Ngăn chặn việc quảng bá quan điểm và sản phẩm văn học - nghệ thuật xấu độc, lệch lạc

Thứ Sáu, 09/02/2018 09:17
. TRUNG VIỆT

Như Nghị quyết Trung Ương 4, khóa XII đã khẳng định, một trong các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là vấn đề: "Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Ðảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Ðảng".

Nhìn từ phạm vi tác động, ảnh hưởng của văn học - nghệ thuật với xã hội và con người thì đây là vấn đề hệ trọng. Vì thông qua tác phẩm, các quan điểm cực đoan, lệch lạc, cách tiếp cận phiến diện và mơ hồ theo phương thức "mưa dầm thấm lâu" rất dễ tác động tới nhận thức, dễ khiến cho người đọc, người xem đi từ nhầm lẫn, ngộ nhận, nghi ngờ đến phủ nhận những giá trị xã hội đã được khẳng định. Ðây là lĩnh vực mà kẻ xấu lợi dụng, tập trung khoét sâu, mở "đột phá khẩu" để từng bước hướng tới mục tiêu làm băng hoại đời sống tinh thần xã hội, làm sa sút niềm tin vào lý tưởng, vào vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, bất mãn với chế độ,... Qua thực tế diễn biến của vấn đề đã được Nghị quyết Trung Ương 4 đề cập, có thể nhận diện qua một số hiện tượng như:

- Tiếp tục khơi dậy, truyền bá loại quan niệm mơ hồ về quan hệ giữa văn học - nghệ thuật với chính trị thông qua việc tuyệt đối hóa tính độc lập tương đối của văn học - nghệ thuật để tách lĩnh vực này khỏi chính trị; đề cao và tuyệt đối hóa cái tôi cá nhân văn nghệ sĩ để kêu gọi tự do sáng tác, tự do báo chí,... qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với văn học - nghệ thuật. Ðặc biệt, được sự phụ họa của các thế lực thù địch, một số người đã không từ thủ đoạn nào để hạ thấp uy tín, bôi nhọ thanh danh một số lãnh tụ cách mạng, một số văn nghệ sĩ nổi tiếng của nền văn học - nghệ thuật cách mạng, một số anh hùng đã trở thành biểu tượng của dân tộc,... Gần đây, có người còn cố gắng đề cao văn học - nghệ thuật miền Nam trước năm 1975 và của người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể và trực tiếp là văn học - nghệ thuật của người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Họ coi đó là "mô hình" mà văn học - nghệ thuật Việt Nam phải hướng tới; theo họ, chỉ như vậy văn nghệ sĩ mới có tự do sáng tác, văn học - nghệ thuật không còn chịu ảnh hưởng, không bị chi phối bởi chính trị. Ðây là xu hướng hết sức nguy hiểm, vì ngầm chứa ý đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng, hướng văn nghệ sĩ tới chỗ sao nhãng, lơ là tư cách công dân, sáng tác chỉ để phục vụ thị hiếu tầm thường, dung tục của một bộ phận công chúng, hướng văn học - nghệ thuật tới chỗ chệch hướng, hư vô, giảm chức năng, vai trò xã hội.

- Nhân danh tiếp cận mới, nhận thức mới để hạ thấp giá trị, thậm chí là để xuyên tạc hoặc phỉ báng một số tác phẩm xuất sắc và một số tên tuổi lớn của văn học - nghệ thuật cách mạng, qua đó hạ thấp ý nghĩa, tầm vóc của văn học - nghệ thuật cách mạng; đồng thời xuất hiện xu hướng ca ngợi, đề cao một số tác phẩm, tác giả vốn đã bị lên án trong quá khứ. Ðây là xu hướng về bản chất là xuyên tạc tầm vóc, xuyên tạc lịch sử của các giá trị có ý nghĩa trường tồn chứa đựng trong các tác phẩm lớn của các tác giả lớn. Ðể làm việc này, một số người soi mói, tìm tòi và khai thác chi tiết cuộc sống đời thường của một số tác giả lớn, cố gắng "trần tục hóa", tầm thường hóa biểu tượng vốn được kính trọng. Thay vì sử dụng tiếp cận mới, nhận thức mới để phát hiện giá trị mới, bổ sung, góp phần cung cấp một cách nhìn hoàn chỉnh về giá trị, ý nghĩa toàn diện của tác phẩm,... thì họ lại cố gắng khai thác thổi phồng một vài chi tiết, một số hạn chế để qua đó phủ nhận tác phẩm, phủ nhận tác giả. Có thể nhận diện xu hướng này chủ yếu tập trung vào một số tác phẩm và tác giả nổi tiếng của nền văn học - nghệ thuật cách mạng.

- Nhân danh hiện đại, lợi dụng việc mở rộng giao lưu, tiếp nhận lý thuyết văn học - nghệ thuật của thế giới để du nhập quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống của xã hội về vai trò và sự phát triển của văn học - nghệ thuật; vô tình (hay cố ý) khi sử dụng một số lý thuyết, một số khái niệm văn học - nghệ thuật du nhập từ nước ngoài để nghiên cứu mà kết quả là hợp thức hóa một số sản phẩm văn học - nghệ thuật mà họ coi là "chống đối, phản kháng". Khi quá trình giao lưu giữa văn học - nghệ thuật của Việt Nam với văn học - nghệ thuật của thế giới ngày càng mở rộng thì các mối quan hệ trong lĩnh vực này đã ngày càng trở nên phong phú. Ðây là một cơ hội để lý luận văn học - nghệ thuật Việt Nam tiếp nhận, học hỏi, bổ sung một số tiền đề cho phát triển. Tuy nhiên, do tiếp nhận còn thiếu tổ chức, thiếu cơ bản, thiếu chọn lọc, thiếu nhãn quan khoa học về tính lịch sử và cụ thể, không chú ý phân biệt cái mới với cái khác, cái lạ,... mà chủ yếu do cá nhân tiến hành, cho nên trong một số trường hợp, việc tiếp nhận lý thuyết văn học - nghệ thuật nước ngoài trở nên manh mún, chủ quan, a dua theo sự tiếp nhận của một vài cá nhân,... Ðây là cơ hội để những người có động cơ xấu lợi dụng, xuyên tạc, phủ nhận các giá trị văn học - nghệ thuật ra đời trong thời kỳ cách mạng trước đây, hoặc sử dụng lý thuyết văn học - nghệ thuật nước ngoài để biện hộ, cổ vũ cho loại sản phẩm không phù hợp với hệ thống tiêu chí tư tưởng và nghệ thuật của văn học - nghệ thuật cách mạng. Thực tế nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng này, nhưng chưa được xem xét, đánh giá, phê phán đúng mức.

