở hữu một gia tài thơ đáng kể và đã được thẩm định trong đời sống thơ ca Việt Nam. Đọc thơ Nguyễn Minh Khiêm rải rác ở những quãng khác nhau của cơ duyên, cho đến giờ, tôi vẫn chưa dành thời gian để có thể sắp xếp lại cảm nghĩ, đưa ra một phác thảo về nghệ thuật thơ ca của tác giả xứ Thanh này. Thật may, ý định ấy có cơ hội thành hiện thực khi tôi đọc trường ca Ba mươi tháng tư vừa mới ra mắt cuối năm 2017 của anh.

Trong nhận thức của cộng đồng, trường ca vẫn được biết đến như một thể loại trữ tình dài hơi, có yếu tố tự sự, đề cập đến những vấn đề lớn lao của xã hội, đất nước với ý hướng tổng kết, đánh giá và cảm hứng chủ đạo là ngợi ca, tôn vinh. Có lẽ vì thế, J. Tynianov nhấn mạnh vào “độ lớn”, Phạm Huy Thông nêu lên đặc tính “dài” và “tráng”, Chu Văn Sơn chú ý đến tính “kì vĩ”… của trường ca. Những lưu ý này hàm chứa trong đó vấn đề nội dung, hình thức nghệ thuật (cả hình thức vật lí), đề tài hay cảm hứng, dung lượng của trường ca. Sẽ còn những biến động, nhưng trường ca đã hiện diện như “một trong những hiện tượng nổi bật nhất của thơ trữ tình Việt Nam nửa sau thế kỉ XX” (Chu Văn Sơn). Tính chất nổi bật này cũng nên được hiểu một cách rộng rãi từ sự phát triển rầm rộ có tính thời đoạn, sự dịch chuyển đặc tính thể loại, cấu trúc, phương pháp sáng tác, hiệu quả xã hội, giá trị nghệ thuật của trường ca.

Có lịch sử phát triển từ đầu thế kỉ XX, trường ca hiện đại ghi dấu bởi Phạm Huy Thông với Tiếng địch sông Ô (1935). Đến thời điểm 2016, theo thống kê của Đỗ Quyên, có 450 tác giả với 1.180 trường ca. Dĩ nhiên, con số đó đã thay đổi trong năm 2017. Thời điểm sau 1975, đặc biệt là sau 1986 - giai đoạn Đổi mới (1986 - giữa thập niên 90) và hậu Đổi mới (giữa thập niên 90 đến nay), trường ca phát triển khá mạnh mẽ, trong đó đáng lưu ý là sự chuyển dịch về phía đời tư, thế sự, gắn với thân phận con người và các vấn đề “vi lịch sử”. Rõ ràng, ý thức về tính “đại tự sự” trên các bình diện của thể loại trường ca đã bị chất vấn khi đứng trước một loạt tác phẩm trường ca mới như của Thi Hoàng, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Mai Văn Phấn, Hoàng Trần Cương… Tuy vậy, người đọc vẫn có thể nhận ra hai dòng chảy song song của trường ca Việt Nam hiện đại. Một bên là những trường ca theo phong cách truyền thống với Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Đạt…, một bên là những trường ca hướng đến “vi lịch sử” như đã nói ở trên. Vậy, Nguyễn Minh Khiêm thuộc về dòng trường ca nào? Đâu là điểm làm nên bản sắc trường ca của Nguyễn Minh Khiêm?

Thơ là trạng thái, đọc thơ là đọc cảm giác, đọc tâm trạng, cảm xúc trong khoảnh khắc. Người ta thường không quan tâm đến việc thơ nói chuyện gì, mà nhận ra ở đấy cái tôi với ý hướng phô bày cảm xúc, tâm trạng, suy tư. Đọc thơ cốt dò được tứ, cảm được tình, nghe được điệu, nhập vào nhịp, lắng được chất thơ thông qua toàn bộ hình thức, thủ pháp - sự phô bày của chủ thể. Trường ca là một thể loại của thơ, đọc trường ca cũng cần tất cả những thao tác, kĩ năng và phẩm chất ấy. Tuy nhiên, do đặc tính “kì vĩ” của mình, trường ca đòi hỏi cách tiếp cận có hệ thống hơn, tập trung mạnh vào phần cấu trúc, dàn dựng, phối hợp để bộc lộ tư tưởng. Tựa như tiểu thuyết trong thể loại tự sự, trường ca có khả năng dung hợp lớn, bởi vậy, điều quan trọng để trường ca không phải là thơ dài, cũng không phải truyện thơ, chính là cấu trúc của nó. Người ta có thể dễ dàng tổ hợp các bài, đoạn thơ ngắn, đặt thành chương mục, lắp ghép thành một văn bản thơ dài và gọi đó là trường ca. Tuy nhiên, một tác giả trường ca có tầm vóc, có tư tưởng sẽ không làm thế, chí ít là anh ta sẽ tìm cho tác phẩm một cấu trúc (thường là một cấu trúc phức hợp, nhiều bè hay đan cài, xếp chồng nhiều hệ thống), một hạt nhân, để từ đó thế giới nghệ thuật được kiến tạo. Người sáng tác có thể hạ bút trong phút ngẫu hứng làm nên thi phẩm, nhưng khó có thể ngẫu hứng để tạo nên một trường ca. Những câu thơ lấp lánh trong trường ca, sự thật, cũng chỉ là một mảnh, một sắc điệu, vang ngân từ cấu trúc lớn hơn được dàn dựng công phu, tỉ mỉ, chặt chẽ, trong một quá trình suy tưởng, xúc cảm bền bỉ. Từ nhận thức như thế, tôi có thể nói gì về trường ca Ba mươi tháng tư của Nguyễn Minh Khiêm?

