Đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh qua ngòi bút Phạm Văn Đồng

Thứ Sáu, 19/01/2018 10:05
. TS. MAI BÁ ẤN
 
Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tâm niệm trọn đời học tập và làm theo Bác, trong suốt cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc những áng văn Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Bác Hồ, nếu nói theo lý thuyết tiếp nhận hiện đại thì đây là những áng văn có giá trị “đồng sáng tạo” rất cao. Dường như, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm đẫm vào cốt cách, tâm hồn của Thủ tướng để từ đó, tái hiện một cách tinh tế những nội dung đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng một văn phong giản dị, trong sáng và đầy hình ảnh, rất Phạm Văn Đồng.
 
1. Đạo đức Hồ Chí Minh
Về vai trò của đạo đức trong cuộc sống, đặc biệt là trong quá trình làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến nhiều lần, trong nhiều tác phẩm khác nhau. Thấu đáo hết những điều ấy, Phạm Văn Đồng đã cô đúc, rằng đối với Hồ Chí Minh đạo đức là linh hồn của cách mạng: “Hồ Chủ tịch rất coi trọng đạo đức cách mạng, đó là linh hồn của người cách mạng” (Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1973, tr.252). Đạo đức Hồ Chí Minh, qua ngòi bút Phạm Văn Đồng, nổi bật lên những phẩm chất sau:
 
1.1. Lòng thương người mênh mông
Về tình thương mênh mông của Bác đối với con người, nhiều thể loại văn học nghệ thuật đã đề cập đến rất nhiều. Ở lĩnh vực thơ, Chế Lan Viên viết: Ôi! Muôn vàn tình thương yêu tỏa ra từ lúc ấy/ Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp núi sông/ Ngỡ trên nghìn đỉnh non cao vạn dòng thác lũ/ Có tình thương của Bác bao trùm (Di chúc của Người). Hoặc trong âm nhạc, Thuận Yến đã khái quát “Bác Hồ - một tình yêu bao la”… Phạm Văn Đồng không phải nhà thơ, cũng không phải là nhạc sĩ, và chỉ với giọng văn chính luận, nhưng cũng đã tài hoa khắc họa Hồ Chí Minh với một “lòng thương mênh mông xúc động”, thấm đẫm chất thơ: “Người mà cả dân tộc tôn làm vị cha già của mình có lòng thương mênh mông xúc động đến tâm can của mọi người. Trong thời kỳ bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là lúc Hồ Chủ tịch rơi nước mắt. Tại Quốc hội, Hồ Chủ tịch vừa khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo sau khi nghe anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam bộ” (sđd, tr.196-197). Văn chính luận mà làm rung động được người đọc thì đích thị là văn chương của một tâm hồn đồng cảm: “Tình nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc và tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chủ tịch” (sđd, tr.252). Vì sao Hồ Chủ tịch có được những “điều sâu sắc và tốt đẹp nhất” ấy? Phạm Văn Đồng lý giải rất đơn giản và thật lòng: “Được thế cũng vì lòng Hồ Chủ tịch rộng như biển cả, bao dung, cảm hóa tất cả mọi người” (sđd, tr.199). Điều đặc biệt là Phạm Văn Đồng đã nhìn ra được bản chất nhân văn “rộng hơn biển cả” của Hồ Chí Minh đối với những đối tượng “lầm đường lạc lối”, những cánh chim Việt “lạc bầy” vì “cảnh ngộ”: “Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy” (sđd, tr.199). Tình thương mênh mông của Bác đối với con người được Phạm Văn Đồng thể hiện đầy tính thuyết phục bởi cái nhìn thấu suốt vừa rất khái quát lại vừa rất cụ thể sinh động cùng một thứ ngôn ngữ chính luận giàu hình tượng: “Tình cảm của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc và tình cảm của dân tộc ta đối với Hồ Chủ tịch là điển hình mẫu mực của mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng, thể hiện tinh thần cao cả của chủ nghĩa Mác - Lênin đồng thời mang sắc thái tình cảm đậm đà của dân tộc Việt Nam ta”. Hồ Chủ tịch hiện thân trong mỗi ngôi nhà, mỗi con người Việt Nam, lắng nghe và thấu hiểu mọi nỗi niềm của con dân nước Việt: “Đối với mỗi nhà Việt Nam, Bác là một người trong gia đình, thân thiết như cha với con. Đối với mỗi người Việt Nam, Bác là lương tâm tuyệt vời trong sáng, luôn luôn thấu hiểu từ bên trong mọi ý nghĩ và nguyện vọng của mình” (sđd, tr.255-256).
 
