Huyền Thư - bên kia đại dương, mang theo cả nỗi niềm xứ sở...

Thứ Sáu, 12/01/2018 00:42
. ĐỖ ANH VŨ
 
Huyền Thư 01
Nhà thơ Huyền Thư
Huyền Thư là bút danh của Tăng Thị Huyền Anh. Em đang theo học ngành quy hoạch đô thị tại New Zealand. Năm 2016, Huyền Thư đoạt giải thưởng tại cuộc thi thơ trẻ New Zealand do Trung tâm viết văn của trường Đại học Victoria tổ chức.

Từ bao đời nay, kẻ làm thơ nào mà chẳng đa cảm. Nhưng cái đa cảm của một người mới hai mươi tuổi phải vượt bao đại dương và quãng đường hàng vạn kilômét để sang xứ người thật nhiều nỗi niềm. Huyền Thư còn trẻ quá, vừa phải lo chuyện học hành để tạo cho mình một tương lai, vừa trót đa mang kiếp thi sĩ, cái kiếp nặng nợ với bao ân tình của thế gian...

Trong một nỗi niềm li hương như thế, nỗi nhớ trong thơ Huyền Thư có hình hài thật lạ. Dường như tất cả những câu chuyện đã qua, những kí ức trong đời đều được phong kín lại trong sự tươi nguyên của nó, như thể đây là chuyện của hiện tại, của ngày hôm nay, của những khoảnh khắc rất gần đây thôi. Tôi yêu những câu thơ tình của Thư, nó là cái rung động đầu đời đầy trong trẻo, cứ ùa ra tự nhiên như dòng suối thấm vào lòng người:



Chạm góc Hà Nội những mùa
                              lá gầy
Hình như em mới vòng qua
Hồ Tây chỗ đôi sâm cầm
              tựa vào nhau rũ mỏ
Nắng mùa Đông ngủ vùi,
                  quên mái phố
Bỏ lại mùa sương giăng

                                (Chạm góc Hà Nội)

Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi một người không phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thời gian sống ở Hà Nội chắc chắn chưa nhiều, vậy mà lại viết được những câu thơ đầy hồn vía đến thế về Hà thành, về những góc phố, những con đường, những mặt hồ in bóng... Chỉ có thể là sự chân thành mới đưa được cái thần của chữ đến với Thư, và ai cũng nhận ra có một Hà Nội của mình trong đó:

Sợi tóc mái
Lòa xòa phủ xuống mặt Hồ Gươm
Và rồi những con đường
Chỉ còn em tự trách mình,
                  nghiêng ngả
Anh có hóa đá
Như tim em và hiện tại
                      chúng mình

 
Xòe đủ bàn tay xanh gân
Giơ năm ngón cho đời mình
                          mạnh mẽ
Vậy mà góc Hồ Tây cứ dịu dàng,
                                khe khẽ
Làm mềm chân em!

                                (Chạm góc Hà Nội)

Cái “dịu dàng khe khẽ làm mềm chân em” ấy, Thư có biết rằng, nó đã chạm tới và làm mềm bao trái tim người đọc. Không hiểu sao, tôi đọc nỗi nhớ của Thư mà thấy như nỗi nhớ của chính tôi, nó truyền thẳng vào lòng để đến nỗi người gai lên, thậm chí có thể rùng mình lên được vì một cơn gió biển trong thơ Thư. Những đoạn thơ như sau đây đã vượt qua cái gọi là kĩ thuật và kinh nghiệm trau chuốt gọt giũa. Nó hay bởi trải nghiệm là có thật, câu chuyện Thư đang nói với chúng ta là có thật, câu chuyện ấy đã trở thành một phần máu thịt của người viết, thế nên có cần chi tu từ hay những lời hoa mĩ:

Mùa Đông năm nay
               anh có còn nhớ những ngày này năm trước nữa hay không?
Bằng giờ bữa đó mình ngồi trên bậc đá cao,
                                     tay run vì gió biển
Nhưng có lạnh đâu!
Sao có thể so với bây giờ?

