Văn chương và không gian xã hội đương đại

Thứ Năm, 20/07/2017 00:15
LTS: Văn chương xét đến cùng cần phải được đánh giá, nhận diện trong ý nghĩa nhân sinh, xã hội, văn hoá của nó. Không thể và không có thứ văn chương đứng ngoài xã hội. Từ bản chất, trong tính tổng thể của một hiện tượng xã hội, văn chương phát huy giá trị nghệ thuật của mình trong chính những tương tác nghệ thuật và đời sống. Vấn đề này, như thế, luôn mang ý nghĩa thời sự cho những luận bàn của giới nghiên cứu và là một mối quan tâm thường trực của giới sáng tác. Trong bối cảnh đó, trại viết dành riêng cho nghiên cứu, phê bình văn học lần đầu tiên được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức - tại Đại Lải từ ngày 5/5 đến ngày 19/5/2017 - đã có buổi toạ đàm về vấn đề Văn chương và không gian xã hội đương đại do PGS.TS Ngô Văn Giá, TS. Đỗ Hải Ninh, TS. Nguyễn Thanh Tâm và TS. Phạm Duy Nghĩa chủ trì. Dưới đây là những ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình được chọn lọc và tổng hợp lại, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 
TS. Đỗ Hải Ninh: Thưa các nhà nghiên cứu, phê bình, chúng ta có thể nói điều gì về văn chương và xã hội trong không gian đương đại?
PGS.TS. Ngô Văn Giá (Đại học Văn hoá Hà Nội): Trong quan sát của tôi, xã hội hiện nay đang có rất nhiều vấn đề đòi hỏi văn chương cần có thái độ tích cực nhập cuộc. Tuy nhiên, có cảm giác, ngoài sự thờ ơ của một bộ phận người cầm bút, đối với những nhà văn nhập cuộc lại dễ thấy hiện lên thái độ bức xúc đời sống quá mạnh mà bức xúc nghệ thuật lại hơi ít. Nghĩa là gì? Nghệ thuật có cách thức, phương tiện riêng để thể hiện vai trò của nó trong đời sống. Sự xa rời phương thức đặc thù để đề cao, bày tỏ thái độ chính trị, xã hội một cách bức xúc làm lấn át, lu mờ, thậm chí nghèo nàn về giá trị nghệ thuật lại là điều lo ngại không kém sự thờ ơ với đời sống.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội): Tôi thấy nhà văn thờ ơ quá. Nhiều vấn đề nóng bỏng, cấp thiết của xã hội vẫn chưa thấy xuất hiện trong văn chương. Chiến tranh, môi trường, tham nhũng… là những đề tài cần có sự nhập cuộc mạnh mẽ của văn chương. Những chuyện gay cấn, bức thiết như thế không viết thì còn viết cái gì? Riêng với chiến tranh, tôi cho rằng, cần phải được tiếp tục viết bởi những hệ luỵ dai dẳng, nhức nhối của nó. Bom mìn trong lòng đất, nỗi đau da cam, những tập quán từ chiến tranh vẫn còn kéo dài trong đời sống hậu chiến. Do vậy, nhà văn cần đi sâu hơn nữa, khai thác một cách nhân văn hơn, nghệ thuật hơn đề tài chiến tranh. Bên cạnh đó là các đề tài thế sự, xã hội như đã nói.
PGS.TS. Tôn Phương Lan (Viện Văn học): Chiến tranh là một vấn đề lớn của lịch sử, xã hội và nghệ thuật Việt Nam. Tôi cho rằng, chiến tranh không bao giờ bị lãng quên. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, viết về chiến tranh cần phải có những động thái khác với trước đây. Chúng ta đang sống trong thời hậu chiến, đổi mới, toàn cầu hoá. Do vậy, chiến tranh như một kí ức, lại như một câu chuyện của đương đại, cần được nhìn nhận một cách toàn diện hơn, với những soi chiếu nhiều chiều từ thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, không trải qua chiến tranh. Không những thế, chính những người đã trải qua chiến tranh, người trong cuộc cũng cần có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này. Nhìn vào các tác phẩm viết về chiến tranh như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Mình và họ của Nguyễn Binh Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang..., chúng ta có thể nhận thấy dấu ấn của những thay đổi về điểm nhìn, thái độ của nhà văn đối với đề tài chiến tranh. Quan trọng hơn nữa, về mặt xã hội, nó cho thấy những chuyển biến trong tinh thần của con người thời hậu chiến.