 
ba muoi thang tu

Cấu trúc trường ca Ba mươi tháng tư của Nguyễn Minh Khiêm giống như những vòng sóng đồng tâm mà tâm chấn là chiến tranh. Điểm đặc biệt khiến cho người đọc ngạc nhiên chính là véctơ của những dao động ấy. Lần theo mạch tự sự - trữ tình của trường ca Ba mươi tháng tư, có thể nhận thấy hướng vận động thứ nhất - tạm gọi là Đi “trên một con đường không có lối rẽ”, dẫn con người vào cuộc chiến, đến Trường Sơn, Sài Gòn, đến ngày giải phóng. Hình tượng trung tâm của hành trình này là “các anh” - những người lính giải phóng, không gian chiến trường gắn với cảm hứng sử thi hùng tráng. Chiến tranh lúc này giống như mắt bão hay như một cái vòi rồng cuốn xoáy vào đấy tất cả. Mạch trữ tình - tự sự ở đây không có nhiều mới mẻ so với truyền thống trường ca sử thi lãng mạn viết về cuộc chiến tranh của dân tộc. Cảm hứng chủ đạo vẫn là: Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Phạm Tiến Duật), Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù (Lê Mã Lương), Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Cảm hứng anh hùng ca được tái dựng và khuếch trương trong mạch vận động này của trường ca: Ba mươi tháng tư: Khi bom đạn kẻ thù biến những cánh rừng Trường Sơn thành biển lửa/ Anh đã mơ thấy cửa ngõ Sài Gòn/ Lá cờ ấp bao năm trong lồng ngực/ Sáng bừng lên kiêu hãnh. Sắc thái sử thi lãng mạn trong hướng vận động này của trường ca Ba mươi tháng tư thể hiện khá rõ trong hình tượng những người anh hùng, dũng sĩ, chiến binh. Nguyễn Minh Khiêm phát hiện ra một khía cạnh “dị thường” - con người Việt Nam sinh ra để trở thành chiến binh, trở thành những người anh hùng. Chính kẻ thù là nguyên nhân khiến cho con người Việt Nam trở thành anh hùng: Sự man rợ của kẻ thù đã ép anh trở thành bao nhiêu dũng sĩ/ Dũng sĩ diệt Mĩ/ Dũng sĩ diệt nguỵ/ Dũng sĩ diệt xe tăng/ Chúng ép anh phải làm một anh hùng. Nguyễn Minh Khiêm đã đứng ở vị trí của một người rời xa cuộc chiến, bước ra khỏi cuộc chiến, nhìn về những năm tháng hào hùng, khốc liệt ấy, thậm chí có cái nhìn xuyên suốt lại lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Lẽ tự nhiên, chúng ta sinh ra và mong muốn sống một cuộc đời bình thường. Không ai nghĩ rằng mình sinh ra để thành chiến binh, thành anh hùng, dũng sĩ. Kẻ thù buộc đời thường trở nên bất thường, buộc những con người bình thường trở nên phi thường trong sứ mệnh chống lại cái ác, sự hủy diệt. Ở khía cạnh này, trường ca Ba mươi tháng tư hấp thụ một cách đầy đủ nguồn lực tự sự - trữ tình, cảm hứng, giọng điệu của trường ca sử thi lãng mạn Việt Nam: Cỏ sẽ xanh điệp điệp trùng trùng/ Sức sống sẽ vượt qua khỏi tầm đại bác. Cỏ là một lựa chọn thích đáng, mang tính biểu tượng khi bày tỏ phẩm chất, ý chí, sức sống của con người Việt Nam trong chiến tranh, hủy diệt: Còn một cây cỏ thôi là còn đồng cỏ. Vừa bình dị, khiêm nhường, vừa vô cùng bền bỉ, dẻo dai, vượt lên trên mọi hủy diệt, cỏ vẫn xanh mướt mát hiên nhà là một ý niệm độc đáo thể hiện nhận thức khá sâu về bản vị và bản mệnh dân tộc. Nhưng, nếu chỉ có thế thì trường ca Ba mươi tháng tư cũng sẽ lẫn vào bản đại hợp xướng của trường ca Việt Nam. Vấn đề chưa dừng lại ở đó, hay đúng hơn, được đẩy đi xa hơn, trong một trạng thái khác khi tác giả dày công kiến tạo hướng vận động thứ hai.

