Văn học đích thực trước hết đi đến trái tim

Chủ Nhật, 26/02/2017 00:31
Trực quán: Nguyễn Xuân Thủy
Khách văn: Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan

 
NGUYEN BICH LAN NGUYỄN BÍCH LAN
 
Sinh năm 1976 tại Thái Bình.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.
Đã dịch 30 đầu sách, trong đó bản dịch tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột (của nhà văn Vikas Swarup) đã giành giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam.
Lời nguyện cầu từ Chernobyl (cuốn sách của nữ nhà văn, nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich) là dịch phẩm mới nhất của chị do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2016.


- Xin chào Nguyễn Bích Lan! Chị vừa cho ra mắt bạn đọc dịch phẩm mới nhất, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”. Vẫn biết đây là một trong những tác phẩm đã đưa nữ nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich lên bục nhận giải Nobel văn học 2015, nhưng có lẽ chị chọn dịch tác phẩm này không hoàn toàn vì danh hiệu, giải thưởng của nó và tác giả… Tôi nghĩ rằng phải có điều gì hơn thế nữa chứ nhỉ?
+ Đúng vậy! Lời nguyện cầu từ Chernobyl có thể được coi là cuốn nhật kí hiếm hoi của người Belarus về thảm họa Chernobyl, thảm họa môi trường gây ám ảnh lớn đối với toàn nhân loại. Nếu tôi hỏi bạn, hiện nay vấn đề gì quan trọng nhất đối với người Việt chúng ta, thì chắc chắn trong những vấn đề bạn nêu ra không thể không có vấn đề môi trường. Thực tế, tôi dịch cuốn sách trong những ngày chúng ta căng thẳng đối mặt với thảm họa môi trường do Formosa gây ra đối với biển miền Trung, tôi thấm thía những bài học mà tác giả Svetlana đã gửi gắm tới mọi cư dân của địa cầu thông qua những câu chuyện về Chernobyl mà bà đã ghi lại một cách trung thực bằng lương tri và trách nhiệm của một nhà báo, nhà văn, một người con của quê hương Belarus. Tôi hi vọng làm được một điều nhỏ nhoi là chuyển tải những bài học đó đến với bạn đọc Việt Nam để góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường sống, sự an toàn của chính chúng ta. Văn học đích thực trước hết đi đến trái tim, vì thế tôi tin rằng những thông điệp hữu ích của cuốn sách sẽ “ngấm” vào bạn đọc.

- Đọc “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” tôi bị ám ảnh đến tận cùng bởi những gì mà thảm họa hạt nhân gây ra cho con người. Chị có lẽ cũng thế trong quá trình dịch cuốn sách. Tôi muốn biết cái cảm giác lần đầu khi tiếp xúc với nguyên tác của chị?
+ Như tôi đã nói, tôi dịch nó trong suốt thời gian chúng ta đối mặt với thảm họa môi trường do Formosa gây ra, cảm giác của tôi là choáng váng, lo lắng, và mong muốn mọi người đều được tiếp cận sự thật. Tuy nhiên, vượt trên những cảm giác đó, là cảm giác xúc động đến lặng người, sự đồng cảm sâu sắc đối với những nạn nhân của thảm họa Chernobyl, từ người vợ lính cứu hỏa thiệt mạng đến những con thú cưng bị tiêu hủy để tránh phát tán phóng xạ, những ngôi nhà bị chôn lấp. Như các nhân chứng đã nói, Chernobyl là cuộc chiến của mọi cuộc chiến, từ những con chữ của Svetlana tôi hình dung ra một cuộc chiến không có tiếng súng, mà tính chất và quy mô hủy diệt, nỗi đau thương và sự bất hạnh thật khủng khiếp, không gì bù đắp nổi. Ngay từ lần đầu tiên đọc nó tôi đã biết mình sẽ bị ám ảnh cho đến chừng nào mình còn trí nhớ.