PGS.TS. Nguyễn Bích Thu (Viện Văn học): Văn chương đương đại có cách tiếp cận đề tài chiến tranh khác trước. Một trong những điểm khá nổi bật mà tôi nhận ra chính là chiến tranh được ẩn trong những câu chuyện đời thường. Như thế, từ những vấn đề của xã hội trong văn chương, bộ mặt của chiến tranh vẫn được hiện lên. Dĩ nhiên, như cách tiếp cận này, chúng ta sẽ thấy chiến tranh trở thành một câu chuyện bên cạnh, bên trong, song hành, đan cài trong những câu chuyện khác của xã hội đương đại. Từ đây, người đọc đương đại sẽ nhận ra, chiến tranh đã được nhìn nhận, được kể từ góc nhìn thế sự, khác với chiến tranh được phản ánh dưới góc nhìn sử thi như giai đoạn trước. Điểm tôi rất quan tâm chính là, chiến tranh vốn là trung tâm của văn học sử thi, là đại tự sự, là hạt nhân chi phối căn bản đến cảm hứng văn chương thời chiến giờ đây đã chuyển sang một bình diện khác của sự nhận thức, cảm xúc và thể hiện.

 
Tọa đàm tại trại viết Đại Lải
Lễ khai mạc Trại nghiên cứu, phê bình văn học do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Đại Lải ngày 5/5/2017 - Ảnh: Vũ Thành Duy

PGS.TS. Ngô Văn Giá: Từ góc nhìn của những hiệu quả xã hội, theo các nhà nghiên cứu, thế nào là một tác phẩm có giá trị?
TS. Thái Phan Vàng Anh (Đại học Sư phạm Huế): Những quan niệm trong xã hội đã thay đổi. Do đó, để định giá thế nào là một tác phẩm văn học có giá trị chúng ta cần nhiều tiêu chí hoặc ở mỗi tiêu chí, mỗi góc nhìn lại mang đến những định giá khác nhau. Thời bây giờ, người ta không cần nhờ vào văn chương mới có thể tiếp cận hiện thực hoặc tri thức. Đã có những loại hình thông tin khác. Vì thế, văn chương trong tư cách một loại hình nghệ thuật phải tìm được con đường cho mình để đến với đời sống xã hội. Một khi đã đến được với xã hội, là khi giá trị của nó được xác lập. Cũng xin nói thêm rằng, giữa phạm trù tác phẩm hay và phạm trù tác phẩm giá trị, có điểm gặp gỡ nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Vấn đề chúng ta đang nói là giá trị. Vậy thì, ngay giá trị kinh tế, giá trị xã hội, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật… hoàn toàn là những câu chuyện có thể được bàn tới với sự bình đẳng cần thiết.
TS. Nguyễn Văn Tùng (Nhà xuất bản Giáo dục): Là một người làm giáo dục, làm xuất bản, tôi nghĩ rằng, tác phẩm văn học có giá trị là một tác phẩm chạm đến những tình cảm lớn, có tính phổ quát của nhân loại. Nhà trường là một góc nhìn quan trọng và khá cụ thể về vai trò, ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội. Vấn đề học sinh hiện nay chán học văn, theo tôi bắt nguồn từ những bất cập, phiến diện trong chương trình, bộ môn. Muốn thay đổi cần phải bắt đầu từ giáo dục, từ việc nâng cao vai trò, ý nghĩa hay giá trị của văn chương đối với các em học sinh.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hoá Hà Nội): Đánh giá một tác phẩm văn học cần phải cởi mở hơn. Nếu chỉ xem văn học là văn học thì sẽ không có đối thoại. Đối thoại là điều kiện của sự sống còn. Bởi thế, văn học cần phải đối thoại với nhân học, xã hội học, sử học, văn hoá học… Nhà văn phải là một sử gia xã hội, quan sát xã hội và tham dự vào xã hội. Nhà văn đồng thời phải là một nhà nhân học. Như thế, chúng ta phải nói về một hình thái văn chương nhân học. Văn chương là một dữ kiện xã hội, một dữ kiện nhân học. Điều quan trọng là đặt văn chương Việt Nam trong tổng thể Việt học. Tôi có thể ví dụ thế này, những dữ kiện từ việc đọc Truyền kì mạn lục, Tang thương ngẫu lục, Thượng kinh kí sự, Hoàng Lê nhất thống chí… sẽ rất có giá trị đối với việc nghiên cứu Việt học. Chúng ta cần phá vỡ định kiến rằng văn chương, do sự hư cấu nào đó là không đáng tin; ngược lại, những nghiên cứu nhân học, sử học lại đáng tin cậy hơn. Niềm tin đó khiến cho việc đưa văn chương vào xã hội vướng phải những rào cản nhất định. Nới rộng biên độ của văn chương chúng ta sẽ thu được những góc nhìn phong phú, rộng lớn hơn về xã hội.
