Lẩy Kiều trong thơ Bác

Chủ Nhật, 18/02/2018 00:57
. NGUYỄN TIẾN BÌNH

Lẩy Kiều, tập Kiều vừa là thú chơi tao nhã vừa là một biện pháp nghệ thuật trong văn học, rất được các nhà văn, nhà thơ nước ta ưa chuộng, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người thuộc “nằm lòng” và hiểu sâu sắc Truyện Kiều, Bác đã nhiều lần lẩy Kiều, tập Kiều một cách sáng tạo, hợp tình, hợp cảnh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác văn học của mình.

Nhân dịp Tết năm Bính Tuất (1946), nữ sĩ Ngân Giang tặng Bác bức trướng bằng lụa màu phớt hồng rất đẹp, trên mặt trướng có thêu bài thơ của nữ sĩ bằng chỉ kim tuyến: Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo/ Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh/ Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh/ Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh/ Dải Lam Sơn treo gương hào kiệt/ Gò Đống Đa hằn gót viễn chinh/ Mấy thuở không phai hồn chủng tộc/ Muôn năm cờ đỏ dựng thanh bình.

Nhận được món quà của nữ sĩ do đồng chí cận vệ mang vào, Bác đọc xong, cảm động, viết thư cảm ơn nữ sĩ bằng đôi câu thơ lẩy Kiều:
Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc hàng hàng
                              gấm thêu


Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu là câu Kiều thứ 1316. Hiếm có lời khen thơ nào lại khéo và hợp tình đến vậy!   
       
Cũng Tết năm ấy, nữ sĩ Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) tìm mua cam làng Giang (Thanh Hóa) nổi tiếng thơm ngon, mang lên chúc Tết Hồ Chủ tịch. Ngoài cam, nữ sĩ còn gửi tặng Bác một bài thơ, nguyên văn như sau: Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng/ Kính dâng Chủ tịch - tỏ lòng mến yêu/ Đắng cay, cụ nếm đã nhiều/ Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây/ Cùng quốc dân hưởng những ngày/ Tự do độc lập tràn đầy trời Nam/ Anh hùng mở mặt giang san/ Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi. Khi viết thư cảm ơn, Bác cũng dùng phương thức lẩy Kiều, lần này là câu Kiều thứ 3216 (Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai):
Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng,
              từ làm sao đây?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày
                            cam lai


Câu lẩy Kiều này của Bác độc đáo ở chỗ vừa tỏ lòng cảm ơn chân tình đối với người tặng quà, vừa là niềm lạc quan vào tiền đồ xán lạn của dân tộc. 

Không chỉ mượn Kiều để đáp lại tấm lòng yêu kính của văn nghệ sĩ và nhân dân đối với mình, Bác còn lẩy Kiều trong các tác phẩm bàn về cách mạng, kháng chiến. Trong sách Kinh nghiệm du kích Tàu (1941), Bác ca ngợi một nữ du kích Trung Quốc đã dũng cảm, mưu trí đánh giặc bằng hai câu Kiều thứ 2359 và 2360:
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này
                              mấy gan


Cũng trong năm 1941, trong bài Ca binh lính, từ hai câu Kiều thứ 689 và 690 (Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì), Bác đã kêu gọi những binh lính người Việt đang đánh thuê cho giặc hãy quay súng trở về với dân, với nước bằng hai câu:
Trong tay đã sẵn súng này
Quyết quay đánh Nhật,
                      đánh Tây mới đành


Năm 1949, trong bài Đi thuyền trên sông Đáy, từ hai câu Kiều thứ 711 và 712 (Nỗi riêng riêng những bàn hoàn/ Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn), Bác đã viết hai câu thơ :
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san
                                       Tiên Rồng

Những năm ở chiến khu Việt Bắc, Bác luôn phải chuyển chỗ ở để đề phòng kẻ địch và tiện cho việc lãnh đạo chính quyền cách mạng non trẻ. Có lần Bác và các đồng chí phải đi xuyên rừng trong đêm để giữ bí mật. Vừa đi Bác vừa đọc hai câu Kiều thứ 2213 và 2214:
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng
                                   bốn phương


