Gặp im lặng nơi Đất Mũi - Cà Mau

Thứ Năm, 02/02/2017 14:13
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. NGÔ THẢO

Tôi cười phẩy gật đầu chấm Tôi muốn nói với anh là mùa nhãn đã qua rồi chấm Những trái nhãn ngọt lịm trong mùa hè vừa qua đã hết rồi chấm Bây giờ thì anh đang đứng giữa bóng mát của một con sông chảy về nơi có rất nhiều vườn nhãn chấm hết.

Nhà báo Nguyễn Minh, người tham gia kháng chiến từ trước Đồng khởi đọc thuộc lòng mấy câu kết của truyện ngắn Im lặng của Nguyễn Ngọc Tấn đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số ra tháng 12-1957, tức năm đầu tiên tạp chí được phát hành rộng rãi cho chúng tôi nghe trong đêm ngủ võng treo trong căn chòi phên liếp, lợp lá dừa nước, dựng giữa đầm Thị Tường cũng vào tháng 12 của 60 năm sau.

Đã thành một thông lệ, hơn mươi năm nay, khi tôi có dịp vào phương Nam, các văn nghệ sĩ thân quen tại chỗ lại tổ chức những chuyến đi khi miền Đông, khi miền Tây thăm lại những chiến trường xưa các anh đã hoạt động, và cũng là những vùng đất vừa là quê hương vừa là địa điểm được khai thác trong các tác phẩm văn chương, và đặc biệt là điện ảnh những năm sau hòa bình. Đó thường là Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Hồ, Ngụy Ngữ, Nguyễn Duy, Lê Văn Thảo, Mỹ Hà... những người liên quan đến những bộ phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Đất rừng phương Nam, Ngã Bảy, Ông cá hô, Cánh đồng bất tận... Điều thú vị được đi với các anh là tới bất cứ nơi đâu trên hành trình đều có nhiều, rất nhiều những chiến hữu thân quen tự bao giờ chào đón, đãi đằng. Mà không chỉ bạn bè trong giới văn nghệ. Kha khá các chính khách các cấp từ lâu đã là người thân quen đâu từ thuở hàn vi. Nhiều lần về Bến Tre, thăm nhà văn Trang Thế Hy, đều là dịp gặp mặt đông đảo người thân thuộc nhiều giới. Nhưng cơn bão thời gian đã dần cuốn đi bao nhiêu con người tài hoa, quý giá: Thu Bồn, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam, Trang Thế Hy, và mới đây là Lê Văn Thảo. Những ngày cuối năm này, với mục đích đi khám phá con đường bộ, có đoạn đường Hồ Chí Minh chạy thẳng ra tận Đất Mũi, thay vì những lần trước, tới thị xã phải đi ca nô cao tốc hơn 2 giờ, đi đường sông mà xóc nảy người còn hơn cả đường bộ thời gian khổ. Nhân sự lần này cũng khiêm tốn hơn, chỉ còn nhà văn Nguyễn Hồ, người đã tham gia thảo những lời hiệu triệu đầu tiên của cuộc Đồng khởi ở Giồng Trôm - Bến Tre 1960, khi làm thư kí cho bà Tư lệnh Nguyễn Thị Định, và đạo diễn vừa nghỉ hưu Mỹ Hà. Xuất phát từ thành phố lúc 7 giờ, định đi thẳng ra Đất Mũi đón hoàng hôn, nhưng vượt qua thị xã Cà Mau trời đã tối. Nguyễn Hồ hẹn được một thổ công Đất Mũi dẫn đường là nhà báo Nguyễn Minh, nên phải vượt lên đón, rồi quay về lại đầm Thị Tường, nơi Mỹ Hà đã quen biết, qua lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Từ quốc lộ 1 vào đầm, cũng là căn cứ cũ của Tỉnh ủy Cà Mau ở ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân đến 12 kilômét. Do hẹn trước, chủ nhà cho tắc ráng đón ra nghỉ lại trong một căn chòi rộng dựng giữa đầm nước mênh mông mang tên một người phụ nữ: Thị Tường. Khi chúng tôi ra, có một đoàn khách khá đông đang vui vẻ hát hò và thưởng thức đặc sản của đầm. Nhưng chỉ một lúc là họ về, vì là người làm việc ở thị xã. Còn lại giữa đầm mênh mông vắng vẻ là vài vị chủ nhà vui tính và dăm vị khách từ phương xa. Đặc sản có cua gạch đặc hiệu Cà Mau với hai cái càng to ngang bằng nhau, cá chình huyết nướng, tôm he, cá chẽm, sò huyết, rượu ngâm rau đắng. Về đêm, gió chướng ròng thổi qua căn lán mát dịu. Hình như căn chòi dựng giữa đầm rộng đến 7 hécta, muỗi và các loại côn trùng dày đặc ven bờ miền sông nước không đủ sức vượt qua, nên vệt sàng giữa vùng đầm hoang khá trong trẻo, không khủng khiếp như những đêm quay cảnh yêu đương trong phim Cánh đồng bất tận, diễn viên không có áo quần giữa một không gian ken kín muỗi, thiêu thân và các loài sâu bọ thấy ánh sáng và hơi người là lao đến. Trong không khí dịu êm và không gian yên tĩnh ấy, chúng tôi nghe nhà báo Nguyễn Minh kể những chuyện vui buồn của một nhà báo đã gần 70, mà nơi đi xa nhất là