Được cấu trúc tựa như một bản giao hưởng với năm chương: Sấm động rừng Lam – Lê Lợi mài gươm – Bên bếp lửa nhà sàn – Bàn thề Lũng Nhai – Cờ nghĩa, trường ca Lê Lợi mài gươm dẫn người đọc đi từ đau thương, căm giận trước tội ác của giặc xâm lăng đến nung nấu, ấp ủ và bừng cháy ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, quyết tâm giành lại giang sơn Đại Việt. Những quãng nhịp trầm - lắng - day dứt đau khổ chuyển lan sang suy tư - nung nấu khắc khoải (của người chủ soái) rồi bùng lên mạnh - gấp - hào hùng - âm vang, đã kết dệt nên âm hưởng sử thi của tác phẩm. Rất ít câu - từ bị non lép là một ưu điểm của trường ca Lê Lợi mài gươm. Tính thống nhất, liền mạch, duy trì bởi một cảm xúc tròn đầy, mạnh mẽ và kiêu hãnh đã làm nên năng lượng của mỗi câu thơ, mỗi chương đoạn và toàn bộ tác phẩm.
Lê Lợi mài gươm của Nguyễn Minh Khiêm khởi phát từ ngọn nguồn thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, đánh thức những suy tư – cảm xúc ở hiện tại nối kết vào lịch sử. Cùng với giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật ở mức khá cao đã đưa tác phẩm này vào danh sách những trường ca chất lượng không chỉ của năm 2020 mà trong lịch sử thể loại trường ca hiện đại Việt Nam.
Nhà phê bình NGUYỄN THANH TÂM
VNQD