Một góc nhìn truyện ngắn 2016

Thứ Năm, 02/02/2017 09:25
.  MAI ANH TUẤN

Nếu sốt ruột chờ đợi cái gọi là “tác phẩm lớn” của văn chương Việt, theo tôi, ngày càng khiến chúng ta quên mất những sáng tạo “cỡ vừa”, dù chẳng thể đọng lại lâu hơn một tuần trên giá sách, nhưng phần nào cho biết diện mạo, hiện trạng văn đàn hôm nay. Là độc giả, tôi chấp nhận mọi sự, kể cả sự lưng chừng rất khó chịu của những cây bút đã thành danh, để tìm đọc và có thể cảm thấu đôi điều về một vài hiện tượng văn chương trong năm 2016. Bài viết này, vì thế, không hướng đến bao quát chung mà chỉ dừng lại ở những tập truyện ngắn thực sự gây ấn tượng, dĩ nhiên, trong cái nhìn của tôi.
 
Một tiếp nối không dễ dàng
Nhìn lại vài năm gần đây, đã có lúc tiểu thuyết và nhất là tản văn, bất kể thực chất thế nào, đều gần như chiếm ưu thế trên các diễn đàn phê bình báo chí, truyền thông. Việc tiểu thuyết nghiễm nhiên được chào đón không chỉ vì danh tiếng thể loại mà còn vì, về cơ bản, cho đến hôm nay, khả năng đi tới những độc sáng về bút pháp hay tư tưởng nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam vẫn còn mở ngỏ. Nhiều tiểu thuyết gia chưa muốn dừng lại và nhiều cây bút mới cũng muốn thử sức. Tiểu thuyết, do vậy, cần người đọc có kĩ năng thẩm định và so sánh tương quan mới phần nào nhận diện thấu đáo. Với tản văn, bởi tính chất dễ “ăn ngay” của nó, độc giả có thể tự do lựa chọn và không sợ mất công đọc. Nhiều người coi tản văn như “thức ăn nhanh” và tùy khẩu vị hay tâm trạng, mà rút lấy một cuốn bất kì giữa muôn vàn tản văn bung nở khắp chốn. Đặt giữa hai chiều kích diễn biến có vẻ trái chiều đó, truyện ngắn co vào trạng thái tĩnh lặng hơn nhưng tự bản chất, vì nó chưa bao giờ ngừng sinh động các dạng hình, cũng khó nắm bắt và đánh giá. Việc một tập truyện ngắn nào đó gây chú ý giữa thời điểm có nhiều “gu” đọc như hiện nay, cần đến cả yếu tố truyền thông và con mắt xanh của nhà phê bình dù rằng cả hai, đôi lúc bất đồng quan điểm tuyệt đối. 

Không đến mức “tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người” nhưng truyện ngắn 2016, trước tiên, vẫn nhắc chúng ta về sự xuất hiện đều đặn của một số cái tên quen biết. Nguyễn Ngọc Tư, theo đúng kiểu thường niên, nối dài danh mục tác phẩm có lẽ khó thuộc ngay cả với độc giả trung thành của mình, với Không ai qua sông. Võ Diệu Thanh, tương tự, vẫn trên đà thăng hoa với Con nước say mèm. Nguyễn Trí đang bước vào độ bung sức với Nguyễn Việt Hà, sau hồi tưng bừng tản văn, có thêm chút “tinh tuyển” cùng những truyện “mới nhất” để thành tập Buổi chiều ngồi hát. Lê Minh Khuê đơn giản là “bà chúa truyện ngắn” khi tiếp tục công bố Làn gió chảy qua gối tiếp Nhiệt đới gió mùa (2012). Ở phía khác, phía những người mà tinh thần nhập cuộc của họ ít nhiều gây háo hức, ta có Phan Hồn Nhiên với Hồi phục, sau tiểu thuyết Ngựa thép (2014) gây tiếng vang. Trần Thanh Cảnh thì dường như đang muốn hoàn thành một trilogy (bộ ba) về làng Ngọc khi xuất bản tập Mỹ nhân làng Ngọc (trước đó, năm 2015, là tập Kỳ nhân làng Ngọc). Đinh Phương hoàn thành “cú đúp” với tập Đợi đến lượt (bên cạnh tiểu thuyết Nhụy khúc). Cùng trang lứa Đinh Phương, Chu Thùy Anh, như cái cách tiết chế ngôn từ chị thường làm, đã sắp xếp nhiều truyện kiệm lời, để có Xanh. Cùng xuất thân từ “dân vật lí” như Chu Thùy Anh, Hoàng Công Danh mạnh dạn bước lên Chuyến tàu vé ngắn sau tập đầu tay Cõng nhau trong một cõi người (2013). Trẻ hơn tất cả, Hạnh Nguyên nhanh chóng đi qua Những thiếu thời lơ lửng (2014) rất chững chạc, để tiếp đà phiêu lưu với tập Say.