vài lần lên thành phố Hồ Chí Minh, trong khi anh thông thuộc từng ngóc ngách xứ sở của mình. Khi biết tôi từng gom nhặt sổ tay ghi chép của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi làm nên tập Năm tháng chưa xa (1985), rồi Toàn tập của nhà văn (1995), Nguyễn Minh nói: Chuyện này chắc các anh chưa biết. Từ trước năm 1960, Đất Mũi đã là một căn cứ kháng chiến. Những chuyến tàu không số đầu tiên đã cập bến ở đây. Ngoài vũ khí, đạn dược, trên những chuyến tàu ấy còn có sách vở, tài liệu học tập chính trị và văn hóa. Bọn trẻ chúng tôi thích nhất là những cuốn sách văn học, và đặc biệt là tạp chí Văn nghệ Quân đội. Số báo không có nhiều, nên việc thường xuyên là chúng tôi chép tay những bài mình yêu thích. Thơ thì dễ rồi, Thanh Tịnh (Nhớ Huế quê tôi), Vũ Cao (Núi Đôi), Chính Hữu... để truyền tay nhau ngâm nga. Còn truyện ngắn Im lặng của Nguyễn Ngọc Tấn, tôi, mà không chỉ riêng tôi, đọc say sưa và chuyền nhau chép lại, thậm chí còn đọc thuộc lòng. Gần 60 năm rồi, mà tôi còn nhớ mấy câu kết của truyện. Và Nguyễn Minh đọc cho chúng tôi nghe như để kiểm chứng cho lời nói của mình. Có gì trong Im lặng làm các anh mê say? Nói cho đúng, thì ngày đó, sách báo miền Bắc vào là quý hiếm lắm. Lũ học trò theo kháng chiến, khát chữ, khát học hỏi, nên thấy mấy sách báo đó là mê. Đó còn là cách để học hỏi viết lách, làm báo chí, ở nơi cuối đất, gần như bị tách biệt với toàn xã hội về thông tin. Sách báo kịp thời tại chỗ thì toàn thông tin, khẩu hiệu. Những chuyện về tình cảm hoàn toàn không có. Mà tuổi trẻ thì... Im lặng không đơn giản đâu nha. Chúng tôi cùng Nguyễn Minh, lần trí nhớ mà ôn lại cốt truyện một thời từng bị phê phán. Người lính, yêu mà đến phát điên, không phải vì người yêu phản bội, mà vì sự phản bội của kẻ từng là đồng chí, đồng đội của mình. Kẻ đó từng là một thần tượng của đơn vị, từng lập nhiều chiến công xuất sắc, và vì bảo vệ cán bộ mà người vợ trẻ cắn răng không kêu la khi bị anh ta xâm hại. Thủ trưởng đơn vị khi biết sự việc cũng muốn dìm đi, không cho trả thù, vì nhiệm vụ chiến đấu còn nặng nề, rất cần những người mưu trí, gan dạ. Nào ngờ, khoảng cách từ sự sa đọa về nếp sống, đạo đức đến phản bội chỉ là sợi tóc. Kẻ địch biết thế, móc nối, và trước khi đầu hàng, anh ta lập công bằng việc bẫy đơn vị vào ổ phục kích của giặc. Khốn nạn hơn, trước khi sang hàng, y còn chạy về lừa vợ đồng đội, nói là chồng cô đã chết, để một lần nữa hãm hiếp người y si mê. Lần này chị đã phản ứng quyết liệt hơn, kịp khi người chồng về thăm… Lòng khoan dung, sự thương cảm thân phận người phụ nữ đã giúp họ có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trước ngày anh theo đơn vị tập kết ra miền Bắc. Rồi họ đã có một người con gái. Chị nuôi con trong vòng kìm kẹp của bọn cầm quyền mới. Gửi con về cho ngoại, chị đã làm mọi cách phá hủy nhan sắc của mình để giữ vẹn lời hứa với chồng: thà chọn cái chết chứ không để thân thể bị lem ố. Nhưng ông bạn xưa là một chức sắc có thế lực của chính quyền mới. Vẫn mê say người phụ nữ xưa, hắn quyết chiếm đoạt. Và lần này hắn đã gặp một người phụ nữ khác hẳn: Chị đã chủ động tấn công để bảo vệ sự trong sạch của mình. Cái giá phải trả, đúng như lời chị đã hứa với chồng: mạng sống của chị. Nhận tin đó trên miền Bắc, anh đã phát điên. Trong cơn điên loạn, anh không chỉ thương xót người vợ trẻ thủy chung, căm ghét kẻ từng là đồng đội cũ đã trở nên khốn nạn, mà còn tự trách mình: Có phải vì lời mình đã bắt vợ hứa ngày nào mà cô đã phải chọn cái chết, khi tình thế không thể giữ tròn sự trong sạch? Câu chuyện không đơn giản chỉ có thế. Trong bệnh viện, những lúc tỉnh táo, anh đã kể cho người nữ hộ lí trực tiếp săn sóc mình như một sự giải tỏa tinh thần. Nhiều khi lên cơn, anh ta tưởng cô là vợ mình và có những hành động ứng xử như vợ mình thật. Và cô hộ lí đã âm thầm chịu đựng vì trách nhiệm, và tình thương anh bộ đội miền Nam có chuyện đời éo le. Bản thân cuộc đời cô cũng từng là du kích, bị địch bắt, bị bầm đập, bị hãm hiếp tập thể, bị người yêu bỏ rơi. Nên mỗi lần nghe anh bộ đội bị tâm thần kể cách ứng xử với vợ cứ như một nhát dao cứa vào lòng mình.