- Vâng! Tôi có thể chia sẻ với chị, tôi cũng tin rằng, những bạn đọc khác cũng sẽ bị ám ảnh bởi những câu chuyện mà Svetlana kể. Chị có nghĩ rằng, ám ảnh là một trong những điều mà một tác phẩm văn chương đích thực cần hướng tới?
+ Nếu chúng ta đọc xong một cuốn sách văn học mà gấp sách lại tâm trí chẳng vướng bận gì tới nó nữa thì tôi cho rằng cuốn sách đó chưa thực sự đặc sắc, chưa thực sự chạm đến trái tim người đọc. Sự ám ảnh của một tác phẩm văn học có giá trị chắc chắn là sự ám ảnh hướng con người ta đến cái thiện, sự thay đổi tích cực, sự quan tâm đến vấn đề mà nó gợi ra. Cũng là một nhà văn, tôi mong muốn tác phẩm của mình, dù là một mẩu truyện cực ngắn, cũng ám ảnh người đọc theo cách đó.

- Trong rất nhiều những thảm họa mà loài người phải chịu đựng, ngoài những thảm họa thuộc về thiên tai thì cũng có nhiều thảm họa thuộc dạng “nhân tai” mà mà chiến tranh hay thảm họa hạt nhân là ví dụ. Có bao giờ chị băn khoăn, tại sao con người càng đi về phía văn minh, ngày càng có vẻ “khôn ngoan” hơn thì lại phải nhận lại những hậu quả nặng nề, thảm khốc hơn do chính mình gây ra như thế?
+ Tôi nghĩ đã đến lúc nhân loại nên xem xét lại cách phát triển của mình. Không thể phủ nhận những tiến bộ của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển và văn minh của nhân loại, nhưng cũng cần phải nói rằng xét theo nhiều góc độ, sự phát triển đó đang khiến chúng ta càng ngày càng xa cách thiên nhiên, càng thiếu sự hài hòa đối với tự nhiên. Một tác phẩm như Lời nguyện cầu từ Chernobyl là lời cảnh tỉnh đối với mọi công dân trên địa cầu này, đó là: bất cứ sự phát triển kì diệu nào của khoa học công nghệ cũng có thể kéo theo những thảm họa khủng khiếp vượt ngoài sức hiểu và khả năng kiểm soát của con người. Dịch cuốn sách này tôi nhớ có một người dân Belarus sống ở khu vực Chernobyl nói: “Họ (các nhà khoa học) dám vuốt râu Chúa, và Chúa cười, nhưng chúng tôi là những người phải gánh chịu hậu quả.”

 
LOI NGUYEN CAULời nguyện cầu từ Chernobyl không chỉ là một tác phẩm văn học. Đó là một tác phẩm lịch sử. Đó còn là một tác phẩm triết học. Không có tác phẩm chính trị học nào bàn về các thể chế, các chế độ chính trị, văn hóa cầm quyền xuất sắc hơn Lời nguyện cầu từ Chernobyl. Đó còn là một tác phẩm xã hội học, tâm lí học. Nhưng trên hết, nó vẫn là một tác phẩm văn học, một tác phẩm văn học đoạt giải Nobel. Gấp trang cuối tác phẩm, tôi thấu đến tận tâm can vì sao Lời nguyện cầu từ Chernobyl là tác phẩm đoạt giải Nobel. Mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi lời độc thoại trong tác phẩm xứng đáng được triển khai nghiên cứu như một luận văn về số phận con người. Cuốn sách thực sự là “liều vắc xin tinh thần” cho mỗi chúng ta trong một xã hội đầy biến động, tai ương và bất trắc.”
Trần Hoài - Giảng viên
Đại học Kinh tế Quốc dân
 