                (Vẽ lại một mùa Đông khác)

Tình yêu trong thơ Thư có rất nhiều buồn nhớ, nhưng cái buồn nhớ ấy lại cho chúng ta cảm giác trong lành như ngọn gió thổi về từ thời mười tám. Tôi còn có cảm giác nỗi buồn trong thơ Thư có một cái gì lặng lẽ, hiền dịu mà sao khiến lòng mình rưng rưng, thương đến lạ:

Khi đám mây vỡ òa, đổ mưa vào
                            thành phố
Tôi âm thầm xới tung nhánh cỏ
Cho nỗi buồn từ gốc rễ trôi đi

(Chờ dịu dàng ở châu Đại Dương)

Thư sinh tháng mười một và có lẽ cô gái của chúng ta rất yêu loài hoa của tháng này - cúc họa mi. Những nhành cúc họa mi trở đi trở lại trong thơ Thư, tặng cho người đọc những câu thơ thật đẹp, trong trẻo và nguyên khiết như mối tình đầu chẳng bao giờ phai nhạt:

Hãy để lại tháng Mười Một của em một nhành cúc họa mi
                vào khoảnh khắc
                             anh không biết nói thêm gì
 
Sự dịu dàng
sẽ thay cho hết thảy những điều
                        cần phải nói
khi những cánh họa mi ôm ấp
                      niềm mong đợi
thì dẫu tháng ngày đã qua là
                một phần nông nổi
em vẫn gói khổ đau
ném lên tận mây trời
                (Tháng Mười Một của em)

Thơ của Thư còn có những chiều sâu khác làm người đọc phải ngạc nhiên. Đôi khi, những thi ảnh xuất hiện thật táo bạo, khiến ta phải ngỡ ngàng khi một cô gái tuổi còn đôi mươi đã nghĩ đến việc để tang cho tuổi trẻ của chính mình. Nặng lòng với kỉ niệm, nặng lòng với quá khứ ở một người trẻ như thế này thật hiếm thấy:

Về đội khăn tang lên đầu
Thắp nén nhang thơm cho
giọt nước mắt còn nợ người
                         thiên cổ
Mặc lại áo hồi lên năm, lên mười
                    giờ cất vùi trong tủ
Để nhìn lại mình trước gương
bằng cuộn phim đen đỏ ngày xưa

                (Để dành cho hai mươi)

Âm điệu thơ của Thư như một con nước chảy với cường độ ngày càng lớn. Câu chữ tràn bờ. Ban đầu có thể là một dòng suối róc rách, thì thầm khe khẽ. Nhưng rồi suối thành sông, sông qua ghềnh thác, thành biển khơi dâng sóng. Thơ như bản năng nguyên thủy tiên thiên cứ thế ùa về. Vậy mà, cũng có vài lần tôi bắt gặp sự tiết chế. Khi ấy, Thư quay về với lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc. Và, những nỗi niềm thân phận, suy tư đã bật ra khiến ta bâng khuâng rồi ngơ ngác:

Chiều xô giọt nắng vỡ đôi
Hoàng hôn đỏ sợi dáng ngồi
                            xa xăm
Đứng lên dỗ bóng thăng trầm
Người đi mỏi gối
Lặng câm
Gót người
Có thương nhau lúc tối trời?
Mà đi tìm mãi
bóng rơi lúc nào?

                                                (Bóng)

Những dòng lục bát của một người tuổi đôi mươi viết ra trong hơi thở của đương đại mà sao đôi lúc xa xăm cổ kính như một quá khứ vàng son thuở nào. Phải chăng không phải Thư chọn thơ mà thơ đã chọn Thư, nói như nhà thơ Hồng Thanh Quang là những chớp sáng của số phận đã đưa thơ đến và người thi sĩ giống như được thiên sứ chọn:

Đâu cần phải hẹn kiếp sau
Khi còn có thể vì nhau kiếp này
Cứ làm ngọn cỏ, mầm cây
Vô tư như thể đời đầy nắng mai
Ta là ai
người là ai?
Còn mang giấc mộng thiên thai
                      giữa trần?