Câu chuyện ấy được tác giả kể lại sau hai lần tới thăm bạn ở quân y viện. Lần đầu, vào lúc đã mờ mặt người… Mây che mất ánh sáng và gói tròn không khí lại. Dưới cái mền bông khổng lồ ấy, những con người ngơ ngác nhìn nhau, lo ngại đến một ngày dông bão, đổ vỡ. Thay vì gặp lại người bạn cùng lên một chuyến tàu tập kết tráng kiện sởi lởi, thường trực một nụ cười của người hạnh phúc, anh đã gặp một thân hình gầy guộc không một mảnh vải trên người, đang nằm lăn trên nền gạch. Hai chân bị cột vào hai chiếc vòng sắt. Anh mắc bệnh thần kinh nặng đã 5 tháng. Có những mẫu đời trong cuộc sống hòa bình đã thách thức con người phải trả giá gấp trăm lần trong chiến tranh. 5 tháng sau, tác giả trở lại, thì như một phép lạ, người đồng đội đã hồi phục và sắp trở về đơn vị, đó là một sáng mùa đông chớm nắng, không lạnh lắm. Điều làm Hải - tên nhân vật chính - phân vân trước khi lên đường là không thể gặp để nói lời cám ơn với người hộ lí đã tận tụy, tận tình săn sóc anh trong mười tháng nằm viện. Mọi người cố ý không cho anh biết là, trước đó ít lâu, trong một lần anh lên cơn, nửa đêm, nhảy xuống sông bơi. Cô hộ lí bơi theo, giằng co chới với giữa dòng. Nước tháng bảy chảy băng băng. Nhiều người nhảy xuống bị nước cuốn đi. Một lúc lâu lắm, người ta mới vớt được một người, đó là Hải. Người con gái đã thương mến anh, một tình thương dậy lên từ những đau khổ, dậy lên từ những mất mát đang chịu chung với đất nước, cũng như trước kia, vợ anh đã im lặng để yêu anh trọn đời, người ấy đã bị cuốn theo dòng nước của con sông chảy về Hưng Yên, miền đất nhãn, quê hương của cô.

