Hoa lau bạc tóc người ra trận...

Thứ Hai, 30/01/2017 10:16
 
chhuyman
Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006)

. NGÔ VĨNH BÌNH
Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.

Ngoài các tên Chu Văn Điều (tên khai sinh), Chu Huy Mân, ông còn có các bí danh khác là: Thao Chăn, Hồ Thạch Châu, Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh... Tuy nhiên, ít ai biết ông còn có bút danh là Chiến Trường. Bút danh này ông thường dùng kí dưới các bài báo và... các bài thơ. Tôi nhớ mùa hè năm 1984, lúc đó tôi làm Thư kí Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một hôm có một đồng chí Đại tá tóc bạc trắng đến tìm Tổng biên tập. Anh Dũng Hà - Tổng biên tập,  có việc vào Bộ, tôi tiếp khách thay. Khách nói từ chỗ Thủ trưởng Mân sang có việc riêng. Thì ra, khách là Thư kí của Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị! Theo lời dặn của khách tôi đã trao tận tay Tổng biên tập tập tài liệu được dán kín nói là của Thủ trưởng Tổng cục. Anh Dũng Hà bảo: “Thơ của anh Chu Huy Mân, cậu bàn với anh em chọn dăm bài in vào dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Tám hay dịp 22/12”. Lại dặn thêm: “Viết cái sa-pô trang trọng nói là thơ của một đồng chí lãnh đạo quân đội ta”.

 VàVăn nghệ Quân đội số 8 năm ấy đã giới thiệu chùm thơ ba bài của tác giả Chiến Trường với Lời tòa soạn: “Chiến Trường là bút danh của một đồng chí lãnh đạo quân đội ta. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và cuộc đấu tranh chống bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc hiện nay, đồng chí đã luôn luôn được Đảng trao nhiều trọng trách. Rất yêu thơ nên dù bận rộn trong công tác lãnh đạo chỉ huy, đồng chí vẫn dành những giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi để viết. Nhân dịp chuẩn bị kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội trân trọng giới thiệu ba bài rút trong tập thơ Trên những nẻo đường của đồng chí mà Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sắp ấn hành”. Ba bài thơ đó là: Qua dòng sông Bạc, Trở lại Tây BắcThăm lại Pắc Bó.

Bài Qua dòng sông Bạc được tác giả viết tháng 9 năm 1970 - khi ấy ông đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 - có những câu, những đoạn rất thi sĩ, phản ánh khí thế và niềm tin của các chiến sĩ Quân giải phóng nơi chiến trường được xem là gian khổ, khó khăn nhất lúc bấy giờ - chiến trường Khu 5, Tây Nguyên:
Trời mưa sông Bạc nước
                           duềnh lên
Quân trẩy vào Nam bến
                           chật thuyền
Sóng vỗ nhặt khoan thuyền
                              lướt sóng
Gió rừng đưa đẩy mái chèo êm

 
Bom rơi lác đác ở đâu xa
Én vẫn chao nghiêng dưới
                            rặng dừa
Hoa lau bạc tóc người ra trận
Mỗi chặng đường qua mấy
                              gió mưa
 
Nắng bừng dải núi đã
                          chiều sang
Cô gái Lào bên rẫy lúa vàng
Bỗng dừng tay hái như đưa tiễn
Dõi bóng thuyền đi mãi
                                 chứa chan
 
Thác chảy từ cao nước trắng ngần
Chim rừng lảnh lót gọi người thân
Chiến sĩ hăng say tay lái vững
Rừng chiều rợp bóng những
                                     đoàn quân

