Ngày 10/12, lễ ra mắt sách “Mắt trùng khơi”, triển lãm ảnh cùng tên và công bố Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương đã được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội). Chương trình do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và nhóm tác giả tổ chức thực hiện.
Cuốn sách “Mắt trùng khơi” thuộc thể loại tản văn, ghi chép, ảnh có độ dày trên 150 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển đảo như người lính hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…Sau thành công của cuốn sách “Nơi đầu sóng” ra mắt tháng 9.2019, nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành tiếp tục xuất bản tập 2 Nơi đầu sóng với tên gọi “Mắt trùng khơi”. Cuốn sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2019), 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2019).
Đặc biệt, phần cuối sách được dành để đăng tải trích đoạn nhật ký đầy xúc động của những người lính biển. Đó là món quà tinh thần quý giá do những người lính dành tặng nhóm tác giả và độc giả. Với tựa đề “Tâm tình người lính”, những trích đoạn nhật ký trong cuốn sách là những tự sự mộc mạc, đau đáu yêu thương, trách nhiệm với gia đình, quê hương, Tổ quốc của bộ đội trên đảo, trên những chuyến tàu trực, tàu cấp hàng... vào những giờ khắc đặc biệt như đón giao thừa trên biển, bước chân lên tàu làm nhiệm vụ, khi sóng gió bão giông…
Theo nhà báo Lữ Mai, đây chính là phần quan trọng làm nên giá trị của “Mắt trùng khơi”, bởi đó là người thật, việc thật và tác giả cũng như Nhà xuất bản không biên tập ở phần nội dung này.
Tại lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh “Mắt trùng khơi” giới thiệu tới công chúng 30 tác phẩm ảnh, được lựa chọn kỹ lưỡng từ hàng nghìn bức ảnh được kỹ sư - nhiếp ảnh gia Trần Thành chụp trong 8 lần anh đi biển. Các bức ảnh trưng bày tại triển lãm tập trung vào chủ đề những đôi mắt trên biển. Đó có thể là đôi mắt của những người lính, của thân nhân, các lực lượng khác trên biển đảo. Đó cũng có thể “mắt trời” - ra-đa, hay “mắt biển” - hải đăng, hoặc mắt của các loài động vật như chim hải âu, chim ó, chó trên đảo, cá dưới biển… Mỗi đôi mắt là một sắc thái, một góc độ, một tâm trạng khác nhau. Có niềm vui, có nỗi buồn, có sự bồi hồi, rung động, có những day dứt, xót xa… mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc khác lạ.
Tác phẩm "Giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân". |
Tác phẩm "Bộ đội đọc thư xuân" trưng bày tại triển lãm. |
Tác phẩm "Nụ cười chiến sĩ". |
Cũng tại lễ ra mắt sách, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương, nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành đã công bố Dự án Tủ sách Biển đảo quê hương, gồm những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về biển, đảo. Dự án được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, qua đó khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo quê hương, có những hành động thiết thực, ý nghĩa hướng về biển đảo quê hương. Tủ sách cũng góp phần làm phong phú hơn các loại hình nghệ thuật, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, hình ảnh tươi sáng của những người lính Hải quân, cũng như các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với hậu phương chiến sỹ nơi quê nhà.
PV
VNQD