 
gap chi ut tich trong phim me vang nha sau gan 40 nam
Cảnh phim Mẹ vắng nhà - chuyển thể từ tác phẩm Người mẹ cầm súng của
Nguyễn Thi
- Ảnh: ST

Khi truyền tay nhau chép và đọc Im lặng với niềm cảm phục tác giả và những nhân vật thật đẹp trong truyện, những người đọc trẻ ở tận Đất Mũi Cà Mau ngày ấy, hoàn toàn không biết rằng, nội dung truyện mang chở một phần tâm trạng và ứng xử của chính tác giả. Chia tay người vợ miền Nam trong một mối tình thật đẹp, ngày anh đi tập kết, chị sinh một cháu gái. Do hoạt động bí mật, chị phải gửi cháu cho bà ngoại. Trong hoàn cảnh trốn tránh sự truy lùng ráo riết của địch, chị phải đóng giả vợ chồng với một người đồng chí, và họ đã có với nhau một đứa con. Chị đã gửi thư thú nhận chuyện không may đó với anh. Không chịu nổi thực tế đau lòng đó, nhiều ngày đêm anh không ngủ, không ngồi yên. Mấy chiếc khăn bông đẫm nước cuốn trên đầu không giúp làm nguôi cơn nóng sốt thất thường và dai dẳng. Và anh đã có một quyết định chia tay dứt khoát với quá khứ, để cưới người vợ mới ở miền Bắc. Ngày người vợ miền Nam được tổ chức đưa ra Bắc và đi học âm nhạc ở nước ngoài, anh đã không ra ga đón được, vì đang nằm viện. Là người quê gốc Nam Định, do mẹ  hoạt động cách mạng, bị tù, phải vào chung lao tù từ bé. Cha hoạt động cách mạng rồi mất sớm, mẹ đi bước nữa, phải gửi Nguyễn Hoàng Ca (tên khai sinh của Nguyễn Thi) cho nhiều gia đình bà con thân sơ. Từng tham gia hát trong các ban hát Đồng Ấu, 15 tuổi, Nguyễn Thi một mình vào Sài Gòn ở nhờ nhà người anh cùng bố để tìm việc làm. 17 tuổi, năm Cách mạng tháng Tám -1945, anh kịp tham gia các tổ chức cách mạng, rồi tham gia kháng chiến, tham gia đội cảm tử quân, gia nhập bộ đội. Do có năng khiếu văn nghệ, anh được làm cán bộ chính trị. Từng tham gia nhiều trận chiến đấu. Anh có một mối tình đẹp với một học sinh Sài Gòn tham gia văn công kháng chiến. Họ cưới nhau một năm trước ngày kết thúc kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc, Nguyễn Thi trở về quê hương, gặp lại người mẹ mà càng lớn lên anh càng yêu thương và kính trọng, gặp lại anh em sau nhiều năm lưu lạc. Được điều về Văn nghệ Quân đội, chỉ sau mấy năm, Nguyễn Thi đã vươn lên thành một trong những cây bút chủ lực của tạp chí, với hàng loạt thơ, bút kí, lí luận và nhất là truyện ngắn. Hai tập Trăng sáng và Đôi bạn, chủ yếu viết về bộ đội miền Nam trên đất Bắc, được coi là những tác phẩm xuất sắc đương thời. Nhưng khi biết có chủ trương cho một số văn nghệ sĩ quê ở miền Nam trở về quê hương tham gia chiến đấu và sáng tác, dù sức không khỏe, dù con trai mới 6 tháng tuổi, anh vẫn quyết định xin đi chuyến đầu tiên. Sau ba tháng vượt Trường Sơn, anh đã có ở hậu cứ Bộ Tư lệnh Miền cuối năm 1961, tham gia ra tờ báo Quân Giải phóng, mở các lớp dạy viết báo, viết văn. Xây dựng tờ tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Là người nhiều năm sống gần Nguyễn Thi những năm tháng này, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồ giữ nhiều kỉ niệm về một người cán bộ văn nghệ nghiêm túc, chịu khó thâm nhập thực tế, chịu khó ghi chép để hiểu thấu chất người, chất văn mang bản sắc Nam Bộ. Ngoài nhiều truyện và kí đã công bố làm nên một tên tuổi Nguyễn Thi, với giọng văn lạc quan, khiếu hài hước Nam Bộ, thể hiện được nhiều nhân vật người thật mà sinh động, chân thực, anh còn chứng kiến một Nguyễn Thi, trong cuộc sống đời thường, phải khắc phục những cá tính mạnh mẽ trong yêu ghét phân minh của mình, chịu đựng những thiên kiến, hẹp hòi, sự ghen ghét tài năng, đố kị và suy diễn không dễ chịu một chút nào trong một tập thể văn nghệ gồm nhiều cá tính khác biệt. Năm 1960, anh vào Nam mang quân hàm đại úy. 8 năm sau, là tác giả của hàng loạt tác phẩm viết về các anh hùng được cả nước ca ngợi, khi hi sinh anh dũng trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân đợt 2 tháng 5-1968, tấm bia liệt sĩ vẫn ghi quân hàm đại úy.

