Ngày 7/9/2019, tại trụ sở Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam (53 Nguyễn Du, Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu văn hoá minh triết phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lí học phương Đông tổ chức Toạ đàm khoa học “Tìm về cội nguồn sử Việt” (lần II năm 2019).
Quang cảnh Toạ đàm
Trong văn hóa sử truyền thống và trong chính sử đã ghi nhận: Nước Văn Lang lập vào năm Nhâm Tuất, năm thứ 8, vận 7, Hội Ngọ, với địa bàn lập quốc là Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Đông Hải. Tức năm 2879 TCN. Đây là chính văn của chính sử còn lại, không phải là một huyền thoại hay truyền thuyết.
Như vậy, Việt sử trải gần 5.000 năm văn hiến, tính từ 2879 TCN, với quốc hiệu là Văn Lang dưới triều đại của các vua Hùng, như chính sử ghi nhận, đến nay (2019) là 4.898 năm lịch sử. Duy nhất trong lịch sử văn minh nhân loại, Việt tộc là một dân tộc tự hào với danh xưng văn hiến, một thời huyền vĩ bên bờ Nam sông Dương Tử.
Nhưng gần đây, không ít nhà sử học có quan điểm cho rằng: Nước Văn Lang thực chất chỉ là “liên minh 15 bộ lạc”, “hình thành vào khoảng thế kỉ thứ VII TCN”, với “địa bàn hoạt động chỉ vỏn vẹn ở đồng bằng sông Hồng”. Quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử này được giới thiệu là “hầu hết các nhà khoa học trong nước và cộng đồng khoa học thế giới ủng hộ”, trong vòng vài chục năm trở lại đây?!
Như vậy, từ khi xuất hiện quan điểm "xét lại" nói trên, thì tồn tại hai quan điểm khác nhau về cội nguồn Việt sử.
Buổi Toạ đàm là diễn đàn để các nhà nghiên cứu bày tỏ quan điểm khoa học của mình, vì vấn đề cấp thiết là tìm về chân lí khách quan của cội nguồn Việt sử.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh - người đã trình bày báo cáo đề dẫn Toạ đàm rất công phu - thì Việt sử gần 5.000 năm văn hiến một thời huyền vĩ bên bờ Nam sông Dương Tử. Quốc hiệu đầu tiên là Văn Lang, dưới thời trị vì của các vua Hùng. Không gian và thời gian lập quốc Văn Lang, đúng như chính sử đã ghi nhận, từ năm 2879 TCN.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh:
“Sự phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt sử 5.000 năm văn hiến, là một sự hoài nghi những vấn đề chưa sáng tỏ cần giải quyết, chứ không thể coi đó là một hệ thống luận cứ khoa học, đủ chặt chẽ để phủ nhận cội nguồn truyền thống Việt sử 5.000 năm văn hiến.
Những luận cứ phủ nhận quan niệm truyền thống Việt sử dựa trên nền tảng phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử, xuất hiện cách đây hơn 100 năm, căn cứ vào những di sản khảo cổ học. Nhưng, di sản khảo cổ và ngành khảo cổ học không phải là phương pháp khoa học duy nhất chứng minh lịch sử”.
Hệ thống luận cứ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đưa ra để chứng minh Việt sử trải gần 5.000 năm văn hiến và có cội nguồn từ miền Nam sông Dương Tử là: Sự liên hệ những truyền thuyết và huyền thoại mô tả thời Hùng Vương, trong hệ thống truyền thuyết lịch sử, luôn bắt đầu bằng “Vào thời Hùng Vương thứ…” với những di sản văn hóa phi vật thể còn lưu truyền đến tận ngày nay. Tục ăn trầu còn đến thế kỉ XII ở Nam Dương Tử, đến ngày nay ở cả Đài Loan và phổ biến ở Việt Nam. Bánh chưng, bánh dày còn trong di sản văn hóa truyền thống Việt. Tục nhuộm răng đen, xăm mình vẫn còn đến ngày nay ở Việt Nam và cả Nhật Bản từ gần 1.000 năm trước. Hiện tượng áo cài vạt bên trái, được ghi nhận trong kinh Lễ, liên hệ với các bản văn lịch sử khác, như An Nam chí lược và các di sản liên quan đến chiếc áo cài vạt bên trái còn đến bây giờ ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Sử kí xác nhận “Nam Dương Tử là nơi Bách Việt ở” liên hệ với các bản văn lịch sử khác. Những bằng chứng khảo cổ ở cả Việt Nam và Nam Dương Tử, như Mộ Rồng, Tam Tinh Đôi… Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh còn đưa ra hệ thống luận cứ thứ hai là những tri thức của Lí học Đông phương, mà nền tảng là thuyết Âm dương - Ngũ hành và Kinh dịch, thuộc về nền văn hiến Việt.
Đối tượng được quán xét và tìm hiểu trong cuộc Toạ đàm thực chất là thời đại Hùng Vương, cội nguồn Việt sử. Trong thời gian 1 ngày, các cử toạ còn được nghe và thảo luận sôi nổi xung quanh nội dung tham luận tâm huyết của nhiều nhà khoa học khác.
Toạ đàm khoa học "Tìm về cội nguồn sử Việt" đưa ra các tiêu chí xác định cội nguồn sử Việt, thừa nhận những công trình nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế từ góc nhìn của các ngành khoa học tân nhân văn, như cổ sinh, khảo cổ, nhân chủng, cổ ngữ, triết học, tâm lí học miền sâu, công nghệ di truyền (ADN), cơ cấu, huyền sử… để xác định:
a. Người Việt thuộc chủng Mông Cổ phương Nam / South-Mongoloid với gốc nhân chủng là người Lạc Việt / Luo Yue, chủng Indonesian được hình thành từ hai chủng Australoid và Mongoloid từ 70.000 năm trước. 50.000 năm trước người Việt tiền sử đi lên Tây Tạng và Ấn Độ. 40.000 năm trước họ đi lên khai phá các vùng thuộc hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, xây dựng nên các trung tâm văn hóa lớn như Giả Hồ 9.000 năm, Hà Mẫu Độ, Ngưỡng Thiều 7.000 năm, Lương Chử 5.300 năm.
b. Người Việt đã xây dựng nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ ở châu Á. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa, chữ Lạc Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Tất cả những thành tựu của văn minh Trung Hoa đều được bắt đầu từ nguồn gốc văn hóa Việt…
c. Văn Minh nông nghiệp đã sản sinh ra nền văn hiến Việt Nam 5.000 năm trên cơ sở nền tảng Kinh Dịch và thuyết Âm dương Ngũ hành. Đây là minh chứng cội nguồn của sử Việt.
VĂN NGUYỄN
VNQD