Những trang văn dậy mùi đất

Thứ Tư, 31/05/2017 00:47
(Đọc Gia tộc ăn đất, tập truyện ngắn của Lê Minh Nhựt, Nxb Trẻ, 2014)
.  HOÀNG PHƯỚC LỘC
Cà Mau, vùng “địa linh” cực Nam của Tổ quốc, so với các tỉnh Nam Bộ khác, có vẻ như đang “phát” về văn chương. Mươi năm trở lại đây, những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Thúy Kiều, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thị Việt Hà... gắn với những tác phẩm đậm đặc bản sắc vùng miền của họ ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng văn học. Cuối năm 2014, cái tên Lê Minh Nhựt lại được xướng lên khi tập truyện ngắn mới nhất của anh, Gia tộc ăn đất, đã đoạt giải Ba cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V.

Từng theo học chuyên ngành y, từng đến những nơi xa xôi rừng rú để thực hiện nghĩa vụ quân sự, rồi để thực hành chuyên ngành mà mình được đào tạo, nhưng sau cuối, Lê Minh Nhựt quyết định trở về dấn thân cày xới chữ nghĩa trên cánh đồng nhà mình. Văn Lê Minh Nhựt vì thế vừa thao thiết, ám mị bởi chất bản năng, vô thức, vừa gân guốc, vạm vỡ chất đời. 

So với những tác phẩm mà Lê Minh Nhựt đã xuất bản trước đây như Những đám mây bốc cháy, Cổ tích không có bụt… thì Gia tộc ăn đất lần này càng đậm đặc chất Nam Bộ, một Nam Bộ ngổn ngang bộn bề của thì hiện tại. Sẽ có người cho rằng Lê Minh Nhựt thiếu “thức thời” khi trong kỉ nguyên thế giới “phẳng”, ngày càng có nhiều tác giả nói không với vùng miền tính, dân tộc tính nơi tác phẩm của họ (Vũ Đình Giang với Song song, Nhật Phi với Người ngủ thuê chẳng hạn). Nhưng Lê Minh Nhựt lại quan niệm, rằng đào sâu, lùng sục những vỉa quặng của đất và người quê hương xứ sở là sứ mệnh của người cầm bút, nếu không họ sẽ thành kẻ đứng bên lề. Nói gì thì nói, bản sắc vùng miền/dân tộc vẫn là thuộc tính cố hữu của văn học. Tác phẩm văn học muôn đời vẫn là bức khảm bộ mặt văn hóa tinh thần, hứng giữ vô thức tập thể của một cộng đồng nhất định. Mặc dầu cũng nhiều phen cựa quậy thay đổi, chuyển hướng, nhưng rốt cuộc văn hứng của Lê Minh Nhựt vẫn “về với đất”, về với cánh đồng quê hương. Anh không ngại bị cớm bóng bởi những đại thụ văn chương Nam Bộ như Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, hay gần đây là cây bút Nguyễn Ngọc Tư, bởi anh có đường đi riêng của mình.

Rất dễ gặp trong thế giới văn chương của Lê Minh Nhựt những con người lụy tình, câm nín mang vác niềm đau vỡ vì yêu (điển hình là nhân vật Út Ngáo trong truyện ngắn Bên ngoài những cánh rừng). Lụy tình như thể là một trong những “đặc sản” tâm hồn của con người miền Tây xứ anh vậy. Đi vào tập truyện Gia tộc ăn đất, người đọc gặp một bức tranh nông thôn nông dân hiu hắt bần hàn lam lũ với những “mệnh lênh đênh” hoặc vào rừng đốn cây hầm than bán, hoặc bỏ quê làm thuê làm mướn tứ xứ, hoặc hôm cắm sào nơi này mai nhổ sào đi nơi khác… “sống lay lắt qua ngày”. “Xóm này ngày càng hiu hắt. Bông tràm dường như cũng thưa thớt và bớt thơm hơn, mật ong mùa hạn cũng không còn ngọt như trước; mấy đám dây choại cũng chẳng buồn ra đọt non… Chỉ vì xóm này đã không còn đứa con gái nào nữa” (Bên ngoài những cánh rừng). “Qua làn bụi mù mịt đang trôi dần, gã thanh niên nhìn thấy cái xóm nhỏ mốc meo của mình vẫn đang còn say ngủ” (Tình buồn nơi quán cóc).  

 
gia toc an dat 1 1


Tập truyện Gia tộc ăn đất còn mở ra một bức tranh nhân tâm thế sự bất an bất lực bất ổn bởi đất đai được khai phá, trao truyền bằng chính mồ hôi, nước mắt, tính mạng, hồn vía của nhiều thế hệ đang từng ngày từng giờ tuột khỏi tay nông dân, nếu không phải là do thình lình bị “con sông đổi dòng ngoạm mất” thì là do những dự án có tên quy hoạch, giải tỏa nuốt chửng. Những trang văn mang hơi thở cuộc sống, mang tinh thần nhập cuộc như thế giàu sức lay động, thức tỉnh. Bài toán công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra ở nông thôn cần phải có một cách giải tối ưu để không rơi vào bất cập, phi nhân.

