Gắn kết quân trên mặt trận tuyên truyền về quân sự, quốc phòng

Thứ Bảy, 11/11/2023 11:34

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, địa bàn Tây Bắc luôn có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh. Chính vì vậy, việc phối hợp tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của các cơ quan báo chí, truyền thông mà cần có sự phối hợp rất chặt chẽ cụ thể từ các cơ quan quân sự, các đơn vị quân đội.

Theo thống kê, tính đến thời điểm giữa năm 2023, Báo - Truyền hình Quân khu 2 và Bộ CHQS 9 tỉnh trên địa bàn phối hợp với các Đài PT-TH tỉnh xây dựng và tổ chức sản xuất, phát sóng theo định kì 17 chuyên mục truyền hình hằng tháng (Quân khu và mỗi tỉnh gồm 2 chuyên mục/tháng; 03 tỉnh 01 chuyên mục/tháng). Mỗi chuyên mục có độ dài 15 đến 20 phút. Các chương trình đều được bố trí phát sóng lại từ 2 đến 3 lần vào các khung giờ khác nhau. Chương trình Truyền hình Lực lượng vũ trang Quân khu 2 sau khi được xuất bản ở Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục được phát sóng trên Đài 8 tỉnh còn lại. Như vậy, hằng tháng, các chuyên mục Truyền hình về công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn Quân khu chiếm tới 600 đến 700 phút phát sóng ở Đài các địa phương. Ngoài ra còn có các Chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” của Đài PT-TH phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới thực hiện cũng mang dáng dấp chuyên mục PT-TH về quân sự - quốc phòng.

Để có nội dung đủ điều kiện phát sóng, Cục Chính trị Quân khu 2 đã phối hợp với Ban Giám đốc Đài PT-TH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Cục Chính trị Quân khu 2 thông nhất lên khung chương trình. Mặc dù cơ chế tự chủ về tài chính tác động, nhưng quan điểm của Ban Giám đốc các đài ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền về mảng quân sự, quốc phòng.

Lãnh đạo, phóng viên Báo Quân khu 2 và Đài PT-TH Phú Thọ phối hợp tổ chức trưng bày Hội Báo Xuân Đất Tổ năm 2023. Ảnh: PV

Đối với sóng Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ, nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Đài cho biết, sau khi cân nhắc, bàn bạc kĩ lưỡng, khung chương trình phát sóng các chuyên mục quân sự, quốc phòng đã được ấn định hai chuyên mục của Quân khu được bố trí phát vào các khung giờ “vàng”, từ 20 giờ các tối thứ Tư tuần thứ nhất, thứ ba hằng tháng. Còn hai chuyên mục của Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ được ấn định phát sóng lúc 21 giờ các tối thứ Năm, tuần 2 và tuần 4 hằng tháng. Nhà báo Tuyết Chính nhấn mạnh: “Khi ấn định khung thời gian phát sóng, nhất là vào khung giờ được nhiều khán thính giả chờ đợi và chú ý, thì yêu cầu về nội dung, hình thức chương trình phải thực sự hấp dẫn, có tính báo chí cao mới thu hút và giữ được chân khán giả. Ban đầu cũng có đôi chút băn khoăn, bởi lực lượng trực tiếp làm chuyên mục của các đơn vị, nhất là Bộ CHQS tỉnh còn mỏng, anh em đều làm báo kiêm nhiệm. Hơn nữa đề tài quốc phòng, quân sự là những đề tài khó khai thác, dễ khô cứng và gây nhàm chán. Tuy nhiên bằng nhiều biện pháp phối, kết hợp, trong đó có tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ, trình độ và kinh nghiệm của anh em chững chạc lên rất nhanh. Đến giờ, sau nhiều năm duy trì khung giờ phát sóng cố định, anh em có thể sản xuất, xử lí hậu kì hoàn chỉnh trước khi gửi về Đài. Cả 4 chuyên mục về quân sự, quốc phòng được xuất bản, phát sóng ở Đài đều có chất lượng tốt. Nhiều tác phẩm trong chuyên mục được Đài bóc tách để phát sóng trong chương trình thời sự chính.

Cũng theo nhà báo Tuyết Chinh, ngoài các chuyên mục phát sóng định kì, ở những thời điểm quan trọng, sự kiện chính trị, xã hội lớn có liên quan diễn ra, Ban Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ kết hợp rất chặt chẽ với Báo - Truyền hình Quân khu 2 và Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ để sản xuất những chương trình ý nghĩa phục vụ công tác tuyên truyền.

Về thời gian cố định phát sóng, ngoài Đài PT-TH Phú Thọ, 8 Đài của các tỉnh còn lại trên địa bàn Quân khu 2 cơ bản xác định thời gian phát sóng lại của Chuyên mục Truyền hình quân sự - quốc phòng Quân khu 2 sau khi được Đài Phú Thọ xuất bản; đồng thời phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh sản xuất chuyên mục quân sự, quốc phòng của địa phương, phát vào các khung giờ định sẵn, chủ yếu được phát sóng vào các khung giờ buổi tối. Mỗi địa phương có phương pháp phối hợp cụ thể, phù hợp nhất.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Đại úy chuyên nghiệp Phùng Văn Phương, nhân viên Đội chiếu phim được giao trực tiếp phối hợp với phóng viên Đài PT-TH tỉnh sản xuất chương trình. Theo định kì, Đại úy Phùng Văn Phương trực tiếp xây dựng kế hoạch, kịch bản cho từng chuyên mục, xin ý kiến của chỉ huy Phòng Chính trị và Ban Tuyên huấn, sau đó thông báo cho phóng viên chuyên trách của Đài PT-TH phối hợp thực hiện. Phóng viên Lê Dũng, Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp phụ trách chuyên mục, trực tiếp tiếp nhận kế hoạch kịch bản, báo cáo lãnh đạo, rồi cùng Phương chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp, sản xuất chương trình, trong đó sử dụng hầu hết các hình ảnh mà anh em trong bộ phận đã thu thập được. Phần hậu kì, Ban Giám đốc Đài trực tiếp phê duyệt và phát sóng. Công việc phối hợp nền nếp hiệu quả, Phương trở thành trợ thủ đắc lực, mũi công của chuyên mục quân sự - quốc phòng; còn phóng viên Lê Dũng dần dần trở thành bạn thân quen của cơ quan chính trị Bộ CHQS tỉnh. Anh am hiểu các hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương để vận dụng, rất thuận lợi trong phối hợp tác nghiệp.

