Nền văn học Việt Nam hiện đại có sự góp mặt quan trọng của một thế hệ các nhà văn cầm bút khi trở về từ chiến trường. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Nguyễn Khắc Nguyệt, Thái Chí Thanh, Trung Sỹ, Vũ Công Chiến, Đoàn Tuấn, Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Vũ Điền…
Chiều 10/4/2025, Thư viện Quân đội (83 Lý Nam Đế, Hà Nội) đã tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh. Sự kiện được tổ chức hướng tới kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Buổi toạ đàm có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội.
Toạ đàm có sự tham gia của hai nhà văn là hai nhân chứng lịch sử: Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380, Lữ đoàn xe tăng 203 - đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 và nhà văn, cựu chiến binh Vũ Công Chiến. Cả hai nhà văn đều có những tác phẩm ấn tượng viết về người lính từ góc nhìn của người trong cuộc.
Viết về đồng đội để trả nợ
Thời khắc không thể nào quên, sự kiện lịch sử không thể nào quên của dân tộc ta đó là khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, người sau này là tác giả của 16 đầu sách viết về người lính là một trong những người lính đã trải qua những thời khắc quan trọng đáng nhớ ấy tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Tại buổi toạ đàm, nhà văn đã chia sẻ những câu chuyện, những cảm xúc của mình vào thời khắc ấy.
Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt kể: Lẽ ra chúng tôi chỉ đánh vòng ngoài. Do đơn vị đánh xe tăng chỉ còn 3 xe, còn bị cháy hết. Một trong những xe bị cháy có xe của hoạ sĩ, nhà điêu khắc, đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng. Ông nổi tiếng vì đã vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu của mình khi đã bị thương mù cả hai mắt ngay trên chiến trường. Xe tăng của ông bị cháy ngày 28/4/1975 trong trận đánh Nước Trong, và ông đã bị hỏng mắt trong trận ấy. Thủ trưởng lệnh xe 380 của tôi lên tiếp ứng đại đội 5 để chọc thủng Nước Trong nhưng vẫn không được. Xe bị trúng đạn, hai người hi sinh còn lại tôi và một đồng đội.
Sáng 30/4 tôi đi trong đội hình thê đội 2 nên có điều kiện quan sát kĩ hơn những gì diễn ra xung quanh. Có những kí ức ăn sâu đến tận bây giờ. Đó là khí thế chiến đấu của quân đội ta, quân giải phóng lúc đó không gì có thể đánh bại. Tôi nhinf vào đoàn quân và tin tưởng không kẻ thù nào có thể đánh được đoàn quân ấy. Sự đón tiếp đoàn quân giải phóng của nhân dân Sài Gòn cũng là kí ức mà tôi không bao giờ quên. Khi chúng tôi giải phóng Huế và Đà Nẵng nhân dân còn có sự dè dặt nhưng ở Sài Gòn là sự hân hoan nhiệt tình.

Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt (giữa) và nhà văn Vũ Công Chiến (phải) tại buổi toạ đàm.
Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ cảm xúc nhiều chiều trong lòng người lính trẻ, lúc đó ông mới 21 tuổi. Niềm vui sướng tự hào quá lớn, ông và pháo thủ còn lại trên xe 308 đã ôm nhau ở sân dinh Độc Lập trong niềm vui sướng tột cùng. Ngày cuối cùng của chiến tranh họ vẫn còn sống và được chứng kiến phút giây ấy. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, nhà văn cũng chia sẻ cảm xúc khi trên xe tăng vẫn còn máu đồng đội Nguyễn Kim Duyệt hi sinh ngày 28/4 và còn nhiều đồng đội nữa. Cảm giác thương tiếc đồng đội trào lên. Đến nay trong ông cảm xúc ngày chiến thắng vẫn nguyên vẹn cho dù đã 50 năm qua.
Sau 30/4/1975 ông đi học tiếp rồi về binh chủng làm công tác huấn luyện. Ông còn học tiếp Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhà văn chia sẻ: Tôi luôn nghĩ về sự hi sinh của đồng đội cho mình được hưởng hoa thơm quả ngọt sau này. Nên tôi luôn muốn viết về họ, những người lính đã sống đã hi sinh như nào. Tôi viết như người mắc nợ, viết để trả nợ và để hậu thế biết được về họ. Nên tôi quyết định dùng năm tháng sau khi nghỉ hưu để viết về đồng đội. Bút ký lính tăng đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tôi lấy vốn sống để bù đắp thiếu hụt về văn chương. Tôi viết về chính đại đội của tôi đã giải phóng Huế và Đà Nẵng, đánh Nước Trong, húc cổng cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập như thế nào...
Tài hoa ra trận
Thuộc thế hệ của những “tài hoa ra trận”, nhà văn Vũ Công Chiến nhập ngũ khi vừa có giấy gọi nhập học của trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971. Ông chiến đấu tại chiến trường Nam Lào và mặt trận B3 Tây Nguyên. Cuốn sách Hồi ức lính của Vũ Công Chiến góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về những người lính trong cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ của dân tộc và càng thêm trân trọng hoà bình, độc lập hôm nay.
Tại buổi toạ đàm, những chia sẻ chân thực cảm xúc của ông đã chạm đến trái tim mọi người. Vũ Công Chiến là lính bộ binh, trung đội trưởng, tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Cuốn Hồi ức lính của ông viết nhẹ nhàng như người kể chuyện. “Tôi viết bằng trí nhớ. Tôi nhắm mắt nghĩ, trở về mình của khi đó, khi thấy mình rung lên trong thời khắc của quá khứ thì tôi viết, viết với tư cách là người trong cuộc. Tôi không biết sử mà tôi viết hồi ức. Tôi ở vào thời khắc đó để viết chứ tôi không dùng hiện tại để viết. Cuốn sách của tôi ca ngợi tình đồng đội. Tình đồng đội là cao hơn tất cả”, nhà văn nhấn mạnh.

Buổi toạ đàm thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ trong quân đội.
Nếu như khoảnh khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975 nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt có mặt ở dinh Độc Lập thì đơn vị của Vũ Công Chiến vừa trải qua trận đánh Đồng Dù ngày 29/4. Ngày 30/4 đơn vị ông cách sân bay khoảng 30km thì được lệnh dừng lại. Sau đó cấp trên thông báo Dương Văn Minh đã đầu hàng. Đơn vị ông rẽ vào vườn cây của dân nghỉ trưa. Kỉ luật quân đội rất nghiêm khắc, lúc đó có lệnh cấm không ai được bắn chỉ thiên lên trời, không được hò hét dù cảm xúc vỡ oà. Những người lính nói với nhau “sống rồi chúng mày ạ, sẽ được trở về nhà”. Trận Đồng Dù quân ta lấy được thịt hộp thuốc lá của Mĩ nên lấy ra dùng. Trong cảm xúc ấy Vũ Công Chiến đã viết câu thơ: Ngoảnh cổ nhìn khắp mọi nơi/ Thấy cờ giải phóng rợp trời miền Nam.
Cả nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt và Vũ Công Chiến đều không phải dân văn, không phải người học viết nhưng khi viết họ đã chạm đến trái tim bạn đọc. Chiến tranh như cuộc trường chinh rất nhiều cây số. Dinh Độc Lập là cây số cuối cùng. Các nhà văn bước ra từ cuộc chiến ấy đã viết bù vào những khoảng trống, những góc khuất những thân phận mà chúng ta chưa được biết để hậu thế biết được lớp trước đã sống và chiến đấu như thế nào.
THUỲ MAI
VNQD