1.2. Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư 
Có thể nói, cuộc đời Hồ Chí Minh là cả một cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân từ thuở thanh xuân cho đến lúc từ giã cõi đời. Phạm Văn Đồng, bằng tầm nhìn của một nhà văn hóa đã lý giải khá độc đáo và thi vị về chữ Trung và chữ Hiếu của Hồ Chí Minh: “Cần vương dạy trung với vua, nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ vua là nước. Từ đó đến nay, ngai vàng đã trôi theo dòng nước của thời cuộc. Bây giờ hết thời vua rồi, Hồ Chủ tịch chủ trương trung với nước; Hồ Chủ tịch giữ chữ trung cũng như Người hiểu rộng chữ hiếu” (sđd, tr.201-202). Theo Phạm Văn Đồng, “trung với nước, hiếu với dân” theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là lời dạy chúng ta cần phải học tập suốt cả đời, học không biết bao giờ cho xong; nước Việt Nam còn, dân tộc Việt Nam còn thì lời dạy ấy mãi mãi còn vang trong lòng mỗi người dân Việt: “Về phần chúng ta, lâu nay chúng ta đã học câu ấy, từ nay về sau còn học mãi câu ấy không biết bao giờ xong. Bởi vì ngày nào nước Việt Nam còn, dân Việt Nam còn, thì chúng ta còn học tận trung với nước, chí hiếu với dân”. Phạm Văn Đồng cho rằng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu đạo đức là cái gốc của người cách mạng thì “trung với nước, hiếu với dân” là cái gốc của cả đời hoạt động đối với người cách mạng, là cái quyết định để cây đời đâm cành xanh, sinh quả ngọt: “Trung với nước, hiếu với dân là cái gốc của cả đời hoạt động của chúng ta. Gốc vững thì thân cây vững, cành lá tươi tốt, hoa quả xinh đẹp” (sđd, tr.207-208). Đạo trung với nước, đạo hiếu với dân của Hồ Chí Minh không phải là lý thuyết trung hiếu chung chung, cũng không có gì là xa vời, khó học, mà chỉ đơn giản là: “Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước nhà độc lập và phú cường…; Học trung với nước, hiếu với dân là học kháng chiến, kiến quốc…; Học trung với nước, hiếu với dân là học hy sinh tận tụy với nước với dân như trọn đời Hồ Chủ tịch đã làm” (sđd, tr.208).
 
Dưới ngòi bút Phạm Văn Đồng, cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chính là những “mỹ đức cổ truyền” của dân tộc không đơn thuần chỉ là sản phẩm từ trên trời rơi xuống, mà là những mỹ đức được hình thành nên bởi tinh thần anh dũng, bất khuất, máu xương bất diệt của biết bao thế hệ Việt Nam anh hùng: “Trau dồi những mỹ đức cổ truyền của Việt Nam: cần, kiệm, liêm, chính… Hồ Chủ tịch khuyên chúng ta học mỹ đức ấy cũng như Người khuyến khích chúng ta học tinh thần anh dũng bất diệt của biết bao anh hùng” (sđd, tr.202). Đây là bốn “mỹ đức” tiêu biểu của lòng chí công vô tư, vốn có trong truyền thống dân tộc, nhưng đó là những “mỹ đức” sống động, đi theo suốt đời hoạt động của một con người. Vì lẽ đó, không ai được chủ quan bởi tính “cổ truyền” của nó, mà phải thường xuyên ra sức học tập, rèn luyện hàng ngày, hàng giờ: “Học cần, kiệm, liêm, chính. Bốn chữ này bao gồm những mỹ đức cần thiết… tiêu biểu cho lòng chí công vô tư đối với của công, việc công”… Theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, vì sao phải cần, kiệm? Phạm Văn Đồng giải thích bằng một văn phong vô cùng đơn giản và cụ thể: “Chữ cần, chữ kiệm… dân ta phải học vì nước ta nghèo”. Còn “liêm, chính” vì sao phải học?  “Chữ liêm, chữ chính… dân ta phải học vì đó là hai công đức làm nền tảng cho đời sống công cộng của chúng ta” (sđd, tr.212-213). Có thể nói, luận về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, bàn về những vấn đề nghiêm túc của đạo đức con người mà viết được bằng một văn phong vừa gãy gọn, cụ thể, giản dị vừa sắc bén, thuyết phục, sinh động như vậy cũng là một điều hiếm thấy!
 
1.3. Dân chủ, quần chúng
Phạm Văn Đồng cho rằng, dân chủ theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là thứ dân chủ lý thuyết cao siêu mà là thực tiễn, là “nhựa sống” để “cây đời mãi mãi xanh tươi”, có khả năng làm biến đổi cả con người, cả dân tộc, cả đất nước: “Đối với Hồ Chủ tịch, dân chủ không phải là một lý thuyết khô khan. Đó là cái nhựa sống nó biến đổi người Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam”; là chiếc chìa khóa vạn năng “để cởi cái ách thực dân, cái ách phong kiến, cái ách luật lệ lễ giáo cũ kỹ đời trước, cái ách giặc đói, cái ách giặc dốt, cái ách tam tòng tứ đức trói buộc người đàn bà”; là loại vũ khí hữu hiệu nhất để cải hóa con người: “Dân chủ để hóa mọi người Việt Nam thành người giác ngộ, thông minh, tài giỏi, xứng đáng làm chủ vận mệnh của nước, của mình, đem tài năng của mình phụng sự Tổ quốc và làm việc cho mình”. Trước luận điệu tuyên truyền của thực dân cho rằng, Hồ Chí Minh là cộng sản, mà đã là người cộng sản thì độc tài, Phạm Văn Đồng bác bỏ bằng những minh chứng hùng hồn: “Còn nói Hồ Chủ tịch độc tài thì thật là trái ngược đến thành ngu xuẩn… Hồ Chủ tịch là dân chủ, Người bênh vực quyền lợi của mọi người Việt Nam, nhân quyền, dân quyền, và tài quyền của mọi người Việt Nam” (sđd, tr.204).
 