Bạn bè văn nghệ phương Nam đặc biệt quý trọng những ghi chép và các phác thảo tiểu thuyết dở dang về con người Nam Bộ trong những năm trước sau Đồng Khởi của Nguyễn Thi. Anh quan tâm nhiều đến tác động của sự biến động của ruộng đất đối với thái độ người nông dân tham gia cách mạng. Trong ghi chép, tác giả chú ý tính cách nhân vật thể hiện qua ngôn ngữ, nên ghi rất nhiều những lời tự kể của những con người thật anh trực tiếp gặp, nghe và hỏi chuyện. Một Ông già hiền như lá cây: Mười tuổi sắp về sau, ông già tôi chết, bắt đầu đi mần à. Quần áo vá chỉ thơm, bột đùm cột đeo. Ba tôi 7 tháng ở chòi không có áo mặc (ở giữa vùng muỗi kêu như sáo/ đĩa lền bánh canh!). Ba tôi làm hết sức làm, không trà, không rượu, không gì hết mà đói cháo, đói khoai. Cũng dễ hiểu, những người dân nghèo khổ như thế, một lòng đi theo cách mạng. Nhưng không chỉ họ, mà lớp người trung gian cũng có nhiều lí do chính đáng để hết lòng ủng hộ kháng chiến. Giữa hiện thực chiến đấu vô cùng biến động, rối rắm và phức tạp, nhà văn vẫn nhận ra một cách đầy xúc động tấm lòng của người dân hướng về cách mạng. Nhà văn ghi: Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hi sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này? Mai ngày đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây dựng những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những người còn sống. Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà mình nghĩ nếu có chết đi cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt làm cho ta vui sướng và bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn, can đảm hơn. Đó là cảm nghĩ thường xuyên tới với mình mỗi khi được tiếp xúc với người dân.

Nhà văn, không chỉ bằng tác phẩm, mà bằng chính sinh mệnh của mình để xác tín cho tình cảm thiêng liêng đó.
Đêm, giữa căn chòi lộng gió bình yên nơi căn cứ kháng chiến xưa, và hôm sau, vượt hơn 30 cây cầu rộng vững chắc để có hơn trăm kilômét đường nhựa lao thẳng ra Đất Mũi chót cùng phương Nam, xung quanh những khóm rừng đước xanh tươi mới được khôi phục, nhiều cụm cao xanh mọc lên soi bóng giữa vùng nước ngập, như gặp lại một Vịnh Hạ Long, hứa hẹn một hướng đổi đời cho người dân lam lũ vùng ngập mặn, nhắc đến một kỉ niệm về nhà văn Nguyến Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, và những số tạp chí Văn nghệ Quân đội từng có mặt bên những người tham gia chiến đấu trên mảnh đất tận cùng này 60 năm trước, là người lính từng có mặt 15 năm trong ngôi nhà số 4, nơi sinh thành tờ tạp chí, trong niềm thương nhớ, tự hào, vẫn chen chút bâng khuâng khó tả.

Tp. Hồ Chí Minh 22/12/2016                                                                   
N.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)