Ý chí và trí tuệ của dân tộc
“Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B -52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” - những lời nói của Bác vẫn được Đại tá Nguyễn Xuân Mai nhớ mãi. Ông khâm phục dự đoán tài tình của Bác và khẳng định, nhờ có thời gian dài nghiên cứu công phu, tích cực chuẩn bị, chúng ta mới có thể “giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội”. |
Chia sẻ tại tọa đàm Hà Nội - 12 ngày đêm máu và hoa, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972 - 2017), do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức chiều 25.12, Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam, báo Phòng không - Không quân cho biết, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là kết quả chuẩn bị trong 10 năm trời của quân và dân ta, là ý chí và trí tuệ của dân tộc. Đại tá Nguyễn Xuân Mai kể: Năm 1962, miền Bắc mới có bộ đội Phòng không, chưa có tên lửa, không quân, toàn miền Bắc mới có 10 trung đoàn Pháo cao xạ, 3 trung đoàn radar. Khi đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng Phòng không, Bác hỏi: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”, thấy ông lúng túng, Bác ân cần nói: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… Nhưng trước sau nó sẽ đến chiến trường Việt Nam. Từ nay, là Tư lệnh Binh chủng Phòng không, chú phải theo dõi tìm hiểu, nghiên cứu về loại máy bay này”. Những lời căn dặn của Bác đã được đồng chí Phùng Thế Tài nhắc lại khi tiếp xúc với cán bộ cơ quan khi mới về làm Tư lệnh, và Đại tá Nguyễn Xuân Mai được nghe từ cuộc tiếp xúc ấy.
Đúng như dự đoán của Bác, không lâu sau, ngày 18.6.1965, đế quốc Mỹ đưa máy bay vào chiến trường miền Nam, từ đó thường xuyên dùng máy bay B-52 rải thảm, đánh vào căn cứ địa và sát hại nhân dân. Cũng từ đầu năm 1965, ở miền Bắc xây dựng được Trung đoàn tên lửa đầu tiên, huấn luyện chuẩn bị ra quân chiến đấu trận đầu vào tháng 7. Biết tin và muốn động viên chiến sĩ trước giờ ra trận, Bác đến thăm Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo phòng không 234 bảo vệ Thủ đô ngày 19.7.1965, Bác còn đội thử chiếc mũ sắt của người lính giữa trận địa. Sau khi hỏi han chiến sĩ, Bác khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Lời của Bác đã trở thành lời dạy bộ đội phòng không - không quân quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược...
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm |
Ảnh: TTXVN |
Tết Giáp Ngọ 1966, các đơn vị bộ đội phải ăn Tết bên mâm pháo. Đại tá Nguyễn Xuân Mai vinh dự theo Bác đến thăm tiểu đoàn bảo vệ pháo cao xạ ở đê Mai Lĩnh, thị xã Hà Đông. Bác nói chuyện thân mật, hỏi thăm bộ đội: Các cháu có thịt gà, bánh chưng, có nước mắm ớt để ăn Tết không? Trời mưa có đủ áo ấm để mặc không?... Bác hỏi cặn kẽ về đời sống của chiến sĩ và trước khi Bác về dặn: “Chúc các chú bắn rơi nhiều máy bay!”...
“Sổ tay phóng viên”
Để những tin tức về ngày tháng chiến tranh ác liệt, đặc biệt là thời điểm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không (từ 18 - 30.12.1972) được chuyển tải liên tục tới đồng bào, nhiều phóng viên thường xuyên phải có mặt ở trận địa, đối mặt với hiểm nguy. Đại tá Nguyễn Xuân Mai vẫn nhớ kỷ niệm về các đồng nghiệp, đồng đội của mình tác nghiệp. Ông kể: “Khi đồng chí Xuân Át - phóng viên chụp ảnh, thấy B-52 bay trên bầu trời Hà Nội, trong khi mọi người chạy xuống hầm, thì anh đứng ở cửa rạp Dân Chủ để chụp ảnh. Dù máy bay ném bom hết một bên phố Khâm Thiên, anh bị bụi đất phủi đầy người nhưng vẫn kịp ghi lại hình ảnh thảm sát ấy. Cũng trong quá trình tác nghiệp, có phóng viên hy sinh vì B-52...”.
Trong 12 ngày đêm, biết tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đâu, Đại tá Nguyễn Xuân Mai nhanh chóng có mặt ở đó. Ông ghi âm, chụp ảnh khi lãnh đạo chỉ đạo bộ đội Phòng không - Không quân. Buổi trò chuyện của đồng chí Phạm Văn Đồng khi ông đến thăm rạp Bộ Đội ngày 22.12.1972, lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trận địa tên lửa và chỉ huy sở ở trụ sở quân chủng Phòng không - Không quân, hay lời biểu dương của Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng với Tiểu đoàn 77 khi bắn rơi nhiều máy bay B-52... được ông ghi lại đầy đủ. Trong đợt ném bom B-52 trên bầu trời Hà Nội, tình hình chiến đấu hàng giờ, hàng ngày của quân và dân ta được ông tổng hợp trong Sổ tay phóng viên trong 12 ngày đêm.
Đến nay, bản thảo viết vội ấy cùng nhiều bản ghi âm vẫn được Đại tá Nguyễn Xuân Mai nâng niu, gìn giữ. 45 năm qua, ông luôn tuân thủ kỷ luật “sấy máy” để bảo quản, lưu giữ các bản ghi âm, tài liệu được tốt nhất. Đó là kỷ niệm và là kỷ vật về những ngày tháng gian khổ, hào hùng của Hà Nội.
Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)