Từng được khắc họa trong cuốn sách “Tình báo không phải nghề của tôi” của nhà văn Khuất Quang Thụy, mới đây, trong cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, hình ảnh ông Ba Quốc (Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức) tiếp tục được tái hiện đậm nét và sinh động với những tình tiết khó tin nhưng có thật. Khép lại những trang sách, tôi cứ nghĩ vẩn vơ mãi về những con người thầm lặng phía sau một cuộc đời được coi như huyền thoại sống ấy. Trước dịp 30/4 năm nay tôi đã tìm đến một trong những con người như thế để nghe bà kể về tuổi thơ, về những gì bà và gia đình đã trải để cho chồng, cho cha yên tâm hoạt động trong hàng ngũ địch. Bà là Đặng Chính Giang, con gái cả của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức. Tiếp xúc với bà Giang tôi càng thấm thía sự lặng lẽ mà cao cả của những con người bình dị cho chiến thắng của dân tộc, để một ngày đất nước ca khúc khải hoàn.
Kì 1: Hai mươi năm trong “vùng mờ” lí lịch
Đặng Trần Đức là con phố nhỏ mới được đặt tên cuối năm 2023 ở phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Con ngõ 177/6 đối diện Trạm y tế phường dẫn vào một ngôi nhà nhỏ nằm kín đáo và khiêm nhường. Đó là nhà của bà Đặng Chính Giang. Dân cư nơi đây đều biết đó chính là con gái của người được đặt tên phố, bởi nơi này chính là quê hương của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức. Gọi là quê nhưng ông đi biệt xứ, chỉ khi được vinh danh, được tuyên dương anh hùng, khi Tổng cục Tình báo tìm về thông báo thì chính quyền địa phương mới biết.
Ẩn sau vẻ an nhàn, nhanh nhẹn của người phụ nữ ở tuổi bảy lăm, ít ai nghĩ bà Giang lại có một cuộc đời chật vật suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến mãi sau này.
Tuổi thơ tủi thân và cơ cực
Khi bố “vào Nam theo địch” ba mẹ con bà đang yên ấm ở Hà Nội với chỗ làm và nhà ở tại Nhà máy in Tiến Bộ bỗng được điều lên tút hút Nông trường chè Vân Lĩnh thuộc Phú Thọ. Có thể đó là một động tác cần thiết với vợ con của một kẻ “di cư vào Nam theo địch” để tạo vỏ bọc hợp lí cho ông Đặng Trần Đức hoạt động, thế nhưng việc này đã dẫn đến trăm ngàn khốn khó cho người vợ đầu của ông và hai đứa con thơ dại.
Bà Giang còn nhớ khi đó mình mới mười tuổi, từ một cô bé sống ở Thủ đô bỗng chuyển lên miền đồng rừng, đi học phải lội qua 3 con suối, vào mùa lũ nước to các bạn sang trước cầm cây nứa tung một đầu sang để bà bám vào lội qua dưới sự trợ giúp của các bạn ở bờ bên kia. Từ Vân Lĩnh ra Thanh Vân đi học bà phải vượt qua quãng đường 10 cây số. Sáng đi học, buổi chiều bà ngồi bóc quả chè lấy hạt giúp mẹ. Mẹ bà ban đầu được phân công bán căng tin, sau thì xuống nấu cơm. Gia đình nhận thêm quả chè từ nông trường về bóc lấy hạt làm giống. Bà Giang học tốt môn văn, từng được thầy giáo tên Hoằng bồi dưỡng để đi thi học sinh giỏi.
