Chiều Chủ nhật 10/3/2019, vườn Ơ KÌA HÀ NỘI (639/39/39 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) trưng bày những tác phẩm hội hoạ hiện thực và trò chuyện cùng những hoạ sĩ của nhóm hiện thực.
Một góc chụp của Chiều Xuân Hiện Thực
Những bức tranh của các hoạ sĩ Phạm Bình Chương, Vũ Ngọc Vĩnh, Nguyễn Lê Tân, Đoàn Văn Tới, Lưu Tuyền, Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Trịnh Minh Tiến… được trưng bày lẫn vào hiện thực của khuôn viên sân vườn, dưới tán tre, tán mít, tán hồng bì… trong buổi chiều cuối xuân Hà Nội. Tại đây, khách nghệ thuật được lắng nghe những chia sẻ và quan điểm nghệ thuật của nhóm hiện thực về một loại hình mĩ thuật vừa xưa cũ vừa mới mẻ này.
Hội hoạ hiện thực, cũng như văn học hiện thực, ở châu Âu, ra đời cuối thế kỉ 19 như một phản kháng chống lại bất công xã hội và thẩm mĩ của giai cấp quý tộc và tăng lữ. Người ta vẽ và viết về người nghèo khổ, bị áp bức, những số phận hẩm hiu bi đát… và coi đó mới là hiện thực của xã hội, hiện thực của đa số. Ngày nay người ta hay gọi vẽ tả thực (representational) là hiện thực. Các cách gọi này hiện đang gây tranh cãi. Có quan điểm cho rằng, tả thực chỉ là một lối nhìn lối vẽ, có thể gọi là một phong cách thôi, chưa phải là một “chủ nghĩa” bao gồm cả từ mục đích, chủ đề và phong cách.
Hoạ sĩ Lê Thế Anh nhận định: “Ở Việt Nam, trước đây, hội hoạ hiện thực thường bị cho là ‘nệ thực, ‘ít tính sáng tạo’, ‘vẽ như thế thì chụp ảnh cho nhanh’… Sở dĩ bị định kiến như vậy là vì lúc đó hội hoạ hiện thực còn phân tán riêng lẻ, chưa tập hợp thành một trường phái, một đội ngũ. Gần đây, hội hoạ hiện thực mới xác lập được vị thế bình đẳng trong ngôi nhà mĩ thuật.
Khi bạn vẽ đúng thì sẽ đạt tiêu chí đẹp, nhưng quan trọng hơn là đẹp về nội dung, về chiều sâu tư tưởng của bức tranh. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt ánh nhìn của những đứa trẻ vùng cao. Tranh của tôi kể câu chuyện về số phận, ẩn ức, mơ tưởng, khát vọng… của những đứa trẻ vùng cao, những đứa trẻ nhưng không phải là chưa biết gì”.
Gần quan điểm ấy, hoạ sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: “Tôi vẽ hiện thực không phải để chứng tỏ mình có khả năng vẽ như thực, tranh như ảnh chụp, mà là vẽ để đưa ra một câu chuyện của/về đời sống. Tranh phong cách hiện thực hiện nay cũng bình đẳng như tranh phong cách khác, tự thi đấu với các phong cách khác. Có nghĩa là vẽ theo phong cách gì không quan trọng, quan trọng là hoạ phẩm chạm được vào người xem. Tranh hiện thực là tranh dễ bán. Muốn 'cao giá' thì hoạ sĩ phải sở hữu một phong cách riêng, phải vẽ hiện thực không giống bất kì một ai khác”.
Một tác phẩm hiện thực của hoạ sĩ Phạm Bình Chương
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ sự cảm kích của mình đối với nhóm hiện thực: “Tôi rất nể khi nhóm đã tập hợp nhau thành một đội ngũ, một lực lượng, hợp quần với nhau nhưng không lẫn vào nhau, mỗi người một phong cách, một cá tính, một đường đi riêng, để rồi cùng nhau kiên trì kiến tạo giá trị, kiến tạo công chúng”.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến chia sẻ về tính giá trị của tranh hiện thực, về một viễn cảnh lí tưởng của hội hoạ hiện thực: “Tranh hiện thực có giá trị không phải ở chỗ nó giống hiện thực mà là ở chỗ người hoạ sĩ rung cảm trước hiện thực và có khả năng dùng kĩ thuật để kích truyền rung cảm đó nơi người xem. Tranh hiện thực hướng về công chúng trung bình. Lúc nào những công chúng trung bình có khả năng tài chính để mua tranh, có nhà đẹp để treo tranh thì ngày đó là thời điểm lí tưởng nhất của tranh hiện thực”.
Tranh của nhóm hiện thực đã hiện diện ở nhiều bảo tàng nghệ thuật trong nước, có tác phẩm đã được trưng bày ở Đại học Washington, Hoa Kì.
P.V
VNQD