Lao Khô, địa chỉ đỏ trên vùng đất biên cương

Thứ Sáu, 27/10/2023 00:59

. NGUYỄN VŨ ĐIỀN
 

Có một địa danh mà khi nghe tên, người ta liên tưởng đến một nơi xa lắc: Phiêng Sa.

Xa, bởi địa danh ấy nằm sát đường biên giới phía tây, giữa huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (Việt Nam), với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Xa, bởi ngày xưa, đó là nơi dân cư thưa thớt, cả bản Phiêng Sa chỉ có 4 hộ gia đình đồng bào Mông sinh sống. Con đường về bản gập ghềnh, khúc khuỷu xuyên giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, tưởng như không bao giờ kết thúc... Tìm đường tới đó đâu có dễ.

Khu di tích cách mạng Lao Khô tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Quốc Khánh

Xa còn bởi những sự kiện diễn ra ở nơi này đã hơn 70 năm, nên nếu không nhắc, sẽ chẳng ai còn nhớ.

Nhưng hôm nay, Phiêng Sa - Lao Khô không còn xa nữa. Con đường đến Lao Khô dù vẫn còn đèo dốc nhưng đã được nâng cấp, sửa sang và trải nhựa rộng rãi. Trên bản đồ, bản Lao Khô nằm ngay sát đoạn biên giới lồi hẳn sang đất Lào, giống như hình đầu và bờm của một con tuấn mã đang phi nước đại.

Giữa một miền biên cương núi non trùng điệp, Lao Khô trở thành một địa bàn hết sức lí tưởng về quân sự. Từ đây có thể tiến sang đất Lào xây dựng căn cứ, xây dựng cơ sở cách mạng và khi cần có thể trở về, dựa vào dân để củng cố lực lượng. Với tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trần Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Ban xung phong Lào Bắc đã chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân trước khi bước vào đất Sầm Nưa hoạt động, xây dựng căn cứ và lực lượng vũ trang của cách mạng Lào những năm 1948 - 1949.

Lao Khô hôm nay đã trở thành một bản Mông đông đúc với hàng trăm nóc nhà. Bà con sống an bình giữa những cánh rừng biên giới. Một điểm du lịch lịch sử - Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào đã được xây dựng tại chính bản Phiêng Sa xưa kia, để lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích còn là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, quan hệ đoàn kết đặc biệt, tình cảm thủy chung son sắt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Đến thăm Lao Khô, ta sẽ hiểu hơn về những chiến công của Đội xung phong Lào Bắc, những câu chuyện về mối tình quân dân, giữa cụ Tráng Lao Khô và người dân Phiêng Sa với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào Bắc 74 năm trước. Những câu chuyện mà bất kể ai khi nghe xong cũng có những cảm xúc rất đặc biệt, sẽ hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị vô tư, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) hôm nay. Ảnh: Hiếu Anh

Từ chính mảnh đất Lao Khô và sự yêu thương, đùm bọc, che chở với tấm lòng “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” của người dân Lao Khô, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã trở về lãnh đạo thành công cuộc chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc Lào thân yêu.

Trong bài phát biểu chào mừng Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng12/1976), Chủ tịch Cay-xỏn khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, có nhiều tấm gương sáng về tình cảm quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào và chưa có ở nơi đâu tồn tại mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như mối quan hệ Lào - Việt Nam. Mối quan hệ đó đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, mẫu mực, hiếm có và ngày càng được củng cố, phát triển vững chắc. Chúng tôi nguyện hết sức vun đắp cho tình hữu nghị Lào - Việt Nam ngày một xanh tươi, đời đời bền vững.”

Ngày 25/5/1971, Chủ tịch Su-pha-nu-vông sang thăm Việt Nam. Trong bầu không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị, ông phát biểu: “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại. Không có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị tốt đẹp đó được vun đắp bằng tinh thần trong sáng không có kẻ thù nào phá nổi.”

Và Phiêng Sa - Lao Khô là một địa chỉ đỏ, góp phần tạo nên mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đó.

Hôm tôi tới thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, dưới trời nắng chang chang, cả dòng người nghiêm trang thành kính trước Tượng đài hữu nghị. Họ là những cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam đã từng tham gia những trận đánh một mất một còn với kẻ thù trên đất bạn Lào hơn nửa thế kỉ trước. Nay họ trở về để được sống trong kí ức hào hùng và vẻ vang mà Ban xung phong Lào Bắc và nhân dân bản Phiêng Sa, cụ Tráng Lao Khô đã đặt những viên gạch đầu tiên tại mảnh đất này. Đối với họ, Phiêng Sa - Lao Khô gần lắm. Phiêng Sa - Lao Khô chưa bao giờ xa trong tâm khảm, trong kí ức của những người lính năm xưa.

Bên cột mốc biên giới mang số hiệu 135, cả một dải biên cương trùng điệp và hữu nghị hiện ra trước mắt mọi người.

N.V.Đ

VNQD
Thống kê