Khó khăn là thế nhưng nỗi buồn lớn hơn là trong mắt mọi người, mẹ con bà là gia đình “có vấn đề”. Khi học hết cấp hai, bà Giang trong danh sách những học sinh không được tiếp tục học lên cấp ba, chạy đi hỏi thì được trả lời vì vướng lí lịch. Không chịu sự bất công đó, bà đấu tranh và cuối cùng được học tiếp. Nhưng học cấp ba được một năm bà Giang phải bỏ, về nông trường dạy học cho trẻ em để giúp mẹ, cũng là để dồn việc học cho người em trai Đặng Trần Thành. Việc dạy học của bà chỉ được nông trường trả ½ lương, vì chưa có bằng cấp. Mẹ bà được mỗi tháng 35 đồng, còn bà được nông trường trả 17 đồng. Mấy mẹ con lại gồng gánh thêm bà ngoại, vì không có khẩu nên cũng không có tem phiếu hay chế độ gì, hoàn toàn ăn theo nhà con gái. Các bữa cơm đều độn tới 70% sắn. Bà ngoại của bà Giang già cả, không còn minh mẫn, không phân biệt được dầu hỏa hay nước mắm, các cháu thì bé, cuộc sống vì thế trăm cơ ngàn cực. Nhất là thời gian ông Đặng Trần Đức bị đứt liên lạc với đơn vị, số tiền trợ cấp ít ỏi của mẹ con bà bị cắt, cả nhà được tiêu chuẩn 10kg gạo một tháng, còn lại phải trồng thêm khoai sắn ăn kèm. Mỗi bữa mẹ bà luộc một nồi sắn để ăn trước, sau đó mới đến nồi cơm độn ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.

Bà Đặng Chính Giang trong căn nhà tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Ảnh: PV
Cuộc sống ở Vân Lĩnh kéo dài từ năm 1959 đến năm 1973. Những vất vả cực nhọc thuở thiếu thời như càng hun đúc thêm ý chí nơi bà Giang. Vì hoàn cảnh phải thiếu hụt chuyện học hành, bà đã tự hứa với bản thân rằng sau này có chồng, dù có phải ăn sắn, ngủ đất bà cũng nuôi cho các con học hành tử tế. Sau khi việc nhà đã tạm thu xếp được, năm 1968 bà Giang tiếp tục xin đi học trung cấp vật tư. Sau đó bà được phân về làm việc tại Tổng kho B, đóng tại Đông Anh, Hà Nội. Năm 1973, khi lấy chồng, sinh con và được phân nhà, bà đã đón mẹ từ Vân Lĩnh về Hà Nội ở, nhập lại khẩu về Hà Nội cho mẹ. Chồng bà Giang cũng là bộ đội, ông Trần Sơn, sinh năm 1942, quê Hưng Yên. Đơn vị ông đóng quân gần Nông trường Vân Lĩnh nên ông Sơn biết bà Giang từ khá sớm. Thông cảm với hoàn cảnh của bà, hai người đến với nhau, sau này ông Sơn cũng là người đồng hành với bà Giang chăm sóc mẹ già và các con. Trước khi nghỉ hưu ông làm việc tại Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cả tuổi thơ lủi thủi thiếu vắng cha, bà Giang không nghĩ cho mình mà chỉ thương em. Một lần bà nhìn thấy Thành chạy theo một chiếc xe đạp của một người cha đang chở theo con của họ, níu lấy gác đèo hàng. Bà ứa nước mắt thương em, khi nhìn cảnh những đứa bé khác có bố chăm sóc, còn em bà bơ vơ, chưa một lần được bố âu yếm hay chở xe đạp như những cậu bé cùng trang lứa.
Tấm lưng còng của người phụ nữ
Theo dòng thời gian, từ khi ông Đặng Trần Đức vào Nam hoạt động, bà Phạm Thị Thanh, mẹ của bà Giang, vượt lên nghịch cảnh, một mình nuôi mẹ, nuôi dạy con cái, sống trong cảnh cô đơn và áp lực tâm lí, thế nhưng bà luôn giữ tâm thế bình thản. Năm 1968 bà ngoại của bà Giang mất, mẹ bà tiếp tục nuôi con sống lặng lẽ tại Nông trường Vân Lĩnh, hết nấu cơm bà lại được giao trông trẻ, sau này thì nhà trẻ cũng giải tán, bà lại làm các công việc lặt vặt khác.

