Đoàn Giỏi, người kể chuyện sử thi đất phương Nam

Thứ Sáu, 16/05/2025 01:52

Ngày 17/05/2025 là tròn 100 năm sinh của nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989) một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, gắn liền với đề tài về mảnh đất Nam Bộ và là một tác giả quen thuộc với các em nhỏ qua nhiều thế hệ. Nhân dịp này, bộ ấn phẩm đặc biệt kỉ niệm 100 năm sinh của Đoàn Giỏi do Nxb Kim Đồng thực hiện, cũng ra mắt độc giả.

Từ nhân chứng lịch sử đến người kể chuyện

Trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám, tên tuổi Đoàn Giỏi nổi bật lên như một trong những nhà văn đầu tiên kiến tạo không gian nghệ thuật Nam Bộ trên văn đàn quốc gia. Văn chương của Đoàn Giỏi đắm đuối trong bầu không khí mặn mòi của rừng U Minh, sông nước Cà Mau, chim trời cá lội, cùng kí ức hào hùng của bao lớp người tham gia kháng chiến. Ông không chỉ viết bằng ngôn ngữ, mà còn bằng cả một tâm hồn hóa thân vào đất đai, con người, lịch sử phương Nam.

Nhà văn Đoàn Giỏi.

Sinh năm 1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, thành phố Mĩ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình điền chủ, trí thức Nho học yêu nước, với tên thật là Đoàn Văn Hòa, Đoàn Giỏi trải qua thời niên thiếu giữa khung cảnh thiên nhiên trù phú và đời sống sinh động nhiều sắc màu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời niên thiếu, Đoàn Giỏi học trung học ở Mỹ Tho và sau đó theo tại trường Collège de My Tho, rồi lên Sài Gòn học tiếp trường Petrus Ký. Những năm tháng tuổi trẻ học tại trường Petrus Ký, một trung tâm đào tạo nhiều trí thức bản xứ của Nam Kì, giúp ông tiếp cận nền học vấn hiện đại, đồng thời hình thành tình cảm thiết tha với văn hóa dân gian.

Trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, ông tham gia phong trào Việt Minh. Sau đó, ông công tác tại Sở Thông tin Nam Bộ, làm việc trong ngành tuyên truyền văn hóa và báo chí kháng chiến, rồi tập kết ra Bắc năm 1954. Trải nghiệm sống giữa khói lửa chiến tranh, giữa đời sống sông nước, giữa các cộng đồng dân cư ở các vùng rừng tràm, sình lầy, vùng biên giới phương Nam, đã hun đúc và hình thành trong lối viết của ông một phong cách văn chương đậm chất sử thi, giàu hình ảnh, đồng thời đầy ắp những tư liệu văn hóa.

Khi tập kết ra Bắc, Đoàn Giỏi giữ nhiều chức vụ trong ngành văn hóa, từng làm việc tại Nhà xuất bản Văn hóa. Ông là hội viên sáng lập và từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

Đoàn Giỏi được biết đến là nhà văn đậm chất sử thi, tác phẩm gắn bó sâu sắc với văn hóa, thiên nhiên, con người Nam Bộ. Văn phong của ông mạnh mẽ, giàu hình ảnh, sử dụng nhiều chất liệu dân gian và vốn sống phong phú từ miền sông nước.

Đất rừng phương Nam ra mắt độc giả năm 1957 là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xem như một thiên anh hùng ca của tuổi thơ Nam Bộ trong kháng chiến. Nhân vật chính là bé An, một đứa trẻ đi tìm cha, qua đó tái hiện sinh động khung cảnh miền Tây sông nước và tình nghĩa con người. Tác phẩm này đã được tái bản rất nhiều lần, chuyển thể thành phim truyền hình và bản phim điện ảnh. Một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi và ghi dấu ấn thành công hơn nửa thế kỉ qua trong lòng người đọc như: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Những chuyện lạ về cá, Tê giác trong ngàn xanh, Cá bống mú, Trần Văn Ơn, Rừng đêm xào xạc, Hoa hướng dương, Cuộc truy tầm kho vũ khí v.v…

"Đất rừng phương Nam", tác phẩm gắn liền với tên tuổi Đoàn Giỏi.

Ngoài ra, Đoàn Giỏi còn viết nhiều tùy bút, truyện kí, hồi kí và sách phổ thông về thiên nhiên Nam Bộ.

Sau năm 1975 Đoàn Giỏi về sống tại TP. Hồ Chí Minh, công tác tại Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục dìu dắt nhiều nhà văn trẻ. Ông qua đời năm 1989. Đoàn Giỏi được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố, đặc biệt là ở miền Nam.