Bên cạnh quan điểm dân chủ, theo Phạm Văn Đồng, quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng được Hồ Chí Minh xem là quan điểm “trọng yếu hơn hết, quý báu hơn hết” trong sự nghiệp cách mạng: “Chúng ta cần hơn hết nhắc nhở và học tập quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch, vì đó là bài học trọng yếu hơn hết, quý báu hơn hết trong sự nghiệp cách mạng của Người” (sđd, tr.215). Về nội dung quan điểm quần chúng của Hồ Chủ tịch, bằng tư duy logic của một người thấm nhuần quan điểm quần chúng, Phạm Văn Đồng nêu ra “mấy điều cốt yếu sau này: 1/ Tin tưởng sức mạnh, năng lực sáng tạo, năng lực cách mạng của nhân dân, của quần chúng… 2/ Phải biết huy động, tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân… 3/ Phải luôn luôn sát nguyện vọng của quần chúng nhân dân… 4/ Vì nhân dân, vì quần chúng mà hi sinh, chiến đấu…”. Người cách mạng vừa là người lãnh đạo quần chúng nhân dân nhưng đồng thời cũng là người học trò cần mẫn của quần chúng nhân dân. Phạm Văn Đồng quan niệm, đây là mối quan hệ biện chứng, khăng khít theo quan điểm quần chúng của Hồ Chí Minh: “Chúng ta lãnh đạo quần chúng nhân dân nhưng đồng thời cũng học tập quần chúng nhân dân, chúng ta là thầy dạy nhưng cũng là học trò của quần chúng nhân dân” (sđd, tr.217-218). Muốn thực hiện tốt quan điểm dân chủ và quần chúng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đề nghị “cần sửa chữa kịp thời những khuyết điểm khá nặng sau đây: 1/ Kém giải thích, trong khi dân vận trước hết và cốt yếu là giải thích; 2/ Không biết cùng nhân dân bàn bạc vì dân chủ nghĩa là cùng với nhân dân thương lượng, bàn bạc, nếu không là quan liêu, nặng hơn chút nữa là quân phiệt, là trái với giáo huấn của Hồ Chủ tịch (sđd, tr.220-221). Sau đó một năm, Phạm Văn Đồng lại nhắc nhở, thấm nhuần quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng” của Hồ Chủ tịch, “chúng ta cần hiểu hai điều cốt yếu: 1/ Mọi việc đều đứng về phía lợi ích nhân dân… 2/ Phụ trách được nhân dân (sđd, tr.225-226). 
 
1.4. Tinh thần trách nhiệm, nêu gương
Phạm Văn Đồng cho rằng, theo Hồ Chủ tịch, nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc của mình là phẩm chất đạo đức của mọi người cán bộ cách mạng từ lãnh đạo cấp cao đến cán bộ cơ sở. Có như thế mới xứng đáng là người lãnh đạo tốt, đủ khả năng giải quyết mọi vấn đề từ trước mắt đến lâu dài của sự nghiệp cách mạng: ““Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Câu nói đó phải được tất cả chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước suy nghĩ… để giải quyết những vấn đề rất quan trọng trước mắt và sau này” (sđd, tr.282). Tinh thần trách nhiệm không chỉ được nêu cao ở những việc làm trọng đại mà còn thể hiện qua những việc nhỏ hàng ngày. Mọi người dù làm việc lớn hay việc nhỏ, nếu “cố gắng hết sức trong công việc của mình” thì đều có “công đức ngang nhau”, không nhất thiết cứ phải cố làm việc lớn mới là nêu cao tinh thần trách nhiệm: “Không làm được việc lớn thì làm được việc nhỏ, miễn là mọi người cố gắng hết sức trong công việc của mình, là đối với Tổ quốc, đối với Hồ Chủ tịch công đức mọi người đều ngang nhau” (sđd, tr.206). Dưới ngòi bút Phạm Văn Đồng, tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh phải được thể hiện ở cả hai bình diện: với cấp trên và với cả với nhân dân, vì hai bình diện này có liên quan mật thiết với nhau: “Trách nhiệm của chúng ta đối với cấp trên của chúng ta cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, bởi vì Chính phủ và Đoàn thể chủ trương việc gì cũng vì nhân dân, đúng với lợi ích nhân dân. Thế mà thường khi chúng ta chỉ nhớ trách nhiệm đối với cấp trên, còn quên hay không biết đến trách nhiệm đối với nhân dân” (sđd, tr.226). Phạm Văn Đồng chỉ rõ, cả cuộc đời Hồ Chủ tịch là tấm gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm từ việc nhỏ đến việc lớn, việc gì Người cũng “đều quý” như nhau, đều tận tụy, chu đáo, đều “làm việc với tất cả tâm hồn cách mạng: “Hồ Chủ tịch làm việc với tất cả tâm hồn của người cách mạng, với tất cả nhiệt tình với nước, với dân. Làm việc cho nước cho dân, mọi việc đều quý, đều phải làm tốt. Hồ Chủ tịch không từ chối việc gì, không khinh việc gì, mọi việc đều làm rất tận tụy, rất chu đáo” (sđd, tr.252).
 