TS. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học): Vấn đề văn chương và xã hội không phải đến giờ chúng ta mới bàn bạc. Tôi nhớ Lương Đức Thiệp, từ năm 1944 đã có công trình Văn chương và xã hội, trong đó ông đặt ra những vấn đề như làm sao để văn chương có tính cách xã hội, làm sao để văn chương trở thành một lực lượng xã hội, một phương tiện tham dự vào những kiến tạo xã hội, một lợi khí để tranh đấu. Như thế, có thể thấy rằng, Lương Đức Thiệp đã đánh giá giá trị của một tác phẩm bằng khả năng tham dự xã hội của nó. Trong không gian xã hội đương đại của chúng ta, câu chuyện có lẽ cần được nhìn nhận một cách linh hoạt hơn với những vấn đề thuộc về trách nhiệm nghệ thuật, trách nhiệm xã hội của nhà văn. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của nhà văn, và cả nhà phê bình nữa. Có lẽ, khái niệm “dấn thân” sẽ phù hợp hơn trong những quan tâm này của chúng ta. Dấn thân vào nghệ thuật với ý nghĩa đích thực của nó, hiển nhiên cũng chính là dấn thân về mặt xã hội - theo cách của nhà văn. Vai trò của văn chương trong xã hội và xã hội trong văn chương đã trở thành chủ điểm quan trọng trong nghiên cứu của Trung tâm Xã hội học Bordeaux với đại diện là R. Escarpit. Trong đó, những khảo sát, điều tra hay lí giải từ góc độ xã hội học về giá trị tinh hoa, giá trị đại chúng, về tương lai, thân phận của văn chương, nhà văn, nhà phê bình, sự nhập cuộc hay dấn thân… đã được đặt ra một cách thiết thực. Từ đó, nhìn lại nền văn chương của chúng ta, trước những biến động xã hội như đã biết, văn chương thực sự cần bày tỏ giá trị xã hội của mình theo cách mà nó có thể hiện diện một cách đặc thù nhất.
TS. Lê Hương Thủy (Viện Văn học): Tôi nhớ rằng, thời điểm đầu Đổi mới, mối quan hệ giữa văn học, nghệ thuật và xã hội gắn với những đòi hỏi về đổi mới đã được đặt ra một cách rất rốt ráo. Đáng lưu ý là bài phát biểu của Nguyên Ngọc trong hai ngày làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cần phát huy đầy đủ chức năng xã hội của văn học nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh đến sự thái quá của hai quan niệm: văn học phản ánh - minh hoạ; văn nghệ - xướng ca/ hạ thấp và phiến diện về vai trò xã hội của văn học… Rõ ràng, nếu chỉ xem văn học là phương tiện phản ánh hiện thực hay quy chiếu một cách dễ dãi từ hiện thực, vô hình trung chúng ta đã làm văn học nghèo đi, phiến diện và siêu hình. Văn học không thể tách khỏi xã hội, nhưng không vì thế mà nó bị tan biến vào các sự kiện có tính xã hội. Văn học là nghệ thuật, bởi thế, đánh giá giá trị của một tác phẩm văn học cần phải soi xét giá trị nghệ thuật có ích lợi xã hội như thế nào. Cùng với đó, một tương quan song hành là giá trị xã hội của phương diện nghệ thuật đến đâu trong đời sống của tác phẩm. Tôi lấy ví dụ tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Sương mù tháng giêng của Uông Triều, đó là những tiểu thuyết lịch sử nhưng rõ ràng ở đó ẩn chứa những câu chuyện của thời hiện đại, những soi sáng, tái nhận thức hay cảnh báo… mà con người đương đại không thể không nhận ra khi chứng kiến, nghiền ngẫm hiện thực của thời đại mình. Từ đó, tôi rất tán thành với quan điểm của nhà phê bình Mai Anh Tuấn, cần phải cởi mở hơn trong tiếp cận và đánh giá văn học.