Để có tập truyện ngắn, các tác giả thường gom truyện từng đăng rải rác trên báo và, điều này thì không mấy khi, chêm xen một vài tác phẩm mới ráo mực. Cho đến nay, không gian sống của truyện ngắn ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhờ báo chí. Vì thế, không khó để nhận ra tác động của báo chí đối với truyện ngắn, từ dung lượng, chủ đề đến cách viết. Một khi đã nhận “đơn hàng” từ báo chí, dù đó là tờ báo chuyên văn nghệ, nhà văn phải tìm cách xoay xở, lối thoát để càng tránh bị nhàm chán càng tốt. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tư khá điển hình cho kiểu nhà văn thỏa mãn điều kiện của báo chí, đương nhiên, kèm một chút cảm giác “thân phận” rằng, ngay cả với nhà văn chuyên nghiệp, mọi sự tìm kiếm trong lao động văn chương cũng đều quy về sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường đọc. Nhiều năm qua, tác giả này luôn có những tạp văn và truyện ngắn đáng đọc. Nhưng nếu nhìn kĩ, truyện ngắn của chị đang dần tái lặp: nó luôn “ngắn” nhưng không đến mức “cực ngắn” để bảo đảm khung thể loại; nó rất nhiều cảm thương nhưng không đến mức “sến” để củng cố cái nhìn sắc sảo, tinh tế trước hiện thực đời sống nhiều biến đổi; nó giàu phẩm tính Nam Bộ nhưng không quá đà để vẫn được hiện đại, tránh trở thành phép cộng truyền thống văn chương vùng miền kéo dài. Nếu ở các tập trước (Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác), Nguyễn Ngọc Tư tăng độ dày dặn nhờ một truyện “đinh” (cả về dung lượng lẫn ý tứ) thì tập Đảo (2014) không có điều đó. Tập Không ai qua sông tạm an ủi cho những ai hay “thòm thèm” bằng một truyện dài hơi (Đất) chốt lại, phần nào “gánh” cho 12 truyện kế trước, nhìn chung, hơi mỏng mảnh. Tôi không nghĩ việc viết “ngắn” hay “dài” quyết định chất lượng tác phẩm nhưng rõ ràng, sức ép của không gian trang báo khiến sân chơi thể loại có phần lẹm đi mà cái cách nhà văn dè chừng với từng con chữ là biểu hiện rõ nhất. Những nhà phê bình tin vào khoảng trống văn bản, có lẽ, cũng phải thấy rằng để tìm được những mã nghĩa ẩn giấu mà từ đó, diễn giải, đồng sáng tạo không thể dựa hoàn toàn vào những đoạn xuống dòng, những câu thoại ngắn, những diễn biến dồn dập hay những sắp xếp cấu trúc thuần túy kĩ thuật. 