Hồ Chí Minh quan niệm, “một tấm gương sống còn giá trị hơn cả một trăm bài diễn thuyết”, chính vì thế, theo Phạm Văn Đồng, gương mẫu, nêu gương là điều mà Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở chúng ta. Đó là gương mẫu về đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tự tư tự lợi, tham ô nhũng lạm: “Nếu cán bộ chúng ta… mà không chí công vô tư, không cần kiệm liêm chính, nghĩa là tự tư tự lợi, tham ô nhũng lạm thì còn nói gì làm việc nước, việc dân, làm sao kêu gọi nhân dân, giải thích cho nhân dân, bàn bạc với nhân dân… Hồ Chủ tịch thường nhắc chúng ta: cán bộ phải làm gương mẫu. Ý nghĩa câu ấy là như thế” (sđd, tr.223). Chính sự hòa hợp tuyệt vời giữa đời sống vật chất giản dị và đời sống tâm hồn phong phú mà Hồ Chí Minh trở thành một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo: “Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay” (sđd, tr.279).
 
1.5. Đoàn kết, nhất trí để chiến đấu và chống chủ nghĩa cá nhân
Cha ông ta truyền: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao; Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”; Phạm Văn Đồng đúc kết, sức mạnh Hồ Chí Minh, sức mạnh Việt Nam đã làm cho bao kẻ chiến bại phải kinh hoàng, chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết: “Sức mạnh của Hồ Chủ tịch và sức mạnh của dân tộc Việt Nam là chỗ đoàn kết thống nhất ấy” (sđd, tr.197). Và theo Phạm Văn Đồng, người tạo nên sức mạnh Việt Nam mới, nối kết cả truyền thống đoàn kết của dân tộc với thời đại, không ai khác, chính là Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch trong ba mươi lăm năm vừa qua là dìu dắt dân tộc Việt Nam đến chỗ đoàn kết nhất trí, quyết tâm chống kẻ thù không đội trời chung của dân tộc… Thực hiện được sự đoàn kết toàn dân là sự nghiệp to lớn trên con đường tranh thủ độc lập của dân tộc Việt Nam” (sđd, tr.197-198). Không chỉ chủ trương mà hàng ngày hàng giờ, bằng hành động và việc làm của mình, Bác luôn thực hiện sự đoàn kết, là hiện thân của tinh thần đoàn kết: “Hồ Chủ tịch không chỉ chủ trương kêu gọi đoàn kết, mà ngày đêm thực hiện sự đoàn kết ấy. Hơn nữa, Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho sự đoàn kết, chính Hồ Chủ tịch là sự đoàn kết ấy”. Hồ Chí Minh chính là dòng “sông lớn” - nơi hội tụ những con “suối nhỏ”của tinh thần đoàn kết ấy: “Chính sách, chủ trương, con đường chính trị của Hồ Chủ tịch, là sông lớn, nơi hội ngộ của nhiều suối nhỏ, sông con phát nguyên bất cứ ở nơi nào, vào lúc nào. Suối chảy thành sông, nhưng phải gặp sông thì suối mới khỏi khô cạn. Gặp sông, suối biến trong sông, cùng theo một hướng cùng chung một dòng, cùng nhuộm một màu với trời đất”. Đối với một đất nước đang trong giai đoạn có chiến tranh thì đoàn kết đi liền với chiến đấu. Chiến đấu trở thành một phẩm chất đạo đức của người cách mạng, mà Hồ Chí Minh là biểu tượng của tinh thần chiến đấu đó. Đó là tinh thần quyết đánh và quyết thắng, biết đánh và biết thắng: “Chiến lược đó thiên tài ở chỗ nó quyết đánh và quyết thắng, đồng thời biết đánh và biết thắng” (sđd, tr.270). Hồ Chí Minh là người biết gắn sức mạnh chiến đấu hiện tại với quá khứ, dân tộc với thời đại. Đọc văn của Phạm Văn Đồng viết về tư tưởng chiến đấu của Hồ Chí Minh, từng câu chữ cứ thấm vào ta, “rạo rực” tâm hồn ta và “thúc giục” ý chí chiến đấu trong ta: “Ta lắng nghe sức mạnh ấy rạo rực trong người ta, thúc giục ta chiến đấu. Ta lắng nghe tiếng gọi của ông cha trong tiếng gọi của Hồ Chủ tịch… Hồ Chủ tịch lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc ngày nay thuận theo chiều tiến hóa của Việt Nam, đồng thời cũng thuận theo chiều tiến hóa của thế giới” (sđd, tr.202-203).
 
