Hoà trong nhiều hoạt động trọng điểm diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dịp kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Triển lãm chuyên đề “50 năm vang mãi bản hùng ca” đang diễn ra tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Triển lãm đã cho người tham quan một cái nhìn toàn cảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Triển lãm đã giới thiệu tóm lược về Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý trong cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cùng với đó là những hình ảnh, tư liệu về chặng đường phát triển của TP. Hồ Chí Minh từ sau giải phóng đến nay. Đây là hoạt động do Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp với Cục Chính trị Quân đoàn 34 và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Kết cấu của triển lãm gồm 3 phần (Con đường giải phóng; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; LLVT Quân khu 7 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975), trưng bày mang tính hệ thống đã giúp cho người xem có một hình dung tổng thể về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giúp cho mỗi người dân tiếp cận các kiến thức lịch sử một cách dễ dàng.

Nhân viên thuyết minh Trần Thị Duân giới thiệu triển lãm cho các sinh viên.
Ở phần thứ nhất, bằng hình ảnh những người lính Mĩ cuối cùng rút quân về nước ngày 29/3/1973, phần thuyết minh sẽ dẫn công chúng bắt đầu câu chuyện từ sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đế quốc Mĩ đánh chiếm miền Nam, thế chân thực dân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Kể từ đó, Việt Nam một lần nữa trải qua cuộc chiến tranh trường kì, bền bỉ chống Mĩ suốt 19 năm ròng để đi tới việc Mĩ phải ngồi vào đàm phán và kí Hiệp định Paris với ta vào ngày 27/1/1973.
Câu chuyện tiếp tục được dẫn dắt bằng việc, dù rút quân nhưng Mĩ lại ra sức ủng hộ cho chính quyền Sài Gòn, xua quân lấn chiếm vùng giải phóng và thực hiện ý đồ bình định, lấn chiếm theo kiểu uỷ nhiệm. Trước tình hình đó, Nghị quyết lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã động viên toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn kịp thời âm mưu và hành động phản kích của địch, vạch đường chỉ lối cho miền Nam tiến lên. Nghị quyết 21 chỉ rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”.

Một phối cảnh tái hiện Sở chỉ huy của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bức ảnh Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp từ 18/12/1974 - 8/01/1975 quyết định giải phóng hoàn toàn Miền Nam đã giới thiệu quyết sách quan trọng, thông qua kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976 của Trung ương Đảng. Phần thuyết minh cũng làm rõ sự nhấn mạnh của kế hoạch “Cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”.
Tình hình biến chuyển mau lẹ theo hướng có lợi cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 diễn ra trong gần 2 tháng mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (4/3-3/4/1975) giải phóng Buôn Mê Thuột vào 10/3/1975, lực lượng địch rút chạy khỏi Tây Nguyên bị ta truy kích tạo nên sự hỗn loạn và tâm lí hoang mang cho binh lính Nguỵ quân Sài Gòn. Phát huy thắng lợi mở màn của Chiến dịch Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, đã mở chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5-3 đến 26-3-1975) nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 Quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Chiến dịch Trị Thiên - Huế ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn. Thắng lợi của chiến dịch tạo thời cơ mới cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 phát triển tiến công mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (từ 26/3 đến 29/3/1975). Sau hơn ba ngày tiến công thần tốc, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ Quân đội Sài Gòn ở Đà Nẵng (bao gồm Quân khu 1 và Quân đoàn 1 của Quân đội Sài Gòn).