 
hoa tim lang man hoa dep ky dieu

Sự tiếp nối không dễ dàng của các tác giả thành danh, ngoài việc họ bị tán sức do viết quá nhiều tản văn, theo tôi, nguyên do chính nằm ở mức độ ổn định mà họ đang duy trì. Trong gần thập niên qua, hầu như rất ít tác giả bận tâm đến việc đề đạt, đuổi theo một thực hành thật riêng khác về truyện ngắn. Xu hướng chung là vẫn xuất phát từ nhu cầu kể chuyện, và từ đó, gài cắm cảm xúc, suy tư về những gì quan sát, nhận thức được. Bởi thế, một vài truyện ngắn ấn tượng mà tôi lọc được từ các tập trên (Giữa mùa chán chết, Xuyên đêm, Buổi chiều ngồi hát, Con heo đất đã đầy, Nhà phía bên kia, Thằng Tomy về chơi, Hàng xóm, Kỳ bẻo…) đều hấp dẫn vì có chuyện, có lớp lang chi tiết, sự kiện vừa đủ để giữ người đọc chăm chú. Yếu tố giọng điệu cũng được giữ vững thay vì biến hóa, nên nhìn chung dễ lẩy ra ở Nguyễn Việt Hà giọng hài hước pha triết lí nhẹ nhàng; ở Lê Minh Khuê giọng chất vấn, ưu tư dưới vẻ thản nhiên bề mặt; ở Đỗ Phấn ẩn giấu giọng trầm ngâm, thiên về đối thoại ngầm với thời thế biến chuyển… Tính chất ổn định, tôi hiểu, là cách để tạo kiểu dạng phong cách nhưng đôi khi không làm thỏa mãn những đòi hỏi đọc khác nhau, nhất là mong chờ những gai góc, phức tạp, lạ lẫm. Xu hướng viết về lịch sử mất hẳn uy lực và nhường dần đề tài này cho tiểu thuyết. Xu hướng viết về đời sống đô thị chằng chịt, khuất lấp trong các mối quan hệ thường ngày vẫn là thế mạnh của truyện ngắn. Nhưng bản thân điều này, nếu không đánh động người đọc nghĩ ngợi, nhận thức nhiều hơn về các giá trị sinh thái, hòa bình, lương thiện, lẽ phải, không buộc họ lắng nghe các xung đột thế hệ chưa hề dịu lắng và định kiến vẫn còn ăn sâu, thì khó có thể tạo sức mạnh vượt trội hẳn. Đọc Xanh, Say, Chuyến tàu vé ngắn, tôi thích cái cách các tác giả trẻ nhận diện nỗi cô đơn, trống rỗng, sự mất phương hướng, thậm chí mất căn cước cá nhân nhưng đồng thời, cũng dần thấy tập hợp tri nhận đó đã không còn mới mẻ, độc đáo. Sẽ đến lúc, thách thức với tác giả truyện ngắn không còn ở chỗ khai thác tâm thế thời đại sao cho kĩ lưỡng mà phải chống lại cảm giác “đọc rất khó vào” ở những phát hiện tưởng là đặc sắc của mình.  
 
Tiếng gọi của hư ảo và cảm thương
Trong bối cảnh xã hội hiện đại đang bị xáo động bởi môi trường thông tin phồn tạp thì ngòi bút nhà văn đôi khi rơi vào thế nước đôi. Nếu bị cuốn vào thông tin thuần túy, văn chương rất dễ thành thông tấn. Còn nếu thoát hẳn khối thông tin mà bất kì ai đọc được cũng thấy lo lắng, bất an hơn là hứng khởi ấy, văn chương bị xem như kẻ ngoại cuộc hờ hững. Trong các tập truyện trên, người đọc dễ bắt gặp các diễn biến căng thẳng của đời sống hôm nay, từ du lịch, buôn bán khó khăn, vất vả sinh kế, viện phí, ngoại tình, đến bạo lực gia đình, mất đất sản xuất, hòa giải xung đột... Nhưng nhiều hơn và cũng khó khăn hơn nếu muốn cảm nhận là những sắc thái hư ảo bao quanh từng trang viết. Ở đây, tôi hình dung hư ảo như là nơi tiếp giáp giữa cái thực và cái phi xác định, giữa kí ức và trí tưởng tượng, giữa tìm kiếm tận cùng và chấp nhận dừng cuộc. Bước theo tiếng gọi của hư ảo, vì thế, biểu thị ý hướng cố gắng vùng thoát những cắt nghĩa giản đơn, hời hợt về thế sự thường ngày.