Bức ảnh hiếm hoi của gia đình Thiếu tướng Đặng Trần Đức sau ngày đất nước thống nhất. Ảnh: Chụp lại tại Nhà lưu niệm
Trong kí ức của bà Giang, hình ảnh người mẹ với tấm lưng còng suốt những năm cuối đời mãi không bao giờ đứng thẳng lên được, như thể những đòn giáng của cuộc đời đã giáng xuống tấm thân bà, khiến dáng đứng mãi biến hình như một dấu hỏi nhẫn nhịn và cam chịu. Khi ông Thành, em trai bà Giang về làm việc tại Nhà máy Z121 ở Phủ Lỗ, Sóc Sơn đã đón mẹ từ Hà Nội lên trông cháu. Một ngày, khu tập thể bị giông lốc, ông Thành vừa đi làm thì căn phòng ở đầu hồi nhà sụp đổ, bức tường sập đè lên chiếc giường có hai bà cháu. Mẹ bà Giang bị rạn xương và bị liệt, nằm ở bệnh xá hai hôm đại tiểu tiện không kiểm soát được. Bà Giang nghe tin tức tốc chạy lên Phủ Lỗ nơi mẹ đang nằm viện, bà vội vã đưa mẹ về Bệnh viện 354, nhưng vì chỉ là người nhà của thân nhân cán bộ nên chưa có giường phải chờ. Ông Sơn chồng bà đi lang thang trong viện nói chuyện tình cờ gặp ông bác sĩ trưởng khoa xương là đồng hương nên mới may mắn được xin được giường nằm. Sau thời gian điều trị bà Giang đón mẹ về nhà ở tập thể Cống Vị, Ba Đình để chăm sóc. Vì mẹ yếu, bà đã buộc hai cây luồng từ nhà xuống bếp để các cháu dắt bà tập đi. Sức khoẻ của mẹ bà từ đó kém và tấm lưng thì mãi khòng xuống.
Qua tất thảy những khó khăn cơ cực, bà Giang bảo, chủ yếu là do đặc thù nghề nghiệp của cha, một vài điều khác thì chính sách của nhà nước là đúng nhưng qua bao nhiêu tầng nấc việc vận dụng cũng có xê xích lúc này lúc khác. Tâm thế của bà thanh thản, không oán thán gì cuộc đời. Những gì mẹ bà dạy đã thẩm thấu vào cuộc đời, vào nét ăn nét ở của con cái. Một mặt lo liệu chăm sóc mẹ, mặt khác sức khoẻ của bà Giang cũng sa sút nghiêm trọng. Bà Giang đổ bệnh, ốm lên ốm xuống, bà xin nghỉ dưỡng bệnh 3 tháng thuốc thang mà tình trạng không thuyên giảm, cơ thể chỉ còn 37kg, bà đành xin nghỉ mất sức. Mẹ bà Giang lúc này được phân một căn hộ tập thể ở Thành Công. Vợ chồng bà Giang cũng đổi nhà ra Thành Công cho gần mẹ.
Hai gia đình Nam - Bắc
Theo lời kể của bà Giang, mẹ bà là một người được nuôi dạy tử tế, người am hiểu văn chương và thời thế. Cụ ham đọc sách, các loại sách văn học Nga, Truyện Kiều, văn học kinh điển... Phải có một tầm hiểu biết và suy nghĩ hơn người cụ mới quyết định đồng ý để chồng cưới người phụ nữ khác và đi xa không hẹn ngày về.
Chắc hẳn đó là một quyết định chẳng dễ dàng. Sau đó, dòng đời xô đẩy, sống giữa những người lao động cụ vẫn hòa nhập vui vẻ. Giữa những thị phi cụ vẫn vững lòng, bình thản sống, bỏ mặc dị nghị, lời ra tiếng vào. Bởi cụ có niềm tin vào chồng mình. Không những hiểu biết và ham học hỏi, cụ Thanh còn là người nấu ăn rất ngon. Cụ từng có thời gian làm nấu ăn tại Nhà in Tiến Bộ. Tài lẻ của người mẹ đã ít nhiều truyền sang người con gái. Sau này, khi về mất sức, bà Giang lúc thì đồ xôi bán, khi thì làm gánh bún ốc, có thời gian lại bán rau. Bà từng làm nhiều công việc để nuôi dạy các con học hành nên người. Thừa hưởng tài nấu nướng của mẹ bà mua gạo đồ xôi mang xuống chân khu tập thể bán, thế mà mỗi sáng đồ 5 cân gạo xôi đều bán hết. Khi sức khỏe yếu hơn thì bà Giang ở nhà nhận trông trẻ. Đây cũng là công việc mẹ bà từng làm khi ở Nông trường Vân Lĩnh.

