Hồ Chí Minh và quan niệm về hạnh phúc

Thứ Hai, 03/07/2017 00:12
HCM 211

. NGUYỄN THANH TÚ

Trong bài Thơ mừng năm 1961 được làm ngày đầu năm mới (1/1/1961), Bác Hồ có mấy câu mở đầu: Mừng năm mới, mừng xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh… Toát lên từ tác phẩm là âm hưởng phơi phới những niềm vui, phấn khởi, tin tưởng, giàu hứa hẹn. Bài thơ còn cho thấy quan niệm của Bác về hạnh phúc: hạnh phúc là đồng nghĩa với những gì tốt đẹp, mới mẻ, đầy tràn hi vọng. Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh không của cá nhân nào mà của tất cả mọi người, không của riêng Việt Nam mà còn của cả thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi cùng nhân loại vì mang giá trị nhân loại phổ quát, gắn liền với nhân loại, mong muốn đưa nhân loại đến cõi hạnh phúc. Xét đến cùng, từ khi xuất hiện, trong lao động và đấu tranh, loài người đều nung nấu một mục đích khát khao vươn tới hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc biểu hiện tính người rõ nhất, điều mà triết học văn hóa trên thế giới hôm nay đang mải mê lí giải, cắt nghĩa, phân tích, khái quát, tổng kết… để tìm ra một mô hình con người văn hóa mới. Nhưng những điều giản dị mà cao cả ấy lại có tương đối đầy đủ và hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mà chúng tôi cố gắng làm rõ phần nào ở bài viết nhỏ này.

Con người hạnh phúc trước hết là con người có lí tưởng, sẵn sàng phấn đấu, cống hiến và hi sinh vì mục đích cao cả, tốt đẹp của dân tộc mình và của nhân loại. Lí tưởng luôn đi cùng, gắn chặt với niềm tin. Người giàu có lí tưởng cũng là người giàu có niềm tin. Thời trung đại có nhà khoa học sẵn sàng lên giàn thiêu chỉ để nói lên chân lí “trái đất quay quanh mặt trời”. Họ đã tin và coi chân lí lớn hơn sự sống của bản thân. Với họ, hạnh phúc là được chết cho chân lí, vì chân lí. Mỗi tôn giáo cũng có quan niệm riêng về hạnh phúc, và các tín đồ sẵn sàng hi sinh cho niềm tin tôn giáo thiêng liêng của họ. Trong lịch sử, thời đại nào cũng có một lí tưởng làm điểm tựa tinh thần, mà điểm tựa ấy sẽ quyết định tính chất, nội dung và sự dài ngắn của thời đại ấy.

Với những người cộng sản như Bác Hồ thì hạnh phúc là dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”(1). Người hi sinh hạnh phúc cá nhân để đi tìm hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Khi dân tộc hạnh phúc thì Người hạnh phúc: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Cho nên Bác Hồ của chúng ta là người hạnh phúc nhất vì có lí tưởng đẹp nhất và đã thực hiện thành công nhất lí tưởng ấy. Người đã đi xa nhưng “điều mong muốn cuối cùng” của Người là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(3) hôm nay đã thành hiện thực. Cả dân tộc này được hưởng hạnh phúc của Người, theo đạo lí “ăn quả nhớ người trồng cây”, đang ngày càng ra sức nhân lên hạnh phúc ấy.

Bác Hồ là người thầy lớn nhất giáo dục lí tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ: “Các cô, các chú có biết vì sao mà cách mạng của ta thành công không? Vì tinh thần”; “Vì sao đoàn kết? Là do tinh thần!... Như các đồng chí ta mà bị hi sinh trong lúc làm việc bí mật trước Cách mạng, bị nó bắt được, nó treo, nó kẹp, nó tra tấn, nó bắn nhưng nhất định không nói, chẳng những không nói mà còn chửi vào mặt nó. Đấy là vật chất hay tinh thần? Trong kháng chiến có chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân ngăn cho súng khỏi lăn, hi sinh lấy tài liệu của địch…, thì đó là tinh thần hay vật chất? - Tinh thần”(4). Từ góc nhìn này thì ngày hôm nay, để xây dựng một xã hội giàu mạnh, một công việc quan trọng là xây dựng lí tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ.

Hạnh phúc luôn bao hàm sự thỏa mãn trong hưởng thụ, gồm hưởng thụ vật chất và hưởng thụ tinh thần. Về phương diện này thì Hồ Chí Minh là người nhìn thấy sớm nhất và có cách giải quyết thiết thực, kịp thời nhất trong lịch sử cách mạng nước ta. Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 nước ta ở trong tình trạng kiệt quệ, dân đói, ngân khố trống rỗng, với tầm nhìn nhân văn mà cụ thể Bác đã đề ra chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và diệt giặc dốt. Người hay nhắc lại thành ngữ cổ “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời) để dạy cán bộ quan tâm đến miếng ăn cho dân. Tháng 8 năm 1945 Uỷ ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có một đoàn đại biểu đồng bào các dân tộc địa phương đến chúc mừng, trong đoàn có vài em nhỏ mình mẩy trần trụi, xanh xao đi cùng. Bác xúc động nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc”(5). Một lời nói giản dị mà chứa đựng khát vọng bao đời của cả dân tộc.