Theo Phạm Văn Đồng, học đoàn kết toàn dân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “là điều quyết định sự tồn vong của dân tộc”; phải học bằng tấm lòng trung thực, thành tâm sửa chữa sai lầm, bổ khuyết thiếu sót: “Hôm nay chúng ta ôn lại bài học toàn dân đoàn kết với tất cả tấm lòng trung thực với nước, với dân, với Hồ Chủ tịch, thành tâm, thành ý sửa chữa sai lầm, bổ khuyết thiếu sót”. Mục tiêu của việc học tư tưởng đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh là nhằm đánh đổ chủ nghĩa cá nhân, bản vị: “Học toàn dân đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ nghĩa, bản vị chủ nghĩa, chủ nghĩa “cái gì của tôi là trên tất cả”. Cái ghế ngồi của tôi, địa phương của tôi, công việc của tôi, ngành hoạt động của tôi, cái gì tốt thì kéo về cho tôi, cái gì xấu thì đẩy cho người” (sđd, tr.209); là để hòa hợp cái riêng của mình vào cái chung của lợi quyền dân tộc: “Học hòa hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc”, chống lại tư tưởng “cô độc hẹp hòi, cố chấp, thành kiến, tự cao tự đại, tự ái tự phụ, nghi kỵ vô căn cớ, xung đột vô nguyên tắc”. Bằng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bằng chính đời sống giản dị, thanh bạch học theo Bác của mình, Phạm Văn Đồng đã thể hiện rõ sự phẫn nộ của chính mình, sự đau đớn, trăn trở của chính mình khi nói về bọn “sâu dân mọt nước”, chỉ vì quyền lợi cá nhân ích kỷ mà đã phạm sai lầm: “Bọn sâu mọt kể trên chỉ coi trọng quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình và bà con thân thuộc… Bọn sâu mọt này cũng vì chỉ biết quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình mà đã phạm nhiều sự sai lầm” (sđd, tr.222). Phạm Văn Đồng quan niệm: Chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là cái quyết định để đoàn kết toàn dân, để xây dựng tinh thần tập thể, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật nhằm rèn luyện mình “trở thành người chiến sĩ cách mạng dũng cảm và kiên cường”. Tất cả đó sẽ tạo nên “sức mạnh không gì thẳng nổi”: “Phải chống chủ nghĩa cá nhân thì mới đoàn kết được đồng chí và đồng bào, mới có tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, tất cả những cái đó là sức mạnh không gì thắng nổi” (sđd, tr.255-277-278).
 
1.6. Nói đi đôi với làm
Trước tình hình có quá nhiều người, đặc biệt là cán bộ chỉ coi trọng “hình thức”, chỉ thích “nói suông”, thiếu tính “thiết thực”; trên cơ sở đạo đức giản dị và thực tiễn của Bác Hồ, Phạm Văn Đồng đã khái quát về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rằng: “Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông, và rất coi trọng việc làm thiết thực. Từ năm 1927,… Bác đã dặn chúng ta: “Nói thì phải làm”” (sđd, tr.288). Với tư tưởng ấy, cả đời Hồ Chủ tịch là một tấm gương đạo đức trong việc thực hiện “lời nói đi đôi với việc làm”: “Đối với người giản dị và lão thực ấy, một câu nói là một việc làm và có làm thì mới nói” (sđd, tr.197). Theo Phạm Văn Đồng, không phải khi trở về nước, trở thành người lãnh đạo cách mạng, trở thành lãnh tụ, Người mới thực hiện điều đó; mà phẩm chất đạo đức ấy đã thể hiện trong cả những ngày Bác lận đận, bôn ba trên bước đường đi tìm đường cứu nước ở mọi chốn, mọi nơi; dấn thân vào trong đời sống lao động và đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên khắp toàn cầu: “Người đã đi tới nhiều nơi trên trái đất, làm nhiều nghề lao động để sống và hoạt động cách mạng, làm quen với sự đau khổ và ý chí đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức khắp năm châu” (sđd, tr.259). Rồi khi trở thành lãnh tụ kính yêu được toàn dân tộc quý mến, Người vẫn tự không cho phép mình một phút giây hưởng thụ khi đất nước còn nghèo, Người tự làm tất cả những việc làm mà mình có thể làm được để không phiền lụy đến ai cho dù đó là những người phục vụ của mình: “Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác, người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay” (sđd, tr.278). Chính vì thế, theo Phạm Văn Đồng, muốn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả thì bên cạnh việc học cụ thể cách ứng xử với người, với việc trên cơ sở của lẽ phải và lòng nhân, còn phải học cái “phép tắc” nêu gương bằng chính việc làm cụ thể của mình: “Học Hồ Chủ tịch cũng là học lối đối xử với người, với việc… lấy lẽ phải mà thuyết phục, lấy lòng nhân mà cảm hóa, lấy việc làm của mình làm phép tắc” (sđd, tr.213).
 