Hồ sơ của bà Ngô Thị Xuân, người vợ sau của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức và con trai do Tổng nha cảnh sát Sài Gòn lập sau khi ông bị lộ. Ảnh: Chụp tại nhà lưu niệm.
Thời gian cuối đời mẹ bà Giang sống với con trai tại căn nhà ở Lê Trọng Tấn. Sau khi mẹ bị tai biến, bà Giang nghỉ trông trẻ, ngày ngày đạp xe từ Thành Công qua Lê Trọng Tấn cùng em dâu chăm mẹ. Được hơn một năm thì mẹ bà mất. Đó là năm 2000, năm kỉ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến khi ấy, cụ Thanh, mẹ bà Giang vẫn chưa một lần vào Nam, chưa một lần đặt chân đến đất Sài Gòn.
Cả cuộc đời của mẹ bà Giang chủ yếu ở hậu phương dõi theo những bước chân muôn phương của người đàn ông chọn làm chồng. Cách biệt hai mươi năm đằng đẵng, khi mọi chuyện đã được bạch hóa, đất nước đã hòa bình thì ông Đặng Trần Đức vẫn biền biệt đi xa. Nhiệm vụ mới trên mặt trận mới vẫn cần đến vai trò của những nhà tình báo. Những ai đã đọc cuốn sách “Người thầy” sẽ hiểu rất rõ điều này.
Đằng đẵng 21 năm biệt li, đưa chồng cho người khác chăm sóc vì nghĩa cả, khi đất nước hòa bình thì mọi sự đã rồi, ông Ba Quốc với người vợ sau cũng có tới 4 mặt con tại Sài Gòn trong những năm tháng hoạt động. Cũng chẳng thể trách ông, bởi trước khi vào Nam ông đã về xin phép vợ, nói thật với bà nhiệm vụ phải yêu cầu tạo vỏ bọc, xin phép cưới bà Xuân và vào Nam, sau 2 năm đợi tổng tuyển cử sẽ trở về. Bà Thanh đồng ý nhưng cười bảo, “biết hai năm hay bao nhiêu năm”. Câu cảm thán ấy chẳng ai ngờ như một dự báo về cuộc chia li đằng đẵng hai mươi năm. Sau quyết định ấy, cuộc hôn nhân của ông bà mãi mãi đã khác trước.

Bà Đặng Chính Giang giới thiệu bức ảnh bố bà - Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức với gia đình tại Sài Gòn của ông. Ảnh: PV
Đất nước hòa bình, ông Ba Quốc không còn phải hoạt động trong lòng địch thì mẹ con bà Thanh vẫn tiếp tục cảnh sống thiếu vắng và san sẻ tình thương yêu. Dù vậy bà Thanh không mảy may ghen ghét tị hiềm gì với người phụ nữ vợ sau của ông, là bà Xuân. Một người con của ông Ba Quốc với bà Xuân khi ông bị lộ phải vào căn cứ để tổ chức đưa ra Bắc đã bị Chính quyền Sài Gòn bắt bớ, giam cầm, đánh đập đến thành tật. Cuộc sống của ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức với gia đình thứ hai cũng chịu bao áp lực. Cả hai gia đình đều chịu những hi sinh âm thầm để ông có thể hoàn thành trọng trách. Sau này các con của bà Thanh vẫn gọi bà Xuân là mợ, và các con của bà Xuân cũng gọi bà Thanh là mẹ. Dù ở hai đầu Nam Bắc nhưng tình cảm của họ vẫn là một nhà, không có sự phân biệt. Cho đến thế hệ các cháu sau này cũng vậy, vẫn thấu triệt tinh thần Nam - Bắc một nhà.
(Còn nữa)
NGUYỄN XUÂN THỦY
VNQD