Điện ảnh Việt cứ “chạy đi rồi tính”

Thứ Sáu, 10/02/2017 00:30
. LÊ THIẾU NHƠN

Nếu nhìn vào những bản thống kê của Cục Điện ảnh, thì điện ảnh Việt năm 2016 vẫn tiếp tục mở ra những triển vọng đầy lạc quan. Một năm có gần 50 bộ phim được sản xuất, thì tính chi li mỗi tuần cũng có một tác phẩm của giới nghệ thuật thứ bảy nước ta được công chiếu. Thế nhưng, khi tham chiếu ngược lại số lượng giấy phép sản xuất phim của 450 doanh nghiệp tư nhân đang nắm trong tay, thì rõ ràng thị trường điện ảnh vẫn chưa thu hút những nhà đầu tư thực sự. Do đó, chất lượng điện ảnh Việt mang đầy ẩn số, mà không ai dám chắc có thể “mua vui” được mấy “trống canh”!

Thời điểm năm mới bắt đầu, các bộ phim đều đồng loạt tung ra để “đón đầu” khán giả vào dịp tết. Cũng có một dạo, phim tết được xem như cơ hội trở mình của điện ảnh Việt, nhưng giấc mơ thời Gái nhảy hoặc Khi đàn ông có bầu đã tắt từ lâu. Với sự góp tay của các tập đoàn nước ngoài, hệ thống rạp chiếu phim được hoàn thiện và phân bổ theo sơ đồ các trung tâm mua sắm. Ở đâu có siêu thị thì ở đó có rạp chiếu phim. Ngày tết, siêu thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khá vắng vẻ thì con số đến rạp chiếu phim cũng sụt giảm. Do vậy, phim tết muốn tăng doanh thu chỉ còn cách chuyển mục tiêu về các tỉnh.

Hiện tại cả nước có 145 rạp, cụm rạp với 520 phòng chiếu, quy ra khoảng 83.500 ghế ngồi. Chiếm lĩnh lịch chiếu vẫn là phim nước ngoài, còn phim Việt chen chân chốc lát kiểu ăn may. Khán giả vẫn ủng hộ phim Việt, nhưng khán giả cũng lấy tư cách người tiêu dùng thông minh để nhận diện sự quẩn quanh của phim Việt. Màu sắc chủ đạo của phim Việt năm 2016 vẫn là hài nhảm, vẫn những cái tên phim có thể kể ra như Tía tui là cao thủ, Lộc phát, Ba vợ cưới vợ ba, Siêu trộm, Yêu là phải xài chiêu, Rừng xanh kì lạ truyện… Công thức chung để làm phim chiếu rạp là gom nhặt danh hài và người nổi tiếng (hoặc tai tiếng) đưa lên màn ảnh, cố chọc cho người xem phải bật cười hoặc phải tức cười. Nhiều bộ phim hài nhảm không khác gì một vở tấu hài được ghi hình. Cho nên, muốn xem chiêu trò của các danh hài Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang, Việt Hương, Trấn Thành… thì cứ mở tivi lên xem các chương trình game show hài như Ơn giời, cậu đây rồi hoặc Làng hài mở hội, chứ việc gì phải đến rạp chiếu phim.

 
TAM CAM

Một người dù yêu phim Việt đến mấy, chỉ cần ra rạp xem đến bộ phim thứ ba sẽ phải chán ngán. Bởi lẽ, rạp chiếu càng hiện đại, mật độ xuất hiện càng nhiều, thì sự lúng túng của phim Việt càng phơi bày. Nếu không dùng thái độ lạc quan tếu để kể lể rằng doanh thu mấy tỉ, thì ai cũng thấy thị trường phim Việt đang khủng hoảng nhân lực làm phim. Đội ngũ biên kịch, diễn viên đến đạo diễn, đều vừa thiếu vừa yếu. Kịch bản phim truyền hình có vụng về một chút cũng không sao, nhưng biên kịch điện ảnh là một nghề thực sự, nó không thể và không chấp nhận trưng dụng những anh viết báo thất nghiệp hoặc những chị chuyên viết truyện ba xu. Còn diễn viên điện ảnh, quay qua quay lại chỉ có vài gương mặt như Vân Trang, Minh Hằng, Angela Phương Trinh… nên cứ phải huy động danh hài và… cả cầu thủ như Phan Thanh Bình, Mạc Hồng Quân. Riêng đạo diễn thì dường như đang có xu hướng chấp nhận tất thảy những ai nhiệt tình. Vậy nên mới có chuyện diễn viên hạng nhì, đạo diễn sân khấu… cũng nhảy qua làm đạo diễn điện ảnh. Vì vậy, giới mộ điệu rất khó phân định, phim Việt đang điện ảnh hóa sân khấu hay đang sân khấu hóa điện ảnh?

