Về Văn nghệ Quân đội

Thứ Bảy, 11/02/2017 00:35
.  NGUYỄN BẢO
 
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o


1. Trại sáng tác văn học Quân khu 5 kết thúc, một số nhà văn, nhà thơ về địa phương, về Trung ương nhận công tác. Một số khác về Văn nghệ Quân đội. Tôi có nguyện vọng ở lại Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình. Lúc đó tôi đang là ủy viên Ban Chấp hành của Hội nên được các anh phụ trách chấp nhận luôn. Tưởng mọi việc yên ổn, không ngờ nhà văn Nguyễn Chí Trung trại trưởng biết tin này gọi tôi vào phòng đập bàn đập ghế nói như quát:
- Quân đội đào tạo các anh không phải là để muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm!
- Vậy anh muốn em về đâu?
- Về đâu là việc của tổ chức. Quân đội điều đâu đi đó. Thế thôi!

Biết tính anh Nguyễn Chí Trung, càng xin càng khó, tôi nhờ anh Phan Tứ trại phó can thiệp. Anh Phan Tứ ủng hộ, cười rất lạc quan, không ngờ ngay tối đó lặng lẽ lắc đầu:
- Mình nói rồi nhưng ổng không chịu.
Chẳng còn cách nào khác, tôi chấp nhận sự điều động, coi như số của mình phải vậy.

Nguyễn Chí Trung là người ra Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu tiên. Anh được đề bạt Phó Tổng biên tập cùng với nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Xuân Thiều. Kế đến là các nhà thơ Dương Hương Ly, Thanh Quế về phụ trách phần văn xuôi. Hồi đó không nghe nói trưởng ban là ai. Tôi ra sau cùng vì còn phải giải quyết hậu trại, và được biên chế vào Ban Sáng tác. Thế có lạ không? Hai ông làm thơ điều về biên tập văn xuôi, một ông mới viết được vài cái kí, truyện ngắn loàng xoàng ngồi cùng “mâm” với những Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang… Mặc dù được các anh các chị trong ban ưu ái nhưng tôi vẫn cảm thấy cái vị trí của mình không phải vậy. Nhà thơ Thu Bồn nói vui: “Cánh quân miền Trung tiến ra Bắc đang được thử thách”. Thật vậy chăng? Thời gian “thử thách” không lâu. Vài tháng sau, tôi được giao nhiệm vụ vào số 6 Đặng Thái Thân giữ khu nhà của Văn nghệ Quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh. Các anh Dương Hương Ly, Thanh Quế không hiểu vì sao cũng xin về Đà Nẵng công tác.

Cần nói thêm rằng sau giải phóng miền Nam, do quan hệ tốt với cấp trên, Nguyễn Chí Trung đã xin được đất nhà rất nhiều, rất đẹp cho Văn nghệ Quân đội nhưng Ban phụ trách không mấy thiết tha. Cơ sở ở Đà Nẵng bề thế là vậy đành trả lại hết cho Quân khu. Đất, nhà rộng mênh mông ở số 6 Đặng Thái Thân, cũng không mấy ai mặn mà. Những ngày tôi “canh” ở đây buồn đến não lòng. Hồi đó, gia đình anh Nguyễn Khải đã chuyển về thành phố Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng anh ghé thăm động viên, chứ không, chết buồn.
 
2. Cuối năm đó Ngô Vĩnh Bình vào thay tôi “trụ” nhà 6 Đặng Thái Thân. Phó Tổng biên tập Nguyễn Trọng Oánh viết mấy chữ bảo tôi ra gấp dự đại hội chi bộ. Anh cũng nói rằng lần này có lẽ sẽ ở ngoài Hà Nội lâu dài. Khác với lần trước, tôi không được xếp vào ban nào cả. Chỗ làm việc cũng không có, đành ở tạm phòng của nhà văn Ngô Thảo. Đặng Thái Thân thì mê man đất, mê man nhà nhưng không ai muốn vào, Hà Nội thì một chỗ trú thân cũng khó...

Lúc này, phụ trách phần văn xuôi là nhà văn Lê Lựu. Biết anh đã lâu, đọc anh cũng nhiều nhưng gặp thì chưa. Sáng ấy đang ở sân sau có cái giàn nho, bỗng thấy một người ăn mặc xuềnh xoàng, răng như người ăn trầu, nông dân đặc, cười xởi lởi:
- Ông mới ở Sài Gòn ra à?
- Vâng, anh là nhà văn Lê Lựu?

Lại cười, hơi e thẹn, có vẻ không muốn gọi mình kiểu như vậy.
- Vào phòng tôi chơi, nói chuyện chút.

Được một nhà văn tầm cỡ mời mọc chân tình, vừa mừng vừa tự tin hơn. Chưa kịp ngồi ghế, Lê Lựu nói ngay:
- Ông đọc hộ tôi hai cái bản thảo này.