Hướng thứ hai, ngược chiều với Đi, là Về. Hình tượng trung tâm vẫn là các anh - từ chiến trường trở về, bên cạnh đó, các hình tượng khác cũng xuất hiện làm nổi bật cảm hứng thế sự, đời tư ở hành trình này (mẹ, em, đồng đội, không-thời gian ấu thơ, những diễn biến của cuộc sống hậu chiến…). Nếu Đi mang âm hưởng chủ đạo là tráng ca thì Về là bi ca. Không khó để nhận ra trong trường ca Ba mươi tháng tư những hi sinh, mất mát, những gian khổ tận cùng khi con người bị cuốn vào cuộc chiến. Có lẽ, chiến tranh đã được nhìn gần hơn trong mạch tự sự - trữ tình này. Rõ ràng, không chỉ có niềm kiêu hãnh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng ngời trên đường ra trận rực rỡ cờ hoa, chiến tranh còn là cái chết, là bao thế hệ người lính đã mãi mãi nằm lại dọc đường ra trận ấy. Cuộc “Đối thoại ở rừng” thể hiện một cách chân thực cuộc sống, chiến đấu của những người lính. Những mô tả ấy, dù có mang âm hưởng bi ca, nhưng chắc chắn sẽ rất cần cho lớp người hậu chiến, để hiểu cái giá của hòa bình, tự do và thống nhất: Những địa chỉ/ Bản đồ trận đánh/ Máu đẫm thành tên/ Ba Gia, Đồng Xoài, Vạn Tường, Bạch Mã/ Đường Chín, Khe Sanh, Thượng Đức, Tây Nguyên/ Hang Tám Cô, đường Mười Bốn, đường Hai Mươi, đường Bảy/ Cao điểm A, cao điểm B, cao điểm R…/ Những địa danh ròng ròng máu chảy… Còn biết bao nhiêu những địa danh khác gắn với máu xương người Việt Nam đổ xuống từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến rừng núi, biển cả, từ hậu phương đến tiền tuyến. Sự thực, cuộc chiến biến cả đất nước thành chiến trường, biến già trẻ gái trai đến cỏ cây muông thú thành chiến binh, chiến đấu và hi sinh. Dao động trên hành trình Về đã xác lập một thế nhìn có tính bao quát những gì dân tộc ta đã đánh đổi trong cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt vào bậc nhất của loài người thế kỉ XX.

Hướng Về là những lan tỏa từ tâm chấn chiến tranh, loang dần về phía những con đường đã đi qua, loang đến cánh đồng, đến ngõ nhỏ, đến hiên nhà, đến đôi mắt và mái tóc bạc mỏi mòn của mẹ, đến tiếng thở dài nén lại bão giông trong lồng ngực người vợ trẻ. Chiến tranh như cơn bão đi qua, khi xoáy lốc đã tan, còn lại những hoang tàn, đổ nát. Những đứa con chiến binh không về, những thanh xuân nằm lại rừng thiêng nước độc, không tên tuổi, không mộ phần. Trường ca Ba mươi tháng tư, ở mạch này, đã tiếp cận được với khuynh hướng dịch chuyển của trường ca hậu Đổi mới. Mạch thế sự đời tư nhưng có tâm chấn là chiến tranh - chiến tranh là nguyên do mà cuộc sống hậu chiến với những bi kịch của nó là hệ quả, đã tạo nên cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam trong và sau khi cuộc chiến đi qua. Những người lính vô danh, những hài cốt đồng đội còn nằm lại trong đất lạnh, trong lá mục, dưới đáy sông, những bà mẹ đợi chờ con trong tuyệt vọng, những người vợ gửi trọn thanh xuân cho một bóng hình mãi mãi không về, những tàu cau mái rạ, những ngõ nhỏ hằn in dấu chân tuổi thơ,… dường như đồng thanh cất lời tố cáo sự hung hiểm, bạo tàn, phi nhân của chiến tranh: Về đến nơi mẹ ngồi bấm đốt ngón tay/ Hoàng hôn lõm phía trong liếp cửa (…) Mẹ cầu siêu cho lá trầu vàng/ Đợi hết thì cau không về dạm hỏi/ Cầu siêu cho cây vườn/ Lúc bão thì xanh/ Bão tan rồi lại nẫu (…) Chị kể rằng đêm đêm ngọn lửa trở về từ sợi tóc anh/ Cánh cửa buồng tan đi băng giá/ Váy cô dâu quét qua đống bã trầu/ Giọt sương sau vườn bước vô làm chú rể. Đúng như Gjeke Marinaj (tiến sĩ người Mĩ gốc Albania) trong cuốn Những cây liễu rỉ máu đã viết, những người dân Việt Nam chẳng có tội gì, chẳng gây nên một hiểm họa nào cho nước Mĩ, vậy mà họ phải gánh chịu một số phận thảm thương đến như thế.