Ngoài tấu hài và kịch ma, phim Việt còn hứng thú với một thể loại nữa là phim kinh dị. Với một thể loại khó như vậy, nghệ sĩ Việt vẫn tin rằng có thể dùng lòng nhiệt tình để khỏa lấp những thao tác kĩ thuật. Nói thẳng ra, trước đây bộ phim kinh dị Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ gây ấn tượng vì… sao chép nguyên bản một tác phẩm Hollywood. Còn những bộ phim kinh dị gần đây như Oán, Ám ảnh, Cô hầu gái, Hình nhân…  từ nội dung đến kĩ xảo, bối cảnh, góc quay, ánh sáng, âm thanh, diễn xuất… tạm dừng ở trình độ vừa đủ… hù dọa trẻ con!

Thử hỏi, nếu không làm phim hài nhảm và phim kinh dị, thì phim Việt biết khai thác đề tài gì. Phải thừa nhận, nhiều nhà sản xuất cũng muốn thay đổi, để mở rộng biên độ công chúng. Đáng tiếc, phim hài nhảm làm còn được, chứ chuyển qua màu sắc khác thì câu chuyện làm phim bỗng ngơ ngác ngay. Cũng một ê-kíp, bộ phim hài nhảm Taxi, em tên gì? kiếm được chút lợi nhuận, còn quay sang làm bộ phim nghiêm túc Sứ mệnh trái tim thì thất thu liền. Quan trọng hơn, khán giả luôn đòi hỏi sự mới mẻ, nên diễn viên Thái Hòa, được mệnh danh là “ông vua phòng vé” ở các bộ phim Để mai tính hoặc Tèo Em, vẫn tiếp tục dùng điệu bộ ấy cho bộ phim Fan cuồng thì không nghe tiếng hò reo nữa. Không có điều gì đáng băn khoăn bằng một nền nghệ thuật mà sự nghiêm khắc và sự tinh tế của khán giả đã nâng lên từng ngày, còn tư duy của nghệ sĩ vẫn giậm chân tại chỗ!

Điểm sáng nổi bật nhất của phim Việt năm 2016, chắn chắn là bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Diễn viên Ngô Thanh Vân sau nhiều năm dành dụm đã quyết tâm làm nhà sản xuất kiêm đạo diễn. Nhìn tổng thể, Tấm Cám - Chuyện chưa kể đầu tư rất tốt về trang phục và dàn dựng. Dù các diễn viên chính vào vai như… đóng kịch, nhưng cái cốt truyện dân gian quen thuộc vẫn trở thành đòn bẩy quan trọng để khán giả cổ vũ Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Ê-kíp thực hiện tuyên bố đạt doanh thu 66 tỉ đồng, nghe cũng đáng mừng, nhưng đó là con số để vỗ tay hoan hỉ chứ không phải con số để… kê khai nộp thuế! Xin lưu ý, muốn cảm nhận Tấm Cám - Chuyện chưa kể là một bộ phim hấp dẫn, thì trước đó đừng xem hai bộ phim Tiên hắc ámNàng Lọ Lem của Mĩ cũng có góc độ tái hiện cổ tích.

Cũng giống nhiều lĩnh vực khác, thị trường điện ảnh Việt bất cập bởi niềm hứng thú thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào. Diễn viên Trương Ngọc Ánh hoặc diễn viên Ngô Thanh Vân làm nhà sản xuất, thì nhiều nam thanh nữ tú khác không thể đứng ngoài cuộc. Chân dài Ngọc Trinh bỏ tiền làm bộ phim Vòng eo 56, ca sĩ Thủy Tiên bỏ tiền làm bộ phim Vợ ơi, em ở đâu, diễn viên Việt Anh bỏ tiền làm bộ phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ, còn hot girl Chi Pu cũng bỏ tiền làm bộ phim Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai.

Một xu hướng điện ảnh được nhen nhóm trong năm 2016 và sẽ gây ảnh hưởng trong năm 2017 là thể loại phim ngôn tình. Cái món này thịnh hành ở Trung Quốc và Hàn Quốc cách đây không lâu và đang lan tỏa sang nước ta. Ngôn tình trong văn học chuyển hóa thành ngôn tình trong điện ảnh, càng có cung bậc sến sẩm và hời hợt hơn. Những thử nghiệm đầu tiên ở phim Việt có thể kể đến là các bộ phim Cho anh gần em thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai hoặc 4 năm, 2 chàng, một tình yêu.

Nếu sự đông vui cũng là một tiêu chí phát triển, thì phim Việt đang rất đáng hi vọng. Thế nhưng, quy luật nghệ thuật cũng giống quy luật thiên nhiên, mảnh đất nào nhiều cỏ dại thì mảnh đất ấy ít hoa thơm. Những nhà làm phim đích thực dễ cảm thấy bị tổn thương khi mang tác phẩm ra rạp chiếu phải xếp hàng cùng với những người sẵn túi có tiền đột ngột bùng phát tâm hồn yêu thích điện ảnh. Thực trạng điện ảnh Việt trước thềm xuân Đinh Dậu cũng giống như một bộ phim chiếu tết 2017 có tên gọi Chạy đi rồi tính.
 
L.T.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)