- Vài năm gần đây, trong đời sống văn học - nghệ thuật xuất hiện một hiện tượng bất thường là việc dịch, xuất bản một số tác phẩm vốn nổi tiếng là "chống cộng" ở nước ngoài, điển hình là sự kiện một nhà xuất bản đã dịch và xuất bản cuốn Animal Farm của G.Orwell - một tác phẩm "chống cộng", thường được biết đến với nhan đề Trại súc vật lại được đổi thành Chuyện ở nông trại để xuất bản ở Việt Nam, đã bị cơ quan chức năng tiến hành thu hồi (gần đây có tin Một chín tám tư - Nineteen Eighty-Four, một cuốn sách "chống cộng" cũng không kém nổi tiếng của G.Orwell, có thể sẽ được dịch và xuất bản ở Việt Nam?)...

Trên thực tế, các hiện tượng trên biểu hiện hết sức đa dạng, phức tạp, thực hư lẫn lộn, mập mờ, đan xen vào nhau,... chủ yếu diễn ra trên internet, lén lút photocopy truyền tay, xuất bản ở nước ngoài rồi chuyển về trong nước. Một số trường hợp có sự phối hợp giữa người trong nước với người ngoài nước để tung hô một số tác phẩm, một số "giải thưởng" không chính thống. Nếu không sáng suốt nhận diện, rất dễ ngộ nhận về điều họ gọi là "phản kháng" trong văn học - nghệ thuật, trong khi về bản chất, các sản phẩm này chỉ là mượn danh nghĩa văn học - nghệ thuật chống phá chế độ, làm nhiễu loạn nhận thức, truyền bá loại sản phẩm phản giá trị, phi văn hóa vào đời sống. Cần lưu ý các hiện tượng này diễn ra hằng ngày trên internet. Cũng cần nhắc tới tình trạng văn học - nghệ thuật quá tập trung khai thác cuộc sống được coi là hiện đại ở đô thị, chưa quan tâm đúng mức đến cuộc sống và sự phát triển của đông đảo người dân nông thôn, đưa tới sự phiến diện trong nhận thức và phản ánh thẩm mỹ của một số văn nghệ sĩ về con người, đất nước Việt Nam, quảng bá thái quá về quan niệm sống, lối sống lấy văn minh phương Tây làm chuẩn mực...

Từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ như Nghị quyết Trung Ương 4 đã khẳng định, có thể thấy các hiện tượng xảy ra trong văn học - nghệ thuật có quan hệ chặt chẽ với các nguyên nhân này. Do đó, cần nhận thức rằng ngăn chặn việc quảng bá sản phẩm lệch lạc, xấu độc không chỉ là ngăn chặn sản phẩm sau khi đã ra đời mà cần ngăn chặn cả việc truyền bá quan niệm, quan điểm sai trái nhân danh nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật, nhân danh phản biện xã hội. Trước hết cần khắc phục các yếu kém trong công tác cán bộ tại hệ thống cơ quan quản lý văn hóa nói chung, quản lý văn học - nghệ thuật nói riêng, tại hệ thống truyền thông từ trung ương tới địa phương. Từ đặc thù của lĩnh vực, cần coi đó không chỉ là các cán bộ, đảng viên "có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân" mà còn phải là các cán bộ, đảng viên thật sự hiểu biết về văn học - nghệ thuật, có tầm nhìn về xu hướng phát triển, có khả năng tổ chức và phối hợp hoạt động văn học - nghệ thuật theo cả chiều rộng, chiều sâu. Vì vậy, cần tinh lọc, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực này, bồi dưỡng và phát hiện người có tài năng, có đạo đức, tâm huyết với văn học - nghệ thuật. Ðể chủ động giải quyết việc sản xuất, quảng bá sản phẩm văn học nghệ thuật xấu độc, lệch lạc ngay từ gốc, cần phát huy vai trò của Ðảng đoàn, lãnh đạo hội văn học - nghệ thuật từ trung ương đến địa phương; nâng cao trình độ nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, quản lý để đưa việc xuất bản - phát hành văn hóa phẩm, tổ chức biểu diễn, tổ chức công bố tác phẩm,... vào nền nếp; kiên quyết xử lý nghiêm hiện tượng vi phạm. Các cơ quan báo chí cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ thẩm định, không trở thành nơi chuyển tải sản phẩm tiêu cực, hoặc chuyển tải các luận điểm tiêu cực nhân danh phản biện. Sâu xa hơn, dù kết quả chỉ đến sau vài chục năm thì từ bây giờ, cần xem xét, xây dựng, đổi mới quá trình đào tạo văn nghệ sĩ, nhà báo từ trong nhà trường, giúp hình thành sự thống nhất giữa tài năng với đạo đức, trách nhiệm công dân.

T.V
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)