Đi - Về, hai hành trình ngược chiều nhau, là sự giao thoa của cảm hứng bi - tráng. Nếu Đi là phơi phới niềm tin thì Về là ngậm ngùi xa xót. Nếu Đi bằng sức mạnh lịch sử, sức mạnh dân tộc với ý chí phi thường thì Về là những suy tư trên thân phận con người, trên những cuộc đời bình thường. Ba mươi tháng tư là điểm cuối của hành trình Đi và là điểm quay lại, bắt đầu của hành trình Về. Dù có vẻ trái ngược nhau, nhưng quả thực, cả hai hành trình ấy đều khắc nghiệt, đầy bão giông. Trước họng súng kẻ thù, dưới mưa bom bão đạn, người lính vẫn hiên ngang tiến về Sài Gòn. Nhưng, trước mái tóc bạc của mẹ và vùng mắt u buồn sau liếp cửa, nơi những ngón tay buốt một vùng hương khói, nơi khuôn ngực thấp thỏm cánh diều thanh xuân nén nghẹn…, những người anh hùng có lẽ đã cúi đầu nhận ra cái giá của ngày về quá lớn. Độc lập - Tự do - Thống nhất, cái lẽ bình thường của sự sống mà tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền được hưởng ấy, cả dân tộc đã trả bằng bao máu xương, bao thế hệ, hàng ngàn năm, bằng vạn hành trình ra đi. Về, để sống một cuộc sống hòa bình, với những mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng và bác ái như vốn dĩ, hóa ra, chưa bao giờ là dễ dàng với dân tộc Việt Nam. Thế nên, như một bản năng sinh tồn: Những đứa trẻ lại tập vung roi sắt/ Tập nhổ tre đằng ngà/ Tập làm Thánh Gióng (…) Từ ngõ nhỏ này, ngựa sắt lại bay lên. 

Bản thân hành trình Đi không làm nên sự khác biệt của Ba mươi tháng tư. Hành trình Về dẫu nhập được vào khí quyển của trường ca hậu Đổi mới nhưng cũng sẽ không bật lên được dáng vẻ riêng trước rất nhiều trường ca khác cùng thời. Điểm làm nên cá tính nghệ thuật của Nguyễn Minh Khiêm trong trường ca Ba mươi tháng tư chính là việc cấu trúc nên sự giao thoa của cả hai hành trình Đi - Về ấy. Điểm độc đáo ở đây chính là cùng một tâm chấn nhưng hướng dao động của những vòng sóng lại ngược nhau. Đáng nói hơn, Nguyễn Minh Khiêm đã xử lí tốt hai hành trình này để người đọc không nhận ra sự khiên cưỡng của nó. Hai mạch tự sự - trữ tình giao thoa vào nhau khá nhuần nhị. Người đọc vừa cảm nhận được âm hưởng tráng ca, vừa nhận ra âm hưởng bi ca ngay từ dòng đầu tiên đến khi kết thúc. Năm chương của trường ca Ba mươi tháng tư là năm chặng trên hành trình Đi - Về mà tác giả đã hình dung và duy trì khá bền bỉ, chặt chẽ. Cấu trúc ấy cho thấy tư duy trường ca của Nguyễn Minh Khiêm tương đối vững, để vượt lên những thao tác lắp ghép, dồn nhập vẫn hiện diện trong đời sống thể loại. Trên tinh thần đó, trường ca Ba mươi tháng tư của Nguyễn Minh Khiêm góp thêm vào thành tựu nổi bật của thể loại này trong đời sống văn học hậu Đổi mới.

C.T.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)