Hư ảo vì bất kì sự thật nào cũng có thể đẩy sang phía hồi ức. Lê Minh Khuê, trong Làn gió chảy qua đã khía vào tính chất này khi nhìn lại quá khứ gần của nhiều cá nhân từng chìm nổi. Ở đó có phe phái, có đúng hướng và lạc đường, có găm sâu và nguôi ngoai hận thù nhưng tất cả, bởi không còn hiện hữu, đều chỉ như thứ tiếng vọng làm hiện tại tỉnh táo, lí trí hơn. Khá nhiều truyện (Thằng Tomy về chơi, Những ngày nghĩa hiệp, Làn gió chảy qua, Cuối chiều) nhắc nhở sự mờ khuất dần các ranh giới, biền biện phân chia vị thế, lai lịch vì chiến tranh, loạn lạc, vì thời đoạn vội vàng sắp đặt, để chọn lấy cách dàn hòa thông thái, nhân văn. Chủ trương “sống và hòa giải”, “anh em họ mạc” là mong muốn của tác giả dù thực tế cần đến thời gian đối thoại, thông hiểu tận đáy những sự thật cắc cớ đang phơi bày.    

Hư ảo vì cái tôi bản ngã không phải duy nhất và hoàn tất một lần. Các tập Đợi đến lượt, Hồi phục có dáng dấp như một kiểu dạng nhân học tâm lí, hứng thú với các khám phá nội giới của con người. Nhiều hình ảnh, chi tiết có tính biểu tượng được chủ ý tái dựng. Nếu Phan Hồn Nhiên kiên trì quan sát các trạng thái bệnh lí rất khó lí giải trong xã hội hiện đại (chẳng hạn, “tính lơ đãng bẩm sinh” của hành vi; thói quen thích “các trò liều lĩnh điên rồ”; chứng nghiện “màu vàng ngô” giữa mọi màu sắc khác) thì Đinh Phương lựa chọn ngõ ngách tính cách dị thường của những con người đôi khi bình thường nhưng không thuộc số đông. Phan Hồn Nhiên dừng lại khá lâu ở những “con người trôi dạt” chuyển dịch khắp chốn không gian, những “cơn rùng mình”, những “cái nhìn gợi lên cảm giác ghê sợ”, những thân thể đau ốm, những điều “lặp đi lặp lại” để soi kĩ các chấn thương tinh thần, giày vò tâm trí. Đinh Phương lại có khả năng nhận ra thứ nhịp điệu trễ chậm, nhàn nhạt, vừa vô vị vừa gây khó chịu cho xung quanh đang chế ngự, bào mòn bất kì ai. Anh cũng tha thiết, nồng nhiệt với những mơ mộng tinh khiết và lấy nó bù khuyết cho cảm giác nặng nề, ngột ngạt vây chặt. Nhìn chung, cả Phan Hồn Nhiên và Đinh Phương đều thấm đẫm tri thức sách vở và vì thế, họ cũng bị chính vẻ đẹp này hút sâu. Lối viết của Phan Hồn Nhiên khá sắc lạnh, ngôn từ trau chuốt và tỉ mỉ, câu văn nhiều mệnh đề với cấu trúc ngữ pháp rất gần với “văn Tây” trong khi Đinh Phương nhiều lúc cũng không hoàn toàn dứt hẳn ham muốn phô diễn kiến văn, thiếu sự tiết chế cần thiết. Đến đây, xin nói rộng thêm, để có đổi mới lối viết truyện ngắn (hay cả tiểu thuyết) theo tôi là điều không đơn giản và bỗng chốc mà thành. Khi nghiên cứu lối viết Nguyễn Huy Thiệp tôi nhận ra ông có sự nhọc công trở về học ca dao, tục ngữ, học cách thực hành lời của dân gian và sau đó, nỗ lực cải dạng lối viết truyện kí của văn học trung đại, cổ điển. Ở thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy một tác giả truyện ngắn nào thực sự tự xây cho mình một “chiến lược” quan niệm và thực hành viết cho thật trùng khớp, nhuần nhuyễn. Rất có thể những mĩ từ bút pháp như liên văn bản, hậu hiện đại mà các nhà phê bình (trẻ) hay dán cho người viết đã khiến họ loay hoay hơn là định hướng được gì sáng sủa.