Trong mười một năm ở Quân khu 5, các chiến dịch do đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ huy đều giành thắng lợi. Là vị tướng chiến lược, ông không những là một người chỉ huy sắc sảo mà còn là một người có biệt tài về xây dựng, xây dựng bản lĩnh chính trị và quân sự, niềm tin và đạo đức cho các đơn vị và cấp dưới thuộc quyền. Và trong suốt chín năm (1977-1986) làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương - Quân ủy Trung ương, ông tiếp tục có những cống hiến đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là việc tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng quân đội vững mạnh. Anh em làm công tác báo chí văn nghệ ở chiến trường Khu 5 trước đây cũng như ở Tổng cục Chính trị sau này luôn nhận được sự quan tâm, săn sóc tận tình của ông. Thời còn chiến tranh, có một số sáng tác ra đời và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bộ đội là do có sự gợi ý hoặc trực tiếp góp ý của ông. Nghe kể, có những nhà văn được ông “đặc cách”, tự do hoàn toàn về mặt thời gian để viết. Không phải đi tăng gia sản xuất, gùi đạn gạo... - những công việc hàng ngày của người lính chiến trường. Và, cho đến hôm nay, nhiều người còn giữ được những kỉ niệm về tình “huynh đệ chi binh” với ông.

Riêng tôi, một thời là sĩ quan dưới quyền Đại tướng, nhưng cấp hàm và chức vụ nhỏ nên ít có dịp gần ông, trò chuyện trực tiếp với ông. Duy nhất có một lần thì phải. Ấy là lần tôi được đơn vị cử sang nhà riêng của Đại tướng để... đưa báo biếu và nhuận bút. Tôi đi bộ, vì từ số 4 - cơ quan tôi sang số 36 - nhà riêng của ông cùng phố Lý Nam Đế - Hà Nội cũng không bao xa. Tôi đi vào buổi trưa vì biết thế nào giờ này Thủ trưởng cũng có nhà. Tôi đến, Đại tướng đang cùng gia đình ăn trưa dưới gian nhà ngang (bấy giờ khu nhà 36 còn là ngôi biệt thự cũ). Mới đầu, tiếp tôi là đồng chí Thư kí, sau Đại tướng lên cùng. Tôi thưa với ông về việc cơ quan giao và trao ông năm số tạp chí có đóng dấu “Kính biếu”. Ông vừa giở xem vừa cười thật hiền: “Thơ mình cũng được in cơ à?”. Ông hỏi tôi về đời sống và tình hình sáng tác của anh em nhà văn. Ông nhắc lại những kỉ niệm với các văn nghệ sĩ - chiến sĩ Khu 5 thời chiến tranh, nói về vai trò quan trọng của báo chí văn nghệ trong cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của quân đội đang diễn ra rất sôi nổi lúc bấy giờ. Ông bảo: “Nuôi dưỡng và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ phải là trọng tâm của công tác tư tưởng - văn hóa. Là nhiệm vụ hàng ngày của người cán bộ chính trị”. Ông nói thêm: “Nhà báo, nhà văn quân đội là nhà văn - chiến sĩ, nhưng cũng là cán bộ chính trị”... Trước khi chào Đại tướng ra về, tôt rụt rè đưa chiếc phong bì dán kín, nói là Tạp chí gửi Thủ trưởng nhuận bút. Ông cầm rồi nâng nâng cái phong bì và cười bảo: “Nhuận bút nữa cơ à? Chắc của Thủ trưởng Tổng cục nên cầm nằng nặng tay!”. Rồi Đại tướng bảo cho ông gửi lời cám ơn anh em trong Ban biên tập, trao lại cho tôi chiếc phong bì và nói: “Của tác giả Chiến Trường gửi Ban biên tập uống nước trong giao ban đầu tuần!”...

Chuyện đã hơn ba mươi năm, Đại tướng cũng đã đi xa, và bản thảo tập thơ Trên những nẻo đường của ông không biết giờ lưu lạc nơi đâu. Nhưng còn mãi trong tôi hình ảnh một danh tướng bình dị, chu đáo và rất ân tình! 
 
Thập Tam trại, tháng Giêng 2017
N.V.B

Tổ quốc chào Xuân - chào hi vọng
Nhân dân đón Tết - đón tương lai
                                                                                  NGUYỄN VĂN BẰNG

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)