Cửa sổ văn nghệ

Lễ trao giải Oscar lần thứ 89: Ánh trăng hòa giải

Thứ Ba, 28/02/2017 15:54
Mặc dù kinh phí sản xuất chỉ 1,5 triệu USD cùng dàn diễn viên da màu ít tên tuổi, nhưng Moonlight (Ánh trăng) đã vượt qua các siêu phẩm bom tấn để giành tượng vàng Oscar Phim hay nhất trong lễ trao giải bất ngờ đến phút chót.

Cuộc “chuyển giao danh hiệu” hy hữu

Tờ Rolling Stone (Mỹ) bình luận: “Không nhà biên kịch nào ở Hollywood có thể nghĩ ra một kịch bản với cái kết vừa ngỡ ngàng vừa vui vẻ như lễ trao giải Oscar lần thứ 89”. Khi đoàn làm phim La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ) đang phát biểu nhận giải Phim hay nhất thì các nhà sản xuất của họ phát hiện có sự nhầm lẫn. Jordan Horowitz giơ tờ giấy ghi tên phim chiến thắng cho khán giả xem, để chứng minh Moonlight mới là Phim hay nhất. “Đây không phải chuyện đùa đâu. Moonlight đã giành chiến thắng. Moonlight là Phim hay nhất. Tôi rất tự hào khi được trao lại nó cho các bạn tôi trong đoàn làm phim Moonlight” - nhà sản xuất Horowitz nói.


Đoàn làm phim Moonlight nhận giải Phim hay nhất

Mặc dù cuộc “chuyển giao danh hiệu” trên sân khấu diễn ra trong “hòa bình”, nhưng khán giả ở Nhà hát Dolby, Los Angeles, cũng như khán giả theo dõi qua truyền hình vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Một tình huống hy hữu trong lịch sử lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới. Diễn viên kỳ cựu Warren Beatty - người trao tượng vàng hạng mục này sau đó giải thích, do cầm nhầm phong bì hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc. Chiếc phong bì ông mở ra ghi Emma Stone, phim La La Land, nên ông nghĩ là chiến thắng thuộc về bộ phim này, mặc dù cũng có ngạc nhiên.

Nhưng chiến thắng của Moonlight cũng đã được nhiều nhà phê bình dự đoán. Câu chuyện xoay quanh thời hiện đại, xoáy vào số phận người dân da màu, được báo chí ca ngợi là “đẹp đẽ và rung động”. Chuyển thể từ vở kịch In Moonlight Black Boys Look Blue (Những chàng trai da màu buồn bã dưới ánh trăng) của nhà biên kịch Tarell Alvin McCraney, Moonlight do Barry Jenkins đạo diễn, là ba lát cắt trong cuộc đời đầy biến cố của nhân vật Chiron - một thanh niên da màu đồng tính: Từ nhóc “Little” nhỏ bé ít nói (Alex Hibbert đóng), tới cậu học sinh nhạy cảm Chiron (Ashton Sanders), và cuối cùng là chàng thanh niên trải đời “Black” (Trevante Rhodes).

Đạo diễn Barry Jenkins chia sẻ: “Đã có lúc tôi nghĩ không thể làm cho bộ phim này đơm hoa kết trái. Tôi không thể buộc mình phải kể một câu chuyện khác… Ngay cả trong mơ tôi cũng không nghĩ đến danh hiệu này, nhưng giờ nó đã trở thành sự thật”.

Tôn vinh người da màu

 Kết quả giải Oscar 2017

Phim hay nhất: Moonlight

Đạo diễn xuất sắc nhất: Damien Chazelle (phim La La Land)

Nam diễn viên chính xuất sắc: Casey Affleck (Manchester by the Sea)

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Emma Stone (La La Land)

Nam diễn viên phụ xuất sắc: Mahershala Ali (Moonlight)

Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Viola Davis (Fences)

Kịch bản gốc xuất sắc: Manchester by the Sea

Kịch bản chuyển thể xuất sắc: Moonlight

Phim tài liệu xuất sắc: O.J.: Made in America

Phim hoạt hình xuất sắc: Zootopia

Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: The Salesman (Iran)

Không thể phủ nhận danh sách đề cử Oscar năm nay đa dạng hơn mấy năm gần đây. Sau 2 năm liền các đề cử ở hạng mục diễn xuất bị chỉ trích vì không có người da màu, Viện hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ dường như đã chuyển dòng, khi năm nay tính đa dạng được đẩy lên cao. Lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, diễn viên da màu được đề cử ở tất cả hạng mục diễn xuất. 3 đề cử Phim hay nhất - Fences, Hidden Figures và Moonlight (diễn viên hầu hết là da màu) ít nhất đều được một đề cử ở hạng mục diễn xuất, từ Mahershala Ali trong Moonlight, đến người từng 2 lần chiến thắng tại giải thưởng này Denzel Washington (Fences). Các nhà làm phim Mỹ gốc Phi cũng thống trị ở hạng mục phim tài liệu… Jimmy Kimmel - người dẫn chương trình lễ trao giải nói đùa: Thật là một năm tuyệt vời. Người da màu cứu NASA, người da trắng cứu nhạc jazz (ám chỉ 2 bộ phim Moonlight và La La Land - PV).

Bên cạnh tượng vàng Phim xuất sắc nhất, Moonlight còn giành giải Nam diễn viên phụ xuất sắc dành cho Mahershala Ali. “Mahershala Ali là nam diễn viên Hồi giáo đầu tiên nhận giải Oscar. Thật buồn vì điều đó phải chờ đợi quá lâu, nhưng quả là một năm tuyệt vời” - một khán giả bình luận trên Twitter. Ngoài ra, Viola Davis giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn trong Fences. Phát biểu khi nhận giải, Viola Davis không đề cập đến khía cạnh chính trị (sự phân biệt chủng tộc) mà ngợi ca nghệ thuật: “Tôi đã trở thành nghệ sĩ, vì đó là nghề duy nhất mang đến những điều ý nghĩa cho cuộc đời”...

Tuy La La Land không giành giải thưởng quan trọng nhất, nhưng Damien Chazelle (32 tuổi) đã đi vào lịch sử Oscar khi trở thành đạo diễn trẻ nhất giành tượng vàng Đạo diễn xuất sắc. Bộ phim giành tổng cộng 6 giải thưởng/14 đề cử, trong đó có giải Nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Emma Stone. “Tôi thấy may mắn và cơ hội có vai trò lớn tạo nên những khoảnh khắc như thế này. Xin gửi tới các nữ diễn viên ở hạng mục này… tất cả các bạn đều phi thường. Tôi kính trọng và ngưỡng mộ các bạn. Tôi vẫn phải còn phải học hỏi nhiều để làm việc. Đây là biểu tượng thực sự đẹp để tôi tiếp tục hành trình đó” - Emma Stone phát biểu khi nhận giải.

Nguồn: Đại biểu nhân dân
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)