Hồ Chí Minh lãnh đạo dân tộc làm cách mạng đánh đổ chế độ bóc lột để lập ra chế độ vì dân là một tất yếu lịch sử. Kẻ nào phủ nhận thành quả cách mạng năm 1945 thì không chỉ vô tri mà còn vô nhân tính nữa. Để thấy rõ hơn điều đó, hãy đọc lại tác phẩm Giấc ngủ mười năm được Bác viết năm 1949, kí tên Trần Lực, do Tổng bộ Việt Minh xuất bản cùng năm tại Việt Bắc. Đây là tác phẩm văn học lớn, chỉ xin đi sâu vào một khía cạnh: khát vọng nhân văn cháy bỏng về giải phóng phụ nữ. Nhân vật chính trong tác phẩm (xưng “tôi”) là người kể chuyện: “Tôi là Nông Văn Minh, người Nùng Cao Bằng. Sinh năm 1920”(6). Viết theo bút pháp huyền thoại - giả tưởng, tác phẩm đã thể hiện niềm lạc quan, niềm tin về sự tất thắng của cuộc kháng chiến và tiền đồ tươi sáng của đất nước. Đặt vào thời điểm năm 1949 chúng ta càng thấy giá trị, ý nghĩa cũng như tính dự báo của tác phẩm. Đây là tâm trạng của nhân vật “tôi”: “A Di Đà Phật! Tôi không tin lỗ tai tôi. Thế nào? Thị Xuân vợ thằng đi ở chăn trâu mà làm chủ tịch xã? Thị Đào, con đứa ăn vụng cơm bà Bá mà vào Đại học Y khoa? Tôi nghe lầm chăng? Tôi còn ngủ mê chăng? Hay là con tôi nói dối? Hay là thế giới đổi lộn nhào?”(7). Tất cả nói lên tư tưởng: Muốn giải phóng con người phải giải phóng đất nước, muốn con người tự do thì đất nước phải tự do, muốn con người hạnh phúc thì đất nước phải hạnh phúc. Giải phóng con người là đem lại cho con người một cuộc sống mới; hạnh phúc là sự đổi đời từ thân phận nô lệ thành người làm chủ, tự do.

Hồ Chí Minh mong muốn đưa cả dân tộc Việt Nam tới đài vinh quang của tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Với tư tưởng vì con người, con người là tất cả, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc cho dân Bác còn chăm lo cho các cháu thiếu niên nhi đồng được hưởng thụ một nền giáo dục mới. Người gửi bao kì vọng vào thế hệ trẻ: Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà (Tặng cháu Nông Thị Trưng). Giáo dục hiện đại cần kế thừa tư tưởng của Người trong việc chú ý bồi dưỡng tính người dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi ở trẻ em: “Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm nên tránh)”(8). Đây là lời dạy mang tính thời sự sâu sắc vì rất đúng với nhiều trẻ em hôm nay có “triệu chứng già sớm”, mà một nguyên nhân là quá tải về khối lượng kiến thức phải học. Ngay từ lớp một các em đã phải học sáng, học chiều, học tối... không còn thời giờ để vui chơi. Ngành giáo dục nên khắc sâu lời dạy của Bác: “Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội, chúng đều vui đều học...”(9). Đối với trẻ em, việc học phải là hạnh phúc!

Sinh thời Bác đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kĩ thuật. Cần phải học lí luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”(10). Bác là tấm gương tự học, bền bỉ học tập suốt đời, học trong mọi hoàn cảnh, học lí luận gắn liền với thực tế, khi tuổi cao sức yếu vẫn kiên trì học: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...”(11). Xã hội hiện đại ngày càng đề cao tri thức, nếu không được trang bị kiến thức thì con người dễ sa vào tình trạng hoang dã, thú tính do không có những ứng xử tối thiểu trước sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học. Điều này Nguyễn Ái Quốc đã nói từ năm 1921 về trạng thái nô lệ của người An Nam: “Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”(12). Học thức sẽ là tiền đề cho con người sống có trách nhiệm vì họ hiểu được bổn phận của bản thân đối với gia đình và cộng đồng, xã hội. “Nhân bất học bất tri lí”, người không học thì không biết lí lẽ ở đời. Hạnh phúc chính là được học, được cống hiến, sống có trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người.

Bác Hồ là tấm gương vĩ đại về tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia khi cả nước gặp khó khăn. Dân đói, dân rét, Bác nêu tinh thần “cứ ba bữa nhịn một bữa” để góp gạo cứu đói cho dân. Những năm chiến tranh, có món quà gì được biếu tặng, Bác cũng tặng lại cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, sữa để em thơ, lụa tặng già (Tố Hữu). Giữa trời giá rét Người cởi chiếc áo bông đang mặc khoác cho tù binh Pháp, nhắc bộ đội phải cho tù binh đi giày vì họ không quen đi chân không... Đó là tình thương lớn chỉ có được từ tâm hồn vĩ đại bao la, không chỉ thu phục nhân tâm mà còn thu phục cả lương tâm thời đại. Có được một người lãnh đạo như thế là hạnh phúc, hồng phúc, là phúc lớn cho một dân tộc.
N.T.T            
———
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 4, tr. 272; tr. 187. 
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 624.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 10, tr. 580.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương: Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr. 358.
6, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, tr. 82; tr. 87; tr. 250.             
9. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, 1969, tr. 60.
10,11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 13, tr. 90; tr. 273.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 1, tr. 34-35.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)