Bác đọc hai câu thơ đến ba lần rồi hỏi: “Truyện Kiều có 3254 câu, tại sao Bác chọn và đọc hai câu này?”. Thấy mọi người ấp úng mãi, Bác nói: “Các chú cứ suy nghĩ kĩ đi, từ đây đến chỗ ở mới, đường còn dài, nên thời gian còn nhiều, ta vui vẻ với nhau bằng Truyện Kiều”. Nhiều đồng chí nghe ba từ “chỗ ở mới” liền xin phát biểu. Bác vui vẻ bảo chú dẫn đường nói trước. Chú này nói: “Thưa Bác, vì chỗ ở cũ, Bác cháu ta mới sống được sáu tháng ạ. Và Bác lưu luyến nơi ở cũ ạ”. Bác nói: “Đúng! Chú giỏi lắm! Bây giờ, chúng ta mạnh bước trên đường tiếp...”. Rồi Bác đọc to và diễn cảm hai câu Kiều tiếp theo, cả đoàn đồng thanh đọc theo Bác trong đêm:   

Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đàng
                                       thẳng rong


Đầu năm 1953, Hội đồng Chính phủ họp, phân công ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Công thương. Hai bộ có trách nhiệm chuẩn bị tiền, gạo… cho kháng chiến. Trước lúc bế mạc hội nghị, Bác nhắc ông Phan Anh đọc thơ cho vui. Ông Phan Anh đứng lên đọc to: Con cò lặn lội bờ sông/ Thóc thuế gánh gồng, tiếng hát véo von/ Mấy lời Bác dạy sắt son/ Mấy sông cũng lội, mấy nguồn cũng qua/ Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu.

Nghe xong, mọi người vỗ tay không ngớt. Bác liền tiếp thêm hai câu Kiều thứ 2227 và 2228 vào cuối bài thơ của ông Phan Anh làm câu kết:

Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau
                                   vội gì


Hai câu Kiều ấy là dự báo thiên tài của Bác về chiến thắng cuối cùng của quân dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Quả nhiên đến tháng 5 năm 1954, sau hơn một năm hội nghị của Chính phủ diễn ra, chúng ta đã làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau hơn năm mươi năm xa quê hương bôn ba hoạt động cách mạng, ngày 14-6-1957, khi trở về làng Sen, Bác nghẹn ngào đọc hai câu thơ:
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Năm mươi năm ấy biết bao
                             nhiêu tình


Hai câu thơ trên, Bác lẩy từ câu Kiều thứ 3070: Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình. Bác chỉ thay từ “mười lăm” bằng từ “năm mươi”, làm hàng vạn người đón Bác hôm ấy rất xúc động.
Trong Di chúc Bác viết:

Còn non còn nước còn người
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng
                       hơn mười ngày nay


Câu thơ trên Bác lẩy từ câu Kiều thứ 557: Còn non còn nước còn dài. Đây là câu lẩy Kiểu cuối cùng của cuộc đời Bác. Bác chỉ thay đổi một từ mà khiến câu thơ trở nên sâu sắc hơn, mang lại cho toàn dân tộc Việt Nam một niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng giặc Mĩ xâm lược, vào tiền đồ tươi đẹp của đất nước.

Qua những câu chuyện và dẫn chứng trên, chúng ta thấy tình cảm và sự trân trọng của Bác với Truyện Kiều nói riêng, với văn chương dân tộc nói chung. Đó là một nét đẹp trong tâm hồn, nhân cách Hồ Chí Minh mà mọi thế hệ người Việt cần lưu giữ và học tập.
   
N.T.B     

Tổ quốc mạnh giàu tươi cảnh tết
Quê hương hưng thịnh thắm hoa xuân
                                       Nguyễn Văn Trụ

                    

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)