“Tôi thường nghĩ rằng, những dữ liệu đơn thuần, những dữ liệu mang tính kĩ thuật không thể gần sự thật hơn một cảm xúc, một lời đồn đại, một hình ảnh mơ hồ. Tại sao chúng ta cứ lặp lại những dữ liệu – chúng che giấu cảm xúc của chúng ta. Sự phát triển của những cảm xúc này, những cảm xúc lọt qua những dữ liệu, là điều cuốn hút tôi. Tôi đã cố gắng tìm chúng, sưu tập chúng, bảo vệ chúng.
Những con người này đã chứng kiến những gì mà đối với người khác vẫn còn là điều chưa biết. Tôi cảm thấy như thể mình đang ghi chép tương lai”.
                                                      Nhà văn Svetlana Alexievich

- Trở lại với câu chuyện văn chương và tác phẩm chị vừa dịch, vậy có thể hiểu tác phẩm của Svetlana Alexievich theo cách đời sống này mạnh hơn mọi hư cấu, đã ở tận cùng của hư cấu nên không cần phải hư cấu thêm nữa hay cũng chỉ nên coi việc từ những câu chuyện đắt giá có thể để viết như một thủ pháp, một kĩ thuật viết của nhà tiểu thuyết?
+ Mỗi người sẽ có cách đánh giá của riêng mình về mục đích cũng như phong cách viết của Svetlana. Riêng tôi, khi đọc và dịch tác phẩm này, tôi luôn nhớ bà là một nhà báo! Một nhà báo hiếm hoi có tài năng và trái tim đủ để nhìn xuyên qua những dữ liệu đơn thuần và khô cứng để thấy được những dòng cảm xúc tuôn chảy ở bên dưới, đủ sức mạnh và khả năng để bảo tồn nó, giúp nó thoát qua “kẽ” của các dữ liệu, đến với bạn đọc với trữ lượng văn chương đủ dồi dào để tạo nên một tác phẩm rung động lòng người, khơi gợi sự tưởng tượng, làm giàu cho kho báu nhân văn trong trái tim độc giả.

- Tôi cũng là một người làm báo. Và khi tôi đi những bước đi đầu tiên với văn chương đã có nhiều bậc đàn anh nói với tôi rằng, không cẩn thận việc viết báo sẽ làm hỏng ngòi bút viết văn. Cá nhân tôi, đến bây giờ nhìn lại, thì tôi thấy điều đó hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, ở trường hợp của Svetlana (và một số người nữa) thì những kĩ năng tác nghiệp báo chí đã dẫn bà tới những kho báu, những mỏ vàng thẳm sâu của văn chương. Chị nhìn nhận thế nào về điểm gạch nối nghề báo – nghiệp văn này?
+ Nếu không có nhiều năm là nhà báo điều tra thì Svetlana không thể có những tác phẩm văn chương được tôn vinh bằng giải thưởng Nobel và một giải thưởng còn lớn hơn thế là sự tìm đọc của độc giả như khắp thế giới. Vì mối quan tâm ngày càng tăng của độc giả đối với văn chương phi hư cấu mà một tác giả như Svetlana được chú ý hay chính những người cầm bút như bà đã khiến cho thể loại văn chương phi hư cấu trở nên cuốn hút đối với độc giả? Tôi nghiêng về khả năng thứ hai. Tôi tin rằng những trải nghiệm thực tế mà một người cầm bút có chỉ đóng góp tích cực cho anh ta chứ không làm mòn sự sáng tạo của anh ta.

- Ngoài “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” chị còn đọc các tác phẩm khác của Svetlana? Chị đánh giá thế nào về sự lựa chọn “phi hư cấu” khi theo đuổi văn chương của bà?
+ Không chỉ đọc, sau Lời nguyện cầu từ Chernobyl tôi sẽ tiếp tục dịch hai tác phẩm của bà, trong đó có cuốn Zinky Boys (Những chàng trai kẽm), một tác phẩm đặc sắc chẳng kém gì cuốn về thảm họa Chernobyl. Tôi cũng đã đọc một số tác phẩm khác của bà bằng tiếng Anh. Tôi thực sự bị thuyết phục. Tôi tin rằng bà được sinh ra để tạo ra các tác phẩm văn chương phi hư cấu hoặc bà là người may mắn đã chọn đúng việc mà bà làm tốt nhất. Tôi khâm phục và kính nể bà ở góc độ một người con Belarus yêu đất nước đến mức nồng nàn cả trong đau đớn và ở góc độ một nhà báo, nhà văn đầy trách nhiệm và có ý thức tôn trọng sự thật hết mức.