Một số đồ dùng của các vị lãnh đạo, nhân chứng Chiến dịch Hồ Chí Minh trưng bày tại triển lãm: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định (Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam); Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên); Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (Chính ủy Quân đoàn 4)...
Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định thời điểm tiến công vào sào huyệt cuối cùng của Quân đội Sài Gòn đã chín muồi, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam chậm nhất là trong tháng 4.
Ngày 31/3/1975 Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm chiến lược mới “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất...”. Điều này đã được thể hiện bằng hiện vật Bức điện mật số 1574 lúc 9h30 ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi các đơn vị Quân giải phóng nêu cao tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa"...
Về xuất xứ tên gọi “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, không phải người dân nào cũng tường tận thì khi dự triển lãm họ cũng sẽ nắm được qua phần thuyết minh của nhân viên triển lãm khi giới thiệu bức ảnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo tình hình Sài Gòn trước khi thông qua quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 15/4/1975: “Để động viên lực lượng cả nước, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường do đồng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư Lệnh. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định mang tên mới: Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nhân viên thuyết minh Đinh Thị Thanh Ngà dưới bức ảnh cuộc họp Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo tình hình Sài Gòn.
Từ ngày 26 đến ngày 28/4/1975 các quân đoàn lần lượt tiến vào Sài Gòn, đập vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, ngăn không cho địch rút chạy về vùng đồng bằng Sông Cửu Long, cuộc chiến diễn ra rất nhanh vì vùng ven xung quanh Sài Gòn đã có các đơn vị đặc công biệt động lót sẵn từ trước. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn đồng loạt tổng tiến công đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng trong Thành phố Sài Gòn: Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 1/5/1975, toàn bộ lực lượng còn lại của Việt Nam Cộng hòa tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Ảnh trên: Chiếc cánh quạt máy bay A37, hiện vật được phi công Từ Đễ tặng cho Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh được trưng bày cùng các hiện vật khác. Ảnh dưới: Cựu Đại tá, phi công Từ Đễ cùng ông Nguyễn Khắc Nhu, nguyên Trợ lí tác chiến Trung đoàn 66, đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 áp giải nội các Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng có mặt tại Triển lãm "50 năm vang mãi bản hùng ca" trong ngày khai mạc. Ảnh: VNN
Điểm đặc biệt ở triển lãm “50 năm vang mãi bản hùng ca” là đã giới thiệu đến công chúng một số hiện vật mới. Ngày 28/4/1975, một biên đội gồm 5 máy bay A37 do Đại úy Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận) tiến về sân bay Tân Sơn Nhất, phi đội đã ném bom sân bay này, phá hủy 24 máy bay, diệt 200 binh lính ngụy. Việc sân bay Tân Sơn Nhất bị ném bom khiến cho chiến dịch di tản bằng đường không của Mĩ không thể thực hiện, buộc phải tổ chức chiến dịch di tản “liều mạng” bằng máy bay lên thẳng. Chiếc cánh quạt của chiếc A37 tham gia Phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 do phi công Từ Đễ, một trong những thành viên phi đội tặng cho Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh mới đây là một hiện vật như thế. Hiện vật này đã được đem trưng bày giới thiệu với công chúng trong triển lãm kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Điều quý hơn là trong ngày khai mạc triển lãm, Đại tá, phi công Từ Đễ đã có mặt nói về hiện vật quý giá mà ông hiến tặng cho bảo tàng.
Phần thứ ba của triển lãm dành giới thiệu về sự tham gia của lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo đó, tại miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo huy động vật lực tại chỗ, lấy vũ khí, phương tiện của địch trang bị cho mình, kể cả chọn dùng số tù hàng binh, để phục vụ chiến đấu. Tới cuối năm 1974, bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam được tổ chức tới cấp quân đoàn, gồm 16 sư đoàn bộ binh và các lữ đoàn, trung đoàn binh chủng. Đây là những đơn vị cơ động trên địa bàn quân khu, lực lượng chiến đấu tại chỗ và có thể phối hợp chiến đấu với các quân đoàn trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Lực lượng vũ trang Quân khu 7 từ người chiến sĩ vệ quốc chân đất, tầm vông vạt nhọn trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến chống Pháp đã trưởng thành vượt bậc, trở thành đội ngũ hùng mạnh với tổ chức ba thứ quân và phát triển rộng khắp. Trải qua chặng đường 30 năm kháng chiến “gian lao mà anh dũng”, “đi trước về sau”, LLVT miền Đông Nam Bộ - Quân khu 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Hồ Chủ tịch: Bắc - Nam sum họp một nhà.

Một thông cáo của Ủy ban quân quản Thành phố Đà Nẵng ngày 30 tháng 3 năm 1975 được giới thiệu tại triển lãm.

Bên cạnh các hiện vật, triển lãm "50 năm vang mãi bản hùng ca" còn giới thiệu các ấn phẩm về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Triển lãm “50 năm vang mãi bản hùng ca” nhằm tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Qua đó, bồi đắp niềm tin, lòng tự hào đối với Đảng, Bác Hồ, Quân đội; hun đúc tinh thần yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Triển lãm mang đến cho khách tham quan nhiều hình ảnh về những khoảnh khắc lịch sử cùng các hoạt động trải nghiệm đặc sắc. Theo Thiếu tá CN Đinh Thị Thanh Ngà, nhân viên thuyết minh triển lãm, từ khi mở cửu đón khách ngày 8/4/2025, mỗi ngày triển lãm đã đón hàng trăm lượt khách tham quan, từ các cựu chiến binh, bà con nhân dân và các các học sinh, sinh viên. Các nhân viên trực triển lãm đã nhiều lần chứng kiến những cựu chiến binh rưng rưng đứng trước những hiện vật trưng bày như sống lại một phần kí ức. Bên cạnh việc trưng bày, trong không gian Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh dịp này còn triển khai những hoạt động bổ trợ. Ngoài tham quan các hình ảnh về lịch sử được trưng bày trong nhà và ngoài trời, du khách còn được “ẩn nấp” trong hầm chữ A, may cờ giải phóng... Những ngày qua hoạt động này đã thu hút học sinh nhiều trường học trên địa bàn thành phố đến tham quan, trải nghiệm.
Tham quan triển lãm sẽ giúp thế hệ đã trải qua thời chiến nhớ lại kí ức năm xưa, ôn lại kí ức về một thời hào hùng trong những ngày kỉ niệm đất nước thống nhất; còn với thế hệ trẻ hôm nay sẽ giúp họ cảm nhận được một thời khói lửa cha ông đã trải qua, để thêm trân quý từng phút giây hòa bình.
Triển lãm "50 năm vang mãi bản hùng ca" sẽ diễn ra đến ngày 20/5/2025 tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, số 2, Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
THIỆN NGUYỄN
VNQD