Hư ảo vì ngay cả những địa danh xác định, như trong Không ai qua sông, cũng chỉ tô đậm cảm thức mơ hồ. Thế giới sông nước cùng kiểu con người lưu dân trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có tính khu biệt nhưng cũng trở nên phiếm chỉ. Hẳn có những đất Mù U, sông Cái Lớn, cù lao Mỹ Khánh, cồn Thúc Thắc…, song chúng không chỉ nhằm gợi chất xứ lạ mà còn là dấu hiệu của cõi sống theo đà trôi dạt khó lường. Vẫn xoay quanh bạo lực gia đình, nạn thất học, phiêu tán, tâm tính chán chường, bất cần sau mùa vụ, chuyện ngoại tình, cưỡng hiếp, những đứa con rơi, những lấp lửng hôn nhân cận huyết, Không ai qua sông chìa thêm một phác thảo về khủng hoảng môi trường sống. Bất khả thay đổi, môi trường này vẫn tiềm ẩn nguy cơ đẩy từng cá nhân trên bờ vực bấp bênh, bi phẫn và tha hóa. Có thể đó cũng là chân dung tương đối phổ quát mà chúng ta liên tưởng đến khi phải đọc tin tức hàng ngày về thực trạng nhân sinh.

Đứng trước môi trường sống như vậy, cảm thương là phép ứng xử thường thấy của nhà văn. Cảm thương vì không thể phê phán, đả kích hay ngoảnh mặt từ chối. Tôi nghĩ, đây là thời điểm mà hiện thực được phản ánh hay nghiền ngẫm (như một vấn đề xung yếu trong văn chương thập niên 1980) không còn quan trọng bằng việc nó gợi dẫn cho độc giả cách nào để đương đầu và đón nhận. Bởi chính “những điều trông thấy” đã chất dày trong các phương tiện truyền thông, nằm trong tầm tay kiểm soát nên độc giả càng cần văn chương ở điểm nó mang đến dư vị của an ủi, bảo trợ và nâng đỡ. Khác tản văn chóng quên và tiểu thuyết khó xâu chuỗi, truyện ngắn nuôi dưỡng, lây lan dư vị này trực tiếp hơn. Dù biết chẳng thay đổi được gì nhưng đọc Nguyễn Việt Hà, người ta dễ cảm thông giai tầng thị dân tuy đủ thú trò nhưng vẫn vui ít buồn nhiều; đọc Lê Minh Khuê thì ngay cả khi biết cuộc đời “như chảo nước sôi”, mọi tình thế, số phận cũng không đến mức bi đát. Một Hoàng Công Danh vẫn còn vương vấn với mùi khói bếp, một Đinh Phương thảng thốt “rồi chúng mình đi đâu”, một Võ Diệu Thanh đau đáu “trôi trong cối xay” để tường tận nỗi cay cực mùa mưa ngập xứ sở. Và không ở đâu nhiều cảm thương như khi lật giở truyện Nguyễn Ngọc Tư. Dù có để lộ bàn tay nghệ nhân khi dàn dựng tình huống nhưng tác giả này luôn tiệm cận giá trị cốt lõi: từ chỗ chỉ như một sẻ chia thoáng chốc, cảm thương trở thành điều kiện sống, tồn tại. Ngược lại, rời bỏ hoặc mất cảm thương, không chỉ cơ thể sống mà tâm tính cũng bị biến dạng, méo mó. Chính từ đây, tôi nghĩ đến vai trò kiến tạo cảm thương như là một tất yếu của người viết truyện ngắn hôm nay. Hiện thực sẽ đổi khác và được các phương tiện khác truyền đạt. Còn cảm thương, tự nó, cần đến sự nhạy cảm và quan sát sâu sắc của nhà văn.
 
M.A.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next