Tầm hữu vị ngộ - bài thơ tứ tuyệt mang ý nghĩa lịch sử

Thứ Sáu, 16/06/2017 00:06
học tập

. TRIỆU HỒNG

Tháng 9/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Định, Định Hóa, Thái Nguyên, Hồ Chủ tịch chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, thông qua kế hoạch tác chiến 1953-1954. Nơi đây, ngày 6/12/1953, Người và các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị đã họp bàn, ra quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 1/1954, Bác kí quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh; Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm cung cấp. Trước ngày ra mặt trận, Bác gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến làm việc riêng, dặn dò nhiều việc hệ trọng và giao quyền quyết định. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có việc gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay Bác còn dặn: “Trận này quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ngày 5/1/1954 (tức là ngày mồng 1 tháng chạp năm Quý Tỵ), Đại tướng lên đường ra mặt trận.

Thời gian trước đó, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần làm việc với đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, do tướng Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Chính phủ Trung Quốc đã tích cực chi viện cho ta về hậu cần và trang bị vũ khí, kĩ thuật. Tướng Vi Quốc Thanh và đoàn cố vấn đã làm việc hết sức mình đảm bảo cho chiến thắng của Việt Nam.

Trong không khí tưng bừng mùa xuân mới, hàng vạn bộ đội của các đại đoàn chủ lực 308, 312, 316, 320, 351 rầm rập lên đường cùng với hàng vạn thanh niên xung phong, dân công của Khu 4, Khu 3, Khu Việt Bắc, Tây Bắc đi chiến trường phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Khí thế sục sôi chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 
To Huu Phan Tu Bac Tran Dinh Van
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn: Tố Hữu, Phan Tứ; Trần Đình Vân

Vào khoảng trung tuần tháng 1/1954, Bác đi công tác, đến thăm cơ quan Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Tư lệnh đóng trên đồi Đỏm My, Bảo Linh, Định Hóa. Bác còn đến thăm cơ quan đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, ở Bảo Biên, Định Hóa, được nghe báo cáo tướng Vi Quốc Thanh cũng đã lên đường đi mặt trận Điện Biên Phủ. Trên đường về qua đèo De tới nơi ở (đồi Nà Đình, dưới chân núi Hồng thuộc xã Phú Định, Định Hóa, Thái Nguyên), trong trạng thái bồi hồi, rạo rực, cảm hứng của Người hướng về mùa xuân chiến dịch Điện Biên Phủ, tưởng tượng thấy quân ta đang ra trận với khí thế xung thiên. Bác nhớ những khuôn mặt thân quen của cán bộ, chiến sĩ, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng có đủ phẩm chất trí, tín, dũng, nhân, liêm, trung đã được Bác giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chỉ huy đánh thắng địch trong 60 ngày đêm bảo vệ thành Hà Nội, đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân viễn chinh Pháp Thu - Đông năm 1947, chỉ huy bộ đội đánh thắng địch tại mặt trận Biên giới, Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc; bây giờ lại được chính Bác tin tưởng giao nhiệm vụ trọng đại đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mắt xích quan yếu của kế hoạch Navarre, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mĩ. Bác nhớ Vi Quốc Thanh, vị tướng, trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã sát cánh cùng với quân dân ta trong nhiều chiến dịch, nhiều trận, lập nhiều chiến công. Đây là lí do, khi tứ thơ hình thành, Bác cầm bút viết bài thơ bằng chữ Hán Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ (Thăm đồng chí Vi Quốc Thanh mà không gặp) với bốn câu thơ:
Bách lí tầm quân vị ngộ quân,
Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân.
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ,
Mỗi đóa hoàng hoa nhất
                                điểm xuân.


Làm xong, Bác ghi chú thích: “Bách lí: thực lục thập công lí”, nghĩa là đoạn đường thực chỉ 60 cây số. Sáng hôm sau, Bác cho người đem bài thơ đến cơ quan đoàn cố vấn để nhờ chuyển tới đồng chí Vi Quốc Thanh.

Sau này, khi in lại bài thơ trên, các nhà xuất bản đặt tiêu đề mới là Tầm hữu vị ngộ (Tìm bạn không gặp). Dịch nghĩa:
Trăm dặm tìm anh mà chẳng
                                gặp anh,
Vó ngựa giẫm vỡ những áng mây
                                trên đầu núi.
Trở về tình cờ qua một cây
                                      mai núi
Mỗi đóa hoa vàng một điểm xuân.


Giáo sư Phan Văn Các dịch thơ:
Trăm dặm tìm không gặp
                           cố nhân,
Mây đèo giẫm vỡ ngựa
                         chồn chân.
Đường về chợt gặp cây mai núi,
Mỗi đóa hoa vàng một
                                   nét xuân.(1)


Đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, cấu trúc theo khai-thừa-chuyển-hợp. Ở câu khai Bách lí tầm quân vị ngộ quân, Bác không gọi đoàn trưởng cố vấn Vi Quốc Thanh là “đồng chí” hay là “hữu”, mà là “quân”, có ý tôn cao người được gọi. Như người xưa gọi cha là “nghiêm quân”, mẹ là “thái quân”, vợ là “tế quân”, chồng là “phu quân”, bạn bè thì gọi theo họ, họ Nguyễn là “Nguyễn quân”, họ Cao là “Cao quân”… Người dịch nghĩa gọi “anh” là sát nghĩa, người dịch thơ là “cố nhân”, tuy gượng ép nhưng nói lên được quan hệ chân thành của chủ thể với đối tượng được nhắc tới trong thơ. Câu khai đã thể hiện được ý của đầu đề, mở ra một tứ thơ mới lạ và âm hưởng cho cả bài thơ. Từ chữ đến nghĩa cho ta thấy Bác rất tin yêu và đề cao đồng chí đoàn trưởng cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh.