Cảm hứng sử thi và không gian thiên nhiên, lịch sử, văn hóa phương Nam

Theo lí thuyết về thể loại văn học, sử thi là hình thức phản ánh cuộc sống cộng đồng trong những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt, nơi các cá nhân hiện diện như những biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần dân tộc và dũng cảm chiến đấu. Khác với sử thi cổ điển như sử thi Iliad của Hy Lạp hay sử thi Ramayana của Ấn Độ, sử thi hiện đại không nhất thiết phải có thần thánh hay huyền thoại, mà có thể khai thác những “tình huống có tính cộng đồng - lịch sử” và cá nhân hóa các biểu tượng thông qua cuộc sống đời thường, như cách nhà nghiên cứu văn học người Nga Mikhail Bakhtin đã gợi mở trong khái niệm “sử thi của thời hiện đại” (Mikhail Bakhtin, The Dialogic Imagination - Trí tưởng tượng đối thoại, University of Texas Press - Đại học Texas xuất bản, 1981)

Trong văn học hiện đại Việt Nam thế kỉ XX, đặc biệt là văn học trong thời kì hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm có yếu tố sử thi nhưng hiếm có người thực sự thể hiện được một kiểu sử thi văn chương có tính chất khu biệt vùng miền với chiều sâu văn hóa như Đoàn Giỏi. Ông không chỉ viết về kháng chiến mà xây dựng cả một không gian lịch sử, văn hóa, địa lí đặc thù Nam Bộ, nơi mà con người, thiên nhiên, tín ngưỡng, phong tục tập quán và lòng yêu nước hòa quyện làm một.

Như vậy có thể nói Đoàn Giỏi không chỉ là nhà văn, mà còn là một nhà biên khảo văn hóa với niềm say mê truyền thống của vùng đất phương Nam. Ông viết bằng tâm thế của “người kể chuyện Nam Bộ”, đan xen giữa tính sử thi và chất đời thường. Văn chương của ông giúp thế hệ trẻ nhận diện một miền Nam hào sảng, nghĩa khí, đồng thời phản ánh sinh động những xung đột xã hội trong bối cảnh kháng chiến và sau đó là tái thiết đất nước. Theo nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ (Văn học Việt Nam thế kỷ XX, 2004), Đoàn Giỏi thuộc thế hệ nhà văn "viết từ hiện thực kháng chiến", nhưng khác biệt ở khả năng "phục dựng không gian văn hóa bản địa" qua ngôn ngữ và cốt truyện.

Văn chương Đoàn Giỏi tuy tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi trong văn học hiện đại Việt Nam, nhưng không sa vào sự khô khan hay tuyên truyền giáo điều. Như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận xét: “Sử thi hiện đại không chỉ là tấm gương chiến công mà còn là tiếng gọi của cội nguồn, của truyền thống dân tộc qua những cá nhân hóa đầy biểu cảm” (Tự sự học - Một số vấn đề lí thuyết và ứng dụng, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011. Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam, nhân vật chính là bé An, một đứa trẻ đi tìm cha, nhưng lại gắn liền với hành trình khám phá lịch sử kháng chiến, đời sống cư dân Nam Bộ và thiên nhiên hoang dã. Không gian rừng U Minh, vùng đất Đồng Tháp Mười, những cánh rừng tràm mênh mông… vừa là địa điểm địa lí, vừa là không gian biểu tượng: “Một đàn cò trắng lặng lẽ bay ngang bầu trời đỏ rực hoàng hôn… Dưới kia, rừng chà là rậm rạp, tối sẫm lại như một khối bóng tối vừa hiện ra từ cổ tích.” (Đất rừng phương Nam)

Trong Đất rừng phương Nam, khung cảnh thiên nhiên chính là một nhân vật sử thi bao trùm lên bối cảnh, mang âm hưởng thiêng liêng và dữ dội, góp phần vào hành trình trưởng thành của nhân vật chính. Rừng tràm, sông nước, bầy chim di cư, cá sấu, ong rừng… được mô tả như những thực thể sống góp phần hình thành bản lĩnh và tinh thần kháng chiến cho các nhân vật. “Những hàng cây chà là dày đặc, âm u và hoang vắng… Mỗi lần An lội qua, như thể đang bước vào một thế giới thần thoại, nơi không có ranh giới giữa sự sống và cái chết.” (Đất rừng phương Nam). Không gian đó có thể được so sánh như một “trường ca của thiên nhiên”, nơi mặt đất và tinh thần dân tộc cùng chung vai sát cánh cùng nhau bảo vệ con người.