Những người lính thực hiện chuyên mục quân sự, quốc phòng và đại biểu tham dự Hội nghị phối hợp tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng giữa Quân khu 2 và Ban Tuyên giáo, Đài PT-TH các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc. Ảnh: PV

Trung tá Lê Thế Thành hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và phối hợp thực hiện Chuyên mục quân sự, quốc phòng. Gần 20 năm trước, khi tốt nghiệp Khoa Văn hóa cơ sở, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội về đơn vị, Thành đã được tiếp cận nhiệm vụ làm PT-TH, bắt đầu từ việc đọc lời bình chìm, nổi, học dần, luyện dần từ kinh nghiệm của các phóng viên, kĩ thuật viên của Đài. Thành từng bước làm quen với các thủ thuật nghiệp vụ. Giờ đây, anh trở thành người phóng viên kì cựu, thân thiết với các phóng viên phòng chuyên đề và đào tạo thêm 3 cán bộ, nhân viên làm chuyên mục ở đơn vị để thay thế nhau thực hiện nhiệm vụ. Biên tập viên Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phòng Chuyên đề, Đài PT-TH tỉnh Lai Châu chia sẻ, mặc dù Bộ CHQS tỉnh rất khó khăn về cơ sở vật chất kĩ thuật, nhưng các cán bộ, nhân viên được giao phụ trách chuyên mục quân sự, quốc phòng rất tâm huyết với nghề, cơ quan chuyên môn rất yên tâm khi nhận chuyên đề của cơ quan quân sự để duyệt, phát sóng.

Tìm hiểu qua các Phòng Chuyên đề Đài PT-TH các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2, các biên tập viên, phóng viên đều chung một nhận xét về tác phong người lính, tinh thần trách nhiệm, say nghề của những nhà báo không chuyên làm chuyên mục quân sự - quốc phòng. Dẫu vậy, như nhà báo Trần Mạnh Cường, Trưởng phòng Chuyên đề Đài PT-TH từng thổ lộ, giá như các “nhà báo” chiến sĩ dám “dấn thân” hơn, lăn xả hơn với cuộc sống và nhiệm vụ của Lực lượng vũ trang, từ đó sẽ có những câu chuyện “đời” hơn, gần chiến sĩ hơn vì các anh chị em là người trong cuộc”. Và nhà báo Mạnh Cường cũng cảm thông: “Thực ra đòi hỏi này cũng khó, bởi cơ bản các chiến sĩ, nhân viên bên Quân đội đều kiêm nhiệm làm nhà sản xuất truyền hình”. Để có được những Chuyên đề phát sóng đúng định hướng, đúng định kì, nhiều khán thính giả chờ đón xem là niềm hạnh phúc là thành quả của sự kết nối, phối hợp, chia sẻ chuyên môn, từ quá trình gắn kết quân - dân giữa nhà Đài và Bộ CHQS các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2. Đấy cũng là nét đặc trưng rất riêng có của chuyên mục phát thanh, truyền hình về quân sự, quốc phòng.

Có được điều này không thể không nhắc đến sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo chỉ huy của Quân khu 2. Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, mỗi năm một lần, Cục Chính trị Quân khu 2 phối hợp với Ban Tuyên giáo, báo, Đài phát thanh, truyền hình (PT-TH) các tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt đánh giá việc thực hiện “Quy chế phối hợp công tác tuyên truyền, giáo dục về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trên địa bàn Quân khu” mà một trong những sản phẩm phối hợp tuyên truyền nổi bật chính là Chuyên mục PT-TH về quân sự, quốc phòng phát sóng trên Đài PT-TH các tỉnh.

Địa bàn Quân khu 2 bao gồm 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai. Dân số trên địa bàn 9 tỉnh chỉ khoảng 7,6 triệu người nhưng diện tích tự nhiên lại chiếm khoảng 1/5 diện tích cả nước nên việc di chuyển để thực hiện mọi nhiệm vụ tốn nhiều thời gian và khó khăn bởi địa hình rừng núi. 5 tỉnh biên giới thuộc địa bàn Quân khu có đường biên dài gần 1.400 km, tiếp giáp với Trung Quốc và Lào. Dưới góc độ quân sự, quốc phòng, địa bàn Quân khu 2 được coi là vùng phên dậu phía Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc. Bởi vậy, sự phối hợp quân sự trên mặt trận tuyên truyền về lĩnh vực quân sự, quốc phòng là một hoạt động quan trọng, nhất là trong thế trận truyền thông hôm nay cũng như việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

ĐỨC ĐÀO

VNQD
Thống kê