. PHẠM TIẾN LUẬT
Cứ thu xếp được thời gian mấy anh em chúng tôi cùng là bạn đồng niên, đồng ngũ, đồng môn lại ngồi uống cà phê cùng hưởng sự thanh thản sau những năm tháng hoàn thành nhiệm vụ của đời quân ngũ. Mới chỉ một vài tuần chưa gặp nhau mà người đến trước ngồi đợi ở chiếc bàn quen thuộc dõi mắt ra cửa, rồi như sáng bừng khuôn mặt khi đã có đủ cả bốn anh em cùng thầm reo lên: “Anh Thế đã đến rồi!” Tay bắt mặt mừng, người nhường ghế, người gọi đồ ăn thức uống theo sở trường vì đã thuộc nết ăn của từng người và bao giờ cũng có ấm trà nóng thơm ngon cùng chung vui đậm đà ấm áp như tấm lòng của người lính chiến. Sau những chuyện hàn huyên gia đình và quê hương đất nước, đã vào giữa tháng 5, kí ức ùa về, chúng tôi lại say sưa như sống lại những ngày tháng của mùa hè đỏ lửa gian khổ và kiên cường ác liệt của chiến dịch Quảng Trị năm 1972.
Chiến sĩ Vũ Đức Thế - năm 1974
Trung tướng Đỗ Phúc Hưng cùng nhập ngũ với anh Vũ Đức Thế tháng 12 năm 1971. Anh Hưng đã tốt nghiệp cấp 3 Bắc Kiến Xương. Anh Thế là học sinh giỏi chuyên toán của trường cấp 3 Lê Quý Đôn thị xã Thái Bình. Các anh được biên chế về Sư đoàn 320B. Anh Hưng ở Trung đoàn 48, anh Thế ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64. Vừa nhập ngũ đã được trang bị đầy đủ như một người lính chiến, huấn luyện ở Thanh Hóa, Nghệ An, hành quân thẳng vào chiến trường Quảng Trị. Mang vác nặng hành quân bộ kết hợp huấn luyện các môn kĩ chiến thuật bộ binh. Qua bao khó khăn gian khổ, tháng 5 năm 1972, cả đơn vị đã vào đến chiến trường Quảng Trị. Tiểu đoàn của anh Vũ Đức Thế nhận nhiệm vụ xây dựng công sự trận địa chốt trên cao điểm 16 đồi cát Long Quang, ngay từ những ngày đầu đã bị B52 của địch ném bom tọa độ rải thảm vào trận địa. 3 loạt bom đầu tiên đã cướp đi hơn 10 người chiến sĩ ưu tú của Tiểu đoàn, nhiều đồng đội chưa được bóp cò súng đã hi sinh. Sau mỗi đợt bom B52 và pháo kích của địch từ hướng biển vào, bộ đội ta lại tận dụng tre gỗ từ nhà dân củng cố công sự trận địa đào hầm chữ “A”, đào lại giao thông hào chốt chặn quân địch. 15 ngày liền, bộ đội chỉ ăn lương khô, thịt hộp, ruốc mặn... Ban đêm, im tiếng súng từng tổ 3 người mới tranh thủ khai thác thêm thực phẩm tại chỗ để cải thiện. Trong một đêm vắng lặng, anh Vũ Đức Thế và Tiểu đội phó Lê Đức Phóng, mình trần chỉ mặc quần đùi thắt dây lưng to, đeo trang bị chiến đấu ngồi trên miệng hào quan sát địch. Một linh cảm làm anh Thế ớn lạnh rùng mình, vừa kịp nhảy xuống giao thông hào thì bom B52 của địch đã nổ như xé nát không gian yên tĩnh.
Trung tướng Đỗ Phúc Hưng kể lại: Trong trận Phương Lang Đông, hợp đồng tác chiến có cả bộ binh, pháo binh, xe bọc thép là trận đánh đầu tiên của đơn vị theo chiến thuật vận động chiến với Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến 147 - đơn vị chủ lực thiện chiến và ác ôn khét tiếng của quân nguỵ Sài Gòn. Hỏa lực của địch ở các điểm cao bắn ra cực kì ác liệt, đơn vị vẫn quyết tâm đánh chiếm lại các điểm chốt, chiến sĩ Bảo đeo máy 2W, đạn 12,8 li của địch bắn trúng máy bị hư hỏng nặng, anh Hùng Chính trị viên Đại đội lệnh bỏ lại máy, Bảo đầu trần, mái tóc xoăn dính đầy bụi cát, vẫn đeo máy trên lưng cơ động chiến đấu (bố anh Bảo là Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình). Giữa mịt mù lửa đạn trên đường vận động, bộ đội vô cùng mệt mỏi, anh Thế cùng 2 chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn bất chợt thấy một chiếc xe PT-76 chạy qua và dừng lại, trên xe có anh Phương Tiểu đoàn trưởng, anh Chịu Chính trị viên Tiểu đoàn và phóng viên mặt trận Nghĩa Dũng mang máy quay phim đang tác nghiệp. Tiểu đoàn trưởng khoát tay vẫy mấy anh em lên xe. Thấy xe đã đông người, chỉ huy Tiểu đoàn đang cơ động từng giây từng phút bám sát bộ đội, anh Vũ Đức Thế nhường cho 2 chiến sĩ liên lạc lên xe còn mình vẫn chạy bộ theo đội hình chiến đấu. Thật run rủi khi chiếc xe mới chạy tiếp được khoảng 100m, một quả pháo 105 của địch bắn trúng chiếc xe nổ tung, tất cả mọi người trên xe đều hi sinh. Lần thứ 2, anh Thế sống sót chỉ trong gang tấc. Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch cam go quyết liệt, giữa mưa bom bão đạn, ý chí kiên quyết tiến công của Tiểu đoàn 8 ngay từ trận đánh đầu tiên đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh, để lại trang sử truyền thống cùng những chiến công hiển hách trên chiến trường Quảng Trị.