2. Phong cách Hồ Chí Minh
Phong cách sống, làm việc của một con người cũng chính là biểu hiện cụ thể của đạo đức. Với tư tưởng “lời nói đi đôi với việc làm” thì rõ ràng phong cách Hồ Chí Minh là sự thể hiện sinh động, là một tấm gương về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
 
2.1. Giản dị, khiêm tốn, chân thành
Về lối sống, phong cách giản dị, khiêm tốn, chân thành của Hồ Chí Minh, bằng tất cả lòng ngưỡng mộ và tình cảm của mình, Phạm Văn Đồng đã có những đánh giá mang tầm xuyên thấu, đầy tính khái quát: “Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch” (sđd, tr.278). Đó là lối sống giản dị một cách chân thành, không cầu kỳ, không “cố làm trò” để lòe thiên hạ: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lĩnh, cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế” (sđd, tr.193). Giản dị, khiêm tốn, chân thành cả khi gặp gỡ kiều bào ở nước ngoài để thật sự là người cha già gần gũi của những người con lưu lạc xa quê: “Khách đông, phòng khách không đủ ghế ngồi; giản dị, Hồ Chủ tịch ngồi xuống sàn và mời mọi người ngồi thế nói chuyện. Đây không phải là vị Chủ tịch Chính phủ, đây là người cha già ân cần và thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc quê người” (sđd, tr.195). Dưới ngòi bút Phạm Văn Đồng, phong cách Hồ Chí Minh thâu gom cả những triết lý sống tốt đẹp của nhân loại, nhưng cách nói của Người lại chân thành, “giản dị và thống thiết hơn” nhiều: “Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Câu nói đó đã bộc lộ tâm trạng Người, mối tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam” (sđd, tr.197). Dù đi đến tận cùng năm châu bốn bể, “Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam”. Bác sử dụng ngôn ngữ thuần Việt đậm chất ví von, châm biếm kín đáo và thú vị làm lay động lòng người: “Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Người thích lối ca dao vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy” (sđd, tr.193-194). Lúc gian khổ, khó khăn hay cả đến lúc đã là Chủ tịch nước, Bác vẫn rất “thích đời sống giản dị, hồn nhiên ngày trước, đi đến đâu cùng đồng bào, bộ đội ăn cơm, nằm đâu ngủ cũng được, sống gần gũi quần chúng. Và ngày nay Hồ Chủ tịch vẫn sống rất giản dị” (sđd, tr.254). Phạm Văn Đồng cho rằng, mọi tư tưởng, nội dung dù cao siêu vẫn được Người thể hiện qua cách nói, cách viết giản dị, chân thành bởi “suy cho cùng, chân lý, những chân lý lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị”: “Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lý, những chân lý lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị”. Tuy nói, viết một cách giản dị nhưng khi những chân lý giản dị ấy đi vào quần chúng nhân dân, nó sẽ trở thành sức mạnh vô địch: “Nhưng chân lý giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng” (sđd, tr.279-280).
 
2.2. Khắc khổ, cần lao nhưng vui vẻ, tình cảm với một tầm nhìn thấu suốt
Sinh ra, lớn lên trên một đất nước bị nô lệ, đói nghèo, Hồ Chí Minh quyết đi tìm đường cứu nước để giành lại độc lập cho dân tộc, cho nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than. Chính vì thế, trong quá trình lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, Người chấp nhận lối sống khắc khổ, xem sự chịu đựng khắc khổ là phẩm chất cần phải có ở một người lãnh đạo cách mạng ở một đất nước nô lệ, đói nghèo. Phạm Văn Đồng lý giải: “Đời sống của Hồ Chủ tịch là đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai” (sđd, tr.194). Người luôn vui vẻ, chia bùi sẻ ngọt với mọi người không phân biệt ngôi thứ: “Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt nhất nhất như anh em. Có những lúc vì gạo thiếu hay khí hậu nặng, cần ăn ít một chút, Người cũng vui vẻ chịu đựng cùng anh em” (sđd, tr.194). Và chính vì thế, ở Hồ Chí Minh toát lên phong cách sống giản dị, thanh đạm, thoát ra khỏi sự ràng buộc của đời sống vật chất để tìm đến sự thanh thản tâm hồn. Phạm Văn Đồng còn chỉ ra rằng, đã quen với đời sống khắc khổ, Hồ Chủ tịch không thể sống một đời sống khác, không thể chịu lối sống xa hoa: “Đời sống của Hồ Chủ tịch rất giản dị, thanh đạm. Hồ Chủ tịch thường nói, nước ta còn nghèo, chúng ta không thể sống khác đồng bào. Bao lâu quen đời sống khắc khổ, Hồ Chủ tịch không thể có đời sống khác, không thể chịu lối sống xa hoa” (sđd, tr.254). Cũng không ít người cho rằng, Hồ Chí Minh với lối sống khắc khổ của người cách mạng như vậy dễ dẫn đến sự khô khan trong tâm hồn, sự nghiêm khắc trong hành xử. Nhưng không, đã từng sống gần gũi cùng Bác, Phạm Văn Đồng khẳng định: “Có người e đời sống nghiêm khắc ấy không còn chỗ cho tình cảm. Nhưng chính Hồ Chủ tịch thường nói, người cách mạng là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng” (sđd, tr.196). Chính con người có lối sống khắc khổ và vui vẻ chấp nhận ấy lại là người có một tầm nhìn thấu suốt cả quá khứ, hiện tại, tương lai; cả việc nhỏ đến việc lớn, mà không ít người cho rằng Hồ Chí Minh là bậc thánh nhân - “mắt có hai con ngươi”. Nhưng không, đôi mắt với tầm nhìn thấu suốt ấy được Phạm Văn Đồng nêu vấn đề và luận giải rất chí lý, chí tình: “Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi, và tin rằng, vì chỗ đó, Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to” (sđd, tr.193). Với tầm nhìn ấy, Hồ Chủ tịch là người “khôn khéo, mềm dẻo trong sách lược, biện pháp đối xử từ việc lớn đến việc nhỏ” (sđd, tr.244).
 