- “Phi hư cấu” là thuật ngữ gần đây được nhắc đến khá nhiều, và người ta sẵn sàng tôn vinh nó ở giải thưởng văn chương danh giá nhất. Là một dịch giả, chắc hẳn chị cũng thường xuyên theo dõi đời sống văn chương thế giới, chị nhìn nhận về điều này thế nào? Đâu là giá trị văn chương của những tác phẩm phi hư cấu theo chị?
+ Tôi nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta thay đổi hàng ngày. Giải Nobel cũng đang có những đổi thay. Theo tôi giải Nobel văn chương có xu hướng được trao cho bất cứ người nào là tác giả của bộ tác phẩm nghệ thuật hàm chứa chất văn chương đủ để tôn vinh: văn chương trong tác phẩm phi hư cấu, văn chương trong ca từ của các ca khúc,… Riêng về giải Nobel văn chương được trao cho Svetlana Alexievich tôi bị thuyết phục hoàn toàn. Trữ lượng văn chương trong các đoạn độc thoại của Lời nguyện cầu từ Chernobyl đầy đủ tính thuyết phục để tác giả của nó chạm tới giải thưởng danh giá nhất. Tôi đang đọc các tác phẩm khác của bà và tôi càng bị thuyết phục nhiều hơn.

- Bây giờ, chị đã có trong tay đến ba chục đầu sách dịch. Nghĩ một cách khiêm tốn thì mỗi cuốn sách dịch xong lại là như một bài học mới vừa hoàn thành. Ngoảnh lại một chút, có nguyên tắc nào hay có điều gì chị cho là đúng mà sau một thời gian vài ba năm làm việc, trải nghiệm thực tế, ngồi ngẫm lại chị lại thấy rằng chưa hẳn như thế, thậm chí không phải như thế?
+ Bài học mà tôi nhìn lại sau khi một tác phẩm mà mình dịch đã được xuất bản là: chưa bao giờ sự cố gắng hết sức của mình, sự cẩn trọng hết sức, sự nghiêm túc hết sức của mình là thừa khi dịch một tác phẩm văn học. Dù đã dịch 30 tác phẩm, tôi vẫn không đủ kiêu hãnh và trải nghiệm để nói rằng “mình thừa sức dịch cuốn sách này!”. Cuốn sách nào tôi dịch khi đọc lại tôi cũng tìm thấy những lỗi, hoặc những câu, từ mà đáng lẽ tôi đã dịch hay hơn nếu tôi sáng suốt, và chịu khó suy nghĩ sâu hơn nữa.

- Nhân thể nói đến việc viết, có thể coi nó như phần còn lại của Nguyễn Bích Lan sau việc dịch? Việc viết của chị dạo này thế nào?
+ Một năm tôi dịch từ ba đến bốn tác phẩm vì thế khoảng thời gian rỗi của tôi còn rất ít. Tôi tận dụng những “quãng ngắn” của thời gian để viết các truyện ngắn và cực ngắn. Nếu bạn theo dõi, sẽ thấy tôi thường xuyên đăng các tác phẩm nhỏ của mình trên các báo. Tôi muốn khai thác tối đa sức sáng tạo của mình để mang đến những sản phẩm văn hóa hữu ích cho độc giả.

- Cám ơn chị đã chia sẻ và chúc chị sớm có thêm dịch phẩm mới!  


 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)