Nhà nghiên cứu Đặng Thái Hà (Viện Văn học): Văn chương và xã hội, cuối cùng vẫn là câu chuyện của văn hoá, đời sống. Dưới góc nhìn sinh thái học, tôi chú ý đến những kiến tạo, tác động, làm thay đổi không gian sinh tồn của con người. Những vấn đề đó đi vào văn chương hoặc từ văn chương tham dự vào đời sống như thế nào? Vấn đề sinh thái tinh thần của con người đương đại cũng là một mối quan tâm của sinh thái học nhằm tìm kiếm những cơ chế, phương thức cho phép con người tồn tại một cách khả dĩ nhất trước mọi tác động của tự nhiên và xã hội. Đó là những vấn đề không chỉ của văn chương, nhưng có lẽ, văn chương cần nhận lấy như một trách nhiệm, một sứ mệnh. Đọc văn học Việt Nam đương đại, các nhà phê bình, nghiên cứu hẳn sẽ nhận ra thông điệp về môi trường, không gian sinh tồn, những biến đổi của nó và đời sống con người, muôn loài. Tiểu thuyết viết về nông thôn, đô thị, rừng, biển, khí hậu, thế giới phi nhân loại (non human)… đang minh chứng tinh thần quan sát và can dự xã hội của văn chương. Trong những diễn biến như thế, việc cần mở rộng các biên độ tương tác của văn chương là điều tất yếu.
PGS.TS. Ngô Văn Giá: Như thế, tinh thần khai phóng phải được xem là cốt lõi của các hoạt động văn chương và xã hội hiện nay. Không chỉ là vấn đề liên ngành hay rộng mở như nhà phê bình Mai Anh Tuấn đã nói, ở đây rộng hơn nữa là tâm thế của thời đại toàn cầu hoá hướng đến những giá trị có tính phổ quát. Văn học và xã hội, xã hội và văn học, hay những phạm trù khác nữa, trong tương quan với các hệ giá trị của con người đã, đang được xác lập, khiến cho tinh thần khai phóng hướng đến nhân văn, nhân bản cần phải được xem là giá trị cốt lõi.
TS. Phạm Duy Nghĩa: Thưa các nhà nghiên cứu, phê bình, chúng ta đã nói về giá trị của một tác phẩm đặt trong không gian xã hội Việt Nam đương đại. Đó là câu chuyện khá rộng, với các vấn đề về giá trị nghệ thuật, giá trị thương mại, lịch sử hay văn hoá, nhân học… Như thế, luận điểm thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu, phê bình chính là tinh thần khai phóng trong sáng tạo, tiếp nhận, diễn giải và đánh giá văn chương cũng như sự quan sát và tham dự vào xã hội của văn chương. Bên cạnh đó, câu chuyện về chiến tranh, sinh thái và sự nhập cuộc của văn chương trước các sự kiện nóng bỏng, nhức nhối của xã hội cũng đã được nêu lên và bàn thảo. Văn chương trong xã hội và xã hội trong văn chương là câu chuyện lớn, có tính bản thể và lâu dài, do vậy, từ diễn đàn này chúng ta mới chỉ nêu ra và bước đầu có những đánh giá, luận bàn. Hi vọng rằng trong quá trình sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, vấn đề văn chương và xã hội đương đại tiếp tục là câu chuyện được quý vị quan tâm. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
 
NGUYỄN THANH TÂM ghi

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)