2.3. Điều độ, lịch sự, ung dung thư thái, cao quý, thanh tao
Hồ Chí Minh rất có ý thức trong việc rèn luyện sức khỏe, giữ một nếp sống, sinh hoạt điều độ hàng ngày. Phạm Văn Đồng nhận xét: “Người vẫn thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm” (sđd, tr.194). Để chống lại sự đe dọa của “sơn lam chướng khí”, Người luôn thực hiện điều độ những kinh nghiệm dân gian truyền lại và thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, siêng năng trong lao động chân tay: “Ở rừng, Hồ Chủ tịch chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa; hoạt động thân thể, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần đi vác củi cho đồng bào” (sđd, tr.195). Theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chủ tịch sống điều độ nhưng không hề cứng nhắc, máy móc, mà từ Người, tỏa ra một phong thái lịch lãm, phong độ thanh tao, cao quý biểu trưng cho cốt cách phương Đông: “Mọi người ngoại quốc có dịp tiếp chuyện Người đều ca ngợi cái phong độ thanh tao cao quý mà họ cho là đặc sắc của người phương Đông”. Lịch sự trong cả cách ăn mặc hợp thời, hợp bối cảnh: “Ở chiến khu, trong cơ quan, Hồ Chủ tịch thường mặc một bộ đồ màu xanh, đi chân đất; về Hà Nội, Người mặc bộ đồ kaki, chân đi giày vải. Nhưng sang Pháp thì Người mang giày da và mặc một bộ đồ nỉ, cổ đứng” (sđd, tr.196). Nắm vững quy luật cách mạng, Người sống ung dung, thư thái, giữ được phong độ bình thản ngay cả khi nguy biến; chính phong thái ấy của người lãnh đạo đã truyền niềm tin để trấn tĩnh mọi người vượt khỏi nguy nan: “Trong 60 năm của cuộc đời chiến đấu, Hồ Chủ tịch luôn luôn ung dung và thư thái, giặc đến bên cạnh vẫn bình thản, và chính trong lúc nguy biến như vậy, người cầm lái lại càng sáng suốt, kiên cường, vững chắc, trấn tĩnh mọi người và vượt khỏi gian nguy” (sđd, tr.279). Người là biểu tượng của sức mạnh, không biết khiếp sợ, hoảng hốt trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó là sức mạnh của người bước đúng trào lưu, nắm vững quy luật tiến hóa và trong lòng vững chắc một niềm tin chiến thắng: “Hồ Chủ tịch là sức mạnh bình tĩnh, không khiếp sợ, không hoảng hốt, đó là sức mạnh của những người sống một nhịp với trào lưu của thế giới, với quy luật tiến hóa của lịch sử, đó là sức mạnh của lòng tin” (sđd, tr.252). Cuộc đời Người đầy sóng gió, hoạt động ở nhiều nơi từ trong nước cho đến nước ngoài, nhưng sóng gió không làm lay chuyển, nhiều nơi không làm thay đổi phẩm chất cao quý của một con người cả một đời vì nước, vì dân, trong sáng, thanh bạch và cao đẹp: “Rất lạ lùng, rất kỳ diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp” (sđd, tr.278). Theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh là sự hòa hợp tuyệt vời giữa những phẩm chất tưởng chừng như đối lập nhau: khắc khổ nhưng không ép xác theo kiểu nhà tu hành; thanh tao nhưng không thoát tục, cao siêu theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật; mà khắc khổ, thanh tao nhưng giản dị, chan hòa, thanh bạch gắn liền với cuộc sống sôi nổi, phong phú và cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt của quần chúng nhân dân: “Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật, Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân” (sđd, tr.279).
 