                (Đâu cần phải hẹn kiếp sau)

Ngay cả thơ tình của Thư, khi được tiết chế, cũng mang đến một âm hưởng khác, đó là một dư vị cổ điển:

Em thức trở mình tiếng kẻng
                         nửa đêm
Nghĩ nếu gặp nhau từ một miền
                                    cỏ úa
Mình nói nhau nghe những điều
                              không tô vẽ
Rồi em bằng lòng
                       đi qua heo may!

                (Đi qua mùa heo may)

Cuối cùng, tôi sẽ nói vì sao tôi đặt tên cho bài viết này là: bên kia đại dương, mang theo cả nỗi niềm xứ sở. Không chỉ chinh phục người đọc bằng những bài thơ tình, thơ Thư còn có cả nỗi niềm quê hương sâu nặng, bao hình bóng quê nhà, là mẹ là cha luôn nhắc gọi trong thơ:

Có những sự thật con không thể
            khước từ thêm dù một chút
Mái đầu ba điểm bạc và mắt mẹ
                                mờ đi
Con làm sao phân bua cho hết
                  những vụng về?
Khi đem yêu thương bỏ lên đôi
               cánh thiên di
                    chở về vùng biển cả

                (Tháng Mười Một)

Trong những câu thơ xúc động về tình cảm gia đình, tôi đã bắt gặp cả những thi ảnh kì ảo, mê đắm:
Con đã đi những tháng ngày
                mê mải
Tóc mẹ đan thêm bao sợi
                    khói chiều
Cha thường ngồi phía đầu hè
                             đăm chiêu
Sao con không để tóc dài như
                                vạt khói?

                                (Khói đồng bằng)

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Thư thời gian vừa qua, đã giúp em là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải thưởng tại cuộc thi thơ trẻ New Zealand, mang tên Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu. Bài thơ chính là tiếng lòng sâu thẳm gửi về quê hương, gửi về đất Việt, trĩu nặng những ân tình. Thơ Thư đã thực sự chinh phục người đọc bằng cảm xúc nồng nàn, cháy bỏng, thành thật. Và, như cái tên của bài thơ đã nói lên, nỗi nhớ quê, cái tình với quê hương không bao giờ là đủ được:

Nhớ rất nhiều là nhớ được
                        bao nhiêu
Có biết những buổi xót lòng đôi
mùa lũ sông ngập đồng lúa chết
Khói rạ chiều quê hun hao gầy
                       mắt biếc
Có cậu bé nhà bên bắt bầy
                             cá diếc
Bỏ tận đáy chum như sợ tuổi thơ
                đi mất cuối ngày

...
Trong nỗi nhớ có hạt nắng
                      bình minh
Có dấu gót giày về trên nền
                             gạch mốc
Trong tiếng mở cửa về cọ diêm
                               đốt thuốc
Là trăn trở nốt xem: nhớ đến
        bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều?


Thơ của Thư, ngoài cái tình với quê hương của mình, còn chạm được cả vào tình nhân loại, không phân biệt sắc tộc, màu da, xứ sở. Tôi thấy lòng Thư rung lên khi chứng kiến những mảnh đời, những số phận ở một phương trời khác, trên một đất nước xa lạ mà em mới đặt chân đến chưa lâu:

Ở góc phố khác có một chàng trai
                              vô gia cư
ôm ghi-ta và hát vang tình khúc
“More than I can say” từ nhiều
               thập kỉ trước
nghe như có điều gì vô cùng
            tha thiết
trên những ngón đàn


Tôi còn muốn trích ra nhiều nữa những câu thơ, bài thơ của Thư. Những câu thơ nồng nàn, ngọt ngào, đầy khát vọng đã chảy ra từ chính cuộc sống có thật của Thư, không chút lên gân cường điệu. Tôi mê cái cảm giác được đắm chìm vào dòng chảy của thơ em, để mình như được đi đến những bờ bến khác, bờ bến của nỗi nhớ, của giấc mơ, của những xứ sở mà tôi còn chưa được đặt chân... Tôi tin Thư vẫn còn viết tiếp, hay là thơ còn tiếp tục chọn em trên những hành trình bất tận đang trải ra phía trước. Và trong em, lúc nào cũng dâng tràn, ắp đầy nỗi niềm với quê hương xứ sở...
 
Đ.A.V

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)