Nếu như trong tiểu thuyết kinh điển Trăm năm cô đơn của mình, G.Marquez nói về thói nghiện ăn đất của cô bé Rebecca nhằm để khắc họa sinh động tính chất digan, nhằm để ấn tượng hóa “đặc điểm nhận dạng” của nhân vật này, thì ở truyện ngắn Gia tộc ăn đất, Lê Minh Nhựt đã xây dựng nhân vật chú Út ghiền ăn đất như một biểu tượng đầy ám ảnh, một huyền thoại đắng xót về bi kịch bất lực, chới với, hẫng hụt của người nông dân khi đất đai tiên tổ - báu vật, linh vật - bị trượt khỏi quyền sở hữu của mình. “Chú Út cầm từng viên đất moi được từ dưới ruộng lên và đưa vào miệng mình nhai, nuốt một cách ngon lành”. “Thực ra chú Út vẫn ăn uống bình thường như những người khác nhưng cứ mỗi bữa chú ăn thêm vài hòn đất, được phơi khô qua vài nắng”. “Chú Út lại có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện với người khác về mùi vị của những loại đất ở xóm mình”. Với cư dân của cộng đồng thuộc về nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước thì đất là lẽ sống còn của họ. “Nông dân mà không còn đất đai, ruộng vườn thì còn gì là nông dân” (Gia tộc ăn đất). Lê Minh Nhựt vừa không đứng bên lề quê xứ, không đứng bên lề thời cuộc, vừa biết nâng tác phẩm của mình vượt lên tính thông tấn để chúng được chính danh là văn chương nghệ thuật.

Tập truyện của Lê Minh Nhựt (đặc biệt là các truyện ngắn như Chuyện chẳng đi đến đâu, Gia tộc ăn đất…) rất giàu dữ liệu sinh thái. “Trưa nắng mà giăng võng nằm dưới gốc vú sữa mát rượi, lim dim nghe tiếng cu gù thì bảo đảm ruột gan tê tái”. “Phong bị đánh cắp nhiều thứ, không chỉ là trò tắm sông, bắt cá bống dừa… mà hình như tất cả mọi thứ Phong từng cầm nắm, hít hà đều bỗng dưng tan biến” (Chuyện chẳng đi đến đâu). “Sớm muộn gì đất quê mình cũng bị giải tỏa hết. Bất quá được mua lại một cái nền nhà rồi quanh năm suốt tháng phải sống chung với ô nhiễm” (Gia tộc ăn đất). Con người sẽ bị trả giá rất đắt nếu vô minh từng bước tự hủy hoại dung môi sinh tồn của mình.

Đọc truyện ngắn Đất cháy trong tập truyện của Lê Minh Nhựt khiến tôi liên nhớ đến tiểu thuyết Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương. Sau cuối, cũng như thằng Tính trong Thoạt kì thủy mắt cứ rực lên mỗi khi nhìn thấy con dao chọc tiết lợn sáng quắc của ông Điện, thằng Tẹt trong Đất cháy đã mừng húm khi tìm thấy con dao xếp - chiến lợi phẩm của ông nội thu được sau lần đụng trận với biệt kích Mĩ. Phải chăng tư tưởng khơi vẫy đối thoại ở đây là bản năng ác trong mỗi đứa trẻ ngày một đầy lên bởi những câu chuyện đánh đấm mà người lớn trở về từ chiến trường cứ hồn nhiên hào sảng kể?

“Ở ngoài kia không có cái gì cả”, lời người cha nói với con trai trong truyện Bên ngoài những cánh rừng vừa phản tỉnh chàng trai, rằng không đâu bằng đồng đất quê hương, vừa giễu nhại sự trống rỗng của thực tại. Văn Lê Minh Nhựt tiết chế, đạt đến độ tối giản, lấp lửng đa nghĩa, hóm lẻm tiếng cười ẩn sâu.
H.P.L

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)