Khác với các nhà văn cùng thời lấy cảm hứng sử thi từ những chiến trường và chiến công cụ thể, Đoàn Giỏi xây dựng sử thi bằng việc gìn giữ và biểu dương bản sắc văn hóa phương Nam. Mỗi câu chuyện ông kể đều gắn liền với phong tục tập quán tín ngưỡng Nam Bộ (đình làng, chuyện về cá, về thú vật, văn hóa miệt vườn…) và được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ địa phương giàu màu sắc và âm điệu, góp phần vào việc dân tộc tính hóa tự sự. Đặc biệt, Đoàn Giỏi là người kể chuyện lịch sử bằng những câu chuyện dân gian. Ông thường không kể lại sự kiện lịch sử theo kiểu khô cứng mà qua truyền thuyết, huyền thoại địa phương, như cách miêu tả vùng Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, cồn Gò Công… “Ở vùng này, người ta tin có rắn thần giữ rừng. Bởi thế rừng U Minh từ lâu đã là nơi bất khả xâm phạm của người dân và của tổ quốc.” (Cá bống mú).

Một số tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi.

Điểm cốt lõi của chất sử thi là sự hiện diện của “cộng đồng anh hùng”, những nhân vật không phải cá nhân tách biệt mà đại diện cho tinh thần tập thể. Trong tác phẩm Ngọn tầm vông, ta bắt gặp những hình ảnh người nông dân – du kích – dân chài – cán bộ kháng chiến như một tập hợp những người anh hùng dân dã. “Anh Tư Gò dùng chính cây tầm vông vót nhọn làm giáo. Trong bóng tối, nó phóng đi như một mũi tên của rừng già, cắm vào lòng kẻ địch.” (Ngọn tầm vông). Dụng cụ lao động như ngọn tầm vông, xuồng ba lá, lưới bắt cá… trở thành vũ khí; người dân biến sông nước thành chiến hào, rừng cây thành thành lũy. Đây là sự chuyển hóa từ đời thường sang tính sử thi vốn là một cách viết điển hình của Đoàn Giỏi.

Đoàn Giỏi sử dụng một phong cách tự sự kết hợp giữa tính huyền thoại hóa nhẹ nhàng và miêu tả cụ thể, tạo nên cảm giác vừa chân thực vừa thiêng liêng. Câu văn của ông thường dài, nhiều nhịp, giàu hình ảnh và âm hưởng truyền khẩu: “Trên vùng rừng U Minh bạt ngàn, khi trời tối, người ta nghe tiếng hú của cọp, tiếng kêu xé rừng của chim cú, như lời nhắn nhủ của tổ tiên đất phương Nam còn hiện diện đâu đây.” (Đất rừng phương Nam). Giọng kể này giúp tạo nên một loại “kể chuyện sử thi” giúp cho người viết không chỉ tường thuật mà còn “triệu hồi kí ức tập thể” bằng chất văn giàu nhịp điệu và cảm xúc.

Đoàn Giỏi không chỉ là nhà văn của thiên nhiên, mà còn là nhà văn hóa học bằng ngôn từ văn chương. Ông biến từng con cá, từng cái cây, cọng cỏ, mỗi dòng sông… thành những nhân chứng lịch sử và bản sắc. Chất sử thi trong tác phẩm ông không mang tính tuyên truyền, mà đến từ một tình yêu bản địa sâu thẳm, một tâm thức ghi nhớ tập thể, như cách nhà nghiên cứu văn hóa người Đức Aleida Assmann gọi là “cultural memory” (kí ức văn hóa). Chính điều đó khiến cho văn chương của Đoàn Giỏi khác biệt. Ông không chỉ viết văn chương, mà viết ra một vùng đất bằng tâm hồn sử thi của chính nó.

Theo nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi người Israel Zohar Shavit, văn học thiếu nhi có hai đặc điểm chính là phục vụ chức năng giáo dục xã hội và kiến tạo một thế giới quan phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ. Đoàn Giỏi là một trong những người hiếm hoi đạt được sự dung hòa giữa tính giáo dục và tính thẩm mĩ, không rơi vào minh họa hay áp đặt tư tưởng. Nhân vật An trong tác phẩm Đất rừng phương Nam hay cậu bé Trần Văn Ơn trong truyện kí cùng tên đều đại diện cho mẫu hình “trưởng thành trong thử thách”, nhưng không mất đi nét hồn nhiên và nhân hậu, do vậy có sức sống dài lâu trong lòng người đọc.

Với lối viết đậm chất sử thi, giàu tư liệu và cảm hứng dân gian, Đoàn Giỏi đã xây dựng thành công một “cõi miền Nam” trong văn học thiếu nhi Việt Nam, nơi ở đó trẻ em không chỉ đọc sách, mà đắm mình trong những câu chuyện kể. Di sản ông để lại không chỉ là những tác phẩm, mà là một ý niệm sống động về quê hương, văn hóa, lịch sử và lòng quả cảm mà ông đã gieo vào tâm hồn bao thế hệ trẻ Việt Nam.

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)