2.4. Gần gũi, ân cần, niềm nở; vui tính, lạc quan, yêu thiên nhiên
Xuất thân từ một vùng quê nghèo, gắn bó với người nông dân, Hồ Chí Minh luôn sống gắn bó, gần gũi, ân cần và niềm nở với tất cả mọi người dân từ Bắc chí Nam, không phân biệt sang hèn, tầng lớp. Chính vì lẽ đó, Phạm Văn Đồng nhận xét, tất cả những lời kêu gọi của Người đều mang ý nghĩ, tình cảm, ý chí của mọi người dân nên rất thấm thía và hùng hồn: “Hồ Chủ tịch ở bên cạnh đồng bào cả nước, bất cứ ở đâu, từ rừng núi Việt Bắc đến Đồng Tháp Mười… Lời kêu gọi hùng hồn, lời nói thấm thía của Hồ Chủ tịch là ý nghĩ, là tình cảm, là ý chí của tất cả mọi người”. Không chỉ với đồng bào trong nước, khi ở nước ngoài, dù phải tiếp rất nhiều đối tượng khách đến thăm và làm việc, Người vẫn không tỏ ra phiền hà mà luôn ân cần, niềm nở: “Ở Pa-ri, có ngày Hồ Chủ tịch tiếp luôn ba bữa cơm khách, bữa sáng với bạn thân, bữa trưa với khách thường, bữa tối với khách đặc biệt, mỗi bữa có khi kéo dài ba tiếng đồng hồ, nhưng Hồ Chủ tịch thủy chung vẫn ân cần, niềm nở” (sđd, tr.196). Trên cơ sở của tình cảm và sự quan tâm chung đối với mọi người, Phạm Văn Đồng nhận thấy, đối tượng mà Bác dành nhiều hơn sự chăm lo ân cần đặc biệt chính là các chiến sĩ, các cháu thiếu niên nhi đồng, chị em phụ nữ và đồng bào dân tộc ít người: “Thương yêu và quan tâm săn sóc mọi tầng lớp đồng bào, trai gái, già trẻ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài, Bác Hồ đặc biệt ân cần chăm lo các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân,… các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng,… chị em phụ nữ,… đồng bào dân tộc ít người” (sđd, tr.280).
 
Vui tính, lạc quan, yêu thiên nhiên cũng là một phong cách sống nổi bật ở Hồ Chủ tịch. Phạm Văn Đồng tái hiện khá cụ thể và độc đáo phong cách sống của Bác: “Hồ Chủ tịch rất vui tính, vì vốn có cái tính lạc quan của những người quyết chiến quyết thắng ngày nay và quyết xây đắp đời sống tốt đẹp cho dân tộc ngày mai… Hồ Chủ tịch vui thú, nói chuyện, làm thơ, khôi hài” (sđd, tr.196). Là người luôn có tư tưởng quyết chiến, quyết thắng trong cả giai đoạn trường kỳ kháng chiến và cả cho xây dựng tương lai mai sau, với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa lạc quan là nguồn sức mạnh vô địch, nguồn nghị lực dồi dào đối với những người cách mạng chân chính: “Chủ nghĩa lạc quan cách mạng là nguồn sức mạnh vô tận, nguồn nghị lực dồi dào của những người cách mạng chân chính” (sđd, tr.252). Chính phong cách này mà theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh là một con người sống gần gũi với thiên nhiên và yêu thiên nhiên: “Người thích hoa và có kể câu chuyện ở Nga cũng như ở các nước Âu, Mỹ, người ta dùng máy bay chở các thứ hoa ở xa về để trang điểm đời sống hàng ngày ở các đô thị lớn” (sđd, tr.196). Đúng như nhà thơ Hải Như đã viết: Bác yêu trăng như yêu một con người/ Trong thơ Bác trăng với hoa là bạn (Chúng con canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!).
*
*         *
Là một người học trò sống gần gũi cùng Bác, Phạm Văn Đồng cũng đã suốt đời học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chí Minh, mà cụ thể trong các tác phẩm của mình, Phạm Văn Đồng đã học và thực hành một cách thành công lối viết, lối nói của Người: “Học lối viết, lối nói của Hồ Chủ tịch, chữ ít, ý nhiều, câu văn giản dị, gọn gàng, nhưng nội dung đầy đủ, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo” (sđd, tr.213). Văn phong Phạm Văn Đồng chính là sự thể hiện rõ nét của việc học tập và làm theo ấy: “Trong bản Di chúc, Hồ Chủ tịch nói Người sẽ đi gặp Mác, Lê-nin. Những người có tâm hồn mơ mộng có thể tưởng tượng cuộc gặp gỡ lý thú biết bao! Nhưng đời sống chẳng phải bao giờ cũng phong phú hơn tưởng tượng? Và trong đời sống, trong cuộc đấu tranh cách mạng hằng ngày ở nước ta, phải chăng Bác Hồ của chúng ta luôn luôn gặp Mác và Lê-nin, gặp trong đường lối của Đảng, trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và cả trong tâm trí mỗi người Việt Nam ta” (sđd, tr.283). 
 
Viết về đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, dù là văn chính luận, ngòi bút Phạm Văn Đồng vẫn cứ dạt dào tình cảm; cụ thể, ngắn gọn mà sắc sảo, đầy hình ảnh. Đọc những trang văn viết về Hồ Chí Minh của Phạm Văn Đồng, ta nhận ra sự cảm hóa tuyệt diệu đầy tính nhân văn của Bác. Nếu nói “văn là người” thì đồng thời, qua những trang văn ấy, người đọc còn thấy cả đạo đức, phong cách và tài năng của chính tác giả Phạm Văn Đồng - một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
 M.B.Â
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)