Thế là đủ để thể hiện tình cảm riêng của chủ thể nhà thơ với người được nói đến. Cảm xúc trào dâng, Bác viết câu thừa: Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân, dịch nghĩa: Vó ngựa giẫm vỡ những áng mây trên đầu núi, dịch thơ: Mây đèo giẫm vỡ ngựa chồn chân. Câu này trong thơ Đường luật thể tứ tuyệt tiếp tục ý của câu khai. Chủ thể nhà thơ là Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác, cưỡi ngựa vượt qua núi, qua đèo, qua những con đường quanh co, suối reo. Trước một đỉnh núi cao, hình ảnh người trên lưng ngựa thẳng tiến lên núi, bước chân con tuấn mã như bay lên vững vàng giẫm vụn những đám mây đầu núi. Đây là hình ảnh thơ hùng vĩ, tráng lệ, phi thường. Đọc câu thơ ta thấy Bác rất khỏe, rất vui, cái khỏe, cái vui ấy xuất phát từ tâm hồn lạc quan tin tưởng, yêu thương con người và cuộc sống. Cả hình ảnh thơ và ý thơ này đã làm nên một tứ thơ độc đáo. Tuy vậy, câu thơ dịch Mây đèo giẫm vỡ ngựa chồn chân đã làm mất đi cái tư thế của chủ thể, khí thế của ngựa, sự hùng vĩ của thiên nhiên. 

Câu chuyển là: Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ, dịch nghĩa: Trở về tình cờ qua một cây mai núi, dịch thơ: Đường về chợt gặp cây mai núi. Cả hai đã làm mất đi hình ảnh mai cổ thụ mọc tự nhiên trên núi, dĩ nhiên là mai cổ thụ khác với cây mai thường. Mai cổ thụ ngoài hình ảnh thực còn có ý nghĩa tượng trưng: linh hồn của đất nước mấy nghìn năm đang lặng lẽ vào xuân. 

Câu chuyển như cánh cửa mở ra một ý thơ và hình ảnh thơ mới độc đáo thì câu hợp lại hết sức cụ thể mang tính khát quát cao: Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân, dịch nghĩa: Mỗi đóa hoa vàng một điểm xuân, dịch thơ: Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân. Câu thơ dịch vẫn giữ nguyên tính chất hô ứng như nguyên tác chữ Hán. Hình ảnh thơ có tính chất cụ thể của từng bông hoa vàng, sắc màu rực rỡ, nhưng mỗi bông hoa vàng chứa một nét xuân, một điểm xuân. Mùa xuân như thu lại trong từng bông hoa và hàng trăm, hàng nghìn bông hoa mai vàng mang cả mùa xuân đất nước. Mùa xuân đất nước mấy ngàn năm tươi đẹp, mùa xuân dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đang đến như một quy luật tự nhiên. Câu hợp đã tạo cho cả bài thơ một không khí tươi vui, một cái nhìn lạc quan tin tưởng, một sức mạnh tinh thần phi thường, xuất phát từ chủ thể nhà thơ là lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Khi bài thơ được viết ra, gửi tới mặt trận cũng là lúc trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt lời dặn của Bác Hồ khi nhận nhiệm vụ đã có một “quyết định khó khăn”, thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” được bàn thống nhất từ trước chuyển sang “đánh chắc, thắng chắc”. Đó là quyết định sáng suốt nhất, dựa vào sở trường sức mạnh Việt Nam, để quân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới vào chiều hè lịch sử 7/5/1954, rồi từ đó cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp thành một biểu tượng chung cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên toàn cầu.

Như vậy, bài thơ Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ (Thăm đồng chí Vi Quốc Thanh mà không gặp), tức bài thơ Tầm hữu vị ngộ (Tìm bạn không gặp) của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài thơ tứ tuyệt mang ý nghĩa lịch sử. Các câu thơ gắn kết với nhau theo một cấu trúc nội tại, mỗi chữ là một hạt ngọc được tác giả chọn lọc và sử dụng một cách tài hoa làm nổi bật nội dung tư tưởng; âm hưởng bài thơ cất cánh bay xa bởi các yếu tố thanh luật, nhịp và vần. Người được tặng là trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh tại mặt trận hẳn rất hứng khởi khi đón nhận bài thơ. Và người đọc nhiều thế hệ được cơ hội thưởng lãm bức tranh thiên nhiên tráng lệ, trên đó lồng lộng hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, người chỉ huy tối cao của dân tộc Việt Nam đang ung dung yên ngựa vượt lên đèo, trên cả những đám mây lưng núi, đi vào mùa xuân chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sáng lên từ những bông mai vàng rực rỡ giữa núi rừng ATK Việt Bắc.
T.H
-----
 1. Nguồn: Tuyển tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, 2007, tr.629.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)