Cũng mừng. Đang rỗi, lại có việc để làm. Tối đó, tranh thủ đọc ngay. Sáng ra sân sau, dưới giàn nho, Lê Lựu hỏi, vẫn nụ cười dễ mến, thân thiện:
- Ông thấy thế nào?
- Cái truyện ngắn theo tôi sửa chút ít đăng được. Cái kí nhạt, khó dùng.

Tôi trả lại bản thảo nhưng Lê Lựu không nhận mà lục trong cái cặp da đen đã loang lổ những vệt sờn trắng, lấy ra mấy tờ phiếu biên tập:
- Ông ghi nhận xét của ông vào, kẹp với bản thảo mai đưa tôi nhá. Được không?
Tất nhiên là được. Và hôm sau, tôi cầm bản thảo có phiếu nhận xét đợi anh ở sân giàn nho nhưng tình hình đã thay đổi một cách không lường. Lê Lựu mời tôi vào phòng, không hỏi han gì về hai cái bản thảo cũng như phiếu biên tập.
- Từ nay ông về Ban Văn làm việc cùng tôi. Tôi đã báo với Ban phụ trách. Họ nhất trí rồi. Ông ở đây. Giao phòng cho ông luôn. Ông giữ chìa khóa nhá. Tối tôi về nhà, ngày mới đến, không phải ngại ngần gì cả.

Còn gì sướng hơn. Có phòng ở, có việc làm, lại được cùng ban với một nhà văn tên tuổi như Lê Lựu, nhất. Cùng làm việc với Lê Lựu tôi học được rất nhiều về thẩm thấu một sáng tác văn học, về biên tập nâng cao những bản thảo gửi đến. Nhưng quan trọng hơn, mấy năm gần anh, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm sáng tác. Cách lấy tài liệu, cách đưa vốn sống thực tế vào trang viết. Tôi thán phục Lê Lựu nhiều thứ, nhất là việc anh đọc thuộc văn xuôi hàng chương liền không cần bản thảo hoặc sách in. Một số tác giả đọc thơ, đọc trường ca, khỏi nói làm gì nhưng văn xuôi mà thuộc làu làu, đọc trước công chúng như Lê Lựu, đối với tôi là một sự lạ. Có lẽ thời kì này cũng là thời kì tôi được sống thật vui vẻ ấm cúng trong cái gia đình Văn nghệ Quân đội. Khó khăn đủ bề nhưng mọi người thương yêu đùm bọc nhau. Không có chuyện khí khái, đố kị, gièm pha, dìm dập nhau. Riêng tôi với Lê Lựu thân quý nhau như anh em ruột thịt. Chúng tôi nhường nhịn nhau từng mẩu thuốc lá. Việc gì cũng bàn bạc với nhau hòa thuận, chân tình. Chúng tôi chủ động đề đạt với Ban phụ trách mở các cuộc thi truyện ngắn, các cuộc đi thâm nhập thực tế, các cuộc giao lưu văn nghệ… rất hào hứng, kết quả. Lê Lựu là người có nhiều sáng kiến và rất đam mê công việc. Trông anh xuề xòa dễ dãi thế thôi nhưng công tác tổ chức rất cẩn trọng chặt chẽ. Đi đâu, hai anh em cùng đi, chẳng muốn rời nhau. Có một lần cơ quan tổ chức đi Sài Gòn, Đà Lạt. Mới giữa tháng, bài còn thiếu nhiều. Tôi nói:
- Anh cứ đi. Tôi ở nhà lo bản thảo. Đi hết có chuyện gì mấy ông phụ trách “riềng”. Mệt.
- Không! Ông cứ để tôi.

Thế rồi, Lê Lựu lên gác nói với anh Nguyễn Trọng Oánh thế nào đó, xuống, vào phòng anh Duy Khán nhờ lo phần văn xuôi. Anh Duy Khán vốn dễ tính nhận ngay. Nhưng anh Duy Khán là thế, viết văn hay, làm thơ giỏi nhưng biên tập thì “í ới”, dễ dãi vô cùng. May mà lần đó chúng tôi kịp về để bổ sung và sửa bài chứ không thì cháy phần văn như chơi. Tôi và anh Lê Lựu cứ thế quấn quýt, miệt mài cùng lo phần văn xuôi mấy năm liền, cho đến khi các anh Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Khuất Quang Thụy ở Trường viết văn Nguyễn Du về bổ sung cho Ban Văn. Chưa lúc nào Ban Văn đông đúc mạnh mẽ đến như vậy. Anh Lê Lựu rời Ban Văn, được bổ nhiệm Thư kí tòa soạn, sau đó về Ban Sáng tác. Tôi tiếp tục ở lại Ban Văn. Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuyển sang một trang khác, một thời kì mới. Hi vọng dịp nào đó sẽ được kể tiếp.

Hà Nội, tháng 8/2016
N.B

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)