Sau khi Hiệp định Paris được kí, ta và địch đều quyết liệt đánh chiếm giành đất. Trận địa pháo của địch thường xuyên bắn sang đất của ta. Tiểu đội trinh sát của anh Thế trang bị gọn nhẹ bí mật cơ động vượt nước lũ sông Thạch Hãn quyết tâm tiêu diệt trận địa pháo nằm sâu trong đất địch. Xong nhiệm vụ, đội hình chiến đấu rút ra không kịp phải ém mình nằm giữa cánh đồng lúa chịu đói chịu khát 1 ngày 1 đêm vét từng vũng nước. Tiểu đội gần chục người đều bị khô cháy tưởng như sẽ chết cùng những cây lúa giữa nắng hè. Có hai đoàn dân tản cư chạy giặc đi qua, thấy bộ đội mà vẫn giữ bí mật, quân địch không hề hay biết, tận đêm xuống anh Thế và đồng đội mới tìm đường về đơn vị.
Cựu chiến binh Vũ Đức Thế (thứ 2 từ trái sang) tại đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64
Là một học sinh giỏi chuyên toán của tỉnh Thái Bình, người con của quê hương thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình, huyện Thư Trì (nay thuộc thành phố Thái Bình), là con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em, anh Vũ Đức Thế trở thành người chiến sĩ chiến đấu anh dũng ở chiến trường Quảng Trị, người dũng sĩ đã bao lần vượt qua cái chết trong gang tấc, người thương binh vẫn mang những mảnh đạn pháo địch ghim ở phần đầu chịu di chứng đến tận bây giờ. Năm 1974, người thương binh 1/4 Vũ Đức Thế được về thi vào học trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 19 cùng Thiếu tướng Lê Công (sau là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội) và chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Anh đã được đi nghiên cứu sinh ở Bungari từ năm 1986.
Với ý chí kiên cường của người lính chiến thời bom đạn ác liệt nhất và tư duy kinh tế nhạy bén, tiến sĩ Vũ Đức Thế đã tham gia xây dựng một tập đoàn kinh tế lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã là một doanh nhân thành đạt có cuộc sống gia đình đầm ấm, người dũng sĩ mặt trận Quảng Trị Vũ Đức Thế không nguôi nhớ những ngày tháng gian khổ ác liệt nhưng hào hùng, hàng chục lần anh và các bạn chiến đấu về lại chiến trường Quảng Trị, nhiều lần anh lặng người xúc động ở nơi đồng đội đã hi sinh bên bờ chiến hào, nơi người Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn cùng các đồng đội và chiếc xe bọc thép nổ tung khi trúng pháo địch, anh bồi hồi nhớ ơn những người dân yêu nước quê hương Quảng Trị đã che chở bảo vệ các anh ở cánh đồng khô hạn nắng cháy giữa vòng vây của địch.
Anh Thế cùng các đồng đội góp công sức xây dựng Đài Chiến Thắng và nơi thờ cúng các liệt sĩ ở Phương Lang Đông, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng trên đất Quảng Trị anh hùng. Người đồng đội hi sinh bên mép chiến hào Lê Đức Phóng đã được đưa hài cốt về quê Vũ Việt, Vũ Thư, Thái Bình. Anh Thế cũng vào tận Phú Quốc, tìm thăm chị Phan Thị Quyên khi chị không còn khoẻ nữa.
Tình cảm và kỉ niệm sâu sắc của anh Thế cùng đồng đội lan truyền sang cả gia đình vợ con. Cứ mùa hè đến, người vợ đức hạnh Nguyễn Thị Thanh Hợp và hai con gái yêu Vũ Bích Ngọc - Vũ Quỳnh Châu lại chuẩn bị hành trang và nhắc anh cùng đồng đội vào thăm đồng chí, thăm đồng bào và chiến trường Quảng Trị anh hùng.
Chén trà ấm trên môi, bốn anh em lặng nhìn ngắm nhau và thấy anh Vũ Đức Thế vẫn trẻ trung như ngày còn trong quân ngũ, ánh mắt đăm chiêu như đang nhớ thương đồng đội - những người bạn đã chiến đấu đồng cam cộng khổ ngày nào.
P.L
Thái Bình, ngày 